Đó là một phần câu chuyện mà ông Nguyễn Phú Sơn (56 tuổi, ở xóm Tiền Phong, xã La Phù) kể cho tôi nghe về những “ông lợn” nuôi để rước lễ Thành hoàng làng hàng năm.Điều tối kỵ phải tránh khi nuôi “ông lợn”Trong không khí xuân đang rộn ràng khắp đất trời, về La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) những ngày này, trên những đường làng, ngõ xóm cờ hoa trang hoàng lộng lẫy. Đi ngang qua đình làng La Phù, khói hương bảng lảng trong tiết trời phân phất mưa xuân! Vang lên từ loa đài là những âm thanh rộn rã, thúc giục của hội làng khiến cho lòng người trở nên phấn chấn.
Lễ rước 'ông lợn' ở La Phù năm 2018. Ảnh: Đạt Lê.
Đến cuối một con ngõ khá sâu, bước vào căn nhà ông Nguyễn Phú Sơn cũng đã giữa buổi trưa. Bà vợ ông cùng người hàng xóm đang trò chuyện vội đon đả đón khách: “Mời anh vào nhà xơi nước, chờ ông nhà tôi đi đưa hàng lúc nữa là về, lúc đấy anh trao đổi công việc với ông ấy…”. Ngồi trong căn nhà cổ 5 gian của ông Sơn, bà vợ ông cho biết, ông Sơn là người cẩn thận, kỹ tính. Gia đình nhận nuôi lợn rước lễ cũng được gần chục năm qua. Nuôi lợn để lễ Thành hoàng làng chứ không phải nuôi thương phẩm nên mọi thứ phải chỉn chu, không thể qua loa được…Đợi khoảng nửa giờ đồng hồ, ông Sơn về, ông rót chén trà trân trọng mời khách. Ông bắt đầu chia sẻ về quá trình nuôi các “ông lợn” giúp các nhà cai đám trong xóm: “Ở gần đây, ví như La Tinh, Đồng Nhân (xã Đông La), họ cũng theo tục rước lợn, nhưng với họ thì lợn rước đơn giản chứ không như ở La Phù. Quy trình nuôi lợn rước lễ La Phù vô cùng khắt khe. Đối với người được chọn nuôi lợn phải có ông bà, bố mẹ song toàn (còn sống khỏe mạnh), gia đình có đủ con trai và con gái, làm ăn phải nề nếp, lối sống văn minh, gia đình hiền hậu. Kinh tế gia đình không cần phải giàu có, nhưng cũng không được quá nghèo túng…”.
Ông Nguyễn Phú Sơn (xóm tiền Phong, xã La Phù), người nuôi lợn rước nhiều năm qua. Ảnh: Đạt Lê
Theo ông Sơn, lợn lễ rước năm nay về cơ bản đạt trọng lượng và đẹp mã.
Ông Sơn cho hay, do hương ước của làng đã đặt ra từ mấy trăm năm qua, dân La Phù cứ vậy mà theo. Người được chọn nuôi “ông lợn” dù bố mẹ có tốt đến đâu nhưng con cái nghiện ngập, cờ bạc thì cũng sẽ không được chọn. Đặc biệt, trường hợp gia đình mà đã được chọn từ đầu năm nhưng trong năm đó bất ngờ có tang thì “ông lợn” sẽ được chuyển sang gia đình khác có đủ những tiêu chuẩn.Ngồi bên trường kỷ, ông Sơn chia sẻ: “Cứ vào cái mùa tim tím hoa xoan ấy, những đám hội hè từ khắp nơi đã vãn thì tôi lại bắt đầu đi đến một số huyện lân cận Hoài Đức để chọn lợn. Các “ông lợn” phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn: Là lợn đực, tai lá mít, đít lồng bàn (tai to, mông vai nở nang), lưng thẳng như đòn gánh, người trắng hồng chứ không được có bất cứ một đốm đen, vết xám nào trên cơ thể. Lợn nuôi phải đạt trọng lượng ít nhất từ có thể đã 30 - 60kg trở lên và cứ thế đưa lợn về nuôi cho tới khi mang đi làm lễ. Từ khi đưa lợn về nuôi phải tuyệt đối không được cho ăn cám tăng trọng, không được cho người lạ vào xem “ông lợn” vì có thể mất thiêng dẫn tới “ông lợn” mắc bệnh ốm, hoặc chết”.Chuyện “ông lợn” khổng lồ tự đi về nhà cai đámNăm nay gia đình ông Sơn nuôi 9 “ông lợn” lễ. Tuy nhiên, có 8 “ông lợn” được chọn cho các xóm. Đến sáng 13 Âm lịch các cai xóm lại đến lùa lợn về nhà để giết thịt, đưa lên kiệu