Chụp Nhũ ảnh (X Quang Tuyến Vú) Và Những điều Cần Biết
Có thể bạn quan tâm
Chụp nhũ ảnh là kỹ thuật còn khá mới mẻ với phần đông phụ nữ. Tuy nhiên, với thực trạng bệnh ung thư vú đã đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư nguy hiểm ở nước ta (thống kê 2020) thì đã đến lúc chị em cần phải biết rõ hơn về kỹ thuật này. Bởi hơn hết, chụp X-quang tuyến vú chính là cách đơn giản nhưng cần thiết để phát hiện những cục u nhỏ khi chúng mới hình thành, giúp phụ nữ chủ động trong việc phòng chống ung thư vú.
Chụp nhũ ảnh là gì?
Chụp nhũ ảnh hay X-quang tuyến vú (tên tiếng Anh Mammography) là một kỹ thuật được dùng để sàng lọc và phát hiện các bệnh lý về tuyến vú và ung thư vú. Cùng với khám sức khỏe định kỳ, chụp nhũ ảnh là bước quan trọng trong việc chẩn đoán sớm ung thư vú. Đây cũng được xem là phương pháp tầm soát ung thư vú nhanh chóng, hiệu quả, không xâm lấn và ít tốn kém.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ung thư vú là loại ung thư phổ biến thứ hai đối với phụ nữ ở Hoa Kỳ, sau ung thư da. Mỗi năm tại quốc gia này có khoảng 2.300 trường hợp ung thư vú mới ở nam giới và khoảng 230.000 trường hợp mới ở phụ nữ.
Tại Việt Nam, theo số liệu được cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IACR) ghi nhận trong năm 2020, ung thư vú đã đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư, sau ung thư gan và ung thư phổi. Con số uớc tính là 12.000 ca mắc với hơn 4.000 người tử vong mỗi năm, chiếm 20% trong tổng số các loại bệnh ung thư. (1)
Các ứng dụng chụp X quang tuyến vú hiện nay
Với thực trạng ung thư vú đang ngày càng tăng về số ca mắc thì việc thực hiện các biện pháp tầm soát ung thư bằng các kỹ thuật hiện đại càng trở nên cần thiết đối với phụ nữ. Điển hình là kỹ thuật chụp nhũ ảnh với 2 ứng dụng phổ biến là:
1. Chụp nhũ ảnh tầm soát
Chụp nhũ ảnh tầm soát được thực hiện để phát hiện những thay đổi ở vú đối với những phụ nữ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của ung thư vú. Kỹ thuật này có thể phát hiện ra khối u không thể phát hiện bằng cách sờ nắn. Với phương pháp này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định chụp X-quang cho cả hai bên vú.
2. Chụp nhũ ảnh chẩn đoán
Trường hợp, bạn có một khối u bất thường hoặc bất kỳ triệu chứng khác lạ như đau vú, núm vú tiết dịch, da vú dày lên, núm vú đảo ngược, co kéo núm vú… bác sĩ sẽ yêu cầu chụp nhũ ảnh chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện thêm việc chụp X-quang hay phóng to ở một số khu vực để có được cái nhìn tổng quát từ nhiều vị trí khác nhau của vú.
Đối tượng cần chụp X quang vú
Tùy thuộc vào chuyên môn, cách nhìn nhận bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các đề nghị khác nhau về chụp nhũ ảnh để phát hiện sớm ung thư ở những phụ nữ không có triệu chứng: (3)
- Trường Cao đẳng X quang Hoa Kỳ (ACR) và Hiệp hội Hình ảnh Vú (SBI) khuyến nghị phụ nữ nên chụp X quang tuyến vú hàng năm bắt đầu từ tuổi 40.
- Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, phụ nữ ở độ tuổi 40 trở lên nên thực hiện chụp X-quang tuyến vú thường xuyên 1 – 2 năm/ lần.
- Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ có nguy cơ ung thư vú trung bình nên chụp X-quang tuyến vú tầm soát thường xuyên bắt đầu từ tuổi 45. Phụ nữ độ tuổi từ 45 đến 54 nên chụp X-quang tuyến vú hàng năm, sau đó, giảm xuống 2 năm/ lần hoặc vẫn duy trì mỗi năm một lần.
- Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (USPSTF) khuyến nghị phụ nữ từ 50 đến 74 tuổi nên thực hiện việc chụp nhũ ảnh tầm soát 2 năm/ lần.
- Nhóm phụ nữ có nguy cơ (tiền sử gia đình, xu hướng di truyền, từng mắc ung thư vú) nên khám sớm để biết được những lợi ích và hạn chế của việc chụp nhũ ảnh. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm bổ sung (siêu âm vú, MRI) hoặc thực hiện các bài kiểm tra vú thường xuyên hơn.
Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ cá nhân trước khi quyết định thời điểm thực hiện chụp nhũ ảnh hoặc tần suất cần tuân theo. Tham khảo ý kiến bác sĩ về các hướng dẫn sàng lọc phù hợp với bạn.
- Xem thêm: Chụp nhũ ảnh và siêu âm vú: Ưu nhược điểm và sự khác nhau là gì?
- Xem thêm: Chụp nhũ ảnh và chụp MRI vú: Sự khác nhau, quy trình và ưu nhược điểm
Quy trình chụp X quang nhũ ảnh
Các bước cơ bản khi thực hiện chụp X quang nhũ ảnh bao gồm:
- Người bệnh cởi áo ngoài, áo lót, đồ trang sức và mặc áo theo quy định của bệnh viện
- Người bệnh đặt một vú lên mặt phẳng, kỹ thuật viên sẽ dùng một tấm nhựa phẳng đè lên trên để ép chặt vú giữa hai mặt phẳng
- Thực hiện các bước tương tự cho bên vú còn lại
- Kết quả hình ảnh được trả ra, bác sĩ sẽ đọc kết quả và phân tích tình trạng bệnh (nếu có)
Cần phải nén/ vú khi chụp X quang vú
Sở dĩ cần phải thực hiện việc nén vú hay ép dẹp vú là để:
- Tuyến vú được dàn mỏng, dễ dàng quan sát được tất cả các mô
- Có thể nhìn thấy những bất thường nhỏ trong tuyến vú do không bị che khuất bởi vùng mô vú bên ngoài
- Giữ cho vú cố định, hạn chế nhiễu ảnh, nhòe hình
- Giúp hạn chế liều tia X, chỉ cần dùng liều tia thấp
- Giảm sự khuếch tán của tia X, giúp cho hình ảnh rõ nét
Những điều cần lưu ý trước khi chụp X quang tuyến vú
Bác sĩ sẽ yêu cầu một số lưu ý trong ngày hẹn chụp nhũ ảnh và bạn cần phải tuân theo để không gây trở ngại trong quá trình thực hiện chụp X-quang tuyến vú. Đó là: (4)
- Không dùng phấn phủ, chất khử mùi hay nước hoa; không bôi thuốc mỡ hoặc kem lên ngực hoặc vùng nách để tránh gây biến dạng hình ảnh, khiến bác sĩ đọc hình ảnh lầm tưởng là có vôi hóa hoặc cặn canxi.
- Nếu đang mang thai hoặc cho con bú bạn nên nói với bác sĩ về vấn đề này. Có thể bác sĩ sẽ không yêu cầu bạn thực hiện kỹ thuật chụp X quang tuyến vú nhưng nếu cần, bác sĩ có thể yêu cầu các phương pháp kiểm tra khác, chẳng hạn như siêu âm.
- Nếu bạn đã từng thực hiện kỹ thuật cấy ghép mô mỡ tự thân ở ngực, hay đăt túi ngực hãy nói với bác sĩ trong buổi đặt lịch. Lúc này, bạn sẽ cần một kỹ thuật viên X-quang được đào tạo và giàu kinh nghiệm. Lý do, việc cấy ghép mô mỡ có thể che giấu một vài mô vú, cản trở việc phát hiện ung thư vú khi xem hình ảnh chụp X quang tuyến vú.
- Bạn nên thực hiện kỹ thuật này vào thời điểm sau khi hết kinh một tuần vì khi ấy nồng độ estrogen trong máu giảm xuống, tuyến vú bớt giữ nước và giảm căng, giúp giảm cảm giác đau và dễ quan sát hơn.
