Chuyện đằng Sau Hầm Mộ Chôn Cất 70.000 Thai Nhi | Báo Dân Trí

Chuyện đằng sau hầm mộ chôn cất 70.000 thai nhi - 1
Khu hầm mộ an táng những thai nhi xấu số ở TP.Hải Phòng.

Ở TP Hải Phòng có 2 nghĩa trang của người Công giáo chôn cất những thai nhi đoản mệnh trong hầm mộ suốt 15 năm qua. Đó là nghĩa trang An Toàn (quận Dương Kinh), chôn cất hơn 1000 thai nhi từ năm 2006 - 2009 và nghĩa trang của giáo xứ Trang Quan (xã An Đồng, huyện An Dương) hiện chôn cất hơn 70.000 thai nhi.

Việc chôn cất thai nhi được thực hiện bởi nhóm Bảo vệ sự sống, trực thuộc Tòa Giám mục TP.Hải Phòng. Anh Nguyễn Văn Dũng - Trưởng nhóm Bảo vệ sự sống cho biết, hầm mộ có diện tích khoảng 30m2, cao 2,7m, xây nửa chìm nửa nổi, chia thành từng ngăn. Mỗi lần an táng theo từng lớp một rồi lấp cát lên cho tới khi đầy sẽ đổ bê tông. Những thai nhi nhỏ tầm 7-8 tuần tuổi hoặc hơn 10 tuần tuổi khâm liệm chung trong tiểu sành, còn thai nhi lớn, như những em bé bị kích sinh non, được an táng trong tiểu riêng.

Tại đây, các tình nguyện viên của nhóm Bảo vệ sự sống thường phối hợp với nhà thờ công giáo tổ chức lễ cầu nguyện cho các sinh linh xấu số. "Hiện tại, hầm mộ ở nghĩa trang Trang Quan sắp đầy rồi, chúng tôi cần phải xây hầm mộ khác. Nhóm đang vận động, xin đất để xây nhưng chưa được", anh Dũng cho biết.

An táng thai nhi, thuyết phục bà bầu bỏ ý định phá thai

Chuyện đằng sau hầm mộ chôn cất 70.000 thai nhi - 2
Nhóm Bảo vệ sự sống TP.Hải Phòng tổ chức lễ cầu nguyện tại hầm mộ an táng các thai nhi xấu số.

Thành lập từ tháng 9/2006, nhóm Bảo vệ sự sống TP.Hải Phòng có sứ mệnh đặc biệt là nhận những hài nhi đoản mệnh từ các cơ sở nạo phá thai về chôn cất. Quan trọng hơn, nhóm xác định nhiệm vụ tư vấn, thuyết phục các bà bầu lầm lỡ giữ lại con, hỗ trợ họ đến nơi dưỡng thai và sinh nở, giáo dục và truyền thông nâng cao nhận thức cho giới trẻ về ý nghĩa của sự sống và vấn nạn nạo phá thai đối với sức khỏe và đạo đức.

Thời gian đầu, một nhóm tình nguyện viên được cử vào Thừa Thiên Huế để học hỏi kinh nghiệm. Năm đầu tiên, nhóm chỉ tiếp cận được một phòng khám tư nhân rồi dần dần mở rộng ra được nhiều phòng khám hơn. Lúc đầu, nhiều phòng khám, bệnh viện còn nghi ngờ các tình nguyện viên khi họ xin thai nhi về, lo ngại có mục đích mờ ám.

Hiện tại, nhóm Bảo vệ sự sống đã tiếp cận được các phòng khám tư nhân và một số bệnh viện công quy mô nhỏ. Số lượng thai nhi thì tập trung chủ yếu ở các phòng khám tư nhân. Theo anh Dũng, hiện nhóm có 50 thành viên, trong đó có 20 thành viên cơ hữu, chuyên làm nhiệm vụ đi đón nhận, an táng thai nhi, tư vấn và thuyết phục các bà bầu từ bỏ ý định phá thai. 30 thành viên còn lại là các cộng tác viên tham gia hoạt động cầu nguyện, chuẩn bị cho thánh lễ. Thành viên trong nhóm đa phần là đàn ông.

Chuyện đằng sau hầm mộ chôn cất 70.000 thai nhi - 3
Các tình nguyện viên của nhóm Bảo vệ sự sống TP.Hải Phòng chụp ảnh kỷ niệm.

Buổi tối, phòng khám nào gọi điện thì các thành viên phụ trách địa bàn đó đến nhận thai nhi rồi đưa về phòng thai nhi ở tầng hầm Tòa Giám mục Hải Phòng để khâm liệm, đọc kinh cầu nguyện và đưa vào tủ cấp đông bảo quản. Thứ 6 cuối cùng mỗi tháng nhóm sẽ tổ chức an táng một lần, số lượng trung bình khoảng 300 - 400 thai nhi xấu số.

