CHỨNG TỪ BẢO HIỂM TRONG GIAO DỊCH LC - Mr. Old Man
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Hữu Đức
Trong thời gian qua, thông qua blog “For those who eat, sleep and breathe LC”, người viết bài này nhận được từ đồng nghiệp và bạn đọc quan tâm không ít những câu hỏi liên quan đến chứng từ bảo hiểm xuất trình theo LC. Điều này cho thấy hiểu hết các ngóc ngách của chứng từ bảo hiểm cũng như quy định của UCP 600 và hướng dẫn của ISBP 745 liên quan đến việc kiểm chứng từ bảo hiểm không phải dễ dàng, nhất là đối với những người chập chững bước vào nghề “vạch lá tìm sâu”.
Nhằm giúp bạn đọc quan tâm, đặc biệt là các bạn thanh toán viên ngân hàng và nhân viên xuất nhập khẩu tại các công ty chưa có nhiều kinh nghiệm trong kiểm tra chứng từ xuất trình theo LC, trong bài viết này, người viết giới thiệu một vài nét khái quát về bảo hiểm hàng hóa và những điểm cần lưu ý khi kiểm tra chứng từ bảo hiểm trong giao dịch LC.
KHÁI QUÁT VỀ BẢO HIỂM HÀNG HÓA
Bảo hiểm hàng hóa là gì?
Bảo hiểm hàng hóa là một hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ người cầm giữ bảo hiểm được bồi thường tổn thất đối với hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ cảng bốc hàng hoặc nơi nhận hàng để bốc đến cảng giao hàng hoặc nơi đến cuối cùng. Bảo hiểm hàng hóa là một trong những yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong các giao dịch mua bán quốc tế. Chi tiết của bảo hiểm hàng hóa được xác định theo hợp đồng mua bán.
Ai chịu trách nhiệm mua bảo hiểm và khi nào chứng từ bảo hiểm được yêu cầu xuất trình theo LC?
Nếu điều kiện giao hàng CIF (giá thành, bảo hiểm và cước) hoặc CIP (cước phí và bảo hiểm trả tới nơi đến.) được các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán thì nhà xuất khấu chịu trách nhiệm thu xếp và mua bảo hiểm và xuất chứng từ bảo hiểm phù hợp với yêu cầu và quy định của LC.
Thông thường các ngân hàng đều có mẫu yêu cầu phát hành LC, trong đó có in sẵn yêu cầu về chứng từ bảo hiểm để người yêu cầu phát hành LC chọn lựa. Tùy theo hợp đồng mua bán mà người yêu cầu phát hành LC có thể chọn lựa một chứng từ bảo hiểm thích hợp và có thể bổ sung thêm những yêu cầu về rủi ro bảo hiểm. Dưới đây là một số mẫu chứng từ bảo hiểm thường gặp trong các LC do các ngân hàng Việt Nam phát hành:
Ex 1:Insurance policy/Certificate in assignable form and endorsed in blank for 110% of invoice value covering “all risks” showing claims payable in Vietnam in invoice currency … (Đơn bảo hiểm/Giấy chứng nhận bảo hiểm có thể chuyển nhượng và được ký hậu để trống bằng 110% giá trị hóa đơn, bảo hiểm “mọi rủi ro” thể hiện yêu cầu bồi thường được thanh toán ở Việt Nam bằng đơn vị tiền tệ hóa đơn…)
Ex 2: Insurance policy/Certificate in assignable form and endorsed in blank covering Institute Cargo Clauses A and war risks” for 110% of CIF invoice value showing claims payable in Vietnam and settling agent in Vietnam (full name, address and contact number of the agent) in invoice currency …(Đơn bảo hiểm/Giấy chứng nhận bảo hiểm có thể chuyển nhượng và được ký hậu để trống bảo hiểm rủi ro theo điều kiện A và rủi ro chiến tranh bằng 110% giá trị hóa đơn thể hiện yêu cầu bồi thường được thanh toán ở Việt Nam và đại lý giải quyết bồi thường tổn thất ở Việt Nam (tên đầy đủ, địa chỉ và số liên hệ của đại lý) bằng đơn vị tiền tệ hóa đơn…)
Các điều khoản bảo hiểm phổ biến
Bộ điều khoản bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển được nhiều nước trên thế giới công nhận và áp dụng là Bộ điều khoản của Hiệp hội các nhà bảo hiểm London (Institute of London Underwriters) bao gồm 3 điều khoản bảo hiểm chính thường được sử dụng là:
– Institute Cargo Clause (A) 1/1/82 – Institute Cargo Clause (B) 1/1/82 – Institute Cargo Clause (C) 1/1/82
Đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không chỉ có duy nhất một điều khoản Institute Cargo Clause (AIR) (excluding sendings by post) 1/1/82.
