Chuyên Gia Chia Sẻ Kỹ Thuật Trồng Nấm Rơm Cho Hiệu Quả Kinh ...

Nấm rơm là loại thực phẩm tươi ngon, giàu dinh dưỡng, có tác dụng phòng bệnh và nâng cao sức khỏe được nhiều người ưa chuộng. Do nhu cầu tiêu thụ nấm rơm ngày càng tăng nhiều người đã lựa chọn trồng nấm rơm để phát triển kinh tế. Bài viết hôm nay xin giới thiệu đến bà con Kỹ thuật trồng nấm rơm cho hiệu quả kinh tế cao.

Kỹ thuật trồng nấm rơm

Mục lục

  • 1. Giới thiệu nấm rơm
    • 1.1 Đặc điểm hình thái
    • 1.2  Giá trị kinh tế và công dụng
  • 2. Điều kiện trồng nấm rơm
    • 2.1 Nhiệt độ
    • 2.2 Độ ẩm
    •  2.3. Độ pH
    • 2.4. Ánh sáng
    • 2.5  Độ thông thoáng
  • 3. Kỹ thuật trồng nấm rơm
    • 3.1 Thời vụ trồng
    •  3.2 Địa điểm trồng
    • 3.3 Nguyên liệu trồng nấm rơm
      • Kỹ thuật ủ rơm:
      • Chọn meo giống:
      • Xếp mô và rắc meo giống:
  • 4. Kỹ thuật chăm sóc nấm rơm
  • 5. Kỹ thuật trồng nấm rơm – Thu hoạch nấm
  • 6. Phòng bệnh cho nấm rơm

1. Giới thiệu nấm rơm

Nấm rơm hay còn gọi là nấm rạ, nấm mũ rơm có tên khoa học là Volvariella Volvacea. Loại nấm này rất phổ biến ở châu Á, ở Việt Nam nấm rơm có mặt ở hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên số lượng nấm rơm trong tự nhiên rất ít không đủ cung cấp cho thị trường nên nhiều người đã chuyển hướng sang trồng nấm rơm để tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Kỹ thuật trồng nấm rơm vừa đơn giản, dễ làm lại nhanh cho thu hoạch rất phù hợp với quy mô hộ gia đình.

1.1 Đặc điểm hình thái

Nấm rơm có cấu tạo gồm các phần: mũ nấm, phiến nấm, cuống nấm, bao nấm, sợi nấm. Khi còn non nấm rơm nằm trong bao chung hình trứng, khi nấm dài ra mũ nấm phá vỡ bao chung và vươn ra ngoài. Lúc này nấm có hình núm hay bán cầu dẹt màu nâu hoặc xám, thịt nấm có màu xám trắng, phần cuống nấm nhẵn, ngắn và mẫm, bao nấm hơi phình.

Giới thiệu nấm rơm

1.2  Giá trị kinh tế và công dụng

Nấm rơm có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi ủ đến khi thu hoach chỉ mất khoảng 3 tuần. Trồng nấm rơm trong nhà có thể cho thu hoạch nhiều vụ trong năm. Trồng nấm rơm đơn giản không tốn nhiều đất canh tác hiệu quả kinh tế thu được lại ổn định.

Hiện nay, giá nấm rơm dao động khoảng 60- 80.000vnd/ 1kg.

Nấm rơm là thực phẩm sạch chứa nhiều các loại vitamin như A, B1, B3, D, E, C.

Nấm rơm dùng làm nguyên liệu chế biến ra nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. trong nấm rơm có 7 loại axit amin tốt cho cơ thể hơn cả trong thịt bò và đậu tương. Nhờ giá trị dinh dưỡng cao nấm rơm còn có tác dụng rất tốt cho người bị ốm hay đang điều trị bệnh. Ngoài ra nấm còn có tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, béo phì, tiểu đường, thiếu máu.

Giá trị kinh tế và công dụng nấm rơm

2. Điều kiện trồng nấm rơm

2.1 Nhiệt độ

Nhiệt độ môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của nấm rơm. Sợi nấm phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 30- 35 độ C, ở giai đoạn hình thành quả thể từ 28-30 độ C. Bà con có thể trồng nấm rơm trong nhà để kiểm soát nhiệt độ.

