Chương 77: Sinh Tử Là Hoa đốm Giữa Hư Không - Làng Mai

Mùa an cư hoàn mãn, Bụt cùng Ananda đi hành hóa khắp nơi ở trong xứ Magadha.

Những chốn non xanh nước biếc Bụt đều có tới, nhưng không có nơi nào người không dừng lại để thăm viếng các trung tâm tu học để dạy dỗ và khích lệ các vị khất sĩ và nói pháp thoại cho giới cư sĩ.

Đại đức Ananda thường được Bụt chỉ cho thấy những cảnh tượng đẹp đẽ.

Đại đức vốn ít để ý đến phong cảnh vì tâm trí mải lo cho Bụt, Bụt biết như thế nên thường nhắc thầy.

Đại đức nhớ lại trong suốt gần hai mươi năm làm thị giả cho Bụt, Bụt đã chỉ cho thầy xem biết bao nhiêu là cảnh đẹp. Người hay nói: “Nhìn đi, Ananda, núi Thứu đẹp biết bao, khả ái biết bao!”, “Này Ananda, động Saptapanni đẹp quá!”, “Này Ananda, Trúc Lâm tu viện dễ thương biết bao!”.

Có một lần đứng trên đồi, Bụt đã chỉ cho Ananda thấy những thửa ruộng chín vàng bao bọc những bờ cỏ xanh. Người khen cảnh ấy đẹp và bảo đại đức nên phỏng theo mô thức ấy để may áo phước điền sanghati cho các vị khất sĩ. Ananda qua đó thấy rõ rằng Bụt là người tu biết thưởng thức những gì hay và đẹp, nhưng không vướng mắc vào bất cứ một cái đẹp hay cái xấu nào.

Mùa mưa năm sau, Bụt về tu viện Jetavana an cư. Vua Pasenadi đi du hành mãi tới giữa mùa an cư mới về.

Về tới kinh đô, biết Bụt hiện đang an cư, vua liền đến thăm Bụt.

Vua nói với Bụt là vì tuổi đã lớn, vua không ưa ở hoài trong cung điện. Vua ưa đi đây đi đó để thấy được những cảnh đẹp của thiên nhiên. Giao công việc cho các quan đại thần, vua đi rong chơi, đem theo một đoàn tùy tùng nhỏ.

Không những vua đi du ngoạn ở những nơi trong nước, vua còn đi rong chơi ở các nước ngoài, không phải với tư cách một vị quốc vương cần phải được tiếp đón quốc lễ mà với tư cách một kẻ hành hương. Vua đi dạo chơi mà cũng như để thực tập thiền hành. Bỏ ra ngoài mọi ưu tư, vua bước từng bước thanh thản và chú ý đến cảnh vật.

Vua nói những cuộc du ngoạn như vậy làm ấm lòng vua.

– Thế Tôn, trẫm năm nay đã bảy mươi tám tuổi. Thế Tôn cũng vậy. Trẫm nghe nói Thế Tôn gần đây cũng ưa đi du sơn ngoạn thủy. Trẫm cũng lớn tuổi như Thế Tôn nhưng trẫm không làm được lợi gì cho ai, còn Thế Tôn, thì đi đâu cũng dạy dỗ và hướng dẫn cho mọi người tu học. Thế Tôn đến đâu là như mặt trời chiếu sáng đến đó.

Rồi vua tâm sự với Bụt về một nỗi đau thầm kín của vua.

Số là trong một cuộc âm mưu đảo chánh xảy ra tại kinh đô bảy năm về trước, vua đã kết tội lầm vị tổng tư lệnh quân đội hoàng gia là tướng Bandhula và đã xử tử ông.

Mấy năm sau vua mới biết là mình lầm. Vua hối hận lắm. Vua đã tìm mọi cách để phục hồi danh dự cho tướng Bandhula và đã bồi thường cho gia đình ông, vua cũng đã cất nhắc cháu của ông là tướng Karayana lên chức tổng tư lệnh quân đội hoàng gia.

Có Bụt an cư tại thủ đô, vua đến tu viện Jetavana hầu như mỗi ngày để hoặc nghe thuyết pháp hoặc tham dự vào những cuộc pháp đàm hoặc được ngồi im lặng với Bụt.