Institute Cargo Clause (A) được xem là điều kiện bảo hiểm mọi rủi ro (all risks), trong khi Institute Cargo Clause (C) là điều kiện bảo hiểm tối thiểu.
Ngoài những điều khoản bảo hiểm chính được lựa chọn, người yêu cầu mở LC có thể bổ sung thêm các điều kiện bảo hiểm phụ nhằm mở rộng và/hoặc thu hẹp phạm vi bảo hiểm. Ví dụ, Institute Cargo Clause (A) including cover for theft, piferage, non-delivery and short delivery (TPND) (Điều khoản bảo hiểm A bao gồm mất cắp, mất trộm, không giao hàng và giao hàng thiếu).
KIỂM TRA CHỨNG TỪ BẢO HIỂM
Điều 28 UCP 600 và các đoạn K (1) – K (23) ISBP 745 Khi LC yêu cầu xuất trình một chứng từ bảo hiểm, chẳng hạn như Đơn bảo hiểm (insurance policy), Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc Tờ khai theo một bảo hiểm bao (declaration under an open cover) thì Điều 28 UCP 600 được áp dụng để kiểm tra chứng từ đó.
Bên cạnh Điều 28 UCP 600, thanh toán viên ngân hàng khi kiểm tra chứng từ bảo hiểm còn dựa theo hướng dẫn của ISBP 745 tại các đoạn từ K (1) – K (23).
Đơn bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm, Tờ khai theo bảo hiểm bao, Phiếu bảo hiểm
LC thể yêu cầu xuất trình Đơn bảo hiểm (insurance policy), Giấy chứng nhận bảo hiểm (Giấy chứng nhận bảo hiểm) nhưng hầu như không bao giờ yêu cầu xuất trình phiếu bảo hiểm (cover note). Thực tế cho thấy mẫu yêu cầu phát hành LC của các ngân hàng thường in sẵn yêu cầu chứng từ bảo hiểm như sau “Insurance policy/certificate…”. Nếu chọn mẫu này, thì Đơn bảo hiêm hay Giấy chứng nhận bảo hiểm xuất trình đều được chấp nhận.
Lưu ý rằng Đơn bảo hiểm có thể được chấp nhận thay cho Giấy chứng nhận bảo hiểm hay Tờ khai theo bảo hiểm bao. Tuy nhiên, nếu LC yêu cầu xuất trình Đơn bảo hiểm thì việc xuất trình Giấy chứng nhận bảo hiểm hay Tờ khai theo hợp đồng bảo hiểm bao thay cho Đơn bảo hiểm không được chấp nhận. Tương tự, việc xuất trình Phiếu bảo hiểm (cover note) không được chấp nhận.
Người phát hành, ký tên chứng từ bảo hiểm
Điều 28 (a) UCP 600 quy định: Chứng từ bảo hiểm, chẳng hạn như Đơn bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc Tờ khai theo bảo hiểm bao, phải được phát hành và ký bởi công ty bảo hiểm, nhà bảo hiểm hoặc đại lý hay người được ủy nhiệm (proxy) của công ty bảo hiểm hoặc nhà bảo hiểm. Bất kỳ chữ ký nào của đại lý hay người được ủy nhiệm cũng phải thể hiện có phải đại lý hoặc người được ủy nhiệm đã ký thay mặt cho công ty bảo hiểm hoặc nhà bảo hiểm hay không.
ISBP 745 tại các đoạn K (2) – K (7) hướng dẫn cụ thể Điều 28 (a) UCP 600 như sau:
K (2) (a): Chứng từ bảo hiểm phải được phát hành và được ký bởi công ty bảo hiểm (insurance company) hoặc nhà bảo hiểm (underwrier) hoặc đại lý hay người được ủy nhiệm của công ty bảo hiểm hay nhà bảo hiểm. Ví dụ, chứng từ bảo hiểm được phát hành và ký bởi “AA Insurance Ltd” được hiểu là đã được ký bởi công ty bảo hiểm.
