CHUYÊN ĐỀ PHỤ ĐẠO HỌC SINH YẾU KÉM

 

I. Đặt vấn đề

Trong quá trình giáo dục và đào tạo tri thức cho học sinh qua từng cấp bậc, thì việc nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém là mục tiêu cơ bản hàng đầu, là mối quan tâm lớn đối với sự nghiệp giáo dục. Có thể nói, vấn đề học sinh yếu kém hiện nay đang được nhà trường quan tâm và tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này. Muốn vậy, người giáo viên không chỉ biết dạy mà còn phải biết tìm tòi phương pháp nhằm phát huy tích cực của học sinh và hạ thấp dần tỉ lệ học sinh yếu kém.

             Việc phụ đạo học sinh yếu kém bộ môn là một trong những vấn đề rất quan trọng, cấp bách, cần thiết và không thể thiếu trong mỗi môn học ở các cấp học nói chung và ở cấp THCS nói riêng. Đối với bộ môn Ngữ văn rất cần phụ đạo cho một số học sinh bị mất căn bản từ cấp dưới. Bên cạnh đó cũng cần tạo hứng thú học tập môn Ngữ văn cho học sinh để các em tự mình khám phá tri thức, vận dụng được kiến thức vào các bài học có liên quan.

II. Giải quyết vấn đề

  1. Thực trạng vấn đề

     1.1. Thuận lợi

             - Đối với học sinh THCS, các em cũng đã bước sang tuổi thanh thiếu niên, đa số đã phát triển về tư duy nên hình thành ý thức và xác định cơ bản mục đích học tập tương đối cao.

            - Học sinh có thể nhận được sự giúp đỡ từ nhiều phía: gia đình, nhà trường và xã hội hoặc học tập từ bạn bè.

           - Đội ngũ giáo viên luôn nhiệt tình, thân thiện và quan tâm giúp đỡ học sinh đặc biệt là học sinh yếu kém.

          - Được sự quan tâm, phối hợp của Ban giám hiệu cùng các đoàn thể.

          - Đặc thù môn Ngữ văn cũng rất gần gũi, có thể vận dụng giải thích các vấn đề trong thực tế.

    2.2.  Khó khăn

           - Đối tượng học sinh yếu có những khác biệt về cách nhận thức, đa phần là do hoàn cảnh gia đình, kinh tế, lười học hoặc thiếu sự quan tâm của cha mẹ,... Những điều này đã ảnh hưởng nhiều đến vấn đề học tập của học sinh, từ đó dẫn đến các em chán nản việc học, hổng kiến thức.

         - Đặc điểm của trường là ở nông thôn, điều kiện học tập của một số học sinh còn khó khăn.

        - Mặt khác, còn một bộ phận học sinh ỷ lại, lười suy nghĩ, không chuẩn bị bài ở nhà, trong giờ học thì lơ là, không tập trung,... làm giảm khả năng tư duy của học sinh.

 2. Nguyên nhân dẫn đến học sinh yếu kém

       Để nâng dần chất lượng học sinh không phải là chuyện một sớm một chiều mà nó đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm của người giáo viên.

      Phụ đạo học sinh yếu kém phải được giáo viên quan tâm nhất là trong tình hình học tập hiện nay của học sinh, nhưng phụ đạo như thế nào, phương pháp ra sao thì đó cũng là một vấn đề đòi hỏi giáo viên cần phải không ngừng tìm hiểu.

  2.1. Về phía học sinh

               Học sinh là người học, là người lĩnh hội những tri thức thì nguyên nhân học sinh yếu kém có thể kể đến là do :

          - Học sinh lười học: Qua quá trình giảng dạy, nhận thấy rằng các em học sinh yếu đa số là những học sinh cá biệt, trong lớp không chịu chú ý chuyên tâm vào việc học, về nhà thì không xem bài, không chuẩn bị bài, không làm bài tập, cứ đến giờ học thì cắp sách đến trường. Còn một bộ phận nhỏ thì các em chưa xác định được mục đích của việc học. Các em chỉ đợi đến khi lên lớp, nghe giáo viên giảng bài rồi ghi vào những nội dung đã học để sau đó về nhà lấy ra “học vẹt” mà không hiểu được nội dung đó nói lên điều gì. Chưa có phương pháp và động cơ học tập đúng đắn.