Mãn mùa an cư, Bụt lại lên đường du hóa và vua cũng cùng đoàn tùy tùng của vua đi rong chơi khắp chốn, gọi là đi tuần thú.

Năm sau, cuối mùa an cư, Bụt đi lên xứ Kuru. Sau khi ở đó hai tháng, Bụt lại theo bờ sông đi xuống Kosali, về Banarasi, ghé Vesali, rồi lại đi lên miền Bắc.

Một hôm nọ, đang cư trú hành đạo tại quận lỵ Medalumpa, một quận lỵ nhỏ trong vương quốc Sakya quê hương của mình, Bụt tình cờ gặp vua Pasenadi.

Lần này vua đi du hành có đem theo thái tử Vedudabha và tướng Karayana. Vua muốn làm vui lòng vị cận thần mà ngày xưa vì lỗi lầm vua đã kết tội một cách oan uổng người bác của ông ta.

Đang đi du sơn ngoạn thủy vua chợt nhớ Bụt, và hỏi thăm không biết Bụt hiện giờ ở đâu. Người ta cho vua biết là Bụt dang hành đạo ở quận Medalumpa, Medalumpa chỉ cách Nagaraka nơi vua đang du ngoạn chỉ chừng nửa ngày đường.

Mừng quá, vua bảo Karayana thắng xe đưa vua tới thăm Bụt. Đoàn tùy tùng của vua chỉ đem theo có bốn chiếc xe.

Tới Medalumpa, vua hỏi thăm, và biết được Bụt đang cư trú trong công viên quận lỵ. Xa giá của vua đậu lại ngoài cổng. Để đoàn tùy tùng ở lại bên ngoài, vua bảo tướng Karayana cùng đi với vua vào công viên. Thấy bóng các vị khất sĩ áo vàng qua lại, vua tìm tới một vị gần nhất và hỏi thăm Bụt ở đâu, vị khất sĩ chỉ cho vua một ngôi nhà ẩn dưới bóng cây bóng lá và nói:

– Tâu hoàng thượng, Bụt đang ở trong ngôi nhà đó, cửa đóng, hoàng thượng cứ thong thả đi tới đấy, rồi hoàng thượng ho lên một tiếng, và gõ hai tiếng. Thế nào đức Thế Tôn cũng mở cửa rước hoàng thượng vào.

Vua cởi thanh gươm và tháo vương miện xuống trao cho vị tướng lãnh, bảo ông ta trở lại với đoàn tùy tùng để đợi mình. Rồi vua một mình tiến về ngôi nhà nơi Bụt ở. Tới trước cửa, vua đằng hắng và ho lên một tiếng. Chưa kịp gõ cửa thì cửa đã mở. Bụt mừng rỡ khi thấy vua. Người cầm tay dắt vua vào trong nhà. Hai đại đức Ananda và Sariputta hiện có mặt để hầu chuyện với Bụt trong tịnh thất cũng đứng dậy chào vua.

Bụt mời vua ngồi trên một chiếc ghế, rồi tự mình ngồi xuống trên chiếc ghế đối diện. Hai vị đại đức đứng hầu sau lưng Bụt. Vừa ngồi xuống vua đã đứng dậy. Vua lạy xuống dưới đất và ôm hôn hai bàn chân của Bụt. Vua quỳ trong tư thế ấy thật lâu, hai tay vuốt ve bàn chân của Bụt, miệng nói:

– Thế Tôn, trẫm là Pasenadi vua nước Kosala, trẫm xin kính làm lễ Thế Tôn. Trẫm là Pasenadi vua nước Kosala, trẫm kính xin làm lễ Thế Tôn.

Bụt đỡ vua dậy. Người mời vua ngồi lại một lần nữa xuống ghế, rồi người nói:

– Đại vương, sao hôm nay đại vương lại lễ lạy cung kính quá đáng như thế? Chúng ta không phải là một đôi bạn thân thiết hay sao?

Vua nói:

– Thế Tôn, con có một vài điều mà con muốn tự miệng con nói ra để Thế Tôn nghe, con sợ không có dịp.