K (2) (b): Khi người phát hành được nhận biết là “bên bảo hiểm” (insurer), thì chứng từ bảo hiểm không cần phải thể hiện đó là một công ty bảo hiểm hay nhà bảo hiểm.
K (3): Chứng từ bảo hiểm có thể được phát hành trên giấy tiêu đề của một nhà môi giới bảo hiểm, miễn là chứng từ bảo hiểm được ký bới công ty bảo hiểm hoặc nhà bảo hiểm) hoặc đại lý hay người được ủy nhiệm của công ty bảo hiểm hay nhà bảo hiểm.
Nhà môi giới bảo hiểm có thể ký chứng từ bảo hiểm với tư cách là đại lý hoặc là người được ủy nhiệm [thay mặt cho] một công ty bảo hiểm đích danh hay một nhà bảo hiểm đích danh.
K (4): Chứng từ bảo hiểm được ký bởi đại lý hay người được ủy nhiệm phải thể hiện tên của công ty bảo hiểm hay nhà bảo hiểm mà đại lý hay người được ủy nhiệm ký thay mặt họ, trừ phi tên của công ty bảo hiểm hay nhà bảo hiểm đã được nhận biết ở nơi khác trên chứng từ bảo hiểm. Ví dụ, khi “AA Insurance Ltd” được nhận biết là bên bảo hiểm, thì chứng từ có thể được ký “John Doe [by proxy] on behalf of the insurer” (John Doe [thừa ủy nhiệm] thay mặt cho bên bảo hiểm) hoặc “John Doe [by proxy] on behalf of AA Insurance Ltd” (John Doe [thừa ủy nhiệm] thay mặt cho AA Insurance Ltd).
K (5): Khi chứng từ bảo hiểm yêu cầu phải được tiếp ký bởi người phát hành, bên được bảo hiểm hoặc một tổ chức nào đó, thì chứng từ phải được tiếp ký (countersigned). Chúng ta thường thấy ở góc phía dưới bên phải một số chứng từ bảo hiểm hoặc tờ khai hợp đồng bảo hiểm bao (declaration under an open cover) thường có ghi dòng chữ “NOT VALID UNLESS COUNTERSIGNED BY….” (Không có giá trị trừ phi được tiếp ký bởi…). Trong trường hợp này, chứng từ bảo hiểm phải được tiếp ký bởi bên được nêu trong chứng tù bảo hiểm thì mới được có gí trị.
K (6): Chứng từ bảo hiểm có thể chỉ thể hiện tên thương mại của công ty bảo hiểm ở trường ký tên, miễn là nó được nhận biết là công ty bảo hiểm ở nơi khác trên chứng từ bảo hiểm, ví dụ, khi chứng từ bảo hiểm được phát hành và ký tên là “AA” ở trường ký tên nhưng thể hiện tên “AA Insurance Ltd” và địa chỉ và thông tin liên lạc ở nơi khác trên chứng từ.
K (7) (a): Chứng từ bảo hiểm thể hiện bảo hiểm được cung cấp bởi nhiều hơn một bên bảo hiểm có thể được ký bởi một đại lý hoặc người thừa ủy quyền duy nhất thay mặt cho tất cả các người bảo hiểm hoặc được ký bởi bên bảo hiểm thay mặt cho tất cả các bên đồng bảo hiểm. Ví dụ, chứng từ bảo hiểm có thể được phát hành và ký như sau “AA Insurance Ltd, leading insurer for [on behalf of] the co-insurers” (AA Insurance Ltd, nhà bảo hiểm đầu mối thay mặt cho các bên đồng bảo hiểm).
K (7) (b): Bất kể các quy định tại K2, K3 và K4, chứng từ bảo hiểm hiểm thể hiện bảo hiểm được cung cấp bởi nhiều hơn một bên bảo hiểm không cần phải thể hiện tên của từng bên bảo hiểm hay tỷ lệ phần trăm bảo hiểm của từng bên bảo hiểm.
