Chuyện Hôn Nhân Của Con Gái Mao Trạch Đông

Chuyện hôn nhân của con gái Mao Trạch Đông ảnh 1

Gia đình hiện nay (từ trái qua phải: Vương Hiệu Chi, Vương Cảnh Thanh, Lý Nạp)

Cùng với Mao Ngạn Thanh và Lý Mẫn, Lý Nạp là một trong ba người con còn lại trong số mười con của chủ tịch Mao Trạch Đông. Nhưng khác với hai người anh chị cùng cha khác mẹ, từ nhỏ Lý Nạp đã luôn được sống cạnh cha mẹ và được cha yêu chiều, dạy bảo.

Tuy nhiên, là con của người đứng đầu Đảng, nhà nước Trung Quốc song đời sống hôn nhân của bà cũng chẳng mấy thuận lợi và trọn vẹn…

Sinh tháng 8/1940, tại Diên An, Lý Nạp được đặt tên theo một câu trong Luận Ngữ và lấy họ Lý theo bí danh Lý Đức Thắng của cha. Lý Nạp là người con duy nhất được sống và lớn lên bên cạnh cha suốt cuộc đời cho đến khi chủ tịch Mao từ trần.

Sau ngày Trung Quốc giải phóng (1949), trở về Bắc Kinh đi học, ông Mao đã không cho khai tên cha là Mao Trạch Đông để khỏi ảnh hưởng đến chuyện học hành và trưởng thành của con.

Từ nhỏ, Lý Nạp đã có thói quen giao lưu tư tưởng với cha. Khi học đại học, mỗi khi học xong một khóa trình, thu hoạch được điều gì, Lý Nạp đều viết ra rồi báo cáo bố.

Từ nhỏ bà đã được cha cho học bơi. Khi con mới biết bơi, ông Mao đã không cho mang phao mà bắt con phải dùng ý chí và kỹ thuật để đương đầu với ngọn sóng. Năm 1959, Lý Nạp vào học khoa Lịch sử Đại học Bắc Kinh và tốt nghiệp năm 1965.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Lý Nạp được phân về “Báo Giải phóng quân” làm biên tập viên. Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Lý Nạp bị cuốn vào cơn cuồng phong chính trị thổi khắp đất nước Trung Quốc.

Lý Nạp trở thành người đi đầu “tạo phản” tại tòa soạn báo. Ban lãnh đạo báo bị đánh đổ, mới tuổi 27 nhưng Lý Nạp đã trở thành tổng biên tập tờ báo hàng đầu của quân đội.

Giang Thanh muốn tìm cho con gái yêu một người chồng lý tưởng. Nhưng do ông Mao trước đó đã phát nguyện không cho con gái lấy con cán bộ lãnh đạo cao cấp. Vì vậy, sau một thời gian để ý kiếm rể, Giang Thanh dừng lại ở Trương Vĩnh Sinh.

Vậy Trương Vĩnh Sinh là người như thế nào mà lọt được vào mắt xanh của Giang Thanh? Vốn là học sinh trường Mỹ thuật Chiết Giang, thời kỳ đầu cách mạng văn hóa, Trương là thủ lĩnh Hồng Vệ Binh ở Học viện Mỹ thuật Chiết Giang.

Trong quá trình đấu tranh đoạt quyền, Trương trở thành người phụ trách của “Tỉnh Liên tổng” - tổ chức tạo phản lớn nhất tỉnh Chiết Giang. Sau đó, Trương được giữ trọng trách Phó Chủ tịch ủy ban cách mạng tỉnh khi mới ngoài 20 tuổi. Với xuất thân như thế, tiền đồ của Trương Vĩnh Sinh rất xán lạn.

Khi cách mạng văn hóa mới bùng nổ, người cầm đầu hai phái ở Chiết Giang được “Tổ cách mạng văn hóa trung ương” triệu về Bắc Kinh họp, Trương Vĩnh Sinh đại diện cho “Tỉnh Liên tổng” về dự hội nghị.

Những lời lẽ thao thao bất tuyệt của Trương trên diễn đàn đã gây ấn tượng rất tốt đối vơi Giang Thanh. Anh ta không biết là mình đã lọt vào tầm ngắm kén rể của bà ta.