Nhóm có đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang để phòng nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh. Anh Dũng cho biết, công việc này không khó, quan trọng có đủ can đảm để làm hay không. Có những người vào nhóm đi đón nhận thai nhi được luôn, nhưng cũng có người tham gia rất lâu vẫn chưa thể làm vì nỗi sợ hãi, ám ảnh.

"Lúc đầu làm công việc này, tôi cũng thấy vậy nhưng đã cố gắng vượt qua, dần dần thành quen. Tôi đã sắp xếp được công việc kinh doanh của bản thân, gia đình cho hợp lý để duy trì hoạt động thiện nguyện này", Trưởng nhóm Bảo vệ sự sống TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Chuyện đằng sau hầm mộ chôn cất 70.000 thai nhi - 4
Các hài nhi xấu số sẽ được an táng trong tiểu sành cẩn thận trước khi chôn cất.

Những đứa trẻ "được coi là mồ côi"

Tham gia nhóm từ năm 2012, anh Dũng chia sẻ, là người con Công giáo, ngay từ nhỏ, anh đã được giáo huấn, thai nhi là con người nên việc phá thai là hành vi rất khủng khiếp. Vì vậy, hoạt động của nhóm chính là muốn cứu người, gióng lên hồi chuông cảnh báo tới tất cả mọi người, động viên tinh thần những bạn trẻ lầm lỡ cân nhắc việc phá thai và lên án hoạt động phá thai chui.

"Đây là hoạt động thiện nguyện nên nhóm chúng tôi không kêu gọi khoản hỗ trợ nào mà tự đóng góp thêm tiền mua hoa, nến để làm lễ cầu nguyện cho những hài nhi không có cơ hội được làm người", anh Dũng chia sẻ. Hiện tại có một doanh nghiệp ủng hộ toàn bộ kinh phí mua tiểu sành hàng năm, còn một thành viên trong nhóm giúp mua vải liệm, còn có tiền công đức thường dùng vào việc mua hoa, nến cho các em.

Qua tìm hiểu được biết, nhóm Bảo vệ sự sống có ở tất cả các giáo phận trên toàn quốc với tôn chỉ hoạt động đồng nhất. Anh Dũng nhấn mạnh ý nghĩa, sứ mệnh của nhóm Bảo vệ sự sống không phải là đi an táng thuê mà đón nhận thai nhi về an táng với tư cách là một con người.

"Làm công việc này, không bao giờ có chuyện thừa kinh phí nhưng chúng tôi cũng không thấy thiếu gì cả, hoạt động luôn có các ân nhân gần xa ủng hộ đầy đủ. Cần nhất là kinh phí hỗ trợ chăm sóc các sản phụ quyết định giữ lại con", anh Dũng nói.

Trong nhiều năm tham gia hoạt động thiện nguyện này, anh Dũng và nhóm chưa từng cứu được thai nhi bị kích sinh non. Tháng 12/2021 vừa qua, một tình nguyện viên đón nhận thai nhi 8 tháng tuổi, vẫn còn thoi thóp, vội đưa vào Bệnh viện Nhi Việt - Đức (Hải Phòng) cấp cứu nhưng vẫn không cứu được.

Tuy nhiên, niềm vui ý nghĩa nhất với các thành viên của nhóm là tư vấn, thuyết phục được nhiều bà bầu giữ lại con.

Nhóm đã cứu được khoảng 140 em bé, trong đó có một số được các sơ nuôi dưỡng tại nhà mở Từ Phong, thuộc quản lý của giáo phận Bắc Ninh. Tại đây, bà bầu nào lựa chọn việc không bỏ con nhưng khó khăn về kinh tế, nhóm sẽ hỗ trợ để người phụ nữ đủ điều kiện sinh con.

Có những thai phụ vì lý do nào đó không thể nuôi con sẽ được đón dến nhà mở chăm sóc đến ngày sinh nở. Quá trình ở đây, các sơ sẽ tiếp tục động viên, thuyết phục người mẹ không bỏ rơi con, nếu không, cơ sở sẽ thay người sinh thành chăm sóc những đứa trẻ được coi là mồ côi.

"Phần nhiều các bà mẹ sau khi được hỗ trợ đều quyết định đưa con về nuôi dưỡng. Những ngày qua, chúng tôi vừa đưa được 2 thai phụ tới nhà mở Từ Phong để chăm sóc, chờ ngày sinh nở. Mỗi sinh linh "thoát nạn", được làm người đều là niềm vui, nguồn động viên lớn với chúng tôi", anh Dũng chia sẻ.

Từ khóa » Cách Khâm Liệm Thai Nhi