Lưu ý chứng từ bảo hiểm phải được ký bởi công ty bảo hiểm, nhà bảo hiểm hoặc đại lý hay người được ủy nhiệm (proxy) của công ty bảo hiểm hoặc nhà bảo hiểm. Chứng từ bảo hiểm xuất trình không có chữ ký theo yêu cầu tại Điều 28 (a) sẽ không được chấp nhận ngay cả khi chứng từ thể hiện điều khoản “This document is computer generated and no signature is required” (Chứng từ này được tạo bởi máy tính nên không yêu cầu phải có chữ ký).
Bản gốc chứng từ bảo hiểm
Điều 28 (b) UCP 600 quy định: Khi chứng từ bảo hiểm thể hiện nó được phát hành nhiều hơn một bản gốc, thì tất cả các bản gốc phải được xuất trình.
Đoạn K (8) ISBP 745 bổ sung thêm cho rõ rằng các bản gốc xuất trình đó phải được ký.
Người viết muốn lưu ý thêm một số vấn đề sau:
UCP 600 không yêu cầu chứng từ bảo hiểm phải thể hiện số lượng bản gốc phát hành. Nếu LC không quy định số lượng bản gốc chứng từ bảo hiểm thì chỉ cần xuất trình một bản gốc chứng từ bảo hiểm; trường hợp chứng từ bảo hiểm được xuất trình nhiều hơn một bản gốc và không thể hiện số lượng bản gốc được phát hành, thì số lượng bản gốc được xuất trình được xem là số lượng bản gốc được phát hành.
Nếu LC yêu cầu, ví dụ, “Insurance policy in 2 originals”, thì chứng từ bảo hiểm xuất trình không cần phải thể hiện số lượng bản gốc phát hành nhưng ít nhất 2 bản gốc phải được xuất trình.
Nếu LC yêu cầu, ví dụ, “Insurance policy in original and duplicate”, thì chứng từ bảo hiểm xuất trình có thể gồm 2 bản gốc hoặc một bản gốc và một bản copy. Nếu ngân hàng hoặc người mở LC có ý định yêu cầu xuất trình 2 bản gốc thì LC nên yêu cầu “Insurance policy in 2 originals” thay vì “Insurance policy in original and duplicate”
Nếu LC yêu cầu xuất trình trọn bộ chứng từ bảo hiểm (full set insurance policy) và nếu chứng từ bảo hiểm có ghi số lượng bản gốc phát hành thì số lượng bản gốc đó phải được xuất trình đầy đủ; trường hợp không thể hiện số lượng bản gốc phát hành, thì số lượng bản gốc xuất trình được xem là trọn bộ chứng từ bảo hiểm được phát hành.
Ngày trên chứng từ bảo hiểm
Điều 28 (e) UCP 600 quy định: Ngày của chứng từ bảo hiểm không được muộn hơn ngày giao hàng, trừ phi chứng từ bảo hiểm thể hiện rằng bảo hiểm có hiệu lực từ một ngày không muộn hơn ngày giao hàng. ISBP 745 triển khai hướng dẫn quy định này tại các đoạn K (9) – K (11) như sau:
K (9): Chứng từ bảo hiểm không được thể hiện ngày chấm dứt hiệu lực đối với việc xuất trình bất kỳ yêu cầu bồi hoàn tổn thất nào theo chứng từ bảo hiểm.
K (10) (a): Chứng từ bảo hiểm không được thể hiện bảo hiểm có hiệu lực từ một ngày muộn hơn ngày giao hàng.
K (10) (b): Khi chứng từ bảo hiểm thể hiện ngày phát hành muộn hơn ngày giao hàng, nó cần thể hiện rõ bằng cách ghi chú thêm rằng bảo hiểm có hiệu lực từ một ngày không muộn hơn ngày giao hàng.
K (10) (c): Chứng từ bảo hiểm thể hiện bảo hiểm có hiệu lực từ “kho đến kho” (from warehouse to warehouse) hoặc bằng từ ngữ có ý nghĩa tương tự, và được ghi ngày phát hành sau ngày giao hàng, không thể hiện rằng bảo hiểm có hiệu lực từ một ngày không muộn hơn ngày giao hàng. Như vậy, cần phải hiểu rằng cho dù chứng từ bảo hiểm ghi là có hiệu lực từ kho đến kho, nó cũng phải thể hiện ngày phát hành không được muộn hơn ngày giao hàng. Nếu chứng từ thể hiện ngày phát hành muộn hơn ngày giao hàng thì cần phải có thêm một ghi chú thể hiện bảo hiểm có hiệu lực không muộn hơn ngày giao hàng.