Năm 1968, khi Trương Vĩnh Sinh lại về Bắc Kinh báo cáo tình hình, anh ta đã được đón đến phòng khách của Giang Thanh trong Điếu Ngư Đài, nhưng không được tiếp kiến bà ta ngay.

Thì ra, trước khi tiếp Trương, Giang Thanh đã bố trí để Lý Nạp làm như tình cờ ra gặp Trương Vĩnh Sinh, sau đó bà ta mới tiếp riêng. Sau mấy câu hỏi han, ý tứ lồng vào, Trương đã hiểu rõ ý của Đệ nhất phu nhân.

Vài tháng sau, Trương Xuân Kiều ở Thượng Hải nhận được một cú điện thoại do Giang Thanh gọi đến yêu cầu gọi Trương Vĩnh Sinh về Thượng Hải để nói chuyện, tìm hiểu kỹ về anh ta rồi báo cáo lại cho bà hay.

Khi Trương Vĩnh Sinh tới Thượng Hải, Trương Xuân Kiều giấu biệt lý do thực sự của việc triệu anh ta lên, mà chỉ nói trung ương rất quan tâm tới tình hình Chiết Giang nên giao cho ông ta tìm hiểu.

Nghe hỏi, Trương Vĩnh Sinh liền nổ như súng máy, thao thao bất tuyệt. Thì ra, anh ta “duy ngã độc tôn”, chẳng coi ai ra gì, tuỳ tiện hành động nên quan hệ với những người xung quanh rất căng thẳng.

Trương Xuân Kiều cảm nhận được rằng: Trương Vĩnh Sinh lãnh đạo phe tạo phản ở một tỉnh còn chưa xong, nói gì đến việc làm rể lãnh tụ tối cao? Vì vậy sau khi anh ta trở về, Trương Xuân Kiều liền chỉnh lý lại tài liệu ghi chép cuộc trò chuyện rồi bí mật gửi cho Giang Thanh.

Thời gian sau đó tình hình Chiết Giang luôn mất ổn định, sai lầm của Trương Vĩnh Sinh cũng bộc lộ ngày một nghiêm trọng, Giang Thanh cũng bỏ luôn ý định chọn Trương Vĩnh Sinh làm rể. Sau cách mạng văn hóa, Trương Vĩnh Sinh đã bị bắt và bị kết án tù chung thân.

Năm 1970, Văn phòng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mở Trường Cán bộ Vừa học vừa làm “Mồng 7 tháng 5” tại huyện Tiến Hiền, tỉnh Giang Tây. Khi đó, tuổi đã ngoài 30, Lý Nạp cùng một số nhân viên của Văn phòng TW “hạ phóng” về đây.

Gái lớn gả chồng, ý định của Mao Trạch Đông rất rõ. Ông đã từng bảo Lý Nạp: “Phải xuống dưới mà chọn, tìm một người bình thường”. Trong thời gian Lý Nạp lao động dưới chân Tỉnh Cương Sơn, một chàng trai nhỏ hơn cô mấy tuổi tên là Tiểu Từ đã đi vào cuộc đời cô.

Tiểu Từ xuất thân trong một gia đình công nông, là nhân viên phục vụ Nhà khách trung ương Bắc Đới Hà trực thuộc Văn phòng trung ương, tuyệt đối đáng tin cậy về mặt chính trị.

Tuy chỉ có văn hóa trung học phổ thông, song Tiểu Từ rất đẹp trai, tính tình cởi mở, đối xử với người khác rất hào phóng, nhiệt tình. Lý Nạp tuân theo lời dặn của cha, có chủ ý tìm một người hợp với mình ở dưới cơ sở, nay gặp Tiểu Từ, hai bên nảy sinh tình cảm rồi nhanh chóng yêu nhau.

Chuyện truyền đến tai Giang Thanh, bà kiên quyết phản đối. Nhưng Lý Nạp đã quyết, cô trực tiếp về gặp cha, yêu cầu ông cho phép mình cưới Tiểu Từ làm chồng.

