CHUYỆN…GIỌNG QUẢNG NAM QUÊ TÔI - Tho Van Huong Nam

Văn: MS Nguyễn Đình Liễu

Kính chào quý độc giả,

Phạm Duy, một nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã từng viết:

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi! Mẹ hiền ru những câu xa vời. A à ơi! Tiếng ru muôn đời…”

Vâng, tôi yêu đất nước tôi, và tôi yêu tiếng nước tôi. Là người Việt Nam, không ai là không yêu đất nước mình, tiếng nước mình phải không bạn?

Không chỉ yêu tiếng nước tôi là tiếng Việt, một ngôn ngữ thật tuyệt, vì nó có thể diễn tả được mọi cung bậc tình cảm của con người Việt Nam của chúng ta; mà tôi còn yêu…giọng nói Quảng Nam độc đáo của quê tôi nữa.

Giọng nói của quê bạn độc đáo như thế nào, thì tôi…không rành lắm; nhưng giọng nói Quảng Nam quê tôi thì tôi thấy…độc đáo lắm. Chính vì vậy mà tôi yêu giọng nói Quảng Nam quê tôi thật nhiều.

Giọng nói Quảng Nam quê tôi độc đáo ở chỗ là nó…không giống với bất cứ giọng nào khác. Nó mộc mạc mà chân tình. Nó chân chất nên dễ gần. Nó đơn sơ nên không xảo trá. Giọng nói Quảng Nam quê tôi nghe rất thô như hột lúa, củ khoai, nhưng rất hữu ích cho cuộc sống con người.

Nếu bạn lần đầu tiên đến vùng đất Quảng Nam quê tôi, thì chắc chắn bạn sẽ nghe được người dân quê tôi nói, nhưng có điều là…không hiểu họ nói chi mà thôi.

Bạn có thể nghe được hết câu: “En không en, tét đèn đi ngủ, để con cho lớn kén con chó nhỏ nhen ren.”, nhưng bạn khó mà hiểu được ý nghĩa câu nói đó, nếu không có người Quảng Nam…làm thông dịch cho bạn.

Câu đó trước hết phải được…phiên dịch ra tiếng Việt cho đúng đã: “En (ăn) không en (ăn), tét (tắt) đèn đi ngủ, để con chó lớn kén (cắn) con chó nhỏ nhen (nhăn) ren (răng).”

Khi dịch từ…giọng Quảng Nam ra tiếng Việt phổ thông, là bạn có thể hiểu được ý nghĩa rồi phải không? “Ăn cơm thì ăn, còn không thì tắt đèn đi ngủ, kẻo đèn còn sáng, con chó lớn nó thấy con chó nhỏ nó cắn chết nhăn răng chừ.”

Người Quảng Nam quê tôi thường phát âm rất chuẩn các phụ âm đầu, phân biệt khá rõ giữa âm TR và CH, S và X, D và V, R và G; nhưng hầu hết đều phát âm sai ở âm giữa và âm cuối.

Người Quảng Nam thường nói những chữ có vần AO, AM thành Ô; Ă thành E

+ Chị cho tui mượn cái bô (bao), và một  lon gộ (gạo) về nấu chố (cháo) en (ăn) tộm (tạm), chớ hết gộ (gạo) rồi, chưa đi mua được chị ơi!

+ Ngày mai, anh có lồm (làm) chi không, gẹt (gặt) dùm em bữa lúa?

Có người chủ doanh nghiệp muốn tìm người làm cho tiệm bán vật tư của mình, hỏi một thanh niên Quảng Nam:

+ Trước đây, anh có làm nghề chi ở đâu không?

+ Trước đây, em có…lồm trộm vật tư ạ!

+ Vậy thì thôi. Anh muốn tìm người làm ăn đàng hoàng kia.

+ Chứ em có lồm (làm) chi (gì) mà không đoàng (đàng) hoàng  anh ơi? Em chỉ đứng boán (bán) hàng cho người ta thôi mà.

Thế là người chủ doanh nghiệp kia mới hiểu ra là anh thanh niên Quảng Nam nầy trước đây có lồm (làm) ở trộm (trạm) vật tư!

Giọng Quảng Nam thiệt là…không dễ để hiểu phải không bạn?

Còn nhớ những năm ở thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thỉnh thoảng, có một số những Mục sư, Truyền Đạo từ Quảng Nam vào Sài Gòn có việc; và nhân ngày Chúa nhật, họ được một số các Hội thánh vùng Sài Gòn mời giảng Kinh thánh. Sau buổi thờ phượng Chúa, có nhiều con cái Chúa đến nói chuyện với những Mục sư, Truyền Đạo  người Quảng Nam đó rằng: “Nhìn cách Mục sư/ Thầy giảng, chúng tôi biết là hay lắm, nhưng tiếc quá là chúng tôi không hiểu được bao nhiêu, vì giọng nói…khó nghe quá.”

Ai biểu không lo…học nghe giọng Quảng Nam chi? Rõ khổ!