Lưu ý rằng trước ISBP 745, ICC từng cho rằng có thể chấp nhận chứng từ bảo hiểm thể hiện ngày phát hành sau ngày giao hàng miễn là trên chứng từ có thể hiện bảo hiểm các rủi ro từ kho đến kho. Nay bằng hướng dẫn tại đoạn K (10) (c) trên đây, ICC đã thay đổi quan điểm, theo đó, chứng từ bảo hiểm thể hiện bảo hiểm có hiệu lực từ “kho đến kho” (from warehouse to warehouse) hoặc bằng từ ngữ có ý nghĩa tương tự, và được ghi ngày phát hành sau ngày giao hàng sẽ không được xem là phù hợp.
Số tiền bảo hiểm và tỷ lệ bảo hiểm
Điều 28 (f) UCP 600 quy định:
Chứng từ bảo hiểm phải thể hiện số tiền bảo hiểm và đơn vị tiền tệ bảo hiểm giống như LC.
Yêu cầu bảo hiểm là tỷ lệ phàn trăm giá trị hàng hóa, giá trị hóa đơn hoặc tương tự được xem là số tiền bảo hiểm tối thiểu được yêu cầu. Nếu LC không thể hiện bảo hiểm yêu cầu, thì số tiền bảo hiểm phải ít nhất là 110% trị giá CIF hay CIP giá trị hàng hóa. Khi không thể xác định được giá trị CIF hay CIP từ các chứng từ, thì số tiền bảo hiểm phải được tính trên cơ sở số tiền yêu cầu thanh toán hay chiết khấu hoặc tổng giá trị hàng hóa thể hiện trên hóa đơn, tùy theo giá trị nào lớn hơn.
ISBP 745 tại các đoạn K (12) – K (16) hướng dẫn thêm một số ý sau: K (12): Khi LC không thể hiện số tiền bảo hiểm, chứng từ bảo hiểm phải được phát hành bằng loại tiền của LC và tối thiểu phải bằng số tiền được thể hiện tại Điều 28 (f). Không có tỷ lệ phần trăm tối đa đối với số tiền bảo hiểm.
K (13): Không yêu cầu giá trị bảo hiểm tính nhiều hơn hai số thập phân.
K (14): Chứng từ bảo hiểm có thể thể hiện rằng bảo hiểm phải chịu mức miễn thường không khấu trừ (a franchise) hoặc miễn thường có khấu trừ (an excess/deductible). Tuy nhiên, khi LC yêu cầu bảo hiểm bất kể tỷ lệ phần trăm, thì chứng từ bảo hiểm không được có điều khoản nêu rằng bảo hiểm phải chịu mức miễn thường không khấu trừ hay miễn thường có khấu trừ. Chứng từ bảo hiểm không cần nếu “bất kể tỷ lệ phần trăm” (irrespective of percentage).
Nhằm làm rõ thuật ngữ “miễn thường không khấu trừ” (a franchise) và “miễn thường có khấu trừ” (an excess/deductible), người viết giải thích kèm theo ví dụ như sau:
Miễn thường không khấu trừ là khoản chi phí mà bên được bảo hiểm phải chịu cho mọi tổn thất có chi phí nhỏ hơn mức miến thường, trái lại công ty bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ các chi phí tổn thất. Ví dụ: Công ty A mua bảo hiểm hàng hóa có giá trị là USD100,000 với mức miễn thường không khấu trừ là 5%, tức là , USD5.000. Nếu giá trị tổn thất là USD4.500 (dưới mức miễn thường), Công ty A sẽ phải chịu chi phí đó và không được yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường. Tuy nhiên, nếu giá trị tổn thất là USD10.000 (lớn hơn mức miễn thường), công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí, tức là, USD10.000 (không khấu trừ mức miễn thường).
Miễn thường có khấu trừ là khoản chi phí mà bên đươc bảo hiểm phải chịu cho mọi tổn thất trước khi công ty bảo hiểm chi trả các chi phí còn lại. Ví dụ: Công ty A mua bảo hiểm hàng hóa có giá trị là USD100,000 với mức miễn thường có khấu trừ là 5%, tức là, USD5.000. Nếu giá trị tổn thất là USD4.500 (dưới mức miễn thường), Công ty A sẽ chịu chi trả chi phí đó. Tuy nhiên, nếu giá trị tổn thất là USD10.000 (lớn hơn mức miễn thường), Công ty A sẽ phải chịu chi phí USD5.000 và công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả chi phí còn lại, tức là, USD5.000 (đã khấu trừ mức miễn thường).
