Chụp Cắt Lớp đại Tràng Là Gì Và được Chỉ định Khi Nào?

1. Chụp cắt lớp đại tràng là gì?

Đại tràng là một bộ phận nằm gần cuối của hệ tiêu hóa, có vai trò hấp thụ dinh dưỡng từ ruột non, nhận thức ăn đã tiêu hóa và hấp thụ muối khoáng, nước, phân hủy các chất không hấp thụ được thành phân. Sau đó sẽ đào thải các chất này ra ngoài. Các bệnh lý thường gặp ở đại tràng như: polyp, u đại tràng, viêm loét đại tràng, ung thư đại tràng.

Chụp cắt lớp đại tràng

Đại tràng là cơ quan nằm gần cuối của hệ tiêu hóa

Trước kia nội soi đại tràng thường được chỉ định để tìm nguyên nhân, chẩn đoán bệnh lý ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao. Phương pháp khảo sát chẩn đoán hiện nay thường dùng là chụp cắt lớp vi tính đại tràng, hay còn gọi là nội soi đại tràng ảo, chụp CT đại tràng.

Ở kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ được đưa vào máy quét CT. Máy sẽ quay nhiều góc chiếu tia X qua vùng đại tràng, đo độ hấp thụ tia X và gửi kết quả đến máy tính. Kết quả được xử lý vi tính đặc biệt để tạo nên hình ảnh 2D, 3D chi tiết. Thông tin bệnh lý, cấu trúc giải phẫu của chụp cắt lớp vi tính rất có ý nghĩa trong chẩn đoán điều trị bệnh.

Chụp cắt lớp đại tràng

Chụp cắt lớp đại tràng cho phép quan sát lòng đại tràng mà không cần nội soi

Bác sĩ có thể thấy toàn bộ lòng đại tràng mà không cần dùng ống nội soi và phát hiện các bất thường như tổn thương, sưng, viêm loét, khối u ung thư,…

2. Khi nào cần chụp cắt lớp đại tràng?

Chụp cắt lớp đại tràng thường được chỉ định để đánh giá các tổn thương đại tràng, polyp hoặc u bất thường. Các triệu chứng nghi ngờ khá đa dạng như: Sụt cân không rõ nguyên do, thay đổi thói quen đi tiêu, thiếu máu xanh xao, có máu trong phân,…

Ở người trên 50 tuổi, đặc biệt là người có nguy cơ mắc bệnh cao cũng có thể chụp cắt lớp đại tràng để sàng lọc, tầm soát ung thư đại tràng. Nhóm người nguy cơ này gồm:

- Người có tiền sử gia đình từng mắc ung thư đại tràng, đa polyp.

- Người từng bị viêm loét đại tràng. Ngoài ra, chụp cắt lớp đại tràng cũng được chỉ định để chẩn đoán đánh giá khi người bệnh có thể trạng yếu hoặc không thích hợp nội soi đại tràng.

Hình ảnh nội soi đại tràng rõ nét, chi tiết, thời gian thực hiện ngắn giúp chẩn đoán, kết luận bệnh nhanh và chính xác. Người bệnh giảm được cảm giác lo lắng, đau đớn, khó chịu vì không phải nội soi. Mặc dù cho thấy rõ hình ảnh, vị trí tổn thương song nếu cần can thiệp, bệnh nhân vẫn cần nội soi để cắt bỏ u, polyp.

Chụp cắt lớp đại tràng

Chụp cắt lớp có thể sàng lọc sớm ung thư đại tràng

Chụp cắt lớp đại tràng mặc dù là kĩ thuật tiên tiến, kiểm soát số lượng và năng lượng tia bức X chiếu vào cơ thể song vẫn gây nguy cơ nhiễm xạ, ảnh hưởng nếu người bệnh chụp CT nhiều lần hoăc ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ trẻ sơ sinh.

3. Quy trình chụp cắt lớp đại tràng

Quy trình chuẩn bị, thực hiện chụp cắt lớp đại tràng có thể có sự khác nhau giữa các trung tâm y tế, bệnh viện và còn phụ thuộc vào mục đích chụp, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nhìn chung quy trình chụp như sau:

3.1. Chuẩn bị trước khi chụp

Nhân viên kỹ thuật và bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn những gì cần làm trước và trong khi chụp X-quang. Do bộ phận cần chụp cắt lớp vi tính là đại tràng khá đặc biệt nên người bệnh cũng cần thực hiện chế độ ăn nhẹ những ngày trước chụp hoặc dùng thuốc nhuận tràng.

Thuốc cản quang có thể được sử dụng để thể hiện hình ảnh rõ nét hơn. Thuốc cản quang chứa iot có thể tương tác xấu với thuốc điều trị bệnh hoặc bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Do đó hãy thông báo về bệnh lý và thuốc đang dùng trước khi chụp cắt lớp đại tràng.

Trước khi chụp một vài giờ, bệnh nhân cũng cần nhịn ăn uống để không ảnh hưởng tới kết quả chụp.

Tất cả các vật dụng cá nhân, trang sức, thiết bị kim loại đều cần được tháo bỏ trước khi vào phòng chụp bởi nó có thể gây nhiễu hình ảnh. Bác sĩ sẽ không thể đánh giá chính xác tình trạng bệnh lý khi kết quả chụp bị ảnh hưởng như vậy.

3.2. Thực hiện chụp

Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc giảm co thắt cơ đường ruột, thuốc cản quang nếu cần thiết.

Người bệnh được hướng dẫn nằm trên bàn chụp, thực hiện ở tư thế nằm ngửa, nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Kỹ thuật viên có thể giúp bạn chỉnh tư thế, sử dụng gối hoặc dây đeo để giữ vị trí chụp chính xác.

Kỹ thuật viên cần bơm hơi vào trực tràng để cơ quan này mở rộng ra, giảm các nếp gấp nhắn thường có để polyp, khối u không bị che lấp. Triệu chứng người bệnh có thể gặp khi bơm hơi có thể là đầy hơi, xì hơi, mắc cầu. Tuy nhiên những điều này rất bình thường.

Bàn chụp đưa người bện vào trong máy quét, người bệnh cần nhịn thở khoảng 15 giây mỗi lần chụp và thay đổi tư thế. Người bệnh chỉ cần đổi tư thế, máy sẽ xat tự động để chụp các lát cắt khác nhau.

Chụp cắt lớp đại tràng

Kết quả chụp cắt lớp đại tràng thường có sau 60 phút

Sau khi chụp, ống bơi hơi vào đại tràng được rút ra, người bệnh không đau đớn mà có thể rời khỏi bàn chụp thoải mái. Thường quá trình chụp sẽ mất từ 3 - 5 phút, nếu hình ảnh mờ hoặc gặp vấn đề, nhân viên kỹ thuật có thể yêu cầu thời gian chụp dài hơn.

3.3. Sau khi chụp

Hầu hết bệnh nhân sau khi chụp cắt lớp vi tính đều có thể hoạt động bình thường ngay mà không bị đau đớn, khó chịu gì. Chỉ một vài trường hợp bị xì hơi, chướng bụng sau khi tiêm thuốc cản quang và chụp CT. Điều này không đáng lo ngại vì nó sẽ kết quả sau vài giờ hoặc vài ngày.

Kết quả chụp CT đại tràng sẽ có sau khoảng 30 phút hoặc lâu hơn nếu kết quả chụp cần phân tích, thảo luận bởi các bác sĩ.

Nếu cần hỗ trợ thêm về kỹ thuật chụp hoặc khám chữa bệnh, hãy liên hệ ngay với bệnh viện MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Từ khóa » Nội Soi đại Tràng ảo Là Gì