CHUYỂN DỊCH ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG NGÔI THỨ HAI HÁN - VIỆT NGUYỄN NGỌC LONG Đại học Hà Nội Trong giao tiếp ngôn ngữ, các chủ thể tham gia giao tiếp sẽ phải xưng (tự gọi tên mình) và hô (gọi tên người khác). Có thể nói, xưng hô hay xưng gọi luôn diễn ra ở tất cả hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ và được chia theo ngôi. Thường thì ngôi giao tiếp được phân định như sau: Ngôi thứ nhất chỉ người nói (Tự xưng), ngôi thứ hai chỉ người nghe (Đối xưng) và không thuộc người nói, người nghe là ngôi thứ ba (Tha xưng). Trong tiếng Hán hiện đại, ngoài cách xưng hô trên còn có những từ nhân xưng khác, nhưng cũng đóng vai trò quan trọng và mang lại hiệu quả không nhỏ trong giao tiếp xưng hô. Đó là bàng xưng (phiếm chỉ) thống xưng (bao gồm tự xưng, đối xưng hoặc cả tha xưng), phúc xưng (phúc chỉ những danh, đại từ đã nói ở trên) 1. Các cách xưng hô trong ngôn ngữ Hán: Tự xưng: 我,我们,咱,咱们 Đối xưng: 你,你们,您 Tha xưng: 他,他们, Bàng xưng: 别人,人家,其他,人,旁人,他人 Thống xưng: 大家,大伙儿 Phúc xưng: 自己,自家,自个儿 Ví dụ: 亲爱的你跟我飞,穿过丛林去看小溪水。(你 đối xưng, 我 tự xưng) Em thân yêu hãy bay cùng anh, xuyên qua những cánh rừng để ngắm nhìn khe suối nhỏ. 我愿做一只小毛羊,跟在她身旁。(我 tự xưng, 她 tha xưng) Ta nguyện làm con cừu nhỏ, luôn ở bên cô ấy. 他一定会来这片白桦林. (他tha xưng) Anh ấy nhất định sẽ tới khu rừng Bạch Hoa này. 人家的闺女有花戴,我爹钱少不能买。(人家 bàng xưng, 我 tự xưng) Quý nữ nhà người ta có hoa đeo, cha mình tiền ít không mua nổi. 因为明天你将成为别人的新娘,我要控制我自己。(你 đối xưng, 别 bàng xưng 我 tự xưng, 自己phúc xưng) Vì ngày mai em sẽ là cô dâu của người khác, anh cần kìm chế lòng mình. 谁要是有情书,大伙儿争着乐。(大伙儿thống xưng) Mỗi khi ai đó có thư tình, mọi người cùng tranh nhau đọc. 2. Cách xưng hô tiếng Hán và tiếng Việt Từ xưng hô trong tiếng Hán và tiếng Việt về cơ bản có điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều nét khác biệt mang đặc thù riêng của hai dân tộc. Lớp từ xưng hô tiếng Việt rất phong phú, chi tiết, mang sắc thái biểu cảm cao, sử dụng vô cùng linh hoạt, đem lại hiệu quả nhất định trong giao tiếp, song cũng khá phức tạp. Ngược lại, từ xưng hô tiếng Hán hiện đại đã trải qua quá trình giản hoá, với ba ngôi 我 wo, 你 ni, 他 ta, mang tính khái quát và trìu tượng hơn. Điều này mang đến những trở ngại không nhỏ cho những hoạt động liên ngôn ngữ văn hóa giữa hai dân tộc, trong đó có việc chuyển dịch lớp từ xưng hô Hán - Việt. Đây sẽ là chiều hướng chuyển dịch từ lối nói trừu tượng, không chi tiết, trung tính sang phong cách chi tiết, uyển chuyển, tinh tế và hết sức linh hoạt. Lớp từ xưng hô trong bất kỳ ngôn ngữ nào cũng chia thành hai nhánh, một để xưng gọi trong các quan hệ thân tộc, những từ này, gần như không có biến thể, được xác lập từ mối quan hệ huyết thống rất rõ ràng, khi chuyển dịch khá đơn giản như trong tiếng Hán, tiếng Việt và tiếng Anh: 爷爷: ông, grandfather; 奶奶: bà, grandmother; 爸爸: bố, father; 妈妈: mẹ,mother; 哥哥: anh trai, brother; 姐姐: chị gái, sister; 弟弟: em trai,younger brother ,妹妹: em gái, younger sister; 叔叔: chú, uncle; 姑姑: cô, aunt; 舅ậắ?: cậu, uncle; 大伯: bác uncle; 孙子: cháu,grandson, v.v… Nhánh còn lại là tập hợp của từ xưng hô sử dụng trong giao tiếp giữa những mối quan hệ phi thân tộc. Nhánh những từ xưng hô này trong tiếng Hán hiện đại không chi tiết, phức tạp như tiếng Việt. Tuy nhiên, khi chuyển dịch sang tiếng Việt, lại gặp rất nhiều trở ngại. Những trở ngại trong quá trình chuyển dịch lớp từ xưng hô chỉ các mối quan hệ phi thân tộc từ tiếng Hán sang tiếng Việt, xuất phát chính từ đặc thù của hai ngôn ngữ mà cụ thể là đặc điểm của hệ thống từ xưng hô nhánh hai. Một bên là sử dụng đại từ nhân xưng mang ý nghĩa trung tính không phân biệt địa vị, tuổi tác, sang hèn, tôn khinh… Một bên là mượn hệ thống từ xưng hô nhánh một, chỉ quan hệ thân tộc mang sắc thái biểu cảm cao để xưng gọi những thành viên tham gia giao tiếp không hề có quan hệ huyết thống. Bài viết này chỉ đề cập đến cách thức chuyển dịch Hán - Việt về đại từ nhân xưng ngôi thứ hai trong hoạt động giao tiếp giữa các mối quan hệ phi thân tộc. Mang tên gọi là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, song, trong các hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, ngôi thứ hai để hô gọi thường xuất hiện trước ngôi thứ nhất. Đồng thời cũng là khách thể mang tính đối lập tuyệt đối và quan trọng đối với ngôi thứ nhất, chủ thể của hoạt động giao tiếp. Việc chuyển dịch nhóm đại từ nhân xưng ngôi thứ hai tiếng Hán sang tiếng Việt cũng phức tạp nhất. Bởi có quá nhiều tương đương để lựa chọn khi chuyển dịch, tùy theo từng cảnh huống giao tiếp cụ thể. Ví dụ: 请你相信我,我一定会努力的。 1. Thầy hãy tin ở em, em sẽ hết sức cố gắng. 2. Cô hãy tin ở em, em sẽ hết sức cố gắng. 3. Bố hãy tin ở con, con sẽ hết sức cố gắng. 4. Mẹ hãy tin ở con, con sẽ hết sức cố gắng. 5. Thủ trưởng hãy tin ở tôi, tôi sẽ hết sức cố gắng. 6. Anh hãy tin ở em, em sẽ hết sức cố gắng. 7. Em hãy tin ở anh, anh sẽ hết sức cố gắng. 8. Ông hãy tin ở cháu, cháu sẽ hết sức cố gắng. 9. Bà hãy tin ở cháu, cháu sẽ hết sức cố gắng. 10. Bác hãy tin ở cháu, cháu sẽ hết sức cố gắng. 11. Chú hãy tin ở cháu, cháu sẽ hết sức cố gắng. 12. Cô hãy tin ở cháu, cháu sẽ hết sức cố gắng. 13. Bạn hãy tin ở tôi, tôi sẽ hết sức cố gắng. 14. Cậu hãy tin ở mình, mình sẽ hết sức cố gắng. 15. Mày hãy tin ở tao, tao sẽ hết sức cố gắng. Đại từ 你ni của tiếng Hán ở ví dụ trên có thể có ít nhất 15 đại từ tương đương trong tiếng Việt tùy thuộc vào hoàn cảnh, tuổi tác, địa vị, giới tính của các vai giao tiếp. Và đương nhiên, cũng kéo theo sự thay đổi về việc xác lập các quan hệ đối lập của các từ nhân xưng chỉ ngôi thứ nhất (thầy - em, bố - con, anh - em, chú - cháu, mày - tao…) 你 | ngài | thầy | cô | bố | mẹ | thủ trưởng | anh | em | ông | bà | bác | chú | bạn | cậu | mày |
