Chuyện Kể Về Hành Trình Sao La Trở Thành Linh Vật SEA Games 31
Có thể bạn quan tâm
Không phải là may mắn
Chia sẻ về quá trình đưa Sao la từ một loài thú hiếm, ít người biết đến trở thành biểu tượng của SEA Games 31, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết, khi Tổng cục TDTT phát động cuộc thi thiết kế linh vật và logo cho SEA Games 31, ông đã hào hứng tham gia. Mặc dù vậy, ông không kỳ vọng đoạt giải, bởi nghĩ rằng đây là sân chơi của các họa sĩ trẻ, vốn giỏi về công nghệ và những cách tạo hình mới mẻ, còn ông thì dù sao cũng đã quá tuổi trung niên.
Khi lên ý tưởng linh vật SEA Games 31, ông Khôi đã tham khảo hình ảnh linh vật của những sự kiện thể thao lớn như gấu Misha của Olympic Moskva 1980 hay gấu trúc của Olympic Bắc Kinh 2008. Ông cũng tính đến các lựa chọn là những con vật đặc trưng, quen thuộc của người Việt Nam, hoặc cũng có thể là những loài động vật quý hiếm như sếu đầu đỏ hay voọc quần đùi trắng.
Thế rồi, bỗng dưng ông nhớ đến Sao la - loài thú quý hiếm chỉ có tại Việt Nam mà ông đã đọc được từ một bài báo từ gần 30 năm trước. Lập tức, ông lên mạng tìm lại những tài liệu nói về loài thú này và nhanh chóng bị thuyết phục. Vậy là, ông quyết định thiết kế Sao la cho bài dự thi linh vật SEA Games 31.
“Lúc đó, tôi có ý nghĩ rằng, tại sao Việt Nam có loài vật quý hiếm như thế mà không nhân cơ hội có một sự kiện lớn như SEA Games để quảng bá với bạn bè quốc tế, để họ biết rằng Việt Nam là một đất nước thiên nhiên giàu đẹp, đa dạng sinh học”, ông nói.
Thực hiện bài thi, họa sĩ Ngô Xuân Khôi ban đầu cũng gặp khá nhiều khó khăn, vì bản thân ông chưa nhìn thấy Sao la trực tiếp ngoài đời mà chỉ có thể tham khảo thông tin, hình ảnh trên mạng. Sao la có những đặc điểm giống hươu, nai, dê, nhưng cũng rất khác biệt với cặp sừng dài và đốm trắng hai bên má. Đồng thời, việc thiết kế linh vật phải đáp ứng yêu cầu của Ban Tổ chức là hình ảnh được nhân cách hóa, có hình dáng vui tươi, khỏe khoắn của thể thao nhưng không bị lai căng, thuận lợi cho việc sử dụng, làm hiện vật thú nhồi bông. Vì vậy, từ những phác thảo đầu tiên, ông đã mất khá nhiều công nghiên cứu thể hiện, làm sao để Sao la không giống với hoạt hình Disney, không giống tranh manga Nhật Bản, chibi Hàn Quốc hay cách vẽ của Nga, trong khi đó thời gian không có nhiều.
Ngày đi làm việc cơ quan, tối về lại hì hục với những bản phác thảo, sau 2 tuần, ông Khôi cũng hoàn thành bài thi và phần thuyết minh kèm theo. Chừng 20 ngày sau, họa sĩ nhận được thông báo chính thức, cho biết Sao la được chọn vào vòng chung khảo cùng hai con vật khác là Nghê cười và Hổ. Tuy nhiên, Ban Tổ chức cũng yêu cầu tác giả chỉnh sửa vì hình ảnh Sao la trông hơi gầy gò, thiếu tính thể thao.