         - Cách tư duy của học sinh: Môn ngữ văn được xem là một môn học cần nhiều yếu tố để học tốt như: cách tư duy tinh tế, sự tỉ mỉ, cảm nhận từ xúc cảm của từng cá nhân nên một số em với lối tư duy sơ sài, lười nhác nên không cảm nhận được cái hay cái đẹp của ngôn ngữ cũng như văn chương. Từ đó, một số em dần mất đi hứng thú học và dẫn đến tình trạng yếu kém.

   - Học sinh bị hỏng kiến thức từ lớp dưới: Đây là một điều không thể phủ nhận với chương trình học tập hiện nay. Nguyên nhân này có thể nói đến bản thân từng học sinh và cách đánh giá của giáo viên chưa hợp lí, chính xác.

2.2. Về phía giáo viên

    Nguyên nhân học sinh học yếu không phải hoàn toàn là ở học sinh mà một phần ảnh hưởng không nhỏ là ở người giáo viên:

    - Còn một số giáo viên chưa thực sự chú ý đúng mức đến đối tượng học sinh yếu. Chưa theo dõi sát sao và xử lý kịp thời các biểu hiện sa sút của học sinh.

   - Tốc độ giảng dạy kiến thức mới và luyện tập còn nhanh khiến cho học sinh yếu không theo kịp.

   - Một số giáo viên chưa thật sự chịu khó, tâm huyết với nghề, chưa thật sự giúp đỡ các em thoát khỏi yếu kém, như gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh để động viên, hoặc khuyến khích các em khi các em có chút tiến bộ trong học tập như là khen thưởng các em. Từ đó các em cam chịu, dần dần chấp nhận với sự yếu kém của chính mình và nhụt chí không tự vươn lên...

  2.3. Về phía phụ huynh 

    Còn một số phụ huynh học sinh :

  - Thiếu quan tâm đến việc học tập ở nhà của con em, phó mặc mọi việc cho nhà trường và thầy cô.

  - Gia đình học sinh gặp nhiều khó khăn về kinh tế hoặc đời sống tình cảm khiến trẻ không chú tâm vào học tập.

 - Một số cha mẹ quá nuông chiều con cái, quá tin tưởng vào các em nên học sinh lười học, xin nghỉ để làm việc riêng (như đi chơi, giả bệnh,...) cha mẹ cũng đồng ý cho phép nghỉ học, vô tình là đồng phạm góp phần làm học sinh lười học, mất dần căn bản...Từ đó dẫn đến tình trạng yếu kém.

 Trên đây chỉ là một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng học sinh yếu mà bản thân trong quá trình giảng dạy nhận thấy .

Qua việc phân tích những nguyên nhân đó, xin đưa ra một số biện pháp để giáo dục, phụ đạo học sinh yếu kém như sau:

3. Một số giải pháp phụ đạo học sinh yếu

   3.1. Giải pháp chung

   3.1.1. Xây dựng môi trường học tập thân thiện

        - Sự thân thiện của giáo viên là điều kiện cần để những biện pháp đạt hiệu quả cao. Thông qua cử chỉ, lời nói, ánh mắt, nụ cười… giáo viên tạo sự gần gũi, cảm giác an toàn nơi học sinh để các em bày tỏ những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống của bản thân mình.

       - Giáo viên luôn tạo cho bầu không khí lớp học thoải mái, nhẹ nhàng, không mắng hoặc dùng lời thiếu tôn trọng với các em, đừng để cho học sinh cảm thấy sợ giáo viên mà hãy làm cho học sinh thương yêu và tôn trọng mình.