- Thời gian chụp X quang vú diễn ra trong khoảng 30 phút
Những lợi ích, hạn chế và biến chứng khi chụp nhũ ảnh
1. Lợi ích
Những lợi ích của kỹ thuật chụp nhũ ảnh mang lại bao gồm:
Lợi ích nổi trội nhất của chụp nhũ ảnh là phát hiện những khối u bất thường ở vú
- Hỗ trợ phát hiện những khối u nhỏ ở vú. Việc phát hiện sớm các u ác tính rất quan trọng trong điều trị ung thư.
- Phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh sẽ càng cao.
- Đã được chứng minh tính hiệu quả trong việc phát hiện ung thư vú, đặc biệt là loại ung thư ống tuyến vú tại chỗ (chưa xâm lấn). Bệnh được phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi và phẫu thuật bảo tồn tuyến vú cho người bệnh sẽ càng cao.
- Lượng tia bức xạ phát ra rất thấp, hầu như không gây hại cho sức khỏe.
2. Hạn chế
Bên cạnh những lợi ích thì chụp nhũ ảnh cũng có những hạn chế nhất định, bao gồm:
- Chụp nhũ ảnh không xác định được trạng thái lành hay ác tính của một tổn thương ở vú mà cung cấp thêm thông tin cho việc chẩn đoán. Để có kết luận chính xác, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện một số xét nghiệm khác như siêu âm tuyến vú, chụp MRI, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ hay sinh thiết tổn thương ở vú.
- Việc đọc kết quả nhũ ảnh đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm và chuyên môn cao bởi cần xem xét và so sánh với những phim chụp nhũ ảnh trước đó. Vì vậy, bạn cần đem theo những phim chụp nhũ ảnh đã thực hiện cho lần chụp tiếp theo.
- Hiện tượng âm tính giả có thể xảy ra. Điều này có thể hiểu là dù kết quả chụp nhũ ảnh không có bất thường nhưng vẫn có tổn thương vú đang xảy ra mà nhũ ảnh không phát hiện được. Tuy nhiên, tỷ lệ âm tính giả này không cao, thường gặp hơn ở phụ nữ chưa mãn kinh và phụ nữ trẻ vì lúc này mô tuyến vú dày đặc và có thể che lấp các tổn thương.
- Trái ngược với hiện tượng âm tính giả là dương tính giả. Nghĩa là kết quả chụp nhũ ảnh tầm soát cho kết quả có dấu hiệu ung thư nhưng thực tế lại không có. Điều này có thể gây tâm lý hoang mang cho người người bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
3. Các biến chứng liên quan đến chụp nhũ ảnh
Giống như các loại máy kỹ thuật tia X khác, kỹ thuật chụp nhũ ảnh khiến bạn chỉ tiếp xúc với một lượng bức xạ nhỏ, vì thế nguy cơ phơi nhiễm rất thấp. Nếu đang mang thai, bạn nên nói điều này với bác sĩ để nhận được chỉ định phù hợp. Ngoài ra, nạn có thể cảm thấy khó chịu khi vú bị ép vào tấm X quang trong quá trình chụp. Tuy nhiên, lực nén này hoàn toàn không gây hại cho vú.
Kết quả chụp nhũ ảnh
Thế hệ máy chụp nhũ ảnh hiện đại ngày nay sở hữu những ưu điểm vượt trội nên thời gian thực hiện được rút ngắn và hình ảnh trả ra rõ nét.
Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ có thể tìm thấy hiện tượng vôi hóa hoặc lắng đọng canxi ở vú. Tuy nhiên, hầu hết các vôi hóa không phải là dấu hiệu của ung thư. Hơn nữa, chụp nhũ ảnh cũng có thể tìm thấy u nang (là túi chứa chất lỏng có thể đến và đi bình thường trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ) và khối u ung thư.
Bác sĩ xem xét kết quả chụp nhũ ảnh và đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 5 như sau:
- 0 điểm: Thông tin chưa đủ để kết luận
- 1 điểm: Không có bất thường, nên tiếp tục kiểm tra định kỳ
- 2 điểm: Phát hiện u nang lành tính, nên tiếp tục kiểm tra định kỳ
- 3 điểm: Có bất thường nhưng chưa kết luận là ung thư, nên thực hiện chụp nhũ ảnh trong 6 tháng tiếp theo
- 4 điểm: Có yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư, thực hiện sinh thiết để xác định
- 5 điểm: Nguy cơ cao mắc ung thư, cần sinh thiết để xác định
Chụp nhũ ảnh ở đâu uy tín?