2.2 Độ ẩm

Độ ẩm là yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng nấm rơm. Độ ẩm thích hợp cho sợi nấm phát triển là 70- 75% và 65- 70% đối với giai đoạn hình thành quả thể. Khi độ ẩm quá cao >95% hoặc quá thấp <60% nấm rơm sẽ bị hỏng.

 2.3. Độ pH

pH thích hợp cho nấm rơm là pH trung tính khoảng 7,0 – 7,5. Khi độ pH ở mức chua (pH < 6) hoặc chuyển sang kiềm (pH > 9) nấm sinh trưởng kém, quả thể nấm rơm không hình thành.

2.4. Ánh sáng

Khi trồng nấm rơm, tùy từng giai đoạn chúng ta cần cung cấp lượng ánh sáng cho thích hợp. Ở giai đoạn nuôi sợi, nấm rơm không có diệp lục nên không cần ánh sáng nếu cường độ ánh sáng quá cao lúc này sợi nấm có thể chết. Đến giai đoạn hình thành quả thể nấm rơm cần ánh sáng khuếch tán nhằm kích thích sự hình thành và phát triển của quả thể đồng thời tạo màu sắc của quả thể nấm.

2.5  Độ thông thoáng

 Trồng nấm rơm ở giai đoạn hình thành quả thể nấm rơm cần độ thông thoáng cao. Quả thể nấm càng lớn nhu cầu về oxy để hô hấp càng tăng lên vì vậy giai đoạn này cần đảm bảo độ thông thoáng cao cho nấm.

3. Kỹ thuật trồng nấm rơm

3.1 Thời vụ trồng

Bà con có thể trồng nấm rơm tại nhà quanh năm. Tuy nhiên vào những ngày mùa đông gió lạnh cần phải che chắn cẩn thận giữ ấm cho mô nấm. Vào mùa mưa khu trồng nấm rơm cần có mái che tránh bị ướt, ngập úng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm rơm. Để khắc phục hạn chế do thời tiết bà con có thể trồng nấm rơm trong nhà.

 3.2 Địa điểm trồng

Địa điểm trồng nấm rơm cần tránh ánh nắng mặt trời để không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của nấm. Nơi trồng nấm rơm cần bằng phẳng, cao ráo tránh bị ngập úng, sạch sẽ để tránh mầm bệnh.

Khu làm nấm rơm tốt nhất nên gần nguồn nước để thuận lợi cho quá trình chăm sóc và thu hoạch nấm.

3.3 Nguyên liệu trồng nấm rơm

Có thể sử dụng nhiều nguyên liệu để trồng nấm rơm như rơm rạ, bã mía, bông gòn, mùn cưa…Tuy nhiên bà con thường dùng rơm rạ là chủ yếu do nguồn nguyên liệu này rất sẵn. Rơm rạ dùng để trồng nấm có thể tươi hoặc khô nhưng không được có mùi, mục nát hay thuốc hóa học sẽ ảnh hưởng đến năng suất trồng nấm. Bà con có thể sử dụng máy xơ dừa, xơ dừa rơm rạ để xơ chế nguyên liệu cho đồng nhất và dễ dàng cho qua trình ủ.

Kỹ thuật ủ rơm:

Bà con cần áp dụng đúng kỹ thuật để xử lý nguyên liệu đạt hiệu quả cao.

Ủ rơm thành đống: dùng cho cả rơm khô và rơm tươi. Rơm được chất thành đống, chiều rộng 1,5-2m, chiều dài 4-8m, cứ mỗi lớp rơm cao 20-30cm dùng nước tưới để cho rơm ướt đều rồi dùng chân dậm cho xẹp xuống tiếp tục chất các lớp tiếp theo cho đến khi đống rơm có chiều cao 1,3-1,5m. Sau đó lấy nylon, rơm khô hoặc lá chuối phủ quanh để ủ. Sau khi ủ vài ngày, kiểm tra nhiệt độ trong đống ủ lên cao khoảng 60- 70oC là đạt. Sau khi ủ rơm từ 10-12 ngày, đống rơm ủ xẹp xuống, chiều cao khoảng 0,8-1,0m. Lúc này có thể đem rơm chất ra luống.

 – Xử lý nước vôi trước khi ủ: dùng cho rơm rạ đã khô, không bị mốc hay tồn dư thuốc sâu, nhúng vào nước vôi được pha với tỉ lệ 3 kg vôi cho 100 lít nước. Nhúng rơm vừa đủ ngập để rơm có màu vàng. Mục đích của việc này là tiêu diệt nguồn bệnh, chất phèn mặn trong rơm rạ.