      - Bên cạnh đó, giáo viên phải là người đem lại cho các em những phản hồi tích cực. Ví dụ như giáo viên nên thay chê bai bằng khen ngợi, giáo viên tìm những việc làm mà em hoàn thành dù là những việc nhỏ để khen ngợi, hoặc cho điểm cao để khuyến khích các em.

3.1.2. Phân loại đối tượng học sinh

      - Giáo viên cần xem xét, phân loại những học sinh yếu đúng với những đặc điểm vốn có của các em để lựa chọn biện pháp giúp đỡ phù hợp với đặc điểm chung và riêng của từng em. Một số khả năng thường hay gặp ở các em là: Sức khoẻ kém, khả năng tiếp thu bài, lười học, thiếu tự tin, nhút nhát…

    - Trong quá trình thiết kế bài học, giáo viên cần cân nhắc các mục tiêu đề ra nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh yếu được củng cố và luyện tập phù hợp.

   - Trong dạy học cần phân hóa đối tượng học tập trong từng hoạt động, dành cho đối tượng này những câu hỏi dễ, những bài tập đơn giản để tạo điều kiện cho các em được tham gia trình bày trước lớp, từng bước giúp các em tìm được vị trí đích thực của mình trong tập thể.

   - Ngoài ra, giáo viên tổ chức phụ đạo cho những học sinh yếu khi các biện pháp giúp đỡ trên lớp chưa mang lại hiệu quả cao. Có thể tổ chức phụ đạo 1 buổi trong một tuần. Tuy nhiên, việc tổ chức phụ đạo có thể kết hợp với hình thức vui chơi nhằm lôi cuốn các em đến lớp đều đặn và tránh sự quá tải, nặng nề.

3.1.3. Giáo dục ý thức học tập cho học sinh

       - Giáo viên phải giáo dục ý thức học tập của học sinh tạo cho học sinh sự hứng thú trong học tập, từ đó sẽ giúp cho học sinh có ý thức vươn lên. Trong mỗi tiết dạy, giáo viên nên liên hệ nhiều kiến thức vào thực tế để học sinh thấy được ứng dụng và tầm quan trọng của môn học trong thực tiễn. Từ đây, các em sẽ ham thích và say mê khám phá tìm tòi trong việc chiếm lĩnh tri thức.

       - Bên cạnh đó, giáo viên phải tìm hiểu từng đối tượng học sinh về hoàn cảnh gia đình và nề nếp sinh hoạt, khuyên nhủ học sinh về thái độ học tập, tổ chức các trò chơi có lồng ghép việc giáo dục học sinh về ý thức học tập tốt và ý thức vươn lên trong học tập, làm cho học sinh thấy tầm quan trọng của việc học. Đồng thời, giáo viên phối hợp với gia đình giáo dục ý thức học tập của học sinh. Do hiện nay, có một số phụ huynh luôn gò ép việc học của con em mình, sự áp đặt và quá tải sẽ dẫn đến chất lượng không cao. Bản thân giáo viên cần phân tích để các bậc phụ huynh thể hiện sự quan tâm đúng mức. Nhận được sự quan tâm của gia đình, thầy cô sẽ tạo động lực cho các em ý chí phấn đấu vươn lên.

3.1.4. Kèm cặp học sinh yếu kém

        - Tổ chức cho học sinh khá, giỏi thường xuyên giúp đỡ các bạn yếu, kém về cách học tập, về phương pháp vận dụng kiến thức.

       - Tổ chức kèm cặp, phụ đạo cho các em. Trong các buổi này, giáo viên chủ yếu kiểm tra việc lĩnh hội các kiến thức giảng dạy trên lớp, nếu thấy các em chưa chắc cần tiến hành ôn tập củng cố kiến thức để các em nắm vững chắc hơn, nói chuyện để tìm hiểu thêm những chỗ các em chưa hiểu hoặc chưa nắm chắc để bổ sung, củng cố. Hướng dẫn phương pháp học tập: học bài, làm bài, việc tự học ở nhà

       - Phối hợp với gia đình tạo điều kiện cho các em học tập, đôn đốc thực hiện kế hoạch học tập ở trường và ở nhà.

