Chụp X Quang đại Tràng Có Cản Quang Tóm Gọn Nhiều Bệnh Lý

Chụp X quang là chẩn đoán hình ảnh được ứng dụng phổ biến để kiểm tra các cấu trúc bên trong cơ thể. Kỹ thuật chụp X quang đại tràng thu được hình ảnh rõ nét về các tổn thương tại toàn bộ ruột già. Hiệu quả chẩn đoán sẽ tăng cao nhờ dùng thuốc cản quang, giúp phát hiện nhiều bệnh lý đại tràng nguy hiểm.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Kỹ thuật chụp X quang đại tràng có cản quang
  • 2. Ý nghĩa của chụp X-quang đại tràng cản quang
    • 2.1. Chụp X quang phát hiện những bệnh lý nào?
    • 2.2. Các kết quả sau chụp X quang đại tràng cản quang
  • 3. Chuẩn bị trước khi chụp X quang có cản quang
  • 4. Lưu ý khi chụp X quang có cản quang
    • 4.1. Trong quá trình chụp X quang đại tràng có cản quang
    • 4.2. Sau khi chụp X quang

1. Kỹ thuật chụp X quang đại tràng có cản quang

Đây là chẩn đoán hình ảnh dùng tia X để phát hiện các bất thường tại đại tràng sau khi đã bơm thuốc cản quang. Loại thuốc này là chất lỏng chứa kim loại (barium) có khả năng bao phủ lớp niêm mạc trong cùng tại lòng đại tràng.

Thuốc cản quang được đưa vào từ lòng trực tràng đến đại tràng đã được làm sạch. Khả năng phản ánh các mô mềm của tia X thông thường rất kém. Tuy nhiên khung đại tràng sẽ hiện lên đặc biệt rõ ràng khi có lớp phủ barium. Kỹ thuật chụp X quang ruột già cản quang hỗ trợ đắc lực cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh đại tràng như viêm, loét, polyp, ung thư,…

Trường hợp người bệnh chống chỉ định dùng barium, đại tràng sẽ được bơm không khí vào để cải thiện chất lượng hình ảnh. Lòng ruột mở rộng giúp những tổn thương được dựng hình chính xác hơn. Kỹ thuật này được gọi là chụp X quang tương phản không khí.

Chụp X quang đại tràng có cản quang

Sử dụng thuốc cản quang làm tăng độ rõ nét cho hình ảnh đại tràng

2. Ý nghĩa của chụp X-quang đại tràng cản quang

Bên cạnh các phương pháp hiện đại như nội soi đại tràng, chụp cắt lớp vi tính, MRI,…; chụp đại X quang vẫn được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện chụp X quang. Người bệnh chỉ tiến hành khi có chỉ định của bác sĩ dựa vào kết quả kiểm tra lâm sàng cũng như độ tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh.

2.1. Chụp X quang phát hiện những bệnh lý nào?

Chụp X quang cản quang có vai trò quan trọng giúp “vạch trần” hàng loạt vấn đề, bệnh lý ruột già:

– Xác định nguyên nhân của các triệu chứng bất thường: đau bụng, thói quen đại tiện thay đổi, chảy máu trực tràng, giảm cân không rõ nguyên nhân, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài,…

– Phát hiện và đánh giá sự tăng trưởng bất thường tại niêm mạc đại tràng như: polyp, khối u. Tuy nhiên chụp X quang không phân biệt được tổ chức đố lành tính hay ác tính.

– Chẩn đoán các bệnh lý đại tràng như: viêm loét, ung thư,…

Lưu ý, các trường hợp không được chỉ định chụp đại tràng có cản quang gồm: nghi ngờ thủng ruột; dị ứng với chất cản quang ở lần chụp trước; có biểu hiện xoắn ruột, nhồi máu mạc treo.

2.2. Các kết quả sau chụp X quang đại tràng cản quang

Xét nghiệm X quang đại tràng cản quang được xem là âm tính nếu không có bất thường gì trong toàn bộ lòng đại tràng. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng lâm sàng của từng trường hợp để tư vấn nên chụp X quang lại sau thời gian nhất định.

Khi bác sĩ phát hiện những bất thường trong đại tràng, xét nghiệm X quang sẽ được xem là dương tính. Người bệnh có thể cần thực hiện các xét nghiệm bổ sung khác tùy thuộc vào tình trạng cụ thể. Theo đó, bạn sẽ được chỉ định nội soi đại tràng, chụp CT hoặc sinh thiết để kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Trường hợp nghi ngờ chất lượng hình ảnh X quang không đảm bảo tiêu chuẩn, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh chụp X quang lặp lại hoặc một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.

