Nghề Giữ Xác Thai Nhi - VnExpress

Trên bàn làm việc của anh Khương lúc nào cũng có một sấp giấy báo tử. Những đứa trẻ ở nhà xác có đứa chết ngay khi còn trong bụng mẹ, có đứa sống được vài ngày đã phải ra đi, cao lắm là vài tuần, và hầu hết đều không có giấy khai sinh nên danh tính trên giấy báo tử đều ghi theo tên người mẹ. Không phải ai cũng có cách hành xử “tử tế” với những đứa trẻ chưa được làm kiếp người. Người biết xót đau cho núm ruột, giọt máu của mình thì mang thây nhi về nhà khâm liệm, hỏa táng. Người cảm thấy đã giải quyết được hậu quả mang thai ngoài ý muốn thì lòng nhẹ tênh vứt bỏ con mình. Những đứa trẻ ấy bệnh viện lập hồ sơ để chuyển xuống nhà xác, sau 3 ngày không có ai đến nhận, chúng sẽ trở thành như cái xác vô thừa nhận, được chuyển đặt vào trong những ngăn lạnh. Đến lúc đó anh Khương mới tiến hành khâm liệm.

Trong căn phòng lạnh băng của nhà xác lặng phăng phắc, không kèn, không trống và không một tiếng khóc, chỉ có tiếng sè sè vô cảm phát ra từ cái tủ xác cũ kỹ như một tiếng khóc vĩnh biệt những đứa trẻ xấu số. Cỗ quan tài nhỏ nhắn dài 1 m, rộng khoảng 0,3 m được đóng bằng những tấm ván ép, đôi lúc có thể chứa 4 ''đứa lớn'' và nhiều hơn là 6 “đứa nhỏ''. Đáy quan tài đã được rải lên một lớp lá và hoa nhài khô, anh Khương giải thích rằng để lá và hoa nhài thấm nước cho quan tài có một mùi thơm dễ chịu. Trước khi yên vị trong cỗ quan tài chung, mỗi thi hài đều được anh Khương mở ra xem xét cẩn thận đâu là đầu, đâu là chân để đặt sao cho đúng. Từ 13h, gần 20 cái xác được chuyển từ tủ xác ra, chúng lặng lẽ nằm bên nhau giữa những thớ vải ướp hương hoa cho đến khi anh đậy nắp quan tài, khẽ đóng mấy chiếc đinh là khi ấy đã đặt dấu chấm hết cho một số phận ngắn ngủi nơi ngưỡng cửa của thế giới con người.

Ngày khâm liệm thường diễn ra vào thứ năm hằng tuần, vì hôm sau người của Công ty Môi trường đô thị sẽ đến ''rước" những thây nhi đem đi thiêu tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa, tro cốt được cho vào những cái tiểu sành có dòng chữ "Hài cốt tập thể trẻ sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ ngày...", rồi sẽ đưa chuyển vào những ngôi chùa lân cận.

Con đường đến với nghề của anh Khương cũng như cái duyên nợ. Ba anh - ông Trần Văn Loan, nguyên là cán bộ ngành y tế, ông là một người theo đạo Phật, tu tại gia. Ông gắn bó với công việc giữ xác thai nhi từ những năm 1977- 1978. Anh Khương là con trưởng, khi còn nhỏ anh đã nhiều lần theo cha vào nhà xác, mới đầu những thi thể đỏ hỏn, mùi hôi bốc ra từ những xác chết cứ ám ảnh anh mãi. Hồi ấy anh không tài nào hiểu nổi vì lý do gì mà ba mình lại bỏ công việc nhẹ nhàng bên ngành y tế để chọn cái nghề mà anh cho là kinh hãi ấy.

Năm 1990, 64 tuổi, ông Loan đã quá cái tuổi về hưu, cả một bệnh viện phụ sản lớn hàng đầu của TP HCM lại một phen mỏi mắt chờ ai đó có tấm lòng như ông Loan, tự nộp đơn để xin làm cái công việc “nhuốm màu chết chóc” này. Những người làm ở phòng tổ chức nhớ lại, có vài lần ông Loan bệnh không thể đi làm, cậu con trai đầu của ông - Trần Trọng Khương đã đến làm thay. Ban giám đốc bệnh viện đã nhờ ông hỏi thử cậu con trai ông có thể ''nối nghiệp'' hay không. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Địa chính, anh Khương đã là một cán bộ. Hồi ấy làm ở ngành địa chính cũng có thể nói là tạm có của ăn, của để. Lần đầu tiên nhận lời đề nghị từ cha mình, anh đã nhẹ nhàng từ chối. Nghe câu từ chối của người con trai, ông Loan không hề trách cứ một lời nhưng lòng ông rười rượi buồn. Ông đã hết mình chăm sóc những thây nhi và ông muốn người kế nghiệp ông cũng thế. Ông biết anh Khương sẽ làm được. Mấy ngày sau, ông đâm ra thẫn thờ và già sọm đi. Thấy cha mình như thế, sợ cha lo lắng nhiều sinh bệnh, anh Khương suy nghĩ nhiều lắm. Nét mặt lo lắng của người cha và trên hết là những hình hài bé nhỏ không có người săn sóc đã ám ảnh anh. Cuối cùng ở cái tuổi 26 phơi phới sức xuân, cùng những hoài bão, anh đã quyết định bỏ việc ở một cơ quan địa chính để thay bóng cha đi đi về về căn phòng lạnh lẽo.

Đã 14 năm, ngày ngày, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật anh Khương vẫn đều đặn đến bệnh viện để ký nhận những thây nhi, chuyển những thây nhi vào trong tủ xác và chờ đến ngày thứ năm đưa chúng trở về cát bụi... Hồi mới vào làm, theo thói quen ăn sáng rồi mới vào làm việc nên cứ vào trong nhà xác, nhìn những thây nhi và cái mùi tử khí anh đã nhiều lần nôn thốc nôn tháo. Bây giờ, mỗi buổi sáng anh chỉ dám dùng một ly cà phê đen mà không ăn gì trước khi đi nhận xác.

Thấy một số người đối xử với những đứa trẻ xấu số mới hiểu được tại sao đời có người đa đoan và cũng không ít những kẻ thờ ơ đến không ngờ với những kiếp sống do chính họ tạo vóc tạo hình. Thế là anh lại lầm lũi tiếp tục công việc, lầm lũi đóng mở những ngăn chứa xác, lầm lùi giấu đi nỗi lo gánh nặng mưu sinh với đồng lương ba cọc ba đồng phải nuôi người vợ đang thất nghiệp và hai cô con gái nhỏ.

(Theo An Ninh Thế Giới)

Từ khóa » Cách Khâm Liệm Thai Nhi