“Chuyện Cổ Tích” ở Làng Phong Đăk Kia - Báo KonTum Online

Đổi thay ở làng phong

Trở lại làng phong Đăk Kia (xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) trong những ngày cuối năm 2017, tôi thật sự ngỡ ngàng trước những thay đổi ở một ngôi làng của những bệnh nhân phong.

Vẫn ngôi làng ấy, con người ấy, vẫn những hàng dừa như “chứng tích của thời gian” tàu lá đong đưa trước gió, nhưng cảnh vật nơi đây đã nhiều đổi thay.

Những con đường vào làng giờ đã được bê tông thẳng tắp, sạch sẽ. Bên cạnh nhà rông truyền thống được những cư dân làng phong dựng nên, là ngôi trường tiểu học của con em bệnh nhân phong, vẳng trong sớm mai tiếng đọc bài con trẻ.

Những ngôi nhà xập xệ trước đây, giờ đã được thay thế bằng những khu dân cư khang trang, thoáng đãng. Trước mỗi nhà đều có thảm cỏ xanh được chăm sóc, gọt tỉa cẩn thận, gợi cho người đến thăm làng phong một cảm giác dễ chịu, yên bình…

Hơn 8h sáng, ánh nắng ban mai đã ùa ngập muôn lối. Trên con đường làng dẫn đến Bệnh xá phong Đăk Kia, những bệnh nhân phong chậm rãi từng bước chân. Họ đến đây để tắm nắng buổi sớm, một số thì đến bệnh xá lấy thuốc, rửa vết thương… cái việc mà họ thường lặp đi, lặp lại từng ngày trong suốt quãng đời “làm cư dân” ở làng phong.

Bác sĩ Y Hà Lâm- người phụ trách Bệnh xá phong Đăk Kia chia sẻ: Những bệnh nhân phong ở đây đều được điều trị, chăm sóc chu đáo. Qua điều trị, chăm sóc, những người mới mắc bệnh, nhờ chữa trị kịp thời đã khỏi bệnh. Số bệnh nhân mắc bệnh lâu ngày, để lại di chứng tàn tật thì phải dùng thuốc, chăm sóc vết thương hàng ngày…

Thôn trưởng thôn Đăk Kia (làng phong Đăk Kia) - A Nhiêh cho biết: Thôn Đăk Kia có 186 hộ gia đình với gần 700 nhân khẩu, trong đó có khoảng 30 người sống độc thân. Trong làng hiện chỉ còn 80 người mắc bệnh phong; những người sống độc thân bị tàn tật nặng, lở lói tứ chi, không tự chăm sóc cho bản thân mình, nên phải có y tá hay các sơ của làng phong chăm sóc, chữa trị.

Qua tìm hiểu được biết, ngoài chế độ chăm sóc, chữa trị miễn phí, những bệnh nhân phong là trại viên do bệnh xá quản lý được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn mỗi người 30.000đ/ngày, đối với bệnh nhân (kể cả bệnh nhân phong ngoài cộng đồng) có bệnh án thì được hỗ trợ tiền ăn 40.000đ/ngày. Bệnh xá có bếp ăn được xây dựng khang trang, đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho bệnh nhân điều trị…

Ngoài ra, những bệnh nhân phong ở đây thường xuyên được hưởng phúc lợi từ các chương trình nhân đạo, từ thiện của các tổ chức xã hội đến thăm và tặng quà, nên phần nào cũng đã xoa dịu được nỗi đau trên cơ thể, giúp họ thêm nghị lực chống chọi với bệnh tật…

Lặng lẽ hiến dâng

Nói đến làng phong Đăk Kia, không thể không nói đến những người tình nguyện về sinh sống tại làng phong, để chăm sóc những người bị bệnh. Họ hiện diện, tỏa sáng giữa đời thường như những “cô tiên”, “bà tiên” mà nhiều khi ta ngỡ chỉ có trong chuyện cổ tích.

Bà Y Phương và sơ Y Dung chăm sóc, rửa vết thương cho bệnh nhân phong

Trong số đó phải kể đến bà Y Phương (sơ Phương), năm nay đã 81 tuổi, nhưng bà đã có “thâm niên” gần 60 năm sống tại ngôi làng này…

Ngược dòng thời gian vào những năm của thập kỷ 50 (thế kỷ XX), trại phong Đăk Kia có khoảng một ngàn bệnh nhân từ các tỉnh Tây Nguyên đổ dồn về để chữa trị. Hầu hết, những bệnh nhân này đều ở thời kỳ bệnh phát tác mạnh, lở loét và thối rữa tứ chi... nhưng vì chưa có thuốc đặc trị nên chỉ được truyền nước, tiêm thuốc kháng sinh penicillin, bệnh nặng thì rửa vết thương bằng cồn, nước muối, băng bó.