“Khi ấy cố Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương, thay mặt hội đồng tuyển chọn cuộc thi trao đổi với tôi: “Cậu vẽ Sao la gầy quá, trông không đúng với tinh thần thể thao. Cậu hình dung Sao la cho SEA Games 31 phải tròn tròn, ngộ nghĩnh, đáng yêu như Pikachu hay mèo Doremon, để tiện làm thú nhồi bông nữa”, ông Khôi nhớ lại.
Sau chỉnh sửa, bản vẽ Sao la ngắn lại, tròn trĩnh hơn. Nhưng Hội đồng Giám khảo lại băn khoăn với tạo hình mũm mĩm như vậy thì khi chuyển thành hình ảnh động hay 3D rất khó thể hiện Sao la với các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bơi lội hay bắn cung, đấu võ…
“Tôi lại tiếp tục chỉnh sửa. Lần này tôi vẽ 7 mẫu và tập trung vào các mẫu đánh thứ tự từ 1 đến 6. Mẫu thứ 7, tôi nghĩ là phương án dự phòng nhưng cuối cùng lại được chọn”, ông nói.
Theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi, mẫu được chọn là hình ảnh Sao la đang chạy, khá ngộ nghĩnh. Nhưng chú Sao la này vẫn cần phải hoàn thiện để có khuôn mặt đáng yêu hơn và mang những đặc trưng của loài. “Rất may, tôi được Tổ chức bảo tồn động vật quý hiếm tại Việt Nam (WWF) góp ý thêm. Điều thú vị là, sau rất nhiều bản chỉnh sửa, mẫu được duyệt gần như trở về hình dáng bài dự thi ban đầu, chỉ khác là mạnh mẽ hơn, mập mạp, uy nghi hơn. Chi tiết tạo hình tay phải giơ cao, hai ngón tay xòe hình chữ V, chữ cái đầu của tên Việt Nam, cũng có thể hiểu là Victory - chiến thắng - là sáng tạo chỉnh sửa lần cuối, khi mẫu đã được phê duyệt”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi hào hứng nói.
Niềm vui nhân đôi
Giờ đây, hình ảnh chú Sao la khỏe khoắn, tươi tắn, thông minh nhưng cũng rất ngộ nghĩnh, đáng yêu thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, trên các băng rôn quảng cáo, nhưng trong quá trình chọn mẫu linh vật, Ban Tổ chức đã phải trải qua nhiều tranh luận.
Theo họa sĩ Lê Huy Tiếp - thành viên Hội đồng Giám khảo, tiêu chí của cuộc thi yêu cầu linh vật phải là con vật chưa từng được sử dụng trong các kỳ đại hội thể thao nào, đồng thời tác phẩm phải tươi mới về hình thức thể hiện, bắt mắt.
“Có rất nhiều con vật được các tác giả lựa chọn. Có người chọn gà, người chọn rùa, chọn nghê, chọn rồng, chọn hổ… Tuy nhiên, nhiều con vật hoặc đã được sử dụng tại những sự kiện thể thao lớn, hoặc không thuần Việt, hoặc không có thật. Chính vì thế chúng tôi đã quyết định chọn Sao la, vì đây là động vật quý hiếm, mang đặc trưng của Việt Nam, lại rất tinh, khéo léo, chạy nhanh, phù hợp với đặc trưng của thể thao. Chọn Sao la, chúng tôi muốn giới thiệu sự đa dạng sinh học của Việt Nam đồng thời nhân dịp này tuyên truyền việc bảo vệ các loài động vật hoang dã”, họa sĩ Lê Huy Tiếp nói.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết thêm, khi ba con vật là Nghê cười, Hổ và Sao la được đem lên cân nhắc, có ý kiến cho rằng, tạo hình của Nghê cười và Hổ ổn hơn, cả về phần đầu và phần thân, trong khi Sao la chỉ có “phần đầu là ổn”. Ngoài ra, Nghê cười và Hổ khi làm quà tặng sẽ đẹp hơn. Lại có ý kiến cho rằng, nên tiếp tục chọn trâu như chúng ta đã từng chọn ở SEA Games 22 nhưng cũng có người “không có ý kiến” vì đơn giản là không chọn mẫu nào trong số này.