Hệ thống bệnh viện đa khoa Tâm Anh (Hà Nội & TP.HCM) hiện đang được trang bị những thiết bị kỹ thuật hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong việc đọc kết quả hình ảnh sẽ là một địa chỉ uy tín dành cho bạn.
Tại khoa Chẩn đoán Hình ảnh của bệnh viện có Hệ thống chụp nhũ ảnh KTS Mammomat Inspiration với công nghệ giảm liều tia PRIME giúp cho việc thực hiện diễn ra nhanh chóng và giảm liều tia X sử dụng đến mức tối thiểu, giảm đau đớn cho bệnh nhân. Đây cũng là dòng máy chuyên dụng cho tầm soát và đánh giá tuyến vú chuyên sâu bằng cách sử dụng công nghệ chụp vú 3D (tomosynthesis) góc nhìn siêu rộng 50 độ (góc nhìn lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại) cho khả năng chẩn đoán chính xác.
Các thắc mắc về chụp nhũ ảnh
1. Chụp X-quang tuyến vú có đau không?
Khi thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thả lỏng cơ thể và thư giãn để giúp hình ảnh trả ra đạt mức độ chính xác và rõ nét cao. Bạn có thể cảm thấy một chút chèn ép hoặc đau khi nén vú trong máy chụp nhũ ảnh. Khi ấy, bạn nên hít một hơi thật sâu để cơ thể không căng cứng. Nếu cảm thấy khó chịu hay đau đớn quá mức, bạn nên nói với kỹ thuật viên.
Ngoài ra, để giảm cảm giác đau, bạn nên thực hiện kỹ thuật này vào thời điểm một tuần sau khi hết kinh, vì lúc này nồng độ estrogen trong máu giảm xuống, tuyến vú bớt giữ nước và giảm căng, giúp giảm cảm giác đau và dễ quan sát hơn.
2. Kết quả chụp nhũ ảnh có chính xác không?
Như đã nói ở trên, chụp nhũ ảnh giúp phát hiện những khối u nhỏ ở vú, qua đó kịp thời xác định đó có phải là u ác. Ngoài ra, kết quả phim sau khi chụp còn cho thấy những vấn đề đang xảy ra ở vú (nếu có). Đặc biệt, với thế hệ máy móc tiên tiến cùng công nghệ hiện đại kết quả cho ra cũng đạt được những tiêu chí mà con người mong muốn: hình ảnh rõ nét, độ chính xác cao.
Vì thế, nếu kỹ thuật này được bác sĩ chỉ định thực hiện để tầm soát vú, bạn hoàn toàn yên tâm về kết quả mà máy trả ra. Tuy nhiên, thực tế cũng xảy ra trường hợp kết luận âm tính giả và dương tính giả (đã nói ở trên) nhưng tỷ lệ này là rất thấp, khoảng 5-15% và khi ấy bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm kỹ thuật siêu âm, đối chiếu với hình ảnh của những lần khám trước… để có kết luận bệnh chính xác.
3. Các giới hạn của chụp nhũ ảnh là gì?
Bên cạnh những ưu điểm thì chụp nhũ ảnh cũng có những giới hạn nhất định: Không thể xác định những khối u nhỏ là lành hay ác tính. Để xác định điều này cần thực hiện thêm những kỹ thuật chuyên khoa khác theo chỉ định của bác sĩ; Xuất hiện tình trạng âm tính hoặc dương tính giả, tuy nhiên điều này rất ít khi xảy ra và tỷ lệ là rất nhỏ.(2)
4. Chụp nhũ ảnh có nguy hiểm không?
Kỹ thuật chụp nhũ ảnh cho thấy chỉ có một lượng nhỏ bức xạ tiếp xúc với vú nhưng lợi ích mang đến cho sức khỏe lại lớn hơn rất nhiều. Trung bình, tổng liều cho một lần chụp X quang tuyến vú điển hình với 2 góc nhìn của mỗi bên vú là khoảng 0,4 mili giây hoặc 0,4mSv (mSv là thước đo liều bức xạ.) Liều bức xạ từ chụp X-quang vú 3D có thể từ thấp hơn đến cao hơn một chút so với hình thức chụp vú tiêu chuẩn.
