Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế Là Gì? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Cơ cấu kinh tế là gì?
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là gì?
  • Các loại chuyển dịch cơ cấu kinh tế
  • Các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cơ cấu kinh tế là thuộc tính của hệ thống kinh tế, nó phản ánh tính chất và trình độ phát triển của hệ thống kinh tế. Sự thay đổi cả về số lượng và chất lượng của Cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu kinh tế ngành của một quốc gia, địa phương nếu hợp lý sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững và ngược lại. Vậy chuyển dịch cơ cấu kinh tế là gì?

Cơ cấu kinh tế là gì?

Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành nghề, bộ phận kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau tạo thành một hệ thống hình thành nên nền kinh tế của một quốc gia, dựa trên mục tiêu và định hướng của khu vực, quốc gia đó. Cơ cấu kinh tế bao gồm: Có nhiều loại cơ cấu kinh tế như: Cơ cấu khu vực kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế, cơ cấu theo thành phần kinh tế,  cơ cấu thương mại quốc tế, cơ cấu theo khu vực thể chế,..

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là gì?

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự phát triển không đều giữa các ngành. Là sự chuyển dịch sao cho phù hợp với năng lực, trình độ của lao động trong điều kiện kinh tế-xã hội ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước. Dễ hiểu hơn là ngành nào có tốc độ phát triển mạnh hơn thì sẽ tăng tỉ trọng của ngành đó, ngành nào có tốc độ phát triển thấp hơn thì điều chỉnh giảm tỉ trọng của ngành đó cho phù hợp tổng thể chung của nền kinh tế.

Nền kinh tế ngày càng phát triển thì sự phân hóa ngành ngày càng tăng, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Trong giai đoạn chuyển mình thì sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngày càng rõ cho thấy sự phát triển của năng lực sản xuất và phân công lao động xã hội.

Các loại chuyển dịch cơ cấu kinh tế

– Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành: Là sự vận động chuyển dịch vị trí, tỷ trọng của các ngành kinh tế và mối quan hệ tương hỗ giữa chúng để phù hợp với năng lực sản xuất và phân công lao động xã hội.

Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành tại Việt Nam những năm gần đây được đánh giá có sự thay đổi rõ rệt. Điều đó được thể hiện ở sự sụt giảm tỷ trọng các ngành nông – lâm –ngư nghiệp, tăng tỷ trọng ở các ngành công nghiệp và dịch vụ.

– Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng: Là sự chuyển dịch tỷ trọng các ngành kinh tế xét theo từng vùng. Để có thể khai thác tối đa nguồn lực của từng địa phương, cần có những chính sách phân bổ riêng cho từng khu vực dựa trên điều kiện tự nhiên – kinh tế – xã hội.

Thành phần kinh tế nhà nước có tỷ trọng suy giảm, tuy nhiên vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Ngược lại, thành phần kinh tế tư nhân lại có tỷ trọng ngày càng tăng mạnh. Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng kể từ khi nước ta gia nhập WTO.

– Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ: Là sự chuyển dịch các ngành kinh tế trên phạm vi lãnh thổ một quốc gia. Hình thành các vùng động lực phát triển kinh tế, vùng chuyên canh, vùng trọng điểm kinh tế phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và nguồn lực của mỗi quốc gia.

Việt Nam hiện hình thành và hoạt động trên 3 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của 3 vùng lãnh thổ cũng có sự chuyển dịch đáng kể.

Các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Các nhân tố làm ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế được chia thành 3 nhóm:

Nhóm 1, các nhân tố địa lý – tự nhiên như: Khí hậu, đất đai, tài nguyên khoáng sản, nguồn nước, nguồn năng lượng. Đây là nguồn tư liệu sản xuất và tiêu dùng có ảnh hưởng rõ rệt đến sự hình thành cơ cấu kinh tế. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý chính trị – kinh tế đặc biệt với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thích hợp để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Nhóm 2, nhân tố kinh tế – xã hội bên trong đất nước như: Quan hệ sản xuất, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, cung – cầu thị trường, trình độ phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đang được các quốc gia trên thế giới đánh giá có nguồn nhân lực tốt, thích hợp.

Nhóm 3, nhân tố bên ngoài đất nước như: Quan hệ kinh tế đối ngoại và phân công lao động quốc tế. Với những thế mạnh của Việt Nam, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế lựa chọn đưa vào danh sách đối tác quan trọng khi cân nhắc các quyết định đầu tư.

Trên đây là nội dung bài viết chuyển dịch cơ cấu kinh tế là gì? Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của chúng tôi.

Từ khóa » Sự Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế Theo Lãnh Thổ