K (15): Khi LC hoặc chứng từ xuất trình cho thấy rõ rằng số tiền yêu cầu thanh toán chỉ thể hiện một phần của tổng giá trị hàng hóa (ví dụ, do số tiền chiết khấu hoặc trả trước hoặc tương tự như vậy, hoặc một phần giá trị hàng hóa sẽ được thanh toán sau), việc tính toán số tiền bảo hiểm phải căn cứ vào tổng giá trị hàng hóa thể hiện trên hóa đơn hoặc LC và theo yêu cầu của Điều 28 (f) (ii) UCP 600.
K (16): Bảo hiểm cùng loại rủi ro cho cùng một lần giao hàng phải được bảo hiểm theo một chứng từ trừ phi nhiều hơn một chứng từ xuất trình thể hiện bảo hiểm từng phần, và mỗi chứng từ thể hiện rõ, theo tỷ lệ phần trăm hoặc bằng cách thể hiện:
(a) giá trị bảo hiểm của từng bên bảo hiểm; (b) mỗi bên bảo hiểm sẽ chịu phần trách nhiệm của riêng mình và không có những điều kiện có trước liên quan đến bất kỳ bảo hiểm nào khác mà có thể đã được thực hiện cho lần giao hàng đó; và (c) tổng giá trị bảo hiểm của các chứng từ ít nhất phải bằng số tiền bảo hiểm được yêu cầu bởi LC hoặc theo Điều 28 (f)(ii) UCP 600.
Rủi ro được bảo hiểm
Điều 28 (g), (h) và (i) UCP 600 quy định:
(g) LC nên quy định loại bảo hiểm yêu cầu, và các rủi ro bổ sung (nếu có) được bảo hiểm. Chứng từ bảo hiểm sẽ được chấp nhận mà không phải xem xét đến bất kỳ rủi ro nào không được bảo hiểm nếu LC sử dụng các từ ngữ không chính xác như “những rủi ro thông thường” (usual risks) hoặc “những rủi ro thông lệ” (customary risks).
(h) Khi LC yêu cầu bảo hiểm “mọi rủi ro” (all risks) và chứng từ bảo hiểm xuất trình có bất kỳ ghi chú hay điều khoản “mọi rủi ro”, cho dù có tiêu đề “mọi rủi ro” hay không, chứng từ bảo hiểm đó sẽ được chấp nhận mà không cần quan tâm đến bất kỳ rủi ro nào được nêu bị loại trừ.
(i) Chứng từ bảo hiểm có thể dẫn chiếu bất kỳ điều khoản loại trừ nào.
Ví dụ dưới đây có thể giúp làm rõ nội dung này:
LC quy định bảo hiểm mọi rủi ro (all risks). Chứng từ bảo hiểm xuất trình thể hiện “mọi rủi ro ngoại trừ rủi ro chiến tranh” (all risks excluding war risks) vẫn được chấp nhận theo Điều 28(h). Liên quan đến điều khoản “mọi rủi ro” ISBP 745 đoạn K (18) hướng dẫn bổ sung thêm:
Chứng từ bảo hiểm thể hiện điều khoản bảo hiểm hàng hóa theo điều khoản A (Institute Cargo Clauses A) hoặc Institute Cargo Clauses (AIR) khi gửi hàng bằng đường hàng không thỏa mãn điều kiện trong LC yêu cầu điều kiện “mọi rủi ro”.
Bên được bảo hiểm và ký hậu
Về bên được bảo hiểm và ký hậu, UCP 600 không nói rõ. Tuy nhiên, các đoạn K (19), K (20) và K (21) ISBP 745 hướng dẫn nội dung này cụ thể như sau:
K (19): Chứng từ bảo hiểm phải được phát hành theo hình thức được LC yêu cầù, nếu cần, thì phải được ký hậu theo lệnh của hoặc cho người mà các yêu cầu bồi thường bảo hiểm có thể chi trả.
