Chuyện Của Gã Phước Khùng ở Thành Phố Xương Mù - Sống Đẹp

Đầu tiên, ai gặp người nghệ sĩ tài “dị” của Đà Lạt cũng đều thắc mắc về cái biệt danh rất “độc” này.  Anh lý giải thật đơn giản: MPK được hiểu “M” là “Michel” (tên thánh), còn “PK” là viết tắt của Phước “khùng”. Có lẽ, lý do cho biệt danh rất “dị” này là bởi phong cách chụp hình chẳng giống ai của MPK. 

Có dịp gặp MPK tại Đà Lạt vào đầu tháng 9, chúng tôi hẹn nhau tại cà phê Tùng nằm sau chợ Đà Lạt. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, cái góc nhỏ tĩnh lặng khu Hòa Bình này, cũng là nơi người nghệ sĩ “dị” của Đà Lạt thường xuyên tới lui.

ve-da-lat-biet-them-ve-ga-phuoc-khung-dam-me-chup-hinh-1
Có được lý do cho biệt danh Phước khùng rất “dị” này là bởi phong cách chụp hình chẳng giống ai của MPK. 

Đây là quán cà phê nổi tiếng ở Đà Lạt, không phải vì tuổi đời của nó (được xây dựng từ năm 1958, bằng tuổi với MPK), mà còn bởi những nghệ sĩ tiếng tăm của xứ sở sương mù cũng thường tìm đến nơi này để hàn huyên.

Chúng tôi hỏi MPK: “người đời gọi anh là Phước “khùng”, anh có buồn không?”. Đáp lại bằng một tràng cười sảng khoái, MPK dí dỏm: “Bởi lúc ấy, tôi nhận ra đó là người quen của tôi”.  

Phước “khùng” rất khoái lang thang phố núi. Anh bảo, bàn chân anh đã qua nhiều con suối, con sông, băng qua những thung lũng, làng hoa, đồi thông của Đà Lạt để “săn” những khoảnh khắc đẹp của xứ sương mù.

Người ta thấy anh lụi cụi với chiếc máy ảnh đã cũ mèm, và có thể bắt gặp anh ở bất cứ nơi đâu. Thậm chí, một anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi thường trú ở Đà Lạt kể câu chuyện vui: Người Đà Lạt đồn rằng, có lần MPK vào chợ Đà Lạt, tưởng anh mua một chiếc bánh để thưởng thức, nào ngờ anh chỉ dùng chiếc lạt gói bánh để buộc cái ống kính của mình.

Người ta còn bảo, chỉ với cái máy ảnh cũ mèm ấy, MPK đã có thể tạo ra những tác phẩm hình ảnh tuyệt tác. Có lẽ, ở người nghệ sĩ “dị” luôn có một tình yêu bỏng cháy cho riêng mảnh đất này, mà cho đến bây giờ cứ nhắc đến phố núi là người ta nghĩ đến MPK.

Bởi thế, trong câu chuyện của mình, Phước “khùng” quả quyết với chúng tôi rằng: Sẽ sống với Đà Lạt, ở với Đà Lạt với trọn kiếp này. Anh bảo: Mảnh đất này có gì đó đặc biệt lắm, không dứt áo đi đâu được, dù bạn bè ở Sài Gòn luôn í ới gọi anh về. Có lẽ, Đà Lạt đã trở nên thân thiết với anh như máu thịt, như một nỗi ám ảnh khôn nguôi từ ấu thơ.

MPK kể, tuổi thơ của anh được phủ đầy bụi bặm. Điều đặc biệt, anh sẽ chẳng bao giờ kể về đời mình, nếu như không có rượu, có đàn, có bạn. MPK luôn thẳng thật khi ngồi với bạn, bởi thế anh luôn có thân hữu ở khắp nơi.

Phước “khùng” chẳng hề giấu diếm chuyện thất học đi bụi đời từ năm 13 tuổi. Ai mướn gì làm đó, có lúc bị hắt hủi, thậm chí từng tù tội vì những chuyện lãng xẹt. Có thời gian, MPK xin vào bốc vác hàng hóa ở các khu chợ phố núi. Mỗi ngày, anh kiếm được 36 đồng, một phần cho trang trải mưu sinh hàng ngày, phần còn lại dành dụm cho một tương lai chưa định hình.

Thế nhưng, chính những năm tháng ấu thơ cơ cực ấy, Phước “khùng” nhận ra mình như hạt bụi lăn vào đời: “Như người khác có thể buồn chán đến cùng cực, thì tôi đón nhận chúng như một trải nghiệm cuộc đời cho riêng mình”.