 Thời gian ngâm trong nước vôi từ 20-30 phút, sau đó vớt ra, để ráo nước, chất thành đống với chiều rộng 1,5-2m, chiều dài 4-8m sau đó dậm nhẹ cho rơm xẹp xuống, lấy nylon, rơm khô hoặc lá chuối phủ quanh. Sau 2- 3 ngày bà con tiến hành đảo tơi rơm rạ, dùng tay vắt chặt rơm, nếu thấy nước rỉ qua kẽ ngón tay là vừa còn nếu nước chảy thành dòng là rơm quá ướt cần bỏ bớt các dụng cụ ủ bên ngoài trường hợp rơm quá khô cần bổ sung thêm nước. Ủ tiếp 3-4 ngày nữa, lúc này nhiệt độ đống ủ lớn hơn 75 độ C là đạt yêu cầu, đến ngày thứ 7-8 sau ủ, kiểm tra thấy rơm hết mùi khai, mùi chua, rơm rạ mềm, có màu vàng tươi là đạt yêu cầu.

Chọn meo giống:

Là một khâu quan trọng trong kỹ thuật trồng nấm rơm. Chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn, có mùi thơm sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt. Không sử dụng những bịch meo nấm kém chất lượng, có mùi chua, bịch nấm đã nhiễm khuẩn.

Để tìm địa chỉ cung cấp meo nấm rơm uy tín, bà con có thể tham khảo tại https://vbio.vn/meo-nam-rom/.

MEO NẤM RƠM SẠCH VBIO 15.000₫ MEO NẤM RƠM SẠCH VBIO Viện Nghiên cứu Sinh học Ứng dụng là đơn vị trực tiếp sản xuất hầu hết các sản phẩm về NẤM. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Sinh học Ứng dụng còn chọn lọc các sản phẩm có nguồn từ các đối tác là trang trại đáng tin cậy, có đầy đủ giấy tờ chứng nhận và kiểm định của nhà nước về thực phẩm sạch và an toàn. Xem chi tiết

Xếp mô và rắc meo giống:

Sau khi rơm ủ đạt yêu cầu bà con tiến hành chất mô và rắc meo nấm rơm. Trong kỹ thuật trồng nấm rơm đây là khâu quyết định năng suất nấm rơm cần bà con chú ý. Rải một lớp rơm đã ủ lên mặt liếp có chiều rộng theo mặt liếp khoảng 50cm, chiều cao 20cm sau đó tưới nước rồi rãi meo giống dọc hai bên luống, cách mép luống 5-7cm. Meo gieo từng cụm cách nhau 15- 20cm, nhét sâu 1-2cm. Các lớp rơm thứ 2, thứ 3, 4 được xếp tương tự với đầu hơi thụt vào một chút để mô có hình thang. Lớp trên cùng thường cấy meo sâu xuống 2 – 3cm và cách bìa mô nhiều hơn. Lớp cuối cùng phủ dọc theo mô đều trên bề mặt và dày hơn (khoảng 2-3cm). Tùy thời tiết xếp 3 hay 4 lớp: mùa nắng 3 lớp, mùa mưa 4 lớp. Cuối cùng vừa tưới nước vừa ấn nhẹ rơm xuống, vuốt mặt ngoài cho mô láng, gọn thuận lợi cho nấm rơm mọc và phát triển.

Nguyên liệu trồng nấm rơm

4. Kỹ thuật chăm sóc nấm rơm

Sau khi áp dụng đúng kỹ thuật trồng nấm rơm sẽ đến giai đoạn chăm sóc để nấm rơm sinh trưởng tốt cho năng suất cao.

Kỹ thuật chăm sóc nấm rơm

Trong kỹ thuật trồng nấm rơm, nhiệt độ và ẩm độ là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định đến năng suất và chất lượng của nấm rơm. Độ ẩm giúp quá trình phân hủy rơm rạ thuận lợi từ đó sẽ tạo nhiệt độ trong mô nấm. Nếu độ ẩm cao, thừa nước thì nhiệt độ sẽ giảm, mô nấm bị lạnh. Nếu độ ẩm thấp, thiếu nước nhiệt độ tăng lên mô nấm sẽ khô héo.

Vì vậy bà con cần thường xuyên kiểm tra mô nấm bằng cách rút một nắm rơm ở giữa luống, bóp chặt trong lòng bàn tay, nước hơi rịn qua kẽ tay là vừa. Nếu nước không rịn qua kẽ tay là khô, phải bổ sung nước cho nấm. Nếu thấy nước chảy qua kẽ tay thành giọt là dư nước, phải dừng tưới nước và bỏ bớt áo mô cho nước bốc hơi bớt.

Sau khi rắc meo từ ngày thứ 4 cho đến ngày thứ 8 kiểm tra nhiệt độ của mô nấm nếu nhiệt độ ở mức 35- 38oC là đạt yêu cầu. Bà con có thể điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước và đậy mô. Nếu nhiệt độ cao, rơm ủ thiếu nước cần dùng thùng vòi sen tưới cho mô nấm. Trường hợp chỉ tăng nhiệt độ mà không thiếu nước bà con bỏ bớt rơm rạ bị ướt thay bằng rơm khô để thoát bớt nhiệt. Khi kiểm tra mô nấm thấy nhiệt độ dưới 25 độ C, mô bị lạnh phải ngưng tưới nước, đậy nylon nhưng cách mô nấm tối thiểu là 20 cm để tránh bị hấp hơi.

Sau khi cấy meo được khoảng 1 tuần, dỡ rơm rạ rồi xốc rơm lên cho tơi để tránh tơ nấm ăn lan ra ngoài, không tạo được nấm.

5. Kỹ thuật trồng nấm rơm – Thu hoạch nấm

Trồng nấm rơm dễ dàng, sau khi ủ rơm 10-14 ngày có thể thu hoạch. Nấm ra rộ vào ngày thứ 12-15, sau đó 7-8 ngày ra tiếp đợt 2 và thu hái trong 3-4 ngày thì kết thúc vụ trồng nấm.

Thu hoạch nấm rơm

 Thu hái mỗi ngày 2 lần. Lần thứ 1 vào sáng sớm trước 6 giờ. Thu hái lần thứ 2 vào khoảng 14-15 giờ chiều.

Cách hái: Chọn những cây nấm còn búp, hơi nhọn đầu. Khi hái xoay nhẹ cây nấm, tách ra khỏi mô. Không nên để sót chân nấm trên mô, vì phần chân nấm khi thối rữa, sẽ làm hư các nụ nấm kế bên. Sau khi hái xong, đậy kỹ áo mô lại.

– Nấm sau khi thu hái cần tiêu thụ ngay trong 2-3 giờ. Nếu muốn để ngày hôm sau cần bảo quản ở nhiệt độ từ 10-150C.

6. Phòng bệnh cho nấm rơm

Trong kỹ thuật trồng nấm rơm, phương pháp để phòng trừ bệnh có hiệu quả nhất chính là đảm bảo khâu vệ sinh khu vực trồng và các dụng cụ, nguyên liệu trồng nấm.

  • Đối với nền đất: bà con cần phơi nắng, tưới nước, xới, rắc vôi, thay nền đất định kỳ để nền đất luôn sạch sẽ, không có nguồn bệnh.
  • Đối với nguyên, vật liệu trồng nấm: với rơm rạ không được thối, chua, không sử dụng nguồn meo giống bị mốc, hỏng hay nhiễm nấm hại.
  • Nguồn nước: bà con dùng nước sạch, không bị nhiễm hóa chất độc hại để tưới cho nấm.
  • Dụng cụ trồng nấm: Giặt sạch, phơi khô trước khi sử dụng trồng nấm.
  • Giữ ấm mô nấm: Luôn giữ mô ở nhiệt độ 32-35 độ C, trời lạnh che phủ thêm nylon, áo mô, trời nắng lấy bớt áo mô ra tạo độ thông thoáng cho mô nấm.
  • Thường xuyên theo dõi để phát hiện bệnh, diệt ngay nguồn bệnh để tránh lây lan, dọn vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần trồng.

Trên đây là toàn bộ Kỹ thuật trồng nấm rơm cho hiệu quả kinh tế cao để bà con tham khảo. Mong rằng những thông tin mà chúng tôi cung cấp có thể giúp bà con trồng nấm rơm thu được lợi nhuận cao nhất.

Từ khóa » Dạy Trồng Nấm Rơm