K (20) (a): LC không nên yêu cầu chứng từ bảo hiểm phát hành “cho người cầm giữ” (to bearer), hoặc “theo lệnh” (to order). LC nên thể hiện tên của bên được bảo hiểm.
K (20) (b): Khi LC yêu cầu chứng từ bảo hiểm phát hành theo lệnh của một bên đích danh (to order of a named entity), chứng từ đó không cần phải thể hiện “theo lệnh” (to order) miễn là bên đích danh đó được thể hiện là bên được bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm trả tiền bồi thường, và không cấm việc chuyển nhượng bằng cách ký hậu.
K (21) (a): Khi LC không quy định bên được bảo hiểm, chứng từ bảo hiểm không được thể hiện rằng các yêu cầu bồi thường có thể được chi trả theo lệnh của hay cho người thụ hưởng hoặc bất kỳ bên nào mà không phải là ngân hàng phát hành hoặc người mở LC, trừ phi nó được người thụ hưởng hoặcbên đó ký hậu để trống hoặc cho ngân hàng phát hành hoặc người mở LC.
K (21) (b):Chứng từ bảo hiểm phải được phát hành và ký hậu sao cho quyền nhận tiền thanh toán theo chứng từ bảo hiểm được chuyển giao khi hoặc trước khi giao các chứng từ.
Các điều khoản và điều kiện chung của chứng từ bảo hiểm
Theo đoạn K (22) ISBP 745, các ngân hàng không kiểm tra các điều khoản và điều kiện chung của chứng từ bảo hiểm.
Phí bảo hiểm
Theo đoạn K (23) ISBP 745, bất kỳ sự thể hiện nào trên chứng từ bảo hiểm liên quan đến phí bảo hiểm sẽ không được xem xét trừ phi chứng từ bảo hiểm ghi rõ rằng nó không có giá trị trừ phi đã thanh toán phí bảo hiểm và có ghi rõ rằng phí bảo hiểm chưa được thanh toán. Nơi trả tiền bồi thường tổn thất, đại lý giải quyết bồi thường tổn thất
UCP 600 và ISBP 745 không có quy định về nơi chi trả tiền bồi thường tổn thất và đại lý giải quyết bồi thường tổn thất, nhưng hầu hết các LC đều yêu cầu chứng từ bảo hiểm xuất trình phải ghi rõ nơi trả tiền bồi thường tổn thất (claims, if any, payable at/in…) và/hoặc đại lý giải quyết bồi thường tổn thất (settling agent).
Nhằm mục đích thuận tiện và tránh các thủ tục pháp lý cũng như tranh chấp phức tạp có thể xảy ra với công ty bảo hiểm nước ngoài khi yêu cầu công ty bảo hiểm nước ngoài bồi thường tổn thất đối với hàng hóa, người mở LC yêu cầu chứng từ bảo hiểm thể hiện các yêu cầu bồi thường và đại lý giải quyết bồi thường tổn thất ở nước của mình. Người viết bài này khuyến nghị các nhà nhập khẩu Việt Nam nên sử dụng yêu cầu chứng từ bảo hiểm dưới đây:
Insurance policy/Certificate in assignable form and endorsed in blank for 110% of invoice value covering “all risks” showing CLAIMS PAYABLE IN VIETNAM AND SETTLING AGENT IN VIETNAM (full name, address and contact number of the agent) in invoice currency …
Danh mục kiểm tra và những bất hợp lệ thường gặp đối với chứng từ bảo hiểm
Để giúp các thanh toán viên khỏi lúng túng khi kiểm tra chứng từ bảo hiểm, người viết xin liệt kê lại những mục cần lưu ý kiểm tra đối với chứng từ bảo hiểm như sau:
– Loại chứng từ: Chứng từ bảo hiểm xuất trình phù hợp với yêu cầu của LC (Đơn bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc tờ khai theo bảo hiểm bao…).
– Số lượng bản gốc và bản sao: Chứng từ bảo hiểm xuất trình đúng số lượng bản gốc và bản sao theo yêu cầu của LC; toàn bộ bản gốc chứng từ bảo hiểm được phát hành đã được xuất trình đầy đủ.
– Người phát hành và ký chứng từ: Chứng từ bảo hiểm được phát hành và ký bởi công ty bảo hiểm hoặc nhà bảo hiểm hoặc đại lý hoặc người thừa ủy quyền của công ty bảo hiểm/nhà bảo hiểm, hoặc được tiếp ký bởi bên được bảo hiểm nếu bảo hiểm có yêu cầu như thế.