Sau rất nhiều cân nhắc, cuối cùng, Sao la - một trong số 557 mẫu dự thi - được chọn để làm linh vật SEA Games 31. “Linh vật Sao la là hình ảnh đặc trưng của một giống loại quý hiếm thông minh, ngộ nghĩnh. Sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, cho đến hôm nay, chúng ta đã có được một biểu tượng với thế đứng hiên ngang, khỏe mạnh, tươi tắn, thông minh, nhanh nhẹn”, họa sĩ Lê Huy Tiếp nói.
Về phía họa sĩ Ngô Xuân Khôi, ông cho biết, sau những vui mừng, xúc động ngay khi đoạt giải, giờ đây, bước trên những con phố Thủ đô tràn ngập băng rôn, biểu ngữ có hình ảnh Sao la, ông cảm thấy thật tự hào, hạnh phúc. Và điều này càng khẳng định việc Ban Tổ chức lựa chọn Sao la làm linh vật SEA Games 31 là đúng đắn. “Loài vật quý hiếm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ đã được chọn để giới thiệu với bạn bè quốc tế như một biểu tượng của sự trù phú, giàu đẹp, hiền hòa của đất nước Việt Nam. Hình ảnh Sao la với dáng vẻ khỏe khoắn, tự tin, nhanh nhẹn mà rất đỗi hiền lành ấy mang thông điệp đến bạn bè quốc tế rằng, Việt Nam là đất nước tươi đẹp, thiên nhiên đa dạng phong phú, con người nhân ái, thân thiện và thượng võ”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi bộc bạch.
Cũng theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi, khi Tổng cục TDTT kết nối để ông gặp gỡ với đại diện WWF, ông được những cán bộ của tổ chức này cho biết, mấy chục năm họ làm truyền thông để nâng cao ý thức cộng đồng nhằm bảo tồn Sao la nhưng không hiệu quả, không lan tỏa nhanh, rộng như những ngày gần đây, khi Sao la được chọn làm linh vật SEA Games 31. “Điều đó khiến niềm vui, niềm tự hào của tôi như được nhân đôi”, ông Khôi chia sẻ.
Thế Vũ
Từ khóa » Hoạ Sĩ Ngô Xuân Khôi Sao La
-
Họa Sĩ Ngô Xuân Khôi: Thổi Vào Sao La Phong Vị Văn Hóa Việt
-
Họa Sĩ Ngô Xuân Khôi: Mong Một Lần Gặp Sao La - Công An Nhân Dân
-
Họa Sĩ Ngô Xuân Khôi Vẽ Linh Vật Biểu Tượng SEA Games 31 Ra Sao?
-
Họa Sỹ Ngô Xuân Khôi - Người Vẽ Linh Vật SEA Games 31 - YouTube
-
Họa Sỹ Ngô Xuân Khôi - Người Vẽ Linh Vật SEA Games 31
-
Chuyện Chưa Biết Về Biểu Tượng Vui Của SEA Games 31
-
Họa Sĩ Ngô Xuân Khôi - Tin Tức Mới Nhất 24h Qua - VnExpress
-
Điều Thú Vị Về Tác Giả Biểu Tượng Vui SEA Games 31
-
Người Vẽ Linh Vật Của SEA Games 31 - Thời Báo Ngân Hàng
-
Ngô Xuân Khôi - BAOMOI.COM
-
Linh Vật SEA Games 31, Ngạc Nhiên Với Bản Phác Thảo đầu Tiên
-
Gặp Gỡ Họa Sĩ Biến "kỳ Lân Châu Á” Thành Linh Vật Của SEA Games 31
-
Họa Sĩ Ngô Xuân Khôi - Tin Tức Cập Nhật Mới Nhất Tại