rước ra đình làng. Từ tháng 11, trở đi (3 tháng cận lễ rước) lợn sẽ bước vào chăm sóc đặc biệt. Thực phẩm cho các “ông lợn” ăn phải sạch, là cám, gạo, cháo cùng với rau củ quả, nhưng không được nấu đồ thừa cho ăn, kể cả cơm trắng nhà ăn thừa. Bên cạnh đó, chuồng lợn luôn được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.Vào mùa hè, lợn vốn nóng cộng với thời tiết nắng nóng nên việc tắm rửa cho lợn ngày phải vài lần. Mùa đông thì tắm ít hơn nhưng vẫn phải tắm ít nhất ngày một lần. Trường hợp, nhiệt độ quá thấp, trời quá lạnh thì buộc phải có lò sưởi ấm cho lợn. Trường hợp phát hiện lợn hắt hơi, sổ mũi phải gọi bác sỹ thú y đến kiểm tra chăm sóc thú ý cho các “ông lợn” được đảm bảo.
Trong đêm 13 tháng Giêng năm nay sẽ có 17 'ông lợn' được rước từ các xóm vào đình làng La Phù. Ảnh: Đạt Lê
Châm lửa, nâng ống điếu thuốc lào hít một hơi dài, ông Sơn chậm rãi: “Tôi không nói chơi đâu nhé! Nuôi các “ông lợn” là đã được lễ báo cáo Đức Thánh từ trước đó rồi. Do vậy chăm sóc không cẩn thận là nguy cơ phá lợn lễ như chơi. Người trong gia đình tôi thì chăm sóc đã đành, nhưng tôi là cấm không cho người lạ vào thăm nom, xem các “ông lợn”. Tôi nói thế để anh thông cảm không trực tiếp vào chụp ảnh, quay phim nhé! Thiêng lắm các anh anh ạ…”.Ông Sơn bảo, chính ông đã phải “mắc đẹn” (gặp rủi ro) rồi, vào khoảng tháng 11 năm trước đó, có anh phóng viên trên Hà Nội về hỏi tôi thông tin để viết bài. Do cũng nể nang và thấy anh ấy nhẹ nhàng cho nên tôi cho vào chụp ảnh, ai ngờ 6 “ông lợn” lễ toàn hơn 100kg ngay sau đó sinh ra ốm, rồi vô phương cứu chữa. Ông Sơn đành ngậm ngùi mang lợn đi tiêu hủy. Và theo ông Sơn thì đó cũng không phải lần đầu “mắc đẹn” phải từ khi ông nuôi lợn rước lễ.Về những kỷ niệm khi nuôi các “ông lợn”, ông Sơn cho biết, gần chục năm nuôi lợn lễ có nhiều điều thú vị và lạ lẫm. Châm lửa, nâng ống điếu lên rít hơi thuốc lào thật sâu, ông Sơn chậm dãi kể: “Năm ấy cũng thật lạ, tôi nuôi các ông lợn lớn như thổi. Có “ông lợn” hơn 300 cân hơi, khi nhà cai đám đến rước ông về, nào người xe hô hào, lùa, bê đẩy nhưng ông cứ nằm một chỗ. Lúc này mọi người lo lắng sẽ khó đưa ông lợn về cho kịp lễ. Đến khi tôi vào làm lễ, khấn xong thì ông lợn bất ngờ đứng dậy và lừng lững theo đoàn người về nhà cai xóm. Còn cánh thanh niên trai tráng của xóm rảnh rang kéo chiếc xe rước “ông lợn” về không”.Ông Sơn cũng cho biết, hàng năm, đoàn người nhà cai đám đến nhận “ông lợn” thường là vào khoảng 9 giờ sáng ngày 13 tháng Giêng. Đó là những người lớn tuổi, thanh niên tráng kiện được lựa chọn. “Ông lợn” từ nơi nuôi được đưa về nhà cai đám, trước đây phải dùng chiếc chiếu lùa, giờ có xe các xóm tự chế để đón “ông lợn”. Quá trình này không được dùng roi, vật dụng gì quất hoặc dùng dây trói buộc "ông lợn", mà phải dùng tay để giữ cho đến khi giết thịt “ông lợn” xong...Đảm bảo an toàn, văn minh lễ hộiVề quy trình rước lợn, ông Nguyễn Hữu Khoa – Trưởng ban tổ chức lễ hội La Phù chia sẻ: Sau khi đã thịt, "ông lợn" sẽ được đặt lên một chiếc khung tuýp nước bằng sắt đã được uốn cong để tạo dáng chống mình lợn lên cao và được đặt lên chiếc kiệu cao khoảng 1,2m tạo dáng cho “ông lợn”. Tiếp đó, người dân mới bắt đầu trang trí cho “ông lợn” bằng những bông hoa từ giấy màu, tết hoa tươi thành vòng. Trang trí ông lợn phải đơn giản nhưng lại mang tính thẩm mỹ cao.
