Vài Thổ âm, Thổ Ngữ Của Người Quảng (4) - VnExpress Giải Trí

Lê Minh Quốc -

Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Quán Gò đi lên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người quê Thăng Bình có cho biết nhà thơ Tường Linh, người quê Quế Sơn từng viết:

Rủ nhau vô núi hái chơm chơm,Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm.Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc,Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm. Mùa đông tơi lá che mưa bấc,Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm.Nghe chuyện xóm xưa thời khó lửa,Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!

Thế thì vần "ÔM" ở Quảng Nam người ta đều phát âm thành "ƠM" hết trọi. Nhưng không chỉ có thế, vần "AM" lại cũng phát âm thành.... "ÔM"! Thử đọc bài thơ của nhà thơ Tú Rua, người quê Đại Lộc:

Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm,Ăn cục nói hòn chẳng thôm lôm.Có chàng công tử quê Đà Nẽng,Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm.Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ,Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm.Thêm ông hàng xóm người Hà Nội,Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm.

Ta thử đọc thêm bài thơ Hồi xưa tôi đã tỏ tình của nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh để hiểu thêm một vài từ thông dụng khác:

Nè mi mới dọn tới bên nhàDị òm tau cũng bước chưn quaBa đi một cấp, răng về kịp?Mẹ chắc giờ ni ở chỗ bà

Mi ở Điện Bàn hay Duy XuyênTết ni không nói chuyện tình duyênTết mô mới nói cùng mi hỉKhông nói mần răng ván đóng thuyền

Nói thiệt chớ ai thèm nói lungNghĩ chi lạ rứa, tội tau khôngGặp mi bửa nớ ưng mi gướmCái nhớ mỗi ngày thêm nhớ hung

Quà xuân, tau nhét vô trong thụngXí nữa gặp mi, tau lấy raCòn y nguy đó, răng mà mấtRủi mất thì tau sắm lại quà...

"Tau" là "tao", "chưn" là chân; "dị òm" là mắc cỡ, mắc cỡ lắm lắm; "một cấp" là một lát; "nói lung" là nói giỡn; "ưng" là thương; "gướm" là "gớm"; "nhớ hung" là rất nhớ, nhớ lắm; "thụng" là túi; "xí nữa" là chút nữa; "y nguy" là y nguyên; "răng" là sao, làm sao... Sực nhớ, nhà thơ Dũng Hiệp của đất Quảng đã từng viết mấy câu thơ như vầy:

Tiếng Quảng Nam mình nói rất thôVần "ao" thì lại nói vần "ô"Chơi xuân khách Mỹ trên hè phốDắt chó ngao mà nói chó ngô!

Đấy! Tiếng Quảng Nam thô kệch vậy, như "cháo" thì phát âm thành "chố", "gạo" thành "gộ"... Nhưng bằng sự thông minh, tài trí của mình, người ta đã vận dụng để giáng một đòn độc chiêu. Bốn câu thơ trên được viết vào thời 1963. "Dắt chó ngao mà nói chó ngô". Ngô nào vậy? Thật thâm trầm và sâu sắc biết chừng nào.

Thật ra, viết được như thế không khó, nhưng nghĩ ra cách phổ biến công khai nơi chốn đông người là không dễ dàng chút nào. Vậy người Quảng Nam đã tài trí ra sao? Lần nọ đêm diễn hát bội đông nghìn nghịt người đến xem, đến đoạn cao trào nhất, thiên hạ vỗ tay vang trời bỗng trên sân khấu xuất hiện hai vai hề Ất và Giáp. Giáp thao thao bất tuyệt mọi chuyện, còn Ất lại ngậm như hến, cậy miệng cũng không nói nửa lời. Không chỉ Giáp mà khán giả cũng ngạc nhiên. Bực mình, Giáp quát:

- Ất! Mày câm rồi sao?- Tao không câm.- Không câm sao nẫy giờ mày cứ câm như thóc?Ất mếu mó đáp:- Bởi tao là... người Quảng Nam!