Để rồi, dù tuổi thơ khó nhọc và không có điều kiện đến trường, MPK vẫn rất ham học. Anh thường lui tới một thư viện trên đường Thủ Khoa Huân để đọc sách những lúc rảnh rỗi. Thậm chí, MPK còn tập viết truyện, làm thơ, bắt đầu từ những mẩu ngắn ngủn, rồi từng ngày một dài hơn.

ve-da-lat-biet-them-ve-ga-phuoc-khung-dam-me-chup-hinh-2
Đối với Phước “khùng”, Đà Lạt thân thiết với anh như máu thịt, như một nỗi ám ảnh khôn nguôi từ ấu thơ.

Đang lúc cao hứng khi nhắc về tuổi thơ, MPK xin phép đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ được anh sáng tác từ năm 16 tuổi. Bài thơ có tiêu đề “Mưa” phảng phất những suy tư, triết lý về cuộc sống mà chính cuộc đời khốn khó đã dạy cho anh: 

“…Và khi mặt trời lên tôi thành dòng suối trong

Tôi ôm choàng rừng núi, mọi người ngắm nhìn tôi

Tôi nào có tự hào

Tôi vẫn trôi… vẫn trôi…”

Có lẽ, lăn lộn với ấu thơ như thế, Phước “khùng” hay suy nghĩ, triết lý về cuộc sống, nói ra những điều kỳ quặc, lập dị. Thậm chí, nhiều người hay gọi anh bằng cái biệt danh Phước “

khùng” thay cho cái tên đủ họ, đủ đệm là “Nguyễn Văn Phước”. Dù vậy, cứ nhắc đến MPK thì ai nấy đều yêu mến gã nghệ sĩ “khùng” một cách vô tư nhất. Đó là mỗi lần MPK bước chân vào cà phê Tùng, là hầu như ai trong quán cũng biết Phước “khùng” sẽ vào ngồi góc nào, và bên cạnh luôn là một máy ảnh cũ mèm. Nhiều người yêu mến coi MPK như một đặc sản của Đà Lạt. Có người coi anh như một thần tượng trong giới chơi nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Nói về “duyên nghiệp” với nhiếp ảnh, Phước “khùng” trải lòng: để có chiếc máy ảnh Nikon-SM2 chuyên nghiệp đầu tiên, anh đã phải dành dụm 3 đồng mỗi ngày lúc trai trẻ bằng nghề bốc vác. Thế nhưng, ban đầu người ta chỉ biết anh với công việc chụp ảnh thuê.

Cùng lắm, chỉ biết đến một gã chụp ảnh thường đi với khách từ đồi này đến đồi khác để “tác nghiệp”. Rồi một hôm, trong lúc ngước nhìn bầu trời lộng lẫy, ngẫu nhiên Phước “khùng” đưa bàn tay lên giữa lưng chừng mây trời và một khoảnh khắc “để đời” chợt đến. Bức ảnh gợi đến một quy luật, một ý nghĩa nhân văn, về một lẽ sống khiến từ một tay chụp ảnh nghiệp dư, MPK bắt đầu nhận ra chân lý của mình.

Từ đó, Phước “khùng” bỏ chụp ảnh thuê và lao vào chụp ảnh nghệ thuật, đơn giản chỉ để tìm đến những cái đẹp tiềm ẩn của xứ sương mù. Anh tìm đến hoa, lá, quả, mưa, nắng, trăng, sương, gió, đến cả thế giới của những côn trùng nhỏ bé nhất, hay đơn giản là những ống khói lấp ló trên mái những ngôi nhà giữa phố núi.

Những điều tưởng chừng bình dị, đời thường ấy, qua ống kính kỳ diệu của MPK bỗng chốc trở lên mê hoặc. Còn hơn thế, xem tác phẩm của Phước “khùng”, người ta thưởng thức những cái đẹp đến một cách tự nhiên, rất thật, không dàn dựng và không chỉnh sửa. 

Bẵng đi đã hơn 20 năm, tay nghề của người nghệ sĩ Đà Lạt “lập dị” bây giờ đã “có số có má” trong giới chơi ảnh chuyên nghiệp. Ngần ấy năm, MPK cũng đã kịp trình làng hơn 20 triển lãm ảnh lớn nhỏ.

Năm ngoái, khi Đà Lạt tròn 120 năm tuổi, Phước “khùng” dành tặng thành phố sương mù bằng triển lãm Langbiang với 120 ảnh khổ lớn. Một triển lãm đã thêm một lần khẳng định anh là “phù thủy” trong lĩnh vực nhiếp ảnh, bởi những ý niệm, triết lý nhân sinh sâu sắc anh muốn nhắc đến.

Hoài Lương - Giác Tiến

Nghệ sĩ kể: MC Hạnh Phúc và hành trình "đánh bại" căn bệnh ung thư nhờ Phật pháp

Từ khóa » Mpk Phước Khùng