Chuyện Người Con Gái Gò Nổi Anh Hùng - CAND
Có thể bạn quan tâm
Hồi đó, trên đất nước Liên Xô (cũ) đã có một nhà máy mang tên chị với lòng ngưỡng mộ, khâm phục...
Ám ảnh địa ngục
Chị là Trần Thị Vân, quê ở thôn Phú Đông (Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam). Đất nước đã 35 năm im tiếng đạn, bom của kẻ thù, chị Vân ngày xưa cũng đã là bà cụ xấp xỉ tuổi 82.
Gặp bà Vân trong căn nhà nhỏ bên bờ sông Vĩnh Điện, chúng tôi không nén được xót xa. Di chứng của những trận đòn tra tấn dã man của giặc đã từng hành hạ bà khi trái gió, trở trời; giờ đây lại cướp mất chân phải của bà. Lão bà tiều tụy, đi lại phải cậy vào chiếc xe lăn, song vì tuổi già, bệnh tật nên cũng không đủ sức để lăn xe xuống bậc thềm.
Ông Trần Bảy (85 tuổi), chồng bà Vân, bước đi tập tễnh với một chân gỗ, ra đón khách. Rót mời chúng tôi chén trà xanh, ông Bảy bảo: "Những vết thương mà giặc tra tấn bả (bà Vân) tái phát làm cho chân phải bị hoại tử. Đưa bả ra bệnh viện, tui cắn răng viết bản cam đoan để các bác sĩ cưa chân cứu mạng sống cho bả...".
Rồi ông cho chúng tôi xem cái chân phải bị cụt mất bàn của mình và nói: "Cái bàn chân này cụt do tui xuống cơ sở và bị vấp mìn giặc. Hồi đó khoảng đầu năm 1962, tui hoạt động trong lực lượng vũ trang huyện Điện Bàn...".
Thì ra, chị Lý và bà Vân là chị em chú bác ruột. Nhắc đến chị Lý, bà Vân nghẹn ngào, xúc động kể lại chuyện vận động cơ sở cứu chữa thương tích cho chị lúc mới ra khỏi nhà tù giặc. Đó là vào cuối năm 1955, bà Vân làm Bí thư Chi bộ Đảng thôn Phú Đông, trong một chuyến công tác ra Đà Nẵng, chị Lý sa vào tay giặc và bị chúng tra tấn, đánh đập dã man. "Không khai thác được gì, chúng thả Lý ra thì đã tưởng như chỉ còn là cái xác.
Tui vận động cơ sở và bà con trong thôn kẻ ít, người nhiều gom góp tiền bạc mua thuốc men chữa trị thương tích cho Lý. Sau đó, đồng chí Nguyễn An, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn giao trách nhiệm cho đồng chí Phạm Quang, Huyện ủy viên chuyển Lý vào Sài Gòn liên lạc bác sĩ tư tiếp tục chữa trị, rồi đưa sang Campuchia đi máy bay về Hà Nội".
Nhớ lại những ngày đen tối, bà Vân kể tiếp rằng, đầu năm 1956, đến lượt bà cũng bị giặc bắt. Vào nhà lao, bà Vân cũng lãnh nhận những ngón đòn tra khảo man rợ, như: điện giật, dùi đâm, kim chích, nhận vào phuy nước dùng chày nện bên ngoài, đổ nước xà phòng, nước cay vào miệng rồi dùng giày đinh đạp trên bụng cho nước phọt ra...
Đau đớn hơn, bà còn bị bọn Công an ngụy thả rắn vào ống quần; thả chó béc-giê cắn vào những chỗ kín... Nhưng, cho dù giặc dùng đủ mọi cực hình tra tấn tàn độc, bà Vân vẫn không khai lấy nửa lời.
Giọng bà Vân như nghẹn lại: "Lúc đó, bị chết đi sống lại nhiều lần, song nghĩ đến hình ảnh Bác Hồ, nghĩ đến Đảng, nghĩ về tấm gương trung kiên, bất khuất của Lý, tui vẫn cắn răng chịu đựng". Không khai thác được gì nên tháng 10/1959, giặc thả bà Vân. Về lại Gò Nổi, bà tiếp tục hoạt động cách mạng. Hai năm sau, bà lại bị giặc vây bắt trong một trận càn quét. "Chúng đưa tui đi khắp các nhà lao Hội An, Kho Đạn (Đà Nẵng)... Tui lại chịu đựng đủ mọi cực hình man rợ...