3. Vấn đề chuyển dịch Hán - Việt Tính phức tạp về việc chuyển dịch Hán - Việt các đại từ nhân xưng ngôi thứ hai không chỉ ở chỗ có tới 15 tương đương để lựa chọn cho mỗi tình huống mà thực tế có trên 15 khả năng hay phiên bản để xem xét. Bởi tính chi tiết hóa, biểu cảm cao trong phong cách xưng hô tiếng Việt, nó được thể hiện ở những cặp từ xưng hô đối xứng. Khi dịch sử dụng cặp ngài - tôi, anh - tôi, em - tôi, bạn - tôi, thủ trưởng - tôi, cậu - tôi, sẽ có sắc thái biểu cảm khác so với việc dịch thành ngài - em, anh - em, em - anh, bạn - tớ (mình), thủ trưởng - em, cậu - mình (tớ) và càng khác xa với cách dịch là mày - tao. Ngày nay, người Hán dùng chủ yếu hai đại từ nhân xưng 你 (thông xưng) ,您 (kính xưng) để hô gọi trong giao tiếp. Việc sử dụng đại từ nhân xưng mang nghĩa trung tính trong tiếng Hán hiện đại đã tránh được phiền hà của hiện tượng trùng tên họ và đặc biệt làm cho những câu văn trong giao tiếp ngắn gọn hơn, tinh tế hơn và cũng hiện đại hơn. Người Trung Quốc có thói quen dùng họ để gọi như 张老师 (thầy Trương), 阮同学 (bạn Nguyễn), 王先生 (Ông Vương),李小姐 (cô Lý). Khác với lối sử dụng đại từ nhân xưng trung tính 你 ni, 您 nin, cách hô gọi này, ngoài công năng khu biệt đối tượng giao tiếp, còn mang sắc thái biểu cảm nhất định, biểu thị sự tôn trọng, lịch sự và cả gần gũi nữa. Nhưng nếu trong một lớp học có từ hai học sinh mang họ 阮 Nguyễn trở lên thì 阮同学 (bạn Nguyễn) không còn tính chất khu biệt tên gọi cho một cá thể nữa và đôi khi cũng rắc rối nếu các thành viên này cùng tham gia giao tiếp. Tuy nhiên, lối hô gọi Họ + Chức danh hoặc địa vị xã hội lại mang lại thuận lợi cho hoạt động chuyển dịch. Cũng như xu thế phát triển chung của từ xưng hô trong tiếng Hán là đi theo hướng khái quát hóa, trừu tượng hóa và giản hoá, các đại từ nhân xưng thuộc ngôi thứ hai trong tiếng Hán hiện đại đã trải quá trình phát triển, thay đổi, chọn lọc tự thân rất thú vị. Giai đoạn đầu với ba đại từ 汝 nhữ, 尔 nhĩ, 子tử mang ý nghĩa trung tính hoàn toàn như you trong tiếng Anh. Đại từ nhân xưng 尔 nhĩ, 汝 (女) nhữ, sau này phát triển thành 你ni trong tiếng Hán hiện đại. Ví dụ: 1. 不狩不猎,胡瞻尔庭有縣特兮? (Kinh Thi) Nhà ngươi không lên núi săn bắt, tại sao trước cửa nhà lại treo nhiều thịt thú rừng như vậy? 2. 绿兮丝兮 , 女所治兮。(Kinh Thi) Màu xanh, màu xanh, màu xanh này là do chính tay nàng dệt nên. Ở ví dụ 1. ngôi thứ hai 尔 muốn nhắc tới trong tác phẩm Kinh Thi là tên chủ nô với thói không làm mà hưởng, câu văn mang nặng ý phê phán. 女 nhữ chỉ người vợ yêu dấu đã qua đời ở ví dụ thứ 2. Trong hai ví dụ trên, 尔 nhĩ và 女 nhữ được dịch là nhà ngươi và nàng là do đã xử lí khi chuyển dịch sang lối xưng gọi mang sắc thái biểu cảm của tiếng Việt. Thực tế, ở giai đoạn này, hai đại từ nhân xưng ngôi thứ hai 尔 và 女 hoàn toàn mang ý nghĩa trung tính. Khoảng 200 năm sau, vào những năm 400 - 500 TCN (thời Khổng Tử, Luận ngữ) bắt đầu có sự phân công về ý nghĩa cũng như cách dùng. Ngoài ý nghĩa mang tính khái quát như 你ni trong tiếng Hán hiện đại, các đại từ trong tiếng Hán cổ 尔nhĩ, 汝 (女) nhữ, 子tử còn biểu thị những sắc thái tình cảm yêu ghét, tôn khinh… Người có địa vị thấp hơn dùng 汝, 尔, khi chuyển dịch sang tiếng Việt, thường dịch là ngươi, con hoặc nhà ngươi. Người có học, có địa vị cao trong xã hội hơn dùng 子, thường dịch là Tiên sinh, thầy hoặc ông. Ví dụ: 3. 