Nghe người ta nói là giọng Quảng Nam quê tôi dường như có cả quyển tự điển để giúp người vùng khác…hiểu được giọng Quảng Nam đó.

Mà phải vậy mới được, chứ không thì những từ như sau đây mà không có tự điển giải nghĩa thì làm chi ai có thể hiểu được cơ chứ?

+ Bí rị: Không thể trả lời được.

+ Con đi chừ đây!: Con đi bây giờ đây!

+ Con tơm: Con tôm

+ Dị ồm: Rất mắc cỡ

+ Đi đầu dầu: Đi đầu trần, không đội nón

+ Lủ khủ: Rất nhiều

+ Một cấp: Một lúc (một chặp)

+ Nói lung: nói giỡn, nói đùa

+ Tồm tộm: Tàm tạm (cũng được)

+ Túm cổ: Tóm cổ

+ Xe lôm: Xe lam

+ Xe độp: Xe đạp

+ Xin chồ: Xin chào

+ Ăn đồ xồ: Ăn đồ xào

+ Y nguy: Y nguyên

Tự điển về giọng Quảng Nam coi bộ cũng…không dễ học bạn nhỉ?

Có một số nhà thơ, nhà văn người Quảng Nam quê tôi cũng đã có những bài thơ…ca tụng giọng nói quê mình rất hay, mà tôi rất thích, vì mỗi khi đọc chúng, tôi thấy quê hương Quảng Nam của tôi như đang ở đâu đây chung quanh mình vậy. Xin trích lại vài bài như sau đây và mời độc giả cùng…thưởng thức:

Nhà thơ Tường Linh có bài thơ về giọng Quảng Nam, trong đó mọi âm “ô” ở cuối câu đều biến thành âm “ơ”:

Rủ nhau vô núi hái chơm chơm Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm

Mùa đông tơi lá che mưa bấc Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!

Nhà thơ trào phúng Tú Rua cũng có một bài thơ như thế, nhưng âm  “a” biến thành âm “ô”:

Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm Có chàng công tử quê Đà Nẽng Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm

Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm Thêm ông hàng xóm người Hà Nội Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm.

Hai bài thơ về giọng Quảng Nam thật…tuyệt! (1)

Còn sau đây là một bài thơ nữa, cũng sử dụng toàn…giọng Quảng Nam, vì nhà thơ nổi tiếng nầy là một người Quảng Nam nổi tiếng – Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:

Nè mi mới dọn tới bên nhà Dị òm tau cũng bước chưn qua Ba đi một cấp, răng về kịp? Mẹ chắc giờ ni ở chỗ bà

Mi ở Điện Bàn hay Duy Xuyên Tết ni không nói chuyện tình duyên Tết mô mới nói cùng mi hỉ Không nói mần răng ván đóng thuyền

Nói thiệt chớ ai thèm nói lung Nghĩ chi lạ rứa, tội tau không Gặp mi bữa nớ ưng mi gướm Cái nhớ mỗi ngày thêm nhớ hung

Quà xuân, tau nhét vô trong thụng Xí nữa gặp mi, tau lấy ra Còn y nguy đó, răng mà mất Rủi mất thì tau sắm lại quà…

Phải là nhà thơ người Quảng Nam làm thơ theo giọng Quảng Nam mới…lột tả được hết cái chất giọng…độc đáo của quê mình được!

Nói về giọng Quảng Nam quê tôi, tôi lại nhớ đến quyển Kinh Thánh Bản Truyền Thống 1926 của người Tin Lành tại Việt Nam mà nhà văn, dịch giả, học giả Phan Khôi là người đã có công rất lớn trong việc đóng góp vào sự thành công của bản dịch ấy, đến nỗi có nhiều người còn gọi tắt là Bản Dịch Phan Khôi.

Phan Khôi là một người Quảng Nam như chúng ta đã biết, nên trong bản dịch Kinh thánh năm 1926 ấy, khi đọc, nghiên cứu, học hỏi, chúng ta thấy xuất hiện rất nhiều những từ, những chữ của người ở vùng đất Quảng Nam.

Xin đơn cử vài ví dụ:

+ “Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” (Sách Sáng Thế Ký, chương 3, câu 1b): “Mà chi!”, có nghĩa là có thật là, có đúng là?

+ “Ngươi chỉn lấy mắt mình nhìn xem, và sẽ thấy sự báo trả cho kẻ ác.” (Sách Thi-thiên, chương 91, câu 8): “Chỉn”, có nghĩa là chỉ.

+ “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất, thì có như vậy.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 1, câu 11): “Hột giống”, có nghĩa là hạt giống.

+ “Người nầy nói với người kia rằng: Hè! chúng ta hãy làm gạch và hầm trong lửa…” (Sách Sáng Thế Ký, chương 11, câu 3): “Hè!”, có nghĩa là nào, một từ kêu gọi sự chú ý của mọi người.

+ “Ngộ trong thành có năm mươi người công bình, Chúa cũng sẽ diệt họ hết sao?” (Sách Sáng Thế Ký, chương 18, câu 24): “Ngộ”, có nghĩa là nếu, hay giả sử, giả như.