Chụp X quang đại tràng phát hiện nhiều bệnh

Chụp X quang giúp tìm ra nguyên nhân của các bất thường tại ruột già như đau bụng, chảy máu trực tràng, rối loạn đại tiện,…

3. Chuẩn bị trước khi chụp X quang có cản quang

Đại tràng cần đảm bảo rỗng hoàn toàn trước khi bơm thuốc barium để thực hiện chụp X quang. Các chất tồn dư tại đây có thể chiếm phần của thuốc cản quang, che khuất hình ảnh thu được. Điều này dễ dẫn đến nhầm lẫn trong chẩn đoán.

Để khung đại tràng được làm trống toàn bộ, người bệnh cần lưu ý:

– Chế độ ăn uống 1 ngày trước chụp X quang: Sử dụng các thành phần dinh dưỡng tiêu hóa được hoàn toàn, không ăn chất xơ. Người bệnh được hướng dẫn uống các loại chất lỏng trong suốt (nước, nước ép, trà), tránh đồ uống có gas, chứa sữa hoặc kem.

– Nhịn ăn và nhịn uống ít nhất 12 giờ trước khi thực hiện thủ thuật.

– Uống thuốc nhuận tràng mạnh theo chỉ dẫn của bác sĩ vào đêm trước ngày thực hiện thủ thuật. Người bệnh sẽ đi ngoài nhiều lần dưới tác dụng của thuốc, loại bỏ các dư lượng trong đại tràng.

– Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang dùng để được tư vấn có nên ngừng thuốc trước khi chụp X quang hay không.

4. Lưu ý khi chụp X quang có cản quang

Toàn bộ quá trình chụp thường diễn ra trong vòng 30 – 60 phút. Dưới đây là các chú ý khi thực hiện thủ thuật chụp X quang ruột già tại các cơ sở y tế.

4.1. Trong quá trình chụp X quang đại tràng có cản quang

Người bệnh thay trang phục chụp X quang và được yêu cầu tháo trang sức, kính, các thiết bị nha khoa có thể tháo rời. Thủ thuật sẽ được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên chẩn đoán hình ảnh và một kỹ thuật viên X quang.

Đầu tiên, người bệnh nằm nghiêng trên chiếc bàn chuyên dụng. Chất bôi trơn sẽ được đưa vào trực tràng, sau đó barium sẽ được bơm vào khung đại tràng. Barium sẽ được giữ bên trong đường ruột nhờ ống đựng thuốc có gắn một quả bóng nhỏ phía bên ngoài cơ thể. Bạn có thể buồn đại tiện khi đại tràng lấp đầy với thuốc cản quang. Lúc này, hãy tập trung thư giãn, hít thở dài và sâu để giữ thuốc tại chỗ.

Sau đó, kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh xoay người và giữ các tư thế khác nhau trên bàn. Nhờ đó, thuốc cản quang sẽ được phủ toàn bộ khung đại tràng. Điều này giúp bác sĩ quan sát đại tràng từ nhiều góc độ khác nhau, không bỏ sót tổn thương.

Để thủ thuật thuận lợi hơn, bạn có thể cần nín thở nhằm tạo áp lực trong khoang bụng. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể ấn mạnh vào bụng và xương chậu để xem xét đại tràng tốt hơn trên màn hình X quang.

Lưu ý khi chụp X quang đại tràng

Đại tràng có thể được chụp từ nhiều góc độ khác nhau bởi các tia X

4.2. Sau khi chụp X quang

Bác sĩ sẽ ra y lệnh kết thúc thủ thuật khi đã thu thập đủ các thông tin, hình ảnh cần thiết. Lượng barium trong lòng ruột sẽ được tống xuất nhờ một ống thụt. Người bệnh có thể sử dụng nhà vệ sinh sau khi ống được tháo ra, giúp đào thải thêm barium và không khí.

Tất cả cảm giác khó chịu trước đó sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Người bệnh có thể trở lại chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường ngay lập tức. Kết quả X quang sẽ được gửi đến bác sĩ Tiêu hóa để tư vấn theo các tình huống đã nêu ở mục 2.2.

Vài ngày sau khi chụp X quang có cản quang, người bệnh có thể đi ngoài phân trắng. Đây là dấu hiệu cho biết cơ thể đang loại bỏ barium sót lại khỏi đường ruột theo cách tự nhiên. Ngoài ra, thuốc cản quang có thể gây tình trạng táo bón. Do đó người bệnh nên chủ động uống nhiều nước hoặc dùng thuốc nhuận tràng theo tư vấn của bác sĩ.

Nếu không thể đại tiện hoặc trung tiện từ hơn 2 ngày sau khi chụp X quang, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Mặt khác, bạn nên tái khám sớm nếu phân không trở lại màu như bình thường trong vài ngày sau đó.

Như vậy, chụp X quang đại tràng có cản quang giúp phát hiện các tổn thương, bất thường hay bệnh lý tại đại tràng. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có mức độ xâm lấn thấp, ít khó chịu. Bạn cần tuân thủ các hướng dẫn trước, trong và sau khi chụp để đảm bảo chất lượng hình ảnh thu được tốt nhất.

Từ khóa » Xq đại Tràng Cản Quang