Mao Trạch Đông tôn trọng sự lựa chọn của con gái, Giang Thanh cũng không thể trái ý ông. Thế là hai người làm lễ kết hôn giản dị ngay tại trường, Mao Trạch Đông tặng các con bộ sách “Mác – Ăngghen toàn tập” làm quà cưới.

Một năm sau thì Lý Nạp sinh con trai đặt tên là Từ Tiểu Vũ. Tuy nhiên, do không hợp nhau về xuất thân, tính cách, trình độ và sở thích nên sống với nhau được một thời gian thì giữa hai người xuất hiện khoảng cách và mâu thuẫn ngày càng gay gắt, gia đình bắt đầu bất hòa. Cuối cùng, họ thỏa thuận chia tay nhau, Lý Nạp nuôi con, đổi tên con thành Lý Tiểu Vũ.

Mang theo vết thương lòng nặng nề, Lý Nạp trở về Bắc Kinh. Năm 1973, được sự bố trí của tổ chức, Lý Nạp được giao giữ chức Bí thư Huyện ủy Bình Cốc rồi Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, nhưng do sức khoẻ kém nên Lý Nạp không thể đảm đương được chức vụ đầy trọng trách ấy.

Sau khi chủ tịch Mao qua đời, Giang Thanh bị bắt (năm 1976), Lý Nạp cũng gặp nhiều trắc trở. Do thời kỳ cách mạng văn hóa tham gia tạo phản và cướp quyền tại toà soạn “Báo Giải phóng quân” nên bà cũng bị điều tra. Bà cùng con trai dọn ra ở trong một căn nhà ở ngoại ô Bắc Kinh, sống cuộc sống của một thường dân.

Năm 1984, được sự giới thiệu của Lý Ngân Kiều - Vệ sỹ trưởng của Mao Trạch Đông và vợ ông – bà Hàn Quế Hinh - người bảo mẫu thời thơ ấu của mình, Lý Nạp đã gặp gỡ Vương Cảnh Thanh - một người hơn bà mười mấy tuổi.

Vương Cảnh Thanh vốn là một cựu vệ sỹ của Mao Trạch Đông hồi Lý Nạp còn nhỏ, sau đó Vương Cảnh Thanh chuyển về làm Tham mưu trưởng Phân quân khu Nộ Giang ở Vân Nam.

Vương Cảnh Thanh cũng đã qua một cuộc hôn nhân không như ý. Hai người gặp lại nhau, từ thông cảm đi đến yêu nhau, rồi quyết định lấy nhau. Cưới xong, Vương Cảnh Thanh về ở với mẹ con Lý Nạp, ông rất thương yêu Lý Tiểu Vũ, bé Lý cũng rất quý cha dượng. Ông đổi tên con theo họ mình, cải thành Vương Hiệu Chi.

Khi Giang Thanh còn sống, cả gia đình ba người mấy lần vào nhà tù thăm nuôi, Giang Thanh cũng bày tỏ hài lòng về cuộc hôn nhân mới của con gái.

Có lần Giang Thanh hỏi Vương Cảnh Thanh có tài gì không? Vương đáp là biết thư pháp, Giang Thanh bảo đem vào cho bà xem. Thấy mấy bức Lệ Thư của Vương Cảnh Thanh, Giang Thanh tấm tắc khen chữ đẹp và bảo để lại cho bà một bức.

Tuy nhiên, cuộc sống trong tù đã khiến Giang Thanh tính khí thất thường. Có lần, Vương Cảnh Thanh vào thăm nhạc mẫu nhưng bà không thèm hỏi han đến, vì vậy Lý Nạp bảo chồng đừng vào nữa.

Nhưng lần sau đó, khi mình Lý Nạp vào thăm bà lại bực tức hỏi sao Vương Cảnh Thanh không đến? Vương Cảnh Thanh nghe vợ nói chỉ cười, ông không chấp nhặt tính khí của mẹ vợ.

Vương Cảnh Thanh yêu Lý Nạp chân thành. Bằng sự cần cù, chu đáo, ân cần của ông, “Nàng công chúa đỏ” đã có được cuộc sống êm đềm, hạnh phúc của một người dân bình thường.

Thu Thủy

Từ khóa » Các Bà Vợ Của Mao Trạch đông