Trời đất sao lạ vậy? Nghe Ất nói thế ai nấy cũng đều thắc mắc tợn và chăm chú nghe tiếp câu chuyện đang diễn ra. Giáp nói:

- Thôi đi cha nội. Người ta thường nói "Quảng Nam hay cãi", chứ có như mày đâu! Mày cứ "ngậm miệng ăn tiền"!

Tỉnh bơ như không, Ất vẫn rầu rầu nét mặt, chậm rãi từng lời:

- Anh Giáp ơi! Người Quảng Nam hay phát âm sai, nói chớt nên người ta làm thơ châm biếm đó!- Tưởng gì! Chế giễu giọng Quảng Nam thì tao nghe rồi, nhưng thơ châm biếm thì chưa. Mày đọc cho tao nghe thử coi!

Chỉ chờ có thế. Ất há mồm ra được rành rọt từng chữ. Xong, Giáp gật gù bình:

- Đúng! "cháo gạo" thì thành "chố gộ", "ao" đọc thành "ô" là đúng giọng Quảng Nam rồi. Hay! Hay! Mày hãy đọc lai cho bà con thưởng thức. Nhưng thôi, mày hãy để tao ngâm cho mùi mẫn.

Thế là bài thơ này lại vang lên công khai một lần nữa. Ai nấy cũng vỗ tay khoái chí. Cho dù lúc ấy, bọn mật vụ có len lỏi đâu đó cũng không thể bắt bẻ gì được.

Tiếng Quảng Nam là vậy. Người Quảng Nam là vậy. Cho dù bây giờ không ít từ nếu muốn hiểu cần phải có... "phiên dịch", nhưng tôi trộm nghĩ rằng, đã có một thời gian dài, rất dài giọng nói Quảng Nam được xem là "chuẩn"!

Nghe cứ như đùa!

Suy nghĩ trên không phải không có cơ sở. Ngược dòng lịch sử, ta thấy Quảng Nam có thời kỳ còn được doanh nhân nước ngoài khi giao thương buôn bán ở Đàng Trong gọi "Quảng Nam quốc". Lý do của sự ra đời của tên gọi ta đã biết, không nhắc lại. Thế thì khi giao thiệp, người nước ngoài ắt phải bắt chước theo giọng nói, cách nói của cư dân địa phương. Đây là một lẽ hiển nhiên. Một sự tác động hoàn toàn toàn lô-gich, chứ không phải là sự suy luận lúc "trà dư tửu hậu". Nay ta cứ nghe người Nga nói tiếng Việt thì rõ, hầu hết đều phát âm theo giọng Hà Nội, bởi họ được học với người Hà Nội. Đơn giản thế thôi. Với lập luận này, tôi ngờ rằng, ngay cả các chúa Nguyễn khi đóng dinh trấn tại Quảng Nam thì giọng nói cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi phong thổ, khí hậu... nơi đây. Dấu ấn của giọng Quảng không chỉ có trong thời chúa Nguyễn, mà đến cuối triều Nguyễn nó vẫn còn giữ một vị trí quan trọng. Theo PGS Vương Hữu Lễ (Khoa Văn Đại học Khoa học Huế): "Ngay trong thời kỳ cuối của triều Nguyễn, người ta còn thấy trong những tuyên cáo hay xướng lễ của triều đình, tiếng Huế phải pha thêm giọng Quảng thì mới thích dụng" (Kỷ yếu hội thảo Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng - Sở VHTTQN ấn hành năm 2001, tr. 504). Thông tin này đáng tin cậy khi mà ta biết thêm rằng, chính vua Tự Đức từng khẳng định: "Bình văn, xướng văn tất phải dùng tiếng Quảng Nam, được xem là trung thanh".

(Trích sách " Người Quảng Nam", NXB Đà Nẵng)

Phần 1, phần 2, phần 3, còn tiếp...

Từ khóa » Bài Thơ Tiếng Quảng Nam