Chụp Cộng Hưởng Từ đường Mật - BookingCare

Chụp cộng hưởng từ đường mật

Giới thiệu kỹ thuật chụp cộng hưởng từ 

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại trong y học sử dụng từ trường và sóng radio.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) có độ tương phản cao, chi tiết giải phẫu tốt cho phép phát hiện chính xác các tổn thương hình thái, cấu trúc các bộ phân trong cơ thể.

Khả năng tái tạo hình ảnh 3D, không có tác dụng phụ nên ngày càng được chỉ định rộng rãi cho nhiều ứng dụng chuyên khoa khác nhau.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) đường mật là gì

Cộng hưởng từ đường mật - tụy là kỹ thuật có giá trị trong khảo sát bệnh lý đường mật tụy. Cộng hưởng từ đường mật - tụy là kỹ thuật không xâm phạm có thể so sánh với chụp đường mật - tụy ngược dòng qua nội soi trong phát hiện và xác định vị trí tắc nghẽn đường mật, phát hiện sỏi mật.

Các ưu điểm của chụp cộng hưởng từ đường mật- tụy là:

  • Không xâm phạm
  • Không nhiễm xạ
  • Bệnh không cần gây tê
  • Xác định tốt hơn đường mật phía trên chỗ tắc nghẽn
  • Kết hợp với hình T1W, T2W giúp đánh giá tổn thương ngoài đường mật

Hạn chế của chụp cộng hưởng từ đường mật - tụy là độ phân giải không gian không cao so với chụp đường mật-tụy ngược dòng qua nội soi do đó độ nhạy giảm trong phát hiện bất thường đường mật ngoại biên.

Chỉ định cộng hưởng từ đường mật

  • Phát hiện và theo dõi sau điều trị ung thư đường mật
  • Phát hiện sỏi đường mật
  • Đánh giá giãn đường mật
  • Phân giai đoạn tiền phẫu trong ung thư đường mật
  • Đánh giá các bất thường bẩm sinh đường mật. 

Bệnh lý đường mật

Nang đường mật bẩm sinh

Là bệnh lý sinh gây giãn đường mật trong hay ngoài gan. Theo phân loại Todani, có 5 loại nang đường mật bẩm sinh.

  • Loại I: gặp khoảng 80-90%, gồm 3 loại. Loại IA: giãn dạng nang toàn bộ đường mật ngoài gan. Loại IB: giãn dạng nang khu trú đường mật ngoài gan.
  • Loại IC: giãn lan tỏa hoặc hình ống đường mật ngoài gan.
  • Loại II : gặp khoảng 2%, là túi thừa phát sinh từ ống mật chủ.
  • Loại III: gặp 1-5%, giãn dạng nang đoạn trong tá tràng của ống mật chủ.
  • Loại IV: gặp khoảng 10%, gồm IV A nhiều nang trong và ngoài gan, IV B nhiều nang ngoài gan.
  • Loại V: là phần còn lại các nang đường mật trong gan, có thể một hay nhiều nang. Khi nhiều nang đường mật trong gan gọi là bệnh Caroli.

Bất thường bẩm sinh túi mật

Bất thường bẩm sinh túi mật bao gồm bất thường về số lượng, vị trí hình thái. Bất sản túi hoặc có hai túi mật hiếm gặp.

Các vị trí mật nằm bất thường cần lưu ý bao gồm: trong gan, sau gan, sau phúc mạc, vùng dưới gan bên trái. Bất thường hình thái bao gồm các nếp gấp bất thường, vách bên trong túi mật, túi thừa.

Viêm túi mật cấp

Viêm túi mật cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của túi mật thường do sỏi gây tắc nghẽn ống túi mật. Sỏi đường mật là nguyên nhân hay gặp trong viêm túi mật cấp (90%). Khoảng 10% là viêm túi mật cấp không do sỏi. Loại sau thường gặp ở các bệnh nhân nằm lâu, nhịn ăn, có nguyên nhân chèn ép từ bên ngoài ống túi mật, nhiễm khuẩn. Lâm sàng thường gặp đau hạ sườn phải, nôn mửa, sốt, dấu Murphy dương tính.

Sỏi đường mật

Sỏi đường mật là bệnh thường gặp. Các yếu tố thuận lợi tạo sỏi là bệnh lý nhiễm trùng, tình trạng ứ mật, các rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tán huyết, di truyền… Thành phần cấu tạo sỏi thường là sỏi cholesterol (70%) và sỏi sắc tố mật (30%).

Viêm đường mật nhiễm trùng

Viêm đường mật nhiễm trùng thường do nhiễm trùng đi lên từ đường ruột. Yếu tố làm dễ bao gồm: sỏi đường mật, chíp hẹp đường mật, phẫu thuật nối thông đường mật, sau thủ thuật đường mật.

Viêm đường mật xơ hóa nguyên phát

Viêm đường mật xơ hóa nguyên phát là bệnh viêm nhiễm đường mật mạn tính. Bệnh đặc trưng bởi viêm nhiễm tiến triển, xơ hóa các ống mật trong và ngoài gan, quanh khoảng cửa. Quá trình này dẫn đến hẹp, giãn và xơ hóa đường mật. Bệnh sinh không rõ. Thường kết hợp bệnh viêm đại tràng loét, bệnh Crohn, xơ hóa sau phục mạc, trung thất.

Carcinoma túi mật

Là ung thư đường mật hay gặp nhất. Hay gặp ở nữ trên 60 tuổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: túi sỏi mật (64-98%),túi mật “sứ”, bệnh viêm nhiễm ruột, viêm túi mật mạn tính. Vị trí tổn thương túi mật thường ở thân và đáy túi mật, hiếm gặp ở ống túi mật.

U có biểu hiện dưới dạng khối choán chỗ kích thước lớn thay thế túi mật bình thường, hoặc dày thành túi mật, xâm lấn dây chằng gan-tá tràng, gan, di căn hạch. Tiên lượng thường xấu.

Carcinoma đường mật

Carcinoma đường mật chiếm khoảng 0,5-1% trong tổng số ung thư hằng năm ở Mỹ. Là u ác tính nguyên phát hay gặp nhất ở đường mật gây tắc nghẽn đường mật. Các yếu tố nguy cơ bao gồm viêm đường mật xơ hóa, nang đường mật, bệnh Caroli, hội chứng polyp đại tràng…

Từ khóa » Mri Sỏi Túi Mật