– Ngày phát hành bảo hiểm: Bảo hiểm có hiệu lực không muộn hơn ngày bốc hàng lên tàu, ngày gửi hàng hoặc ngày nhận hàng để xếp, tùy theo trường hợp.
– Ký hậu: Nếu tên của bên được bảo hiểm không phải là ngân hàng phát hành hoặc người mở LC thì chứng từ bảo hiểm phải được ký hậu hợp thức.
– Đơn vị tiền tệ sử dụng trong chứng từ bảo hiểm: Đơn vị tiền tệ sử dụng trong chứng từ bảo hiểm giống với đơn vị tiền tệ của LC/hóa đơn.
– Số tiền bảo hiểm: Số tiền bảo hiểm phù hợp với yêu cầu của LC hoặc theo Điều 28(f) (ii) UCP 600.
– Mô tả hàng hóa: Mô tả hàng hóa trên chứng từ bảo hiểm không mâu thuẫn với mô tả hàng hóa trên hóa đơn, ký hiệu và số… giống với ký hiệu và số trên chứng từ vận tải và tất cả các thông tin khác thể hiện trên chứng từ phù hợp với thông tin trên các chứng từ khác.
– Các rủi ro: Chứng từ bảo hiểm thể hiện các rủi ro đúng với theo yêu cầu của LC.
– Bảo hiểm hàng hóa từ cảng bốc hàng hoặc nơi nhận để bốc đến cảng dỡ hàng hoặc nơi giao hàng theo quy định của LC.
Những bất hợp lệ thường gặp đối với chứng từ bảo hiểm bao gồm: chứng từ bảo hiểm xuất trình không đúng loại bảo hiểm theo yêu cầu của LC; chứng từ không thể hiện ngày phát hành hoặc ngày ngày phát hành sau ngày giao hàng; không được tiếp ký theo yêu cầu của chứng từ; không được ký hậu; mô tả hàng hóa mâu thuẫn với hóa đơn; số tiền bảo hiểm không đủ; tất cả các bản gốc nêu trên chứng từ không được xuất trình đầy đủ…
Như đã trình bày ở phần mở đầu, người viết hi vọng rằng bài viết này có thể giúp bạn đọc quan tâm, đặc biệt là các thanh toán viên ngân hàng cũng như nhân viên xuất nhập khẩu tại các công ty, hiểu rõ về chứng từ bảo hiểm trong giao dịch LC và áp dụng có hiệu quả trong công việc của mình./.
Từ khóa » Khi Lc Yêu Cầu Xuất Trình Hợp đồng Bảo Hiểm
-
Chứng Từ Bảo Hiểm Hàng Hóa Xuất Nhập Khẩu
-
Chứng Từ Bảo Hiểm Lô Hàng - Hoang Long Logistics
-
Vấn đề Ký Hậu Đơn Bảo Hiểm Hàng Hóa Xuất Nhập Khẩu
-
Chứng Từ Bảo Hiểm Hàng Hóa Xuất Nhập Khẩu - Saigon Academy
-
5 Trường Hợp Khiến Hợp đồng Bảo Hiểm Vô Hiệu Nhất định Phải Biết
-
Lưu ý Về Chứng Từ Bảo Hiểm Trong Xuất Nhập Khẩu
-
Sự Khác Nhau Giữa Giấy Chứng Nhận Bảo Hiểm Insurance Certificate ...
-
ĐIỀU KIỆN THANH TOÁN QUỐC TẾ LC, TT, MUA BẢO HIỂM CHO ...
-
Những Vấn đề Cần Lưu ý Về Thủ Tục Mở L/C Khi Thực Hiện Hợp đồng
-
[PDF] QUY TẮC CHUNG VỀ BẢO HIỂM
-
[DOC] Vận đơn đường Biển – Những Vướng Mắc Thường Gặp Trong Kiểm ...
-
[PDF] QUY TẮC BẢO HIỂM CÔNG TRÌNH KỸ THUẬT DÂN DỤNG HOÀN ...
-
[PDF] Giấy Yêu Cầu Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Chuyển - Phú Hưng
-
Hợp đồng Bảo Hiểm Bao