Bụt dịu dàng:

– Điều gì, xin đại vương cứ nói.

– Thế Tôn, con hoàn toàn tin tưởng nơi Thế Tôn, bậc toàn giác, con hoàn toàn tin tưởng nơi giáo pháp của Bụt và nơi giáo đoàn khất sĩ của người. Con đã từng thấy và gặp những tu sĩ Bà la môn và các đạo sĩ các giáo phái: họ có thể tu hành đứng đắn, có khi được mười, hai mươi, ba mươi hay bốn mươi năm, nhưng sau đó con lại thấy họ bỏ cuộc và đi vào nếp sống ngũ dục. Ở trong đạo pháp của Thế Tôn, con thấy các vị khất sĩ hầu hết đều tu phạm hạnh cho đến trọn đời.

Thế Tôn, con từng thấy vua chống đối vua chúa, tướng sĩ âm mưu chống tướng sĩ, Bà la môn chống Bà la môn, vợ cãi cọ với chồng, con cãi cọ với cha, anh cãi cọ với em, bè bạn cãi cọ với bè bạn.

Ở đây con thấy các vị khất sĩ sống trong hòa kính, an vui, hợp nhau như nước với sữa. Con không thấy ở đâu có được cái thương yêu và hòa điệu như trong giáo đoàn của người.

Thế Tôn, khắp nơi con đã từng thấy giới đạo sĩ dáng điệu khắc khổ, mặt mày ủ rũ, âu sầu và lo lắng, nhưng ở đây, các vị khất sĩ luôn luôn tỉnh táo, tươi cười, vui vẻ, thong dong và tươi mát. Thế Tôn, điều đó khiến con càng tin tưởng nơi Thế Tôn và giáo pháp của người.

Thế Tôn, con là vua thuộc dòng dõi chiến sĩ: con có quyền ra lệnh chém đầu hoặc giam cầm hoặc trừng phạt bất cứ ai nếu con muốn, vậy mà khi con ngồi trong một buổi họp, thiên hạ vẫn dám cướp lời con, dù con có nói: “Quý vị không được cướp lời trẫm”, họ cũng vẫn quên và cướp lời con như thường, không đợi đến khi con phát biểu hết ý kiến.

Vậy mà con thấy ở đây, trong giáo đoàn người, có khi có cả ngàn vị khất sĩ ngồi nghe Bụt nói mà con không nghe lấy một tiếng động nhỏ, dù là tiếng đằng hắng hay tiếng sột soạt của y áo, đừng nói có ai dám cướp lời Bụt.

Thế Tôn, con nghĩ: Thật là mầu nhiệm, Bụt chẳng cần quyền uy, chẳng cần gươm giáo, chẳng cần trừng phạt gì mà người ta kính yêu Bụt một cách tuyệt đối. Thế Tôn, điều này cũng làm cho con càng tin tưởng ở Thế Tôn và giáo pháp của người.

Thế Tôn, con đã từng thấy và nghe giới trí thức và giới học giả lừng danh bàn bạc với nhau để soạn sẵn những câu hỏi bí hiểm có thể làm cho Bụt lúng túng, nhưng khi đến gặp Thế Tôn và nghe Thế Tôn thuyết pháp, họ cứ há miệng ra nghe để rồi tất cả đều bị Thế Tôn chinh phục, đến nỗi không có cơ hội và thì giờ để hỏi những câu hỏi hóc búa của họ, những câu hỏi mà sau cuộc gặp gỡ với Thế Tôn họ thấy là ngây thơ. Thế Tôn, điều này cũng là điều làm cho con có thêm tin tưởng nơi Thế Tôn và giáo pháp của người.

Thế Tôn, con nhớ là con từng có hai thợ mộc rất khéotay tên là Isidata và Purana: họ thường làm việc trong cung điện, và con là người cung cấp lương bổng cho họ, thế mà họ đâu có thương kính con bằng thương kính Thế Tôn.

