Chương 11: ĐINH CÔNG TRÁNG VỚI QUÊ HƯƠNG VÀ ĐẤT NƯỚC

Đinh Viết Bảo

Các nữ nghĩa quân của Đinh Công Tráng bị bắt đóng gông

trong một trận càn quét của quân thực dân Pháp.

Đinh Công Tráng sinh ngày 14-1-1842 (Nhâm Dần) tại thôn Nham Chàng, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Thân phụ là Đinh Văn Thành - một danh y nổi tiếng tâm phúc nhân từ. Thuở nhỏ theo học cụ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị đậu đến Tam trường. Chán cảnh quan trường, ông theo cha làm thầy thuốc. Ông giỏi môn ngoại khoa lại tinh thông nhâm cầm độn đoán.

Thấy nghề thầy thuốc không chữa nổi cái ung nhọt của xã hội nhà Nguyễn, ông lại bỏ nghề thầy thuốc làm lý trưởng rồi đắc cử cai tổng với ước mong có một vị trí nhất định trong xã hội để chống lại bọn cường hào ác bá, quan lại tham nhũng, bảo vệ dân làng.

Thời kỳ này ông tự cúng mấy ngàn quan tiền để tu tạo đình chùa, xây dựng văn chỉ, mở mang đạo học, mở chợ Chàng để giao lưu buôn bán và hiến 8 mẫu ruộng cho làng cày cấy dùng vào việc chung. Điều đặc biệt đã trở thành giai thoại là ông đã tố cáo tên Bang Diệu, người thôn Yên Phú, xã Thanh Hương về tội lợi dụng chức quyền đánh dân trái phép, trốn lậu thuế nhà nước, cướp đoạt ruộng đất, chứa chấp giáo sĩ ngoại bang, chia rẽ giáo lương, mưu đồ bán nước. Diệu nhiều tiền đút lót quan trên lại có thế Tây nên cuộc tranh tụng kéo dài nhiều năm từ huyện đến tỉnh. Cuối cùng ông đã dùng kế "ve sầu thoát xác" tức là giả chết để lừa đối thủ mới thắng kiện. Diệu bị bộ Hình xử phạt "Trượng nhất bách đồ tam thiên lý" (tức là đánh trăm gậy, đày ba ngàn dặm) và trả ruộng cho làng. Ông đem chia số ruộng đất giành được theo suất đinh. Vụ kiện đã làm rung động cả huyện. Từ đó bọn cường hào ác bá càng nể sợ, bớt nhũng nhiễu dân.

Từ khi vào cung theo kiện, ông biết rằng nhất định giặc Pháp sẽ xâm lược quê hương, nên ngay từ bấy giờ ông đã lập đội tuần phu mạnh, luyện tập võ nghệ, nghiên cứu binh thư, chuẩn bị diệt thù. Vì vậy chỉ sau 10 ngày giặc chiếm quê hương lần thứ nhất (1873) thì ông lập tức kêu gọi văn thân, chiêu mộ nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa. Được các văn thân trong huyện hưởng ứng, ông dùng tiền riêng mua sắm vũ khí, cho đắp lũy bùn rơm quanh các lũy tre làng đồng chiêm, biến thành chiến lũy đánh giặc. Ông thắng nhiều trận ở Chàng, Bưởi, Tàng, Sở Kiện rồi tiến tới giải phóng Phủ Bo (Ý Yên), chợ Dần (Vụ Bản) và Phủ Lý. Lúc này ông được vua Tự Đức phong là "Hiệp quản".

Nhưng năm 1874 nhà Nguyễn lại ký hiệp ước với giặc, thực chất là hiệp ước đầu hàng. Ông trả lại chức tước triều đình rồi đi các nơi tìm người nghĩa khí chống giặc. Ông lên Sơn Tây được Hoàng Kế Viêm phong là lãnh binh và nhận lệnh đi Bảo Hà vời quân Cờ Đen về phối hợp chống Pháp. Ông đánh giặc ở sông Thao (Phú Thọ) cùng với Nguyễn Quang Bích, Bồ Tòng Giáp, rồi về giữ thành Sơn Tây, đánh giặc ở Hà Đông, ngọai thành Hà Nội. Ông đã phối hợp với quân Cờ Đen mai phục ở Cầu Giấy diệt 111 tên giặc trong đó có đại tá Henri Rivière.

Sau đó, ông về gây dựng lại phong trào ở Hà Nam, Nam Định. Nghĩa quân hoạt động mạnh ở Lý Nhân, Vụ Bản, Bình Lục và tham gia giữ thành Nam Định cùng Lê Văn Điềm. Đến lúc này, hầu hết các tỉnh miền Bắc bị giặc chiếm, ông trở về củng cố Thanh Liêm. Được nhân dân ủng hộ, nghĩa quân có tới 5,000 người. Ông tổ chức quy củ, thanh thế mạnh, đánh thắng nhiều trận. Phủ soái Pháp quyết định phải tảo thanh sông Đáy, tiêu diệt nghĩa quân. Cuộc chiến đấu diễn ra khốc liệt. Ông dùng mưu kế, thắng nhiều trận lớn ở Chàng, Thong, Bưởi, ... Nhưng cuối cùng phải bật khỏi quê hương. Không chịu thất bại, Ông xuống Ý Yên rồi vào Thư Điền (Ninh Binh) xây dựng lực lượng chiến đấu. Ở đây ông được quan Điện tiền Tôn Thất Thuyết thay đức vua Hàm Nghi phong là Bình Tây Đại tướng quân.