3.2. Giải pháp cụ thể

3.2.1. Lập danh sách học sinh yếu kém thông qua bài kiểm tra chất lượng đầu năm và quá trình học tập trên lớp.

     - Ngay từ đầu năm, giáo viên phải lập danh sách học sinh yếu kém bộ môn mình, qua phần kiểm tra khảo sát đầu năm hoặc ở năm học trước để nắm rõ các đối tượng học sinh, lập danh sách học sinh yếu kém và chú ý quan tâm đặc biệt đến những học sinh này trong mỗi tiết học như thường xuyên gọi các em đó lên trả lời, khen ngợi khi các em trả lời đúng…

3.2.2. Điểm danh học sinh mỗi buổi học

     -  Ghi nhận và báo với giáo viên chủ nhiệm những trường hợp học sinh bỏ học phụ đạo để có biện pháp khắc phục.

3.2.3. Xác định kiến thức cơ bản, trọng tâm và cách ghi nhớ

       - Xác định rõ kiến thức trọng tâm, kiến thức nền (những kiến thức cơ bản, có nắm được những kiến thức này mới giải quyết được những câu hỏi và bài tập) trong tiết dạy cần cung cấp, truyền đạt cho học sinh.

     - Đối với học sinh yếu kém không nên mở rộng, chỉ dạy phần trọng tâm, cơ bản, theo chuẩn kiến thức kĩ năng, hoặc làm bài tập nhiều lần và nâng dần mức độ của bài tập sau khi các em đã nhuần nhuyễn dạng bài tập đó.

    - Nhắc lại kiến thức kiến thức cơ bản, công thức cần nhớ ở cấp THCS mà các em đã hỏng, cho bài tập lý thuyết khắc sâu để học sinh nhớ lâu.

Ví dụ:

Theo quan điểm tích hợp, giáo viên cần phải làm cho học sinh thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa kiến thức của 3 phân môn Văn – Tiếng Việt – Tập làm văn. Song đối với mỗi phần giáo viên phải đưa ra những tồn tại mà học sinh yếu kém hay mắc phải để từ đó khắc phục sửa chữa.

Phần Văn bản:

1/ Nhược điểm:

+ Kiến thức: Đa phần học sinh yếu  học trước quên sau, có khi dạy xong 1 bài các em chẳng nắm được gì ngay cả tên tác phẩm, tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, thể loại, phương thức biểu đạt cũng không nhớ.

- Còn chưa nắm chắc nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Còn yếu trong việc cảm thụ tác phẩm văn học.

+ Về kỹ năng:

- Có em đọc chưa thạo.

- Cách dùng từ, diễn đạt viết câu còn yếu nên rất khó khăn trong việc cảm thụ một tác phẩm.

2/ Biện pháp: Trước tình trạng trên giáo viên phải có biện pháp cụ thể với từng đối tượng.

- Giáo viên phải tiến hành đầy đủ các bước lên lớp đặc biệt giáo án phải có câu hỏi cho mọi đối tượng, tránh tình trạng học sinh yếu  kém không tham gia vào bài học.

- Hướng dẫn các em soạn bài ở nhà: Đọc trước văn bản và trả lời đầy đủ các câu hỏi trong SGK.

- Thường xuyên kiểm tra bài cũ, kiểm tra SGK, vở ghi ( có nhiều em yếu  rất ngại ghi bài).

- Hướng dẫn cách đọc các văn bản thơ hoặc truyện nên gọi các em đọc khoảng 1 khổ hoặc 1 đoạn, giáo viên nhận xét sửa chữa, uốn nắn cách đọc cho các em, kiểm tra các em về việc giải nghĩa từ.

- Sau bài học để củng cố kiến thức giáo viên có bài tập trắc nghiệm cho học sinh làm, giáo viên thu, chấm, nhận xét.

- Đối với các em chữ xấu hoặc sai chính tả giáo viên thường xuyên cho các em luyện chính tả , giáo viên thu, chấm, và nhận xét vào ngày cuối dạy hàng tuần.