Có lần con đem họ đi theo trong một chuyến hành tẩu phương xa, và đêm đó vì mưa gió mà cả vua cả tôi đều phải ngủ trong một chiếc lều tranh nhỏ bé. Gần suốt đêm, hai người thợ mộc của con ngồi trao đổi với nhau về giáo pháp học được của Thế Tôn và khi họ mỏi mệt, họ nằm xuống ngủ, đầu hướng về phía núi Linh Thứu và chân họ lại xoay về phía con. Thế Tôn có cho họ lương bổng gì đâu, thế mà họ quý kính Thế Tôn hơn con nhiều lắm lắm. Thế Tôn, điều này khiến con lại càng tin tưởng nơi Thế Tôn và giáo pháp của người.

Thế Tôn! Người thuộc về giai cấp vua chúa, con cũng thuộc về giai cấp vua chúa. Người năm nay đã bảy mươi chín, con năm nay cũng đã bảy mươi chín, vì vậy con nghĩ đây là cơ hội quý báu để con tỏ lòng quy kính Bụt hết mức và để con bày tỏ niềm tri kỷ giữa con và Bụt, bây giờ con xin từ tạ Bụt để con đi.

Bụt nói:

– Đại vương, đại vương hãy trân trọng giữ gìn sức khỏe.

Và Bụt đứng dậy đưa tiễn vua ra cửa.

Lúc Bụt trở vào, hai đại đức Ananda và Sariputta đứng dậy chắp tay im lặng. Hai đại đức đã chứng kiến từ đầu đến cuối buổi gặp gỡ này giữa Bụt và vua, Bụt nói:

– Sariputta và Ananda! Quốc vương Pasenadi đã nói những lời chân thành nhất của quốc vương đối với Tam Bảo. Các thầy nên ghi nhớ lấy để làm vững mạnh thêm đức tin của những người hậu học.

Tháng sau, Bụt lên đường về miền Nam. Đi chừng nửa tháng, người về đến núi Linh Thứu, về tới núi Linh Thứu, Bụt nhận được hai tin buồn cùng một lúc: vua Pasenadi đã băng và đại đức Moggallana đã bị những người thuộc giáo phái lõa hình ám sát ngay tại cổng tu viện Trúc Lâm.

Quốc vương Pasenadi đã băng, không ở thủ đô Savatthi mà ở Rajagaha, trong một tình trạng không được xứng đáng lắm đối với một người như vua.

Theo tin tức nhận được thì sau cuộc viếng thăm Bụt ở quận lỵ Medalumpa, vua đã trở ra với đoàn tùy tùng, nhưng khi ra tới cổng vua chỉ còn thấy có một chiếc xe và một người cung phi ở lại. Hỏi ra thì ba chiếc xe kia đã trở về Savatthi dưới sự cưỡng ép của tướng Karayana, đem theo vương miện, ấn tín và thanh gươm báu của vua.

Karayana bảo thái tử Vidudabha phải trở về ngay Savatthi để lên ngôi vua, đừng để một người quá già yếu ngồi trên ngai mãi mãi. Thái tử dùng dằng chưa chịu thì Karayana dọa rằng nếu thái tử không chịu về làm vua, ông ta sẽ về kinh tuyên bố đảo chánh và tự xưng vương. Dưới áp lực ấy, thái tử Vidudabha đã phải vâng lệnh.

Vua quyết định đi về thành Rajagaha để cầu viện với cháu là quốc vương Ajatasattu. Suốt quãng đường dài, vua chỉ uống nước mà không ăn gì được. Về tới Rajagaha thì trời đã khuya và cửa thành đã đóng; vua phải vào nghỉ đêm trong một trạm nghỉ công cộng. Đêm ấy vua lên cơn bạo bệnh và chết trong tay vị cung phi. Người cung phi này than khóc như mưa như gió cho số phận của vị hoàng đế.

Sáng ngày, sau khi hay tin, vua Ajatasattu vội vã cho rước long thể vào cung và ra lệnh tổ chức một lễ quốc táng long trọng cho người bác của mình. Tang lễ hoàn mãn, vua định cử binh trị tội quốc vương Vidudabha, nhưng vua đã bị y sĩ Jivaka can gián. Jivaka nói rằng dù sao quốc vương Pasenadi cũng đã băng hà và vua mới bên nước Kosala cũng là anh em cô cậu của vua, có cử binh chinh phạt cũng không đưa đến được một giải pháp nào khác. Nghe lời Jivaka, vua đã cử sứ thần qua Savatthi để thừa nhận quốc vương mới.