𧗱君待子而為証,子将奚縣?(Luận ngữ) Vệ Quân tín nhiệm, mời thầy lo quốc sự, thầy sẽ làm gì đầu tiên? 4. 颜渊季路侍子曰: "盍各言爾志?" (Luận ngữ). Nhan Uyên Quý Lộ đứng hầu, Khổng Tử nói: “Sao các ngươi (con) không nói chí hướng của mình ra?” 5. 汝何如? 中壽尔墓之木拱矣。(Tả truyện) Nhà ngươi thì biết gì ? Nếu chỉ sống đến trung tuổi thì cái cây trên mộ nhà ngươi đã đủ cả người ôm rồi đấy. Đến thời Mặc Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai 子 tử không còn mang nghĩa tôn xưng như 您 nin nữa, mà chỉ có ý nghĩa trung tính như 你ni trong tiếng Hán hiện đại. Cũng vào giai đoạn này, 汝, 尔 mang sắc thái biểu cảm tiêu cực rõ rệt, được dùng với thái độ coi thường, khinh miệt kẻ tiểu nhân. Tuy nhiên, khi quan hệ giữa hai thành viên giao tiếp thân thiết tới mức cực điểm thì 汝, 尔 lại được dùng để biểu cảm, được gọi là “尔汝交 Nhĩ nhữ giao”, ý chỉ lối giao tiếp thân thiết đến mức tao, mày “suồng sã”. Trong tiếng Hán hiện đại có từ 东西 và tiếng Việt có từ “con chó” cũng có cách dùng tượng tự như vậy, dùng để chỉ hai thái cực trái ngược nhau: hết sức căm ghét và cực kỳ yêu mến. Khác với tiếng Hán hiện đại, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai trong tiếng Hán cổ khá phong phú, ngoài 汝, 尔, 子 còn có 若 nhược, 而 nhi, 乃 nãi. Có điều,ba đ?i từ này chỉ mang ý nghĩa trung tính, có thể dùng thay thế tương đương như 你ni (you) và 你的 ni de (your). Số lượng đại từ nhân xưng chỉ ngôi thứ hai trong tiếng Hán cổ khá đông, cách dùng rất linh hoạt, ý nghĩa ngữ dụng cũng luôn thay đổi theo diễn biến xã hội, khi thì sử dụng với nghĩa khái quát, trung tính, khi thì mang ý nghĩa biểu cảm yêu ghét, tôn khinh… Vì vậy, khi chuyển dịch sang tiếng Việt, cần xác định thời gian, không gian, hoàn cảnh của tác giả, tác phẩm ngữ nguồn, cụ thể là tiếng Hán, hay nói khác đi là trước khi chuyển dịch sang ngôn ngữ đích (tiếng Việt), các dịch giả cần dịch trong nội bộ ngữ nguồn (tiếng Hán). Các đại từ nhân xưng ngôi thứ hai trong nội bộ tiếng Hán cũng có khác biệt giữa tiếng Hán cổ và tiếng Hán hiện đại. Sau quá trình giản hóa, đại từ nhân xưng ngôi thứ hai trong tiếng chỉ còn lại 你(thông xưng) và 您 (tôn xưng). Đại từ nhân xưng số ít 你 ni được phát triển từ 尔nhĩ trong tiếng Hán cổ. Sự xuất hiện của 您 nin ngôi thứ hai mang ý nghĩa kính xưng trong tiếng Hán hiện đại đã được nhiều nhà lịch sử ngôn ngữ học Hán quan tâm, nghiên cứu. Theo 李婵婷, (Nguyên nhân chọn đại từ nhân kính xưng 您 nin), đăng trên báo Joumal of Zhangjiakou Vocational College of Technology, số 19 kỳ 4 tháng 12 năm 2006, 您nin là hợp âm của 你们 ni men (đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số nhiều). Đại từ 你们 ni men được đọc mềm là nim, sau chuyển thành nin 您, nim-nin. Vương Lực, nhà nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ Hán cho rằng, đại từ 您nin khi mới xuất hiện ở thời Tống Nguyên không mang ý nghĩa kính xưng. Ví dụ: “咱是您的姨夫” Ta là chú rể của các cháu. 