+ “Muối là giống tốt, nhưng nếu muối mất mặn, thì lấy chi làm cho nó mặn lại được?” (Sách Lu-ca, chương 14, câu 34): “lấy chi”, có nghĩa là lấy gì.

+ “và nhờ đạo ấy, anh em được cứu rỗi, miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho; bằng không, thì anh em dầu có tin cũng vô ích.” (Sách I Cô-rinh-tô, chương 15, câu 2): “giữ lấy y như”, có nghĩa là giữ lấy y nguyên như thế.

+ “Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết; người ta không thấy người nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp người lên. Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi.” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 11, câu 5): “Bởi chưng”, có nghĩa là bởi vì.

+ “Hãy trách phạt những kẻ nầy, là kẻ trù trừ.” (Sách Giu-đe, câu 22): “trù trừ”, có nghĩa là do dự, lưỡng lự.

Còn nhiều, nhiều lắm những từ, những chữ của địa phương vùng đất Quảng Nam xuất hiện trong quyển Kinh thánh Bản Truyền Thống 1926 như vậy. Có thể những người ở các vùng khác khi đọc Kinh thánh gặp những từ, những chữ như thế, sẽ rất khó hiểu, nếu không tra các bản dịch khác, sẽ không hiểu được hoặc không hiểu đúng nghĩa của nó là gì? Nhưng với những người quê Quảng Nam như tôi, thì lại rất…thích thú, và…tâm đắc khi gặp những từ như thế khi đọc Kinh thánh Bản Truyền Thống, vì chúng tôi hiểu được chúng liền và hiểu một cách…sâu sắc nữa là đằng khác.

Ngộ thế đấy!?!

Không biết bạn thì sao? Bạn có yêu giọng nói quê bạn không? Chứ riêng tôi, tôi rất yêu giọng nói Quảng Nam quê tôi, vì nó rất chân chất, mộc mạc, mộc mạc đến như…thô kệch luôn. Điều đó cũng cho thấy người Quảng Nam quê tôi rất chân chất, thật thà, có răng nói rứa người ơi!

Khi đi xa quê, mỗi khi gặp đồng hương nói giọng Quảng Nam, hoặc nghe ai đó nói giọng Quảng Nam ở trong đài, trên ti-vi, hay trên youtube… là tôi cảm thấy nhớ quê hương Quảng Nam mình đến cồn cào, và đành…nhả thơ cho đỡ nhớ:

Tôi nhớ quê tôi, nhớ làm sô (sao) Giọng nói Quảng…Nôm (Nam) mới ngọt ngồ (ngào) Nghe rồi, nghe nữa, hòi (hoài) không chán Giọng nói quê mình đẹp biết bô (bao)…

Hay như nhà thơ Lê Minh Quốc (người Quảng Nam), đã viết những vần thơ thật hay về giọng nói quê nhà như sau:

Quê nhà ở tận đâu đâu Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà Ở gần đây chớ đâu xa Nghe giọng nói nhớ quê nhà vậy thôi.

Thưa quý độc giả,

Chuyện về… giọng Quảng Nam thì nói hoài không hết được đâu, nên trong bài viết nho nhỏ nầy, chúng tôi chỉ muốn gởi đến quý độc giả vài nét chấm phá về giọng nói của Quảng Nam quê tôi để…hầu chuyện cùng quý vị.

Tôi cảm tạ Chúa đã cho người Quảng Nam quê tôi có được một giọng nói…độc đáo, không lẫn vào đâu được. Tôi yêu vùng đất Quảng Nam quê tôi. Tôi yêu người Quảng Nam quê tôi, và tôi cũng yêu giọng nói…độc đáo của quê mình nữa.

Nếu có dịp tiện, sẽ trở lại đề tài nầy trong tương lai.

Hy vọng bài viết nho nhỏ nầy sẽ đáp ứng được một chút nào đó về những mong mỏi của quý độc giả về đất và người Quảng Nam quê tôi, một Tỉnh nằm gần như chính  giữa trung tâm nước Việt yêu dấu của chúng ta.

Ông bà ta nói “Trăm nghe không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một rờ.” Muốn…thưởng thức giọng Quảng Nam đúng chuẩn một trăm phần trăm, không chi bằng, xin mời bạn…lồm (làm) một chuyến du hành đến ngay vùng “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” của quê tôi để…thưởng thức cho…đã bạn nhé. Chắc chắn bạn sẽ thấy những gì tôi viết ở đây, chỉ mới như là…món ăn khai vị mà thôi.

Người Quảng Nam quê tôi nặng nghĩa, nặng tình, lúc nào cũng sẵn lòng đón khách từ khắp nơi đến thăm với lòng trân trọng và quý mến nhất!

Nào, xin mời bạn! California, tháng 3/ 2021 Nguyễn – Đình – Bùi – Thị.  

(1): https://nhacxua.vn/chuyen-cai-giong-quang-nom-loi-tu-trao-cua-nhung-nguoi-dan-xu-quang/

Post Views: 338

Từ khóa » Bài Thơ Tiếng Quảng Nam