Đất Quảng Anh Hùng (Kỳ 4: Quê Hương Gò Nổi-tuy 3 Mà 1)

Suốt những năm kháng chiến, Gò Nổi-tên gọi thân thương của 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã trở thành một biểu tượng mỗi khi nhắc đến sự khốc liệt của chiến tranh. Địa danh Gò Nổi được nhiều người biết đến là chiếc nôi của cách mạng Khu V. Những cống hiến của quân và dân Gò Nổi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được in sâu trong lòng nhân dân cả nước với nỗi đau mất mát chỉ với 6 chữ "nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi".

Nhân dân xã Điện Quang trong ngày kỷ niệm giải phóng quê hương.

Mảnh đất trung kiên

Ngày ấy, 3 xã Gò Nổi nằm sát nhau ven con sông Thu Bồn nên trở thành nguồn cung ứng thực phẩm cho bộ đội ta ở miền núi xuống. Thâu tóm Gò Nổi là chặt đứt con đường vận chuyển lương thực của bộ đội. Biết được âm mưu của địch, nhân dân Gò Nổi vẫn kiên quyết bám trụ sản xuất. Nói về cái tên Gò Nổi trong kháng chiến, ông Đặng Văn Hùng (cựu chiến binh xã Điện Phong) hồi tưởng: "Gò Nổi là vùng được bao bọc bởi 3 con sông Thu Bồn, Chiêm Sơn và Bến Giá cũng là nơi bắt đầu của sông Vĩnh Điện và sông Bà Rén nên bão lũ thường đe dọa, làm thiệt hại và gây nhiều khó khăn đến đời sống. Nhưng cũng chính cái ưu thế của những con sông này đã tạo điều kiện cho cách mạng hoạt động. Đại đội của chúng tôi khi ấy hoạt động bí mật nằm vùng trong những vùng đầm lầy của Điện Trung bây giờ. Ban ngày trốn kỹ trong những đình miếu ven sông, ban đêm đi làm tuyên truyền. Hồi ấy dân các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong tuy 3 mà một, có bất kỳ động tĩnh gì của địch cũng đều thông báo cho nhau biết. Cũng nhờ tinh thần kề vai sát cánh này mà địch dẫu có âm mưu biến nơi đây thành bình địa vẫn không thành".

Điện Quang thuộc Gò Nổi là nơi sôi nổi vùng lên đấu tranh chống lại ách nô lệ, tham gia vào các phong trào Cần Vương, phong trào Duy Tân nhưng ít ai biết rằng trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, toàn xã Điện Quang khi ấy chỉ có vỏn vẹn...120 người. Thời điểm ấy Điện Quang là vùng trắng trong mắt địch. Thế nhưng với tinh thần bám trụ từng tấc đất quê hương, nhờ sự vận động của cách mạng, năm 1973 người dân đã quay trở lại bám trụ nâng số nhân khẩu ở đây lên 390 nhân khẩu. Cũng chính nhờ xóa được vùng trắng mà khi cả tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng vùng dậy đấu tranh, nhân dân Điện Quang cũng kịp thời đứng lên giành chính quyền. Nguyên Trưởng Ban an ninh xã Điện Phong - ông Trương Xuân Châu (1935) vẫn nhớ như in thời khắc nhân dân Gò Nổi nổi dậy giành chính quyền: "Cán bộ, du kích mang súng, quần chúng thì mang dao, mác, mõ. Từ những con đường ven xã người dân ùn ùn đổ ra như thác lũ". 20 năm kháng chiến chống Mỹ, Gò Nổi nổi lên như lá cờ đầu của tinh thần bất khuất, ngoan cường. Giống như tên gọi của mình, là một vùng đất nổi lên cao, con người nơi đây đã sống đúng với những gì quê hương trao tặng. Một Gò Nổi không khuất phục, một Gò Nổi hiên ngang trong lửa đạn.

Bước ra khỏi chiến tranh, ông Hùng lại tiếp tục ươm những mầm xanh trên quê hương Gò Nổi.

Sứ mệnh mới

Suốt chiều dài xứ Quảng có không biết bao nhiêu tên đất, tên người đã đi vào lịch sử. Nhưng không chỉ anh dũng trong quá khứ, nhiều địa phương đã tiếp nối truyền thống quê hương anh hùng, mở ra chương mới phát triển cho tỉnh nhà. Vùng đất chết năm xưa nay đã hồi sinh thành miền nông thôn trù phú. Cái tên Gò Nổi ngày nay đã không còn là một di tích lịch sử mà còn ghi dấu tinh thần tương thân tương ái của đất và người nơi đây. Từ ý tưởng của ông Nguyễn Thanh Bình-một người con của làng Trừng Giang (xã Điện Trung) cùng với sự đồng tâm của bà con 3 xã Gò Nổi đóng góp sức người sức của đã dựng nên công trình Đền thờ Vua Hùng tọa lạc ở làng Trừng Giang (Hòa Giang - Điện Trung) trên khuôn viên gần 3.000m2, uy nghi, bề thế nay đã rợp mát bóng cây. Có thể gọi đền thờ là điểm hội tụ của tấm lòng những người con Gò Nổi sống xa quê, những người đang ngày đêm lam lũ trên đồng ruộng quê hương và cả những người có tình cảm gắn bó với nơi đây. Mặc dù là một nơi văn hóa tâm linh nhưng nói như ông Phan On (nguyên Chủ tịch Mặt trận xã Điện Quang) thì công trình này là minh họa rõ nhất cho sự đoàn kết, một lòng hướng về nguồn cội của nhân dân Gò Nổi cả trong thời chiến lẫn thời bình. Triết lý văn hóa dân gian Việt Nam: nhà - làng - nước được thể hiện một cách rõ nét trong ý tưởng và cả trong không gian kiến trúc nơi đây. Và đó cũng là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất và người Gò Nổi.

Nhắc đến Gò Nổi, ngoài cái tên là mảnh đất địa linh nhân kiệt, vùng kháng chiến ác liệt thì ngày nay nơi đây còn mang một sứ mệnh mới trên bản đồ du lịch tỉnh Quảng Nam. Gò Nổi đang vươn mình kể tiếp câu chuyện trường kỳ kháng chiến bằng chính những dấu mốc lịch sử trên mảnh đất này. Vậy là sau nửa thế kỷ, Gò Nổi đã rũ bỏ những đau thương để vươn mình lên tầm cao mới. Và dù ở thời điểm nào mảnh đất kiên trung nơi đây vẫn luôn mang hết sức sống để góp phần tô điểm cho quê hương giàu đẹp.

ĐỒNG DAO

Từ khóa » Gò Nổi Kỳ Lam