Mao Trạch Đông (1893 - 1976) | Hồ Sơ - Sự Kiện - Nhân Chứng

Mao Trạch Đông (1893 - 1976)

Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa - một trong những nhân vật chính trị nổi bật nhất trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Ông là lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một trong những người sáng lập ĐCSTQ từ tháng 7/1921; là người có công lao to lớn trong việc thống nhất lục địa Trung Quốc và đưa các dân tộc Trung Hoa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) kể từ ngày tuyên bố thành lập (1/10/1949)

Ông sinh ngày 26/12/1893 (năm Quý Tỵ), trong một gia đình nông dân nghèo ở Thiền Sơn tỉnh Hồ Nam, miền Nam Trung Quốc, mất tại Bắc Kinh ngày 9/9/1976, thọ 83 tuổi.

Cha ông là Mao Thuận Sinh, mẹ là bà Văn Kỳ Mỹ cùng là người Hồ Nam.

Thuở nhỏ, Mao Trạch Đông đi học không liên tục. Năm 1913 – 1918, ông học ở trường Sư phạm 1 Tỉnh Hồ Nam. Người thầy có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài nhất đối với ông là học giả Dương Xương Tế, giáo sư triết học, nhà nghiên cứu Khổng học. Dương XươngTế ham đọc tạp chí Tân Thanh do Trần Độc Tú - Trưởng khoa văn, Đại học Bách khoa biên tập, đọc xong lại giới thiệu tạp chí này cho sinh viên. Mao Trạch Đông trở thành một độc giả chăm chỉ của tạp chí Tân Thanh và bắt đầu hoạt động chính trị, trở thành người lãnh đạo các tổ chức sinh viên ở Trường Sa. Do ảnh hưởng của Dương Xương Tế, Mao Trạch Đông chính thức bước vào con đường hoạt động chính trị và đã đạt được thành công vô cùng quan trọng. Năm 1917, Mao Trạch Đông cùng một số sinh viên khác lập ra nhóm nghiên cứu lấy tên là Tân Dân học hội và trở thành lãnh tụ của nhóm này. Năm 1918, Mao Trạch Đông tốt nghiệp trường sư phạm. Được Dương Xương Tế giúp đỡ, tháng 8/1918, ông làm nhân viên thư viện Đại học Bắc Kinh, năm 1919 ông trở về Hồ Nam, xuất bản tạp chí Tương giang bình luận, năm 1920 lập nhóm cộng sản ở Hồ Nam, tháng 7/1921 tham gia hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc; là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản từ Đại hội III (6/1923). Từ các căn cứ hoạt động ở nông thôn, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc - lựclượng quân sựnòng cốt của cuộc đấu tranh cách mạng mà ông có vai trò quyết định trong việc tuyển mộ và tập hợp lực lượng, đã được thành lập ngày 1 tháng Tám 1927.

Trong thời kì Quốc - Cộng hợp tác, ông làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Quốc dân Đảng từ Đại hội I (1/1924), Bí thư Ban Nông vận của Đảng Cộng sản (1926). Lãnh đạo Khởi nghĩa Vụ mùa (9/1927). Lập căn cứ địa cách mạng ở núi Tỉnh Cương (1928). Chủ tịch Chính phủ Cộng hoà Xô viết Trung Hoa (chính quyền cách mạng thành lập ở khu giải phóng năm 1931). Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản (1933), tham gia lãnh đạo Vạn Lý trường chinh. Tại Hội nghị Tuân Nghĩa (1/1935) ông được bầu làm Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Lãnh đạo Quân sự của Trung ương Đảng. Từ đó, trên thực tế là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản. Chủ tịch Bộ Chính trị và Chủ tịch Ban Bí thư Trung ương Đảng (3/1943). Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng (4/1945). Chủ tịch Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị (9/1949).

Dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, Quân giải phóng đã đánh bại các lực lượng Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch trong cuộc nội chiến đẫm máu mở đường đi tới việc tuyên bố thành lập nước CHNDTH ngày 1 tháng Mười năm 1949. Sau ngày thành lập nước, Mao Trạch Đông trở thành vị Chủ tịch nước đầu tiên của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Lãnhđạo công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa đất nước, Mao Trạch Đông đề ra nhiệm vụ tiêu diệt cuộc sống đói khổ, bệnh tật và dốt nát. Năm 1958, phát động phong trào Đại nhảy vọt và Công xã nhân dân. Năm 1966, phát động Đại cách mạng văn hoá vô sản. Năm 1974, đề xướng thuyết "Ba thế giới". Công lao to lớn của Mao Trạch Đông là ở chỗ ông đã tập hợp được lực lượng quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, thống nhất được đất nước Trung Quốc rộng lớn.

Ông đã viết nhiều tác phẩm về triết học, quân sự, chính trị nhằm phục vụ cách mạng và xây dựng nước Trung Hoa mới. Các tác phẩm chính: "Bàn về mâu thuẫn", "Bàn về thực tiễn", "Vấn đề chiến lược của chiến tranh cách mạng Trung Quốc", "Bàn về đánh lâu dài", "Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới"... Các bài nói: "Hội nghị toạ đàm về văn nghệ tại Diên An", "Vấn đề giải quyết đúng đắn những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân"... Đảng Cộng sản Trung Quốc coi tư tưởng Mao Trạch Đông là cơ sở tư tưởng đầu tiên của cách mạng Trung Quốc.

Ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông từ trần, kết thúc cuộc đời hoạt động chính trị sôi nổi của nhà cách mạng, nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước nổi tiếng của Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã qua đời song ảnh hưởng chính trị to lớn của ông vẫn sống mãi trong sự nghiệp của nhân dân Trung Quốc./.

Từ khóa » Các Bà Vợ Của Mao Trạch đông