Những bệnh nhân phong ở giai đoạn cuối, vết thương bị lở loét rất nặng mùi. Đã có nhiều người khi tình nguyện vào đây được một thời gian phải xin thuyên chuyển hoặc bỏ việc. Nhưng đối với bà Y Phương, tình cảm, trách nhiệm không cho phép bà sợ hãi hay ghê sợ những vết thương của bệnh nhân. Ngày qua ngày, không quản ngại nguy hiểm vì sự lây lan của con bệnh, bà ân cần chăm sóc, lau rửa, băng bó tỉ mỉ từng vết thương, lo lắng cho từng bệnh nhân như người ruột thịt của mình…

Và, bà Y Phương vẫn ngày đêm cần mẫn với công việc chăm sóc những bệnh nhân phong cho đến ngày bà nghỉ hưu vào năm 2011.

Gặp lại bà Y Phương trong ngôi nhà nhỏ nép mình dưới rặng cây như thuở nào, bà lặng lẽ rót nước mời chúng tôi, nụ cười luôn nở trên khuôn mặt phúc hậu của bà. Tuy tuổi đã cao, sức yếu những bà vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Bà cho biết, cách đây mấy năm, một cơn bạo bệnh tưởng chừng đã cướp đi sinh mạng của bà, nhưng nhờ nghị lực và chữa trị kịp thời, nên bà đã khỏe lại.

Sơ Y Dung - một y tá vừa tốt nghiệp ra trường, cũng tình nguyện về làng phong Đăk Kia để chăm sóc bệnh nhân phong cho biết: Bà Y Phương nghỉ hưu rồi, nhưng hàng ngày bà vẫn chăm chỉ lao động, khu vườn của bà ngát xanh những bầu, bí, rau… Dư dả chút ít thì bà cũng san sẻ cho những bệnh nhân phong. Mỗi khi có bệnh nhân phong đến tìm, bà vẫn chăm sóc, lau rửa vết thương cho họ. Ngoài ra, khi có tổ chức từ thiện đến tặng quà cho bệnh nhân phong, bà không quản ngại tuổi cao, sức yếu, mang quà đến từng nhà phân phát đều cho các bệnh nhân…

Tấm lòng và nhân phẩm của bà Y Phương đã trở thành biểu tượng tốt đẹp của cư dân làng phong. Quên mình và lặng thầm hy sinh vì những bệnh nhân phong, bà Y Phương đã làm không ít trái tim người lay động.

Sơ Y Dung chia sẻ thêm: Ngoài tôi còn có sơ SisKa cũng tình nguyện về đây phục vụ và chăm sóc những bệnh nhân phong thay bà Y Phương. Trước tấm gương của bà, chúng tôi cảm phục lắm và quyết noi theo.

Theo chân bà Y Phương và sơ Y Dung đến thăm những bệnh nhân phong nặng. Trước khi đi, bà Y Phương không quên mang theo dụng cụ rửa vết thương, băng gạc, thuốc sát trùng… Bà Y Phương nói: Sẵn đây rửa vết thương cho họ luôn, để họ khỏi phải vất vả đi đến chỗ mình.

Đến một ngôi nhà giữa thôn, bà Y Phương dừng lại và chỉ cho tôi thấy những bệnh nhân phong đã bị tàn tật, tứ chi gần như bị mất hết. Mặc dù vẫn đang dùng thuốc, nhưng có người vết thương vẫn bị lở loét, chảy mủ vì do họ bất cẩn không giữ vệ sinh.

Bà Y Phương cùng sơ Y Dung bắt đầu công việc. Từng động tác ân cần nhưng gọn gàng, bà Y Phương nâng những bàn chân bị biến dị, vết thương tạo lỗ sâu hoắm, nhẹ nhàng cạo rửa sạch mủ. Xong, bà Y Phương bôi thuốc, dùng gạc y tế băng bó lại cẩn thận để tránh bị nhiễm trùng. Cứ lần lượt như thế, trong khoảng thời gian ngắn, cả hai người đã rửa, chăm sóc vết thương cho 5-6 người.

Tôi hỏi chuyện, những bệnh nhân phong này cho biết: Bà Y Phương rửa vết thương kỹ và nhẹ nhàng lắm. Nên mọi người thích được bà chăm sóc và rửa vết thương cho mình. Trong số này, có người đã được bà chăm sóc, rửa vết thương hàng chục năm rồi…

Rời làng phong Đăk Kia trong tiết trời đông se lạnh nhưng lòng tôi ấm áp lạ lùng. Giữa đời thường, vẫn còn đó những tấm lòng của những con người bình dị ngày đêm âm thầm, lặng lẽ hiến dâng tuổi thanh xuân cho những mảnh đời bất hạnh.

Bài và ảnh: Dương Đức Nhuận

Từ khóa » Trại Cùi Kon Tum