Chung Tay Chăm Lo Phát Triển Giáo Dục Tiểu Học
Có thể bạn quan tâm
5 Điều Bác Hồ dạy, chỉ với 30 chữ nhưng chứa đựng tất cả những giá trị, cốt cách, phẩm hạnh con người Việt Nam. Học sinh tiểu học là cấp học đầu tiên được học, được tiếp cận. Từng ngày, các em được vun bồi, chăm sóc để hình thành và phát triển những phẩm chất cao đẹp, giúp các em có mục tiêu, có ý chí nỗ lực phấn đấu rèn luyện, học tập để trở thành công dân tốt góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Muốn như thế cần có nền giáo dục tốt với mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục khoa học, phù hợp và quan trọng cần có môi trường giáo dục đầy tình yêu thương, lòng nhân ái, sự chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Năm học 2021-2022, một năm học rất đặc biệt với muôn vàn khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Có rất nhiều sự thay đổi diễn ra. Các em học sinh, nhất là học sinh tiểu học chịu nhiều tổn thương khi cả một thời gian rất dài không được trực tiếp đến trường. Các em còn rất nhỏ để có thể chuyển đổi, thích ứng với trạng thái cảm xúc mới, với hình thức học tập mới. Những nô đùa hồn nhiên hàng ngày, những hoạt động tương tác trực tiếp với bạn bè hàng ngày đã không còn nhiều, thay vào đó, các em từng bước chuyển sang việc tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy vi tính, tivi, những trang tài liệu được giáo viên gửi,… những phương tiện tự thân không thể chứa đựng, không thể mang đến cho các em đầy đủ cung bậc cảm xúc trong cuộc sống để làm phong phú, làm sâu sắc đời sống tinh thần, để dung hòa giữa việc học tập và vui chơi, giải trí.
Thầy cô cũng thế, luôn tâm niệm dành mọi điều tốt đẹp nhất cho các em học sinh. Thành công, hạnh phúc của người thầy là hàng ngày đến trường, đến lớp, nhìn thấy các em học sinh với ánh mắt xoe tròn, với nụ cười hồn nhiên. Sự đa dạng và chiều sâu trong cảm xúc của người thầy có được từ ý thức rèn luyện, học tập tốt và cả những tinh nghịch, cá biệt của tuổi học trò. Sự trưởng thành của các em học sinh là thước đo hạnh phúc của người thầy. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, sự kỳ vọng vào sản phẩm được tôi luyện từ tâm trí của người thầy đòi hỏi người thầy ngày càng chủ động hơn, sáng tạo hơn, dành nhiều thời gian hơn để có được những trang giáo án, những tiết dạy hay, những bài học làm người sâu sắc dành cho các thế hệ học sinh thân yêu qua từng giờ học trực tuyến, từng buổi dạy học từ xa.
Bậc làm cha làm mẹ cũng thế. Từ khi con được tượng hình, đến lúc con cất tiếng chào đời, đến lúc con bi bô tập nói, rồi đến lúc con bước chân vào trường, hay cả khi con trưởng thành, sự yêu thương, chăm sóc, quan tâm, dạy bảo của cha mẹ ngày càng lớn dần theo thời gian. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, phụ huynh vừa lo lắng sự an toàn của con trẻ; vừa tham gia lao động, sản xuất, làm việc để có nguồn thu nhập đảm bảo nhu cầu thiết yếu; vừa dành thời gian nhiều hơn để cùng với nhà trường hỗ trợ, hướng dẫn các con khi các con học ở nhà. Rất nhiều phụ huynh cùng tham gia nghiên cứu sách, tài liệu, sử dụng các nền tảng dạy học, tiếp cận với nội dung, phương pháp dạy của giáo viên, việc học của các con để cùng với con tham gia học, cùng hỗ trợ các con. Vất vả là thế, nhưng nhìn các con ngày càng có thể tiếp cận, tiệm cận, thích ứng với cách học mới, bậc làm cha mẹ đều rất an lòng.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những điều khó khăn, bất cập. Các yếu tố về tâm lý lứa tuổi của các con trẻ; mức độ đáp ứng của hạ tầng công nghệ, các phương tiện, thiết bị dạy học; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực của người thầy; thời gian của cha mẹ học sinh,… tác động đến chất lượng của các hình thức dạy học trong thời gian qua và dự báo cả thời gian sắp tới. Sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, hợp tác đôi lúc chưa đủ lớn, chưa đủ sâu sắc đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung mà nhà trường và gia đình cùng hướng tới là chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con để các con ngày được trưởng thành.
Chính vì thế, hơn lúc nào hết, sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong chăm lo phát triển giáo dục cần được chặt chẽ hơn. Bên cạnh rất nhiều chất xúc tác để kết chặt mối quan hệ này, có một chất xúc tác tuy vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ và mãi trường tồn. Đó chính là sự yêu thương, lòng nhân ái và tính nhân văn sâu sắc trong giáo dục mà bất kể ai làm giáo dục đều luôn thấm nhuần. Khi nhà trường và gia đình có cùng chung mục tiêu mang lại sự yêu thương cho học sinh, mang lại sự giáo dục tốt nhất cho các em, khi ấy, nhà trường và gia đình sẽ cùng “chung tiếng nói”, cùng “chung hành động”, nhất định, các hoạt động giáo dục sẽ được thực hiện thuận lợi hơn, khoa học hơn, hợp lý hơn và từ đó chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên.
Muốn như thế, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là người đứng đầu cần phải làm thật tốt công tác truyền thông giáo dục. Chú trọng truyền thông đến cộng đồng xã hội, đến phụ huynh học sinh các hoạt động của ngành; những tấm gương nhà giáo tiêu biểu tận tụy vì học sinh; những chỉ đạo, định hướng giáo dục của nhà trường để phụ huynh thông hiểu, trên cơ sở đó đề nghị phụ huynh phối hợp với nhà trường, cùng có trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục các em học sinh.
Hiệu trưởng nhà trường đặc biệt quan tâm bồi dưỡng đội ngũ về đạo đức người thầy, về phương pháp dạy giảng, về đổi mới kiểm tra đánh giá, về kỹ năng dạy học, tập huấn sử dụng các nền tảng dạy học để có những tiết dạy hay, thu hút học sinh say mê học tập. Đầu tư, nghiên cứu các hình thức tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục linh hoạt, thích ứng, hiệu quả để phát huy sự tích cực, chủ động tham gia của từng đối tượng có liên quan. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động tư vấn tâm lý học đường để chia sẻ, thấu hiểu, giảm thiểu những áp lực, những tổn thương tinh thần; tạo động lực cho đội ngũ, cho các em học sinh trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục rất mong muốn phụ huynh học sinh cùng chung tay với nhà trường trong nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất cho con em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường; dành sự tôn trọng đối với nhà giáo, có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện của con em; làm gương cho con em; tích cực tham gia hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường, phối hợp với nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục để giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc giáo dục; cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Có như thế, các thế hệ học sinh mới được được vun bồi, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo trong môi trường giáo dục tốt nhất. Có như thế mới giúp các em hình thành tình cảm, động cơ, thái độ, hành vi đúng đắn trong học tập, trong cuộc sống; giúp các em hình thành, phát triển những phẩm chất, cốt cách, giá trị văn hóa cao đẹp con người Việt Nam, trở thành những công dân tốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.
Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long
Từ khóa » Mục Tiêu Giáo Dục Tiểu Học
-
Mục Tiêu Và Chương Trình Của Giáo Dục Phổ Thông Mới Nhất
-
Mục Tiêu Giáo Dục Tiểu Học Theo Luật Giáo Dục 2020 - Luận Văn 1080
-
Khái Niệm, Vai Trò Và Mục Tiêu Của Giáo Dục Tiểu Học Là Gì?
-
Tìm Hiểu Mục Tiêu Của Giáo Dục Tiểu Học Và Vai Trò Của Giáo Dục Tiểu ...
-
Mục Tiêu Giáo Dục Cấp Tiểu Học Hiện Nay Như Thế Nào? Cấp Giáo Dục ...
-
3 Mục Tiêu Giáo Dục Tiểu Học Quan Trọng Nhất Bạn Nên Biết
-
Nhiệm Vụ Và Vai Trò Của Giáo Dục Tiểu Học Việt Nam Là Gì?
-
3 MỤC TIÊU GIÁO DỤC TIỂU HỌC QUAN TRỌNG NHẤT BẠN NÊN ...
-
[Top Bình Chọn] - Mục Tiêu Của Giáo Dục Tiểu Học - Trần Gia Hưng
-
Mục Tiêu Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông 2018
-
Mục Tiêu Của Giáo Dục Tiểu Học - .vn
-
Mục Tiêu Chung Của Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông 2018
-
Giáo Dục Tiểu Học Là Gì? Mục Tiêu Của Giáo Dục Tiểu Học - Top 10 City
-
Chương Trình Giáo Dục Tiểu Học Giúp Học Sinh - TopLoigiai