Ông Bảy và bà Vân trên chiếc xe lăn tại nhà. |
Giữ mãi niềm tự hào
Không khai thác được gì, giặc lại thả bà Vân; về lại quê hương Gò Nổi, bà tiếp tục móc nối cơ sở, chiến đấu đánh giặc. Cuối năm 1963, bà được lên chiến khu gặp đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà và biết được cấp trên cho ra Bắc để điều trị thương tật và học tập. Nghĩ đến đồng bào, đồng chí đã hy sinh, bà xin ở lại miền Nam để sát cánh kề vai với bao người chống chọi kẻ thù...
"Đến tháng 4/1965, tui nhận nhiệm vụ Hội trưởng Hội Phụ nữ Điện Bàn, thành viên của Thường vụ phụ nữ tỉnh Quảng Đà và là Ủy viên Ban chấp hành phụ nữ Khu V. Cuối năm 1966, trên chiến trường Gò Nổi, lực lượng cách mạng đã lớn mạnh, tui được lệnh cấp trên ra Bắc gặp Bác Hồ".
Nhớ lại lần đầu gặp Bác, đôi mắt già nua của bà Vân như sáng lên. Khi được Ban Tổ chức TW cho cùng đi với một số anh chị em ở miền Nam đến gặp Bác, bà Vân vui sướng, xúc động vô ngần.
Bác Phạm Văn Đồng hỏi: "Vân có gì thưa với Bác?". Bà nghẹn ngào hồi lâu, mới thưa rằng, được gặp Bác là niềm vui sướng nhất cuộc đời; ở miền Nam còn có biết bao đồng chí cùng cảnh ngộ mà chưa có được niềm vinh dự này... Khi biết cha, mẹ của bà hoạt động cách mạng và đã bị giặc sát hại, đôi mắt Bác rưng rưng. Bác bảo bà Vân cùng chụp hình chung và dặn dò, mùa lạnh ở Bắc trời rét, nên mặc thêm áo ấm để khỏi bị cảm lạnh... Những lời dặn dò ân cần của vị Cha già, cho đến bây giờ bà vẫn nhớ như in...
Sau lần gặp Bác, bà Vân được đi Liên Xô (cũ). Đặt chân lên nước bạn, bà Vân thật sự bất ngờ khi nơi đây có một nhà máy mang tên mình. "Người ta còn điêu khắc một bức tượng tui bằng đá đặt nghiêm trang trước nhà máy. Sứ quán và lãnh đạo nhà máy của bạn đã long trọng làm lễ kết nạp tui vào tổ sản xuất của nhà máy...
Lúc đó, tui nghĩ, một người con gái chân yếu, tay mềm từng phải nếm trải bao đòn tra tấn dã man của kẻ thù, đối đầu với cái chết, bước chân ra khỏi địa ngục lại có niềm vinh dự lớn lao đến vậy. Đây là niềm vinh dự không chỉ cho riêng tui, mà cho cả quê hương, xứ sở mình, cho đồng bào, đồng chí, anh em mình đã cống hiến, hy sinh vì đại nghĩa dân tộc..."
Từ khóa » Gò Nổi Kỳ Lam
-
Thôn Kỳ Lam - Wikimapia
-
Gò Nổi - Vùng đất địa Linh Của Tỉnh Quảng Nam - Tạp Chí điện Tử Bảo ...
-
Gò Nổi – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đất Quảng Anh Hùng (Kỳ 4: Quê Hương Gò Nổi-tuy 3 Mà 1)
-
Cuộc Giải Thoát Thần Kỳ ở Gò Nổi - Báo Công An Đà Nẵng
-
Ước Mơ được “nổi” Của Người Dân Gò Nổi
-
Nhớ Một Người Gò Nổi - Báo Quảng Nam
-
Đánh Thức Gò Nổi | BÁO QUẢNG NAM ONLINE
-
Tháng Tư Trên Quê Hương Gò Nổi - Báo Đại Biểu Nhân Dân
-
Phù Sa Gò Nổi - Quảng Nam Hằng Ngày
-
Ai Có Về Quê Hương Gò Nổi... - Báo Đà Nẵng
-
GÒ NỔI- ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT.
-
Nội Dung Chi Tiết - UBND Thị Xã Điện Bàn