Thực tế cho thấy, người dân ở Mỹ có tiếp xúc trung bình khoảng 3mSv bức xạ mỗi năm từ môi trường tự nhiên xung quanh họ. Đây được gọi là bức xạ nền. Theo đó, có thể thấy liều bức xạ được sử dụng để chụp X-quang tuyến vú tầm soát chỉ bằng lượng bức xạ mà một phụ nữ sẽ nhận được từ môi trường tự nhiên trong khoảng 7 tuần.
Nếu có dấu hiệu mang thai, hãy thông báo cho bác sĩ và kỹ thuật viên chụp X-quang. Cho dù nguy cơ đối với thai nhi là rất nhỏ và được cho là an toàn trong thai kỳ, nhưng chụp X quang tuyến vú tầm soát không nên thực hiện thường xuyên ở những phụ nữ mang thai không có nguy cơ cao bị ung thư vú.
5. Bao nhiêu tuổi chụp X quang vú/ chụp mấy lần trong năm?
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nhóm phụ nữ dưới đây nên thực hiện việc chụp nhũ ảnh:
- Phụ nữ từ tuổi 40 nên chụp X quang tuyến vú hàng năm
- Phụ nữ có nguy cơ ung thư vú nên chụp nhũ ảnh tầm soát thường xuyên bắt đầu từ tuổi 45. Thực hiện hàng năm cho phụ nữ từ 45 đến 54. Sau đó, có thể chuyển sang chụp X-quang tuyến vú 2 năm một lần. Hoặc duy trì việc chụp X-quang tuyến vú hàng năm.
- Phụ nữ từ 50 đến 74 tuổi nên thực hiện việc sàng lọc 2 năm/ lần
- Nhóm phụ nữ có nguy cơ (tiền sử gia đình, khuynh hướng di truyền, từng mắc ung thư vú) nên đi khám sớm để biết được những lợi ích và hạn chế của việc chụp nhũ ảnh. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm bổ sung (siêu âm vú, MRI) hoặc chỉ định thực hiện các bài kiểm tra thường xuyên hơn.
6. Tôi sẽ cảm thấy thế nào sau khi chụp quang tuyến vú?
Bạn sẽ có thể quay lại với các hoạt động thường nhật của mình ngay sau khi chụp X quang tuyến vú. Kỹ thuật này có thể gây ra một số khó chịu trong quá trình thực hiện nhưng cảm giác này sẽ biến mất nhanh chóng. Trường hợp, bạn vẫn cảm thấy đau hoặc khó chịu sau khi chụp quang tuyến vú, bạn nên chia sẻ điều này với bác sĩ.
7. Khi nào tôi có thể về nhà?
Bạn có thể về nhà ngay sau khi quá trình chụp nhũ ảnh hoàn tất.
8. Khi nào tôi nên gọi bác sĩ?
Bạn nên thực hiện việc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ những thay đổi ở vú dù chưa đến ngày hẹn khám.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Chụp nhũ ảnh là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh góp phần phát hiện sớm ung thư vú và giúp cải thiện độ chính xác trong việc phân biệt các bệnh lý vú không phải ung thư với các bệnh ung thư vú.
Từ khóa » X Quang Tuyến Mang Tai
-
Kỹ Thuật Chụp X Quang Tuyến Nước Bọt | Vinmec
-
Chụp X-quang Vú Có Thuốc Cản Quang | Vinmec
-
Chụp X Quang Tuyến Vú - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Sỏi Tuyến Nước Bọt - Rối Loạn Về Tai Mũi Họng - MSD Manuals
-
Kỹ Thuật Chụp X Quang Tuyến Nước Bọt - Bệnh Viện Vinmec
-
Kỹ Thuật Chụp X Quang Tuyến Vú Trong Tầm Soát, Chẩn đoán Ung Thư Vú
-
Chụp X Quang Tuyến Vú Và Những điều Cần Biết
-
Sỏi Hay U Tuyến Nước Bọt? - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Chẩn đoán X Quang Tuyến ức (P2) - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Chụp X Quang Tuyến Vú - Bệnh Viện FV - FV Hospital
-
CHỤP X QUANG TUYẾN NƯỚC BỌT - Health Việt Nam
-
Chẩn Đoán Hình Ảnh | Bệnh Viện Việt Pháp
-
Chụp X-Quang Tuyến Vú Phổ Có Tiêm Thuốc Cản Quang