Chương 17: Quản Lý Chất Thải Rắn

Công tác quản lý chất thải rắn nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường bệnh viện nếu được thực hiện tốt sẽ đạt được một số kết quả quan trọng về nhiều mặt như:

  • Môi trường bệnh viện sạch đẹp chẳng những sẽ mang lại những ấn tượng ban đầu tốt đẹp cho mọi người đến thăm bệnh viện mà còn thể hiện nếp sống văn hóa và trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý bệnh viện.
  • Sự sạch sẽ của bệnh viện sẽ tác động trực tiếp vào chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh, hạn chế được những nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện cũng như giữa bệnh viện với khu dân cư xung quanh. Việc ứng dụng các kỹ thuật điều trị cao trong y học phải gắn liền với việc nâng cao các chuẩn mực về vệ sinh và chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
  • Làm tốt công tác quản lý chất thải bệnh viện sẽ tạo ra môi trường thuận lợi giúp bệnh viện chóng bình phục và được thoải mái khi nằm viện. Người bệnh là người đã có những thương tổn về sức khỏe và tâm lý, khả năng thích ứng của họ đối với các kích thích của môi trường xung quanh kém hơn người bình thuờng. Vì vậy, môi trường bệnh viện sạch sẽ, yên tĩnh, thoải mái sẽ giúp cho người bệnh yên tâm điều trị, tạo điều kiện cho họ nhanh chóng phục hồi sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
  • Bệnh viện là nơi người bệnh và người thân của họ có mặt và đến thăm hàng ngày, nếu bệnh viện sạch đẹp, có nề nếp vệ sinh tốt sẽ là tấm gương để cho mọi người học tập noi theo. Bởi vì thời gian ở bệnh viện là lúc người dân dễ tiếp thu nhất những lời khuyên bảo của thầy thuốc, của điều dưỡng và nhân viên y tế khác về phòng bệnh, chữa bệnh, giữ gìn nếp sống vệ sinh và bảo vệ môi trường sống.
  • Quản lý chất thải rắn tốt  sẽ đảm bảo an toàn lao động nghề nghiệp cho nhân viên trong bệnh viện.

Hệ thống quản lý hành chính trong công tác quản lý chất thải rắn đòi hỏi nhiều bộ phận trong bệnh viện cùng phối hợp nhịp nhàng với nhau giúp cho công tác quản lý tốt. Việc thực hiện tốt xử lý chất thải rắn tại bệnh viện cần có sự tham gia của tất cả mọi người, từ ban lãnh đạo bệnh viện, các trưởng phó khoa và nhân viên y tế tại các khoa phòng, nhân viên thực hiện trực tiếp thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Do đó, cần lập kế hoạch quản lý chất thải y tế, tổ chức huấn luyện cho cán bộ, công nhân viên hiểu rõ công tác quản lý cũng như xử lý chất thải y tế và tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ hay đột xuất  và đề xuất khen thưởng hoặc kỷ luật.

Mọi chất thải phát sinh trong môi trường bệnh viện cần được quản lý theo đúng "Quy chế quản lý chất thải” do Bộ Y Tế ban hành 28/8/1999 nhằm làm giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm sang người bệnh, nhân viên y tế và ra ngoài cộng đồng từ các chất thải lây nhiễm trong bệnh viện. Người làm phát sinh chất thải phải tiến hành phân loại ngay, thu gom và thải bỏ vào đúng nơi, vào đúng các phương tiện đã quy định. Hệ thống quản lý hành chính trong công tác quản lý chất thải rắn tại bệnh viện bao gồm sự phối hợp của các phòng ban trong bệnh viện, gồm ban lãnh đạo bệnh viện, khoa Chống nhiễm khuẩn, phòng Quản trị, và tất cả các khoa phòng trong bệnh viện.

Công nghệ xử lý chất thải rắn bệnh viện là các hoạt động kiểm soát chất thải trong suốt quá trình từ khi chất thải phát sinh đến khi tiêu hủy bao gồm: 5 khâu chức năng theo sơ đồ 17.1

Sơ đồ 17.1.     Các khâu trong xử lý chất thải rắn

Từ khóa » Sơ đồ Quy Trình Xử Lý Rác Thải Y Tế