Chương 52: 49 - CHUYỆN TRỊNH CÁN ĐƯỢC LẬP LÀM THẾ TỬ
Tháng 9 năm Canh Tí (1780), chúa Trịnh Sâm bắt Trịnh Khải phải xuống làm con út, lại còn bắt giam vào nội phủ, tình cảnh rất là khốn khổ. Hơn một năm sau, tháng 10 năm Tân Sửu (1781), Trịnh Sâm lập con thứ là Trịnh Cán mới được năm tuổi (tính theo tuổi ta) làm Thế tử. Chuyện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 45, tờ 24) chép lại như sau :
"(Trịnh) Cán mắc bệnh từ khi còn phải bế ẵm, tay chân thân thể ốm yếu, bao nhiêu thuốc thang chữa trị vẫn không khỏi. Thế mà kể từ khi (Trịnh) Khải bị tội, bỗng dưng bệnh tình của (Trịnh) Cán ngày một giảm dần, coi bói thấy mọi sự đều thuận, (Trịnh) Sâm lấy làm vui vẻ lắm. Bầy tôi trong kinh ngoài trấn cùng chúc mừng và khuyên (Trịnh) Sâm nên sớm lập người nối nghiệp, cốt mau thống nhất nhân tâm. (Trịnh) Sâm nghe theo. Mẹ của (Trịnh) Sâm là Thứ phi Nguyễn Thị nói với (Trịnh) Sâm rằng :
- Khải với Cán đều là cháu nội của già này, nhưng già này nghĩ rằng Khải đã trưởng thành mà Cán thì còn quá nhỏ, lại đau yếu luôn, già này chỉ mong vương thượng coi trọng tôn miếu xã tắc, hãy tạm để khuyết ngôi kế tự, chờ xem Khải có tự răn mình mà sửa lỗi hay không, nhược bằng không thì hãy đợi đến khi Cán đã lớn cùng chẳng có gì là muộn.
Trịnh Sâm nói :
- Việc lớn của nước nhà cốt sao tìm được người xứng đáng để phó thác. Nếu như bệnh tình của Cán không khỏi thì thà là lập (Trịnh) Bồng trả lại cơ nghiệp cho ngành cả của nhà bác (Trịnh Bồng là con Trịnh Giang, còn Trịnh Doanh là em Trịnh Giang. Năm 1740, Trịnh Doanh tự lập làm chúa rồi sau truyền ngôi cho con là Trịnh Sâm. Như vậy, Trịnh Bồng là anh con bác của Trịnh Sâm - ND), chứ không thể phó thác cho đứa con bất hiếu được.
Thái phi nghe vậy thì không nói thêm gì nữa. (Trịnh) Sâm tâu Vua xin lập (Trịnh) Cán làm Thế tử. Lúc ấy (Trịnh) Cán mới 5 tuổi. (Trịnh) Sâm dùng Huy Quận công Hoàng Đình Bảo làm A phó (cho Thế tử Trịnh Cán) để lộ nuôi dưỡng và giúp đỡ (Trịnh) Cán. Bấy giờ, (Trịnh) Sâm mắc bệnh trĩ, phải ở trong nhà kín chớ không ra ngoài. Đặng Thị (Huệ) ở trong cung sắp đặt mọi việc, bè đảng cùng giữ trọng trách, trong khi đó, (Trịnh) Cán lại còn quá thơ ấu nên ai cũng lấy làm lo."
Lời bàn : Bề ngoài, có vẻ như Trịnh Sâm thuận theo lời tâu xin của quần thần, sớm định ngôi Thế tử để yên lòng người, nhưng thực ra, những quần thần kia chẳng qua chỉ là tay chân của Đặng Thị Huệ, rốt cuộc, Trịnh Sâm chỉ là con rối, bị lòng tham của những kẻ tầm thường giật dây đó thôi. Kẻ vô đạo thường hay nói lời nhân nghĩa, như lời Trịnh Sâm trả lời Thái phi Nguyễn Thị, kể cũng là lời nhân nghĩa đó thôi, có điều, trên thì coi khinh nhà vua và bất kính với mẹ, dưới thì rẻ rúng quần thần. Trịnh Sâm quả là kẻ vô đạo nổi bật trong số những kẻ vô đạo vậy.
Những người quyết chí tôn lập Trịnh Cán đều không phải vì ngôi vị của Trịnh Cán mà là vì... chính họ. Đặng Thị Huệ thì vì ngôi Thái phi của mình, Hoàng Đình Bảo thì vì quyền khuynh loát bá quan của ông, những người khác thì vì tham vọng thăng quan tiến chức kiểu ngang tắt của họ, đến như Trịnh Sâm mà quyết chí lập Trịnh Cán cũng chỉ vì nặng lòng cưng chiều Đặng Thị Huệ đó thôi.
Bao kẻ trong phủ chúa có chung một cái cớ tệ hạị để vụ lợi, thế nhưng lại chẳng có chung nổi một chút lòng xót thương đến xã tắc, khiếp thay !
Từ khóa » Trịnh Cán Là Ai
-
Trịnh Cán – Wikipedia Tiếng Việt
-
Trịnh Căn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Trịnh Cán
-
Chân Dung, Tuổi Tác, Thế Tử Trịnh Cán Bị Bệnh Gì Mới Nhất 2021
-
Tiểu Sử Trịnh_Cán - Tieng Wiki
-
Điện Đô Vương - Trịnh Cán - Người Kể Sử
-
Người đẹp Nào đã Khiến Cơ đồ Nhà Trịnh Sụp đổ? - Dân Việt
-
Bệnh Thế Tử Trịnh Cán Qua Chẩn đoán Của Danh Y Lê Hữu Trác
-
Tóm Tắt Vào Phủ Chúa Trịnh Của Lê Hữu Trác - Kiến Guru
-
Tuyên Phi Đặng Thị Huệ - Bi Kịch Của Một Mỹ Nhân - Báo Lao Động
-
Chúa Trịnh - Wikiwand
-
Việt Nam Sử Lược - Chương IX: Họ Trịnh Mất Nghiệp Chúa
-
Thế Tử Trịnh Cán Mắc Bệnh Gì? Lê Hữu Trác Có Chữa Dứt ...