Chuyện Kể Của Một Người Nghỉ Hưu - Báo Thanh Tra

Trong không khí vui vẻ, anh Bình kể chuyện được gặp Thủ tướng Indira Gandhi trong một chuyến công tác tại Ấn Độ. Thủ tướng tiếp đoàn thật trọng thị. Bà kể nhiều chuyện về đất nước Việt Nam, về Bác Hồ, nhưng anh nhớ nhất là chuyện bà tiếp công dân với một niềm hứng khởi, vinh hạnh, coi đó như là một hồng phúc vì được trực tiếp giúp dân cởi bỏ oan ức. Dự lễ tiếp với bà có nhiều thành viên Nội các. Vụ việc liên quan đến bộ nào, bà giao trách nhiệm cho bộ trưởng phải giải quyết xong trong vòng một tháng. Không có chuyện để vụ việc dây dưa kéo dài. Bà cho rằng, việc tiếp dân là để gần dân, lo cho dân, đến với dân là bà học tập được ở Bác Hồ hồi theo cha (Thủ tướng Nê ru - Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ) sang thăm Việt Nam. Hồi đó, bà vẫn gọi Bác Hồ là Cha Hồ với niềm yêu mến, hãnh diện và Bác gọi bà là cô con gái bé bỏng. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ, cả đất nước đón Bác như đón một vị anh hùng giải phóng dân tộc, một biểu tượng của độc lập, tự do, dân chủ. Bài diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Port ở Delhi mãi mãi vang động trong lòng người dân Ấn Độ. Khi làm Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, anh Bình đã vận dụng kinh nghiệm của bà Indira Gandhi, giải quyết thành công nhiều vụ khiếu tố phức tạp. Điển hình là vụ một bà má do uất ức đòi tự thiêu. Anh liền trực tiếp gặp bà má nghe đầu đuôi sự việc và thấy việc giải quyết của các cấp có dấu hiệu oan sai. Ngày hôm sau, anh chủ trì họp lãnh đạo quận và các sở, phường có liên quan để nghe bà má trình bày. Nghe đến đâu, anh chất vấn quận, sở, phường tới đó, khẳng định sự việc. Kết thúc việc tiếp dân, bà má bị oan thật, lãnh đạo quan liêu nghe tham mưu trật lấc. Hơn một tuần sau, TP có kết luận giải quyết vụ việc thấu lý, đạt tình, trả lại quyền lợi cho bà má. Anh Bình cười thật tươi: Nước ngoài họ học tập Bác Hồ, coi tiếp dân, nghe dân là niềm vinh hạnh; mình cũng phải tập trung học để cho dân bớt oan ức, đỡ khổ. Đó mới là làm việc vì dân!

   Hoàng Trí

Từ khóa » Tiêu Sự ông Mai Quốc Bình