Các 'ông lợn' được đưa vào hậu cung đình làng La Phù để tế Đức Thánh đêm 13 tháng Giêng năm 2018. Ảnh: Đạt Lê
Đến khoảng hơn 17 giờ ngày 13 tháng Giêng các “ông lợn” và lễ vật được rước qua các làng, ngõ trong xóm trong tiếng trống rộn ràng. Theo lệ, xóm gần rước trước, xa rước sau. Một đội rước được sắp xếp tuần tự: Đi đầu là hai lá cờ đại, rồi sau đó là đội nhạc kèn, múa lân. Rồi tiếp đến bàn rước với đủ đồ thờ như cây đèn, ống hoa, mâm ngũ quả, chè oản và đỉnh hương trầm nghi ngút rồi đến quả xôi. Cuối cùng, kiệu của "ông lợn" được khiêng bởi những thanh niên tráng kiện được tuyển chọn trong xóm.Khi đến đình làng, bàn lễ của các xóm được xếp dọc hai bên sân đình ngoài và sân đình trong, khoảng 21 giờ lễ lợn được khiêng vào sân đình và chờ đến gần 24 giờ sẽ đưa vào hậu cung để các cụ làm lễ. Đến sáng ngày 14, trước sự đông đủ của bà con ở sân đình, các cụ sẽ công bố điểm thi xem lợn của xóm nào đẹp và có quà tặng. Sau đó, từng xóm lại khiêng lợn về và xẻ thịt, chia phần lộc cho từng hộ trong xóm…Trưởng ban tổ chức lễ hội La Phù cho hay: Tại đêm rước ra đình làng La Phù năm Kỷ Hợi 2019 sẽ có 17 “ông lợn”, cùng với đó nhiều trò chơi, văn hóa, văn nghệ được tổ chức. Mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội truyền thống cơ bản đã hoàn tất... Bình thường cứ 5 năm làng lại tổ chức lễ hội lớn một lần (hay còn gọi là đại đám) và các năm còn lại sẽ là lễ hội thường niên. Năm nay là năm Kỷ Hợi nhưng không phải là năm chẵn nên việc rước lễ vẫn làm như các năm.Đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Ngay từ đầu năm xã đã lên kế hoạch và xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Hoài Đức. Việc tổ chức lễ hội phải đúng theo quy định của pháp luật và truyền thống của địa phương. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vui chơi giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Cấm tuyệt đối hoạt động mê tín dị đoan, không để xảy ra tệ nạn xã hội…”.Cũng theo ông Khoa, đặc biệt, công tác đảm bảo an ninh, giao thông trong các ngày diễn ra lễ hội, Công an huyện Hoài Đức sẽ tăng cường về địa bàn xã khoảng 60 – 70 chiến sỹ. Qua đó, phòng chống các hoạt động tội phạm trộm cắp, móc túi và đảm bảo giao thông ở địa phương; an toàn cháy nổ trong lễ hội để người dân và du khách đến vui chơi lễ hội.
Lễ rước “ông lợn" là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù. Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc gìn giữ bờ cõi. Tục truyền rằng, mỗi khi Đức Thánh Tam Lang tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Ông được vua Lê Đại Hành, vua Trần Thái Tông, vua Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong... Vị lạc tướng tài ba đã “hóa” vào lúc 0 giờ đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày này hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn, qua đó tưởng nhớ ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương…