Một “khùng”, Một “điên”, Một Đà Lạt - Công An Nhân Dân

Chị cuồng yêu lãng mạn. Yêu đạt đến độ thành bệnh lang thang. Chị yêu lang thang đến mức thích là đi. Đi để trải nghiệm cho ngòi bút thơ, văn. Chị là nhà thơ Hồng Thủy Tiên, tức “Crazy” Tiên.

Anh chị tình cờ gặp nhau, 3 ngày sau lao vào yêu ngay. 1 tháng sau, cưới nhau và sinh con.

Dường như họ sinh ra để cho nhau.

  • Chuyện của MPK: Lãng đãng cho sự vô giá
  • MPK an trú trong hiện tại
  • Nhiếp ảnh gia MPK: "Vẽ" Đà Lạt với nắng, nước và gió
  • MPK: Chàng lãng tử cao nguyên

Chuyện “khùng” của Phước

Hình như Phước “khùng” đã trở thành một phần của Đà Lạt. Nhiều kẻ lãng tử (kể cả giang hồ) từ địa phương khác viếng thăm Đà Lạt cũng muốn tìm đến quán để trò chuyện và chụp ảnh lưu niệm cùng Phước. Chụp ảnh với Phước gần như là một thứ mốt của một số bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh ở TP HCM, Hà Nội đến Đà Lạt.

Phước Khùng (tức MPK).

Quán cà phê là nơi mỗi sáng Phước đều ghé để ngẫm nghĩ trước khi bắt đầu đi lang thang. Anh đi bằng chính đôi chân của mình chỉ vì... không thèm tập lái xe đạp, xe gắn máy. Đi chậm rãi, chắc chắn từng bước, dáng hơi chúi về phía trước. Bộ tóc rũ rượi gói trong chiếc khăn trùm đầu; chiếc ba lô con cóc lúc lắc trên vai; Bộ quần áo màu đất sờn bạc; Đôi ghệt cũ kỹ… bộ dạng đó khiến Phước giống như một gã thất trận, đúng hơn là gã khùng thất trận?

Phước lầm lũi đi một mình như tiến vào cõi hư vô. Thật ra, anh chỉ loanh quanh Đà Lạt soi mói, vạch tìm "cái gì đó" của thiên nhiên để chụp ảnh.

Phước sinh năm 1958, ở Huế. 13 tuổi đi bụi đời đến Đà Lạt rồi chọn đó làm chốn nương thân và "học tập". Phước từng làm thuê vặt, xách vác mướn đủ thể loại để có cơm ăn. Chỉ cần có cơm ăn thôi chứ không cần tiền. Phước là người không cần tiền. Phước chỉ cần sách. Sách anh cần là triết học và Phật học. Anh học ở sách. Phước uyên thâm và có thể luận triết cả ngày.

Cũng có lúc cuộc sống vỉa hè xô Phước lọt thỏm xuống hố ma túy. May mà anh biết cách nhảy ra khỏi chiếc hố “tử thần” đó.

Anh kể: "Năm 1982, đói quá, không còn sức bốc vác, cũng không có dũng khí để đi... ăn cướp, tôi đành chụp ảnh dạo kiếm tiền".

Thời đó, chưa có máy ảnh kỹ thuật số. Khách du lịch muốn có ảnh lưu niệm phải nhờ thợ chụp ảnh dạo. Nơi nào đông vui là có thợ chụp ảnh dạo. Anh nhớ lại: "Hồi đó chụp ảnh kiếm được nhiều tiền lắm. Mỗi ngày kiếm được vài chỉ vàng là chuyện bình thường. Trời ơi, sướng!".

Muốn chụp ảnh phải có máy. Thế là vô chợ xách giỏ thuê. Mấy bà lớn tuổi ở nơi khác đến Đà Lạt du lịch thường vào chợ mua rau quả đem về. Mua nhiều xách hổng nổi, phải thuê người xách.

Sau 1 tuần xách giỏ thuê, Phước mua được cái máy ảnh cũ hiệu Fujica compact.

Phước bắt đầu kiếm cơm bằng nghề chụp ảnh dạo. Kiến thức nhiếp ảnh lúc đó chỉ gói gọn 1 câu: Nheo mắt bắt khung rồi bấm. Vừa chụp, Phước vừa học hỏi các thợ đàn anh về kiến thức nhiếp ảnh.

Người ta chụp ảnh để kiếm tiền, còn anh chụp ảnh chỉ để khỏi đói. Tiền dư ra, đãi bạn bè bụi đời nhậu hết. Anh nói: "Sau một năm, tôi nghiệm ra nếu mình chỉ kiếm cơm kiểu này thì chết thành con heo mất. Thế là dành dụm tiền mua được cái máy Nikon-SM2. Một hôm, lúc thưa khách, không biết làm gì, tôi đưa tay lên bầu trời ngắm nghía. Tay mình đen đúa quá, nhỏ bé quá, bầu trời thì trong xanh và cao vợi. Ô, đây là một biểu tượng đẹp chứ! Tôi chụp ảnh cánh tay của chính mình và bầu trời. Thế là ra đời bức ảnh “Khát vọng”. Bức ảnh đẹp quá! Hình như trong tôi ngộ ra điều gì đó".