Phần Tiếng Việt.

- Phương pháp dạy Tiếng Việt hiện nay phải dựa trên quan điểm giao tiếp. Theo đó người giáo viên phải tăng cường các hoạt động giao tiếp, đàm thoại giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh. Nhưng còn một bộ phận học sinh học yếu phần Tiếng Việt do các em còn yếu về việc nhận diện từ, câu, chưa biết vận dụng từ câu trong khi nói và viết.

- Cách khắc phục như sau:

+ Giáo viên hướng dẫn học sinh các kiến thức cơ bản về từ, câu trong SGK.

+ Sau khi hoàn thành kiến thức bài học trên lớp giáo viên hướng dẫn học sinh làm toàn bộ các bài tập đã có trong sách giáo khoa. Từ bài tập nhận biết đến bài tập vận dụng kỹ năng dùng từ, đặt câu, viết đoạn văn..

Phần Tập làm văn: 

Đối với phần tập làm văn, nhìn chung học sinh còn yếu trong việc xác định thể loại, cách viết bài, về cách diễn đạt, dùng từ, viết câu nên thường bài của em không đạt yêu cầu.  Để khắc phục học sinh yếu phân môn Tập làm văn, sau khi học xong từng thể loại giáo viên ra đề cho học sinh làm và hướng dẫn các em từ khâu tìm hiểu đề, tìm ý, cách sắp xếp các ý, cách trình bày bài … Đặc biệt giáo viên phải chú trọng khâu chấm bài và trả bài.

1/ Khi chấm bài:

+ Về nội dung: Giáo viên đọc kỹ đề bài, xem bài làm có đúng thể loại không, nôi dung từng phần có đáp ứng yêu cầu của đề ra không.

+ Về hình thức: Giáo viên chấm bài phải chú ý đến cách trình bày bài, chữ viết, chính tả, dấu câu, lỗi diễn đạt, còn hiện tượng viết tắt, viết số trong bài làm không, bố cục bài văn có đủ 3 phần không.

Đối với học sinh yếu, giáo viên cần chỉ ra những sai sót cơ bản tránh gạch nát cả bài gây cho các em tâm lý thất vọng, chán nản. Tất cả những ưu – khuyết điểm của học sinh nhất là học sinh yếu cần được giáo viên ghi toàn bộ trong sổ chấm trả.

2/ Khi trả bài: Dựa vào sổ chấm trả, giáo viên đưa ra nhận xét về thể loại, nội dung, hình thức trình bày.

III. Kết luận

    Để khắc phục tình trạng học sinh yếu kém ta vừa phải cố gắng nâng cao hiệu quả giảng dạy ở trên lớp vừa phải tăng cường phụ đạo giúp đỡ riêng các học sinh học yếu theo thời khóa biểu của nhà trường. Lý do là vì trong các lớp đồng loạt, dù giáo viên có cố gắng giảng dạy sát ba loại đối tượng đến đâu đi nữa thì việc truyền thụ kiến thức và luyện tập cũng cần phải được tiến hành theo trình độ và nhịp chung của cả lớp.

   Giáo viên phải là người chịu khó, kiên trì, không nản lòng trước sự chậm tiến của học sinh, phải biết phát hiện ra sự tiến bộ của các em cho dù là rất nhỏ để kịp thời động viên khuyến khích tạo  niềm tin cho các em cầu tiến.

    Nói tóm lại, kết quả tiến bộ của học sinh phụ thuộc chủ yếu vào sự nhiệt huyết của người giáo viên. Vì vậy, mỗi người giáo viên chúng ta cần cố gắng hết mình để giáo dục con em trở thành những con người có ích cho xã hội.

Xin chân thành cảm ơn!                                                        

 

                                                                                                                    Người viết

                                                                                                               Đặng Thị Kiểu

 

Từ khóa » Các Biện Pháp Bồi Dưỡng Học Sinh Yếu Kém