Đại đức Moggallana là vị đại đệ tử thứ ba của Bụt đứng sau Kondanna và Sariputta. Đệ tử lớn của Bụt có nhiều nhưng nhiều vị đã tịch trước Bụt. Đại đức Kondanna, thủ lĩnh của năm vị khất sĩ đầu tiên được nghe Bụt thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển đã tịch. Đại đức Uruvela Kassapa và hai người em cũng đã tịch. Ni trưởng Mahapajapati cũng đã viên tịch từ lâu. Ni sư Yasodhara và đại đức Rahula cũng đã nối tiếp nhau viên tịch. Đại đức Rahula viên tịch năm đại đức được năm mươi mốt tuổi. Đại đức Moggallana là một vị đại khất sĩ có rất nhiều dũng khí. Người là kẻ phát ngôn bạo dạn và cương trực nhất của giáo đoàn khất sĩ. Khi cần phải tuyên bố lập trường của giáo đoàn hoặc của giáo pháp, đại đức bao giờ cũng nói thẳng, không khi nào chấp nhận sự thỏa hợp. Cũng vì lý do này mà trong giới ngoại đạo có nhiều kẻ thù ghét đại đức.

Hôm ấy đại đức cùng ra đi với hai vị đệ tử, lên đường rất sớm. Bọn sát nhân có dự tính trước cho nên đã mai phục bên ngoài tu viện. Họ xông ra tấn công khi thấy đại đức. Họ tấn công bằng gậy gộc. Ba thầy trò tay không, không thể nào chống lại được họ, vì họ quá đông, và cũng vì họ có khí giới trong tay. Hai vị đệ tử bị đánh văng ra ngoài. Họ la lên kêu cứu, nhưng không kịp nữa, đại đức đã bị bọn bất lương hạ sát, đại đức hét lên một tiếng vang động cả rừng cây trước khi bị bọn chúng đập xuống những hèo cuối cùng. Khi các thầy trong tu viện chạy ra thì bọn sát nhân đã tẩu thoát hết. Hai vị đệ tử bị đả thương khá nặng.

Khi Bụt về tới thì nhục thân của đại đức đã được trà tỳ.

Tro xương của đại đức đã được thu góp trong một chiếc bình và đặt sẵn bên ngoài tịnh xá của Bụt.

Bụt hỏi thăm đại đức Sariputta, các thầy cho biết là đại đức Sariputta đã đóng cửa am thất từ ngày đại đức Moggallana bị ám sát. Ai cũng biết hai vị đại đức này thân với nhau còn hơn anh em ruột, đối với nhau luôn luôn như hình với bóng, Bụt chưa kịp nghỉ ngơi đã phải đi tìm đến am thất của Sariputta để an ủi đại đức. Đại đức Ananda đi theo người, đại đức nghĩ chắc thế nào Bụt cũng đang buồn. Không buồn sao được khi mất một lần hai vị đệ tử lớn: vua Pasenadi và đại đức Moggallana. Bụt đi an ủi đại đức Sariputta, nhưng ai sẽ an ủi Bụt? Như để trả lời câu hỏi thầm kín của đại đức Ananda, Bụt quay lại nhìn thầy rồi lên tiếng:

– Ananda, ai cũng nói thầy học nhiều và ghi nhớ nhiều về chánh pháp. Thầy không nên lấy sự học nhiều và nhớ nhiều làm đủ. Chăm sóc cho Như Lai và lo lắng cho giáo đoàn, điều đó tuy cần thiết nhưng cũng không đủ, thì giờ còn lại có là bao lăm, thầy phải nỗ lực để vượt thoát sinh tử. Thầy phải bình thản trước sinh tử, thấy sinh tử như những hoa đốm giữa hư không.

Đại đức Ananda cúi đầu, đi im lặng.

Ngày hôm sau, Bụt xuống núi, đến tu viện Trúc Lâm.

Người đề nghị vị trí để xây tháp kỷ niệm đại đức Moggallana và để an trí xá lợi của đại đức này.

Từ khóa » Hoa đốm Hư Không