Từ hôm đó, chụp ảnh dạo vừa đủ tiền ăn cơm, Phước dành thời gian đi tìm cái đẹp để chụp. Chụp một cách say sưa. "Lúc chụp cảnh nhật thực toàn phần năm 1995. Khoảnh khắc ánh sáng quang phổ quét qua tôi thấy đời sống con người thật là kỳ lạ và huyền bí. Chụp xong bức ảnh nhật thực, tôi té nhào, rớt máy ảnh cái bụp mà lòng sướng rơn. Tôi nghĩ ngay ra 4 câu thơ: Trăm năm thoáng chốc vô biên/ Trăm năm thoáng chốc nguyệt huyền nhật hoa/ Trăm năm thoáng chốc chẳng là/ Trăm năm thoáng chốc chợt ta chợt người" - Phước kể say sưa.

Người khác chụp ảnh nghệ thuật để dự thi, để bán. Phước chụp ảnh nghệ thuật chỉ để: "Lưu giữ cái đẹp của thiên nhiên, của Đà Lạt. Với riêng tôi - Đừng so sánh ý kiến của người khác - chụp ảnh nghệ thuật thì đừng nên dự thi và đừng nên mua bán. Cái danh, cái lợi sẽ làm méo mó đi cái đẹp chân thực. Vì vậy, tôi không bao giờ dự thi. Tôi chụp ảnh rồi tự tổ chức trưng bày để khoe với mọi người cái đẹp".

Năm 1997, một người bạn tên Thành giúp anh tiền thực hiện cuộc trưng bày ảnh phong cảnh Đà Lạt. Trưng bày thôi chứ không bán ảnh, mặc dù có một số người hỏi mua. Đúng là khùng thiệt!

Cuộc trưng bày đó đã khiến giới nhiếp ảnh khắp nơi chú ý đến anh.

Tính đến nay, anh đã có 31 cuộc trưng bày ảnh cá nhân. Và chủ trương vẫn là: Không bán ảnh.

Tiền đâu tái đầu tư? Anh bảo: "Vui lắm! Cứ mỗi lần chuẩn bị trưng bày là có người kêu chụp ảnh đám cưới, thôi nôi. Nhờ đó có tiền làm trưng bày".

Không bán ảnh, chụp làm gì? Anh nói: "Mình nguyện đem nét đẹp thiên nhiên về cho con người nhìn ngắm. Thấy cái đẹp lòng người bình an. Lòng người bình an thì tình yêu chân thật giữa con người sẽ đến với nhau".

Phước sống hồn nhiên, vô ưu như trẻ thơ. Phước sáng tác ảnh như chơi, như không chủ đích. Phước còn làm thơ, sáng tác nhạc. Tuy nhiên, gia tài nhạc của Phước chỉ có 5 ca khúc. Khi thật hưng phấn, Phước mới hát những ca khúc này.

Tưởng chừng như những cuộc đi của Phước kéo dài bất tận. Tưởng chừng như đến chết Phước vẫn còn đi. Tưởng chừng như trên đời này không còn ai khùng như Phước.

Cho đến một ngày...

Chuyện “điên” của Hồng Thủy Tiên

Một buổi sáng đầu năm 2015, nữ nhà thơ Hồng Thủy Tiên đi cùng bạn bè TP HCM lên Đà Lạt. Khi đang đứng trước khách sạn, bất chợt trông thấy Phước “khùng” đi bộ ngang qua, Hồng Thủy Tiên nhờ nhà văn Lê Công gọi vào làm quen.

3 ngày sau, cả hai lao vào yêu như 2 kẻ khùng. 1 tháng sau, Phước lò dò đến Đắk Tô xin cưới Hồng Thủy Tiên. Bố của Hồng Thủy Tiên nhỏ hơn Phước gần chục tuổi. Phước hồn nhiên gọi "bố" xưng "Phước". Ông bố vợ cứ lúng ta lúng túng…

Hồng Thủy Tiên có tên thật Nguyễn Hồng Thủy Tiên, sinh năm 1988, tức nhỏ hơn Phước đúng 30 tuổi! Sinh ở Đắk Tô nhưng quê gốc là Bình Định. Tập thơ đầu tay "Đoản khúc riêng mình" (NXB Lao Động 2010) của Hồng Thủy Tiên đã nhận được tặng thưởng "Tác giả trẻ" của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam vào năm 2011. Giọng điệu thơ của Tiên mang sắc màu hoang dã của một cô sơn nữ lang thang.

Năm 8 tuổi, mẹ mất, cha bỏ đi, Hồng Thủy Tiên sống với ông bà nội nghèo. Sau đó, Hồng Thủy Tiên đi giúp việc cho các quán cơm, các gia đình khá giả trong vùng. Một buổi đi làm thuê, một buổi đi học. Thế mà chị vẫn "bò" lên tới tốt nghiệp phổ thông rồi xách gói vào Đồng Nai, vào TP HCM làm thuê.