Từ năm 1883 đến 1885, phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa lên mạnh. Tôn Thất Thuyết có ý định rước vua Hàm Nghi về đây để lãnh đạo kháng chiến trong cả nước. Trước khi đi Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh, ông đã gặp Đinh Công Tráng bàn kế sách cứu nước rồi gửi thư cho Trần Xuân Soạn vời ông vào Thanh Hóa làm chủ soái cứ địa Ba Đình.

Cứ địa do Đinh Công Tráng trực tiếp chỉ huy, xây dựng bằng rơm bùi nhồi vào rọ đất can thành nhanh chóng và bí mật. Đây là một kiểu thành lũy độc đáo, từ xưa chưa ai làm. Nghĩa quân có 300 người và 4 khẩu thần công. Giặc tập trung hai trung đoàn thủy quân lục chiến gồm 3,520 lính Âu trong đó có 75 sĩ quan do 2 trung tá thủy quân, 1 trung tá pháo binh chỉ huy. Về sau chúng điều tên đại tá Brixô trực tiếp chỉ huy. Về vũ khí giặc có 4 tàu chiến, 25 đại bác, còn lại là súng máy, súng trường, sau thêm 2 tàu chở dầu. Tổng đốc Nguyễn Thiện Thuật điều 4 súng thần công, trên 1,000 lính khố xanh. Cố Sáu điều từ Phát Diệm vào trên 1,000 giáo dũng và 5,000 dân phu. Cuối chiến dịch hắn điều thêm 3 tàu thuyền lớn và hàng trăm thuyền nhỏ cho quan thầy.

Giặc mở ba đợt tấn công nhưng đều thất bại nặng nề. Cuối cùng giặc thực hiện kiểu đánh tàn bạo của Napoléon ở Tulông: Hỏa công, diệt viện, công thành. Suốt hai ngày đêm giặc trút liên tục vào căn cứ địa ngót hai vạn qủa đạn đại bác rồi phun dầu đốt thành. Nhưng thành bằng rơm bùn rọ đất của Đinh Công Tráng vẫn đứng vững. Xác giặc ngổn ngang, máu loang đỏ nước. 280 lính Âu và nhiều sĩ quan Pháp bỏ mạng, chưa kể lính triều đình và giáo dũng.

Ba Đình bị ô nhiễm nặng. Đinh Công Tráng dùng thế trận "Hỏa dậy long trầm" rút khỏi cứ địa an toàn. Ông rút lên Cự Bảo, Hồ Sen. Giặc liên tiếp truy kích. Ông rút sang Thượng Lào rồi về Nông Cống. Sau đó ông tìm vào Nghệ An xây dựng căn cứ lâu dài, nhưng bị giặc đón đánh và đã anh dũng hy sinh đêm 5-10-1887 tại làng Trung Yên, Đô Lương, Nghệ An. Tướng Pháp Mason đánh giá Đinh Công Tráng là "người có trật tự, trọng kỷ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập thế trận" (Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 157).

Cuộc khởi nghĩa Ba Đình đã đi vào lịch sử dân tộc và được đưa vào chương trình dạy lịch sử ở các trường phổ thông và đại học trong cả nước. Nhiều thành phố, thị xã đã lấy tên Đinh Công Tráng và cuộc khởi nghĩa của ông đặt tên đường, phố, trường học, ... Ở huyện Thanh Liêm có trường Đinh Công Tráng chuyên bồi dưỡng, rèn luyện học sinh giỏi. Đặc biệt là sau Cách mạng tháng Tám , Đảng đã lấy tên cuộc khởi nghĩa Ba Đình đặt cho quảng trường lớn ở Thủ đô nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, nơi tổ chức các buổi kỷ niệm lớn của dân tộc, nơi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và nay là nơi yên nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân dân Nham Chàng thờ Đinh Công Tráng tại đình làng và lưu truyền hàng trăm bài vè và câu chuyện về Ông và nghĩa quân. Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mỗi đợt giao quân, huyện đội Thanh Liêm lại thêu cờ Đinh Công Tráng và thành lập tiểu đoàn Đinh Công Tráng chi viện cho chiến trường. Năm 1992, dân làng Nham Chàng lại tôn lập đền thờ Ông để đáp nghĩa tri ân, giáo dục con cháu. Từ đó đến nay, đầu xuân nào huyện đội Thanh Liêm cũng về đây lấy lửa truyền thống trao cho thanh niên lên đường nhập ngũ. Gần đây nhân dân Hương Sơn cũng tôn lập linh từ thờ Ông tại động Đại Binh chùa Hương Tích.

Đinh Viết Bảo

[Source: Tạp chí XƯA & NAY (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) Số 297 - Tháng 12 năm 2007].

Từ khóa » đền Thờ đinh Công Tráng