您 ở đây chỉ các cháu 你们 (you). Xét từ bình diện ngữ âm, ông cho rằng 您nin là nói tắt của từ tổ 你老人家 ni lao renjia (ninlao - nil- nin). Tiếng Hán có đặc thù, ý nghĩa nhiều khi bắt nguồn từ bản thân văn tự. Thường những chữ Hán có bộ 心tâm như: 忠 trung, 念 niệm, 愁s ầu, 德 đức, 感 cảm, 思 tư… đều biểu thị sắc thái tình cảm. Phân tích từ bố cục chữ 您nin cho ta ý nghĩa liên tưởng đến biểu thị sự kính trọng, tôn thờ. Trên bộ tâm có chữ 你 ni (心上有你 tâm thượng hữu nhĩ). Sau này, cùng với sự phát triển của xã hội, 你 ni, 您 nin có sự khu biệt về nghĩa ngữ dụng. 你(thông xưng) chỉ ngôi thứ hai số ít, mang ý nghĩa trung tính cao. 您 (kính xưng) dùng cho cả số nhiều và số ít. Hiện tượng đại từ nhân xưng số nhiều hay kèm theo nghĩa tôn xưng có ở nhiều ngôn ngữ. Trong tiếng Anh cổ đại từ thou (你)lúc đầu không mang ý nghĩa kính xưng, sau này xuất hiện you, ye (您),sau đó thou dần dần ít dùng cho đến thế kỷ XVIII thì hoàn toàn không sử dụng nữa. Không còn thou mang ý nghĩa đối lập, you cũng không còn nghĩa (kính xưng) mà dùng với ý nghĩa khái quát, trung tính hoàn toàn. Tóm lại, lý giải ý nghĩa nội bộ bản thân ngữ nguồn (tiếng Hán) thực sự có ý nghĩa cho quá trình chuyển dịch Hán - Việt. Có điều, quá trình phát triển, sự biến đổi của tự thân các đại từ nhân xưng tiếng Hán thú vị bao nhiêu thì việc tìm các tương đương trong ngữ đích để chuyển dịch lại phức tạp bấy nhiêu. Tâm lí cũng như chiến lược trong giao tiếp ở bất kỳ ngôn ngữ nào cũng đều phức tạp. Lối xưng hô rất chi tiết, biểu cảm của tiếng Việt chuyển tải được điều này, đặc biệt ở ngôi thứ hai. Ngược lại tiếng Hán hiện đại với lối xưng hô mang tính khái quát, sử dụng đại từ你, 您. Tất cả các trạng thái tâm lí, tình cảm của các thành viên tham gia giao tiếp trong các mối quan hệ chằng chịt của xã hội đều gói gọn trong hai từ 你, 您. Khi chuyển dịch sẽ được các dịch giả mã hóa, chi tiết hóa để độc giả ngôn ngữ đích (tiếng Việt) có thể cảm nhận được ý nghĩa ngữ dụng mà bản thân ngữ nguồn muốn chuyển tải thông qua các từ xưng hô. Tài liệu tham khảo chính 1. Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về ngôn ngữ học Việt Nam, Nxb. Đại học & THCN, 1981. 2. Nguyễn Hồng Cổn: Cơ sở ngôn ngữ học của nghiên cứu dịch thuật và bộ môn dịch thuật học, Ngôn ngữ, số 8, 2004. 3. Nguyễn Văn Khang: Tiếng Hán ở Việt Nam với tư cách là một ngoại ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7, 1999. 4. Lê Đình Khẩn: Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt hiện đại, Nxb. Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2002. 5. Nguyễn Ngọc San: Ảnh hưởng của tiếng Hán vào tiếng Việt, trong Nghiên cứu và dạy học tiếng Hán (Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế), 2006, tr.263-281. 6. 陈福康:《中国译学理论史稿》, 上海: 上海外语教育出版社. 2000. 7. 陈西滢:《翻译研究论文集》, 北京: 外语教学与研究出版社. 1984./. (Tạp chí Hán Nôm, Số 1(92) 2009; Tr. 52 - 58) |