Vừa làm thuê vừa viết văn, viết thơ bán để luyện thi đại học và nuôi đứa em trai. Thi đậu vào một trường đại học ở Hà Nội, Thủy Tiên lôi luôn đứa em ra Hà Nội. Vừa học, vừa bán chữ nuôi mình và nuôi em.

Sau này, chính Thủy Tiên đứng ra cưới vợ cho đứa em trai như một bà mẹ.

Thủy Tiên bảo: "Phước thì trẻ con mãi, không chịu già. Tôi thì già trước tuổi. Vì vậy, tôi và Phước đều có cảm giác ngang tuổi. Nói về độ rong chơi thì chưa chắc đứa nào hơn đứa nào. Phước đi nhiều nhưng cũng chỉ loanh quanh Đà Lạt. Còn tôi thì cứ rảnh là vác ba lô đi từ Nam xuôi Bắc. Tính về độ "khùng" thì Phước hơn tôi. Đo về độ "điên" thì tôi hơn Phước".

Thủy Tiên khoe, một mình chị có thể uống 1 lít rượu Bàu Đá Bình Định chính gốc vẫn chưa say.

Món quà cầu hôn độc nhất vô nhị

Từ khi gặp Thủy Tiên, Phước đã tin trên đời có tình yêu sét đánh. Anh thú thật: "Cô bé gặp mình từ đâu đó hồi kiếp trước. Mình thấy cô ấy là thấy tâm hồn thăng hoa. Và ngược lại, cô ấy thấy mình cũng bảo rằng, đã đi tìm lâu lắm. Vậy là mình nghĩ cách dụ cô bé về sống với mình thôi".

Màn cầu hôn của Phước.

Phước dùng một chiếc răng rụng của chính anh đem đi bọc bạc rồi lồng vào sợi dây đeo, quỳ một gối tặng Thủy Tiên, xem như đó là quà cầu hôn.

Thủy Tiên kể: "Phước nói, bé ơi bé, mình về sống với nhau trong sự nghèo khó nha. Tôi bảo, ừ thì chơi luôn, nghèo thì nghèo".

Cưới nhau xong, Phước vẫn cứ đi lang thang chụp ảnh, Thủy Tiên vẫn cứ đi lang thang tìm vần thơ. Chỉ khi nhậu, cả hai mới ngồi chung.

Bất ngờ, Thủy Tiên có bầu. "Sự kiện" này đã làm thay đổi tính cách cả hai.

Trước kia, Phước chưa từng đi chợ, nấu cơm. Cơm chợ, mì tôm là khẩu phần ăn hàng ngày. Cái bầu của Thủy Tiên đã buộc Phước bắt đầu học nội trợ. Phước tập nấu cơm, kho cá. Thủy Tiên thì kiêng rượu, kiêng thức khuya, kiêng đi bụi. Cả hai biết kiềm chế... cái "khùng" cái "điên" của chính mình.

Tổ "chim câu" của Phước và Thủy Tiên. Ảnh: Facebook của Phước.

Đến ngày Thủy Tiên sinh nở, cả hai vẫn còn tranh luận về cái tên của cháu bé. Cả hai cùng đồng ý gọi tên ở nhà cho con là Mani. Thủy Tiên giải thích: "Mani là một âm trong câu án mani bát ni hồng. Mani có nghĩa là tâm trong sáng như ngọc. Nhưng phải tìm nghĩa tiếng Việt cho hay ho chứ không thể đặt tên con là Nguyễn Thị Tâm Trong Sáng Như Ngọc được. Hai vợ chồng cứ cãi nhau. Khi tôi đang sinh thì Phước đi lòng vòng ngoài hàng rào bệnh viện chụp ảnh làm quà tặng cho con. Tôi sinh xong thì Phước hớt hải chạy vô kêu: Anh tìm ra tên cho con rồi. Châu Tâm. Châu Tâm cũng đồng nghĩa với Mani. Thế là cháu có tên khai sinh là Châu Tâm. Tên thường gọi là Mani".

Bé gái Châu Tâm chào đời vào ngày 12/9/2015.

Từ lúc Thủy Tiên sinh con, Phước cất khùng vào ba lô để chăm sóc con. Phước viết những dòng hạnh phúc trên facebook của mình: "Từ ngày mẹ mang con trong lòng, con đã dạy cha biết đi chợ, nấu cơm, kho cá cho mẹ vì trước đây cha cũng chưa biết lo cho thân mình... Và cha đã nghĩ làm cho con một cái nôi "vĩnh cửu". Cha làm cho con từng cái móc treo đồ để phơi tã. Cha còn làm thợ mộc để đóng cho hai mẹ con một cái phòng và một cái giường... Rồi cha còn kiêm luôn thợ điện, thợ nước ... Bây giờ cha đã chính thức thành ô sin của hai mẹ con con rồi: cha giặt tã, cha quạt than, cha nấu cơm hầm giò cho mẹ...Tất cả điều đó đã làm cha thành người lớn - người lớn nghĩa là biết lo cho người khác! Cha cảm ơn con...".

Hai kẻ lãng tử đã nắm tay nhau về nhà - Ngôi nhà hạnh phúc của chính họ.

Từ khóa » Mpk Phước Khùng