Chuyện Nọ Xọ Chuyện Kia - Tạp Chí Kinh Tế Sài Gòn - Saigon Times

Chuyện nọ xọ chuyện kia

Lưu Thị Lương

(TBKTSG) - Không dùng ngày âm lịch, ngày ta, không cần ngóc cổ ngóng coi trăng tròn hay méo, chỉ cần chú ý nhìn chung quanh chút xíu là đủ biết hôm nay rằm, mùng một, ngày bá tánh khắp chốn ăn chay.

Những cái chợ là nơi cho biết ngày rằm, mùng một rõ nhất. Đầu tiên là chợ bỗng đẹp lên rực rỡ vì hàng bán bông bày nhiều bông hơn. Đi kèm theo đó là chợ bán trái cây nhiều hơn, tươi hơn, còn đủ cành lá, và các bà nội trợ sẽ than rằng (dù đã biết chắc) trái cây lên giá, mắc hơn ngày thường. Sự kiện kế tiếp là trong dòng người đi chợ sẽ điểm xuyết thêm năm, ba người ăn mặc và dáng vẻ xác xơ, tiều tụy, đi thất thểu trong chợ hoặc ngồi tại chỗ, chờ đợi những tấm lòng nhân ái. Cuối cùng, hàng bún thịt nướng, hàng cá hấp, hàng hủ tiếu, bún riêu... đồng loạt nghỉ bán thay vào đó là hàng bì cuốn chay, mì xào chay, canh chua chay, cà ri chay, gỏi ngó sen chay... Những hàng đậu hũ chiên liên miên vẫn không kịp bán.

Có lần đang đi trong chợ, mình bị một thanh niên chen qua mặt để đuổi theo chiếc xe lăn bán vé số phía trước. Anh chàng nói lúng búng “cho gửi” rồi đặt vào lòng cái người ngồi trên xe một bịch nylon đựng ổ bánh mì chừng gang tay với hộp sữa giấy loại 180 mi li lít. Lát sau, phía bên ngoài chợ, cũng phần quà y như vậy, người bán vé số chống nạng lại dứt khoát không nhận. Lý do tại sao thế nào thì mình đứng xa, không nghe được. Khi cô gái kia tìm cách treo món quà tặng lên một trong hai cái nạng, anh đã cố gắng đi nhanh hơn để tránh né. Nhìn bộ dạng hai người cho đó rõ ràng là kẻ làm thuê làm mướn, ông (bà) chủ sai họ đi phát chẩn. Vậy là biết chắc, hôm nay không rằm thì mùng một, ngày ăn chay, bố thí.

Trong xóm mình có cô gái trẻ đẹp nọ nhiều tiền, tối tối ăn diện ngất trời đi bar tới rạng sáng mới về. Thỉnh thoảng, nàng cũng theo bạn bè tham gia nhóm nấu bếp từ thiện, lặt rau, gọt củ hoặc đi phát cơm chay mỗi đợt ngày rằm, mùng một. Lần đầu rong ruổi phố phường phát cơm, nàng làm như kiểu khoán công, tới mấy người cuối cùng thì đưa luôn hai phần cho mau hết. Xong xuôi, chạy ù về nhà, nàng mừng vui quá cỡ vì thấy thân thể bình yên vô sự, mà cũng nghe trong lòng nhẹ nhõm vì đã có “đi làm từ thiện”.

Ai cũng biết những ngày rằm lớn trong năm, các chùa thường đãi cơm cho tất cả mọi người bước chân vào chùa. Chắc vậy mà nên thành ngữ “ăn cơm chùa”. Người nấu bếp, bưng mâm, dọn bàn, rửa chén ở những bữa cơm ấy đủ mọi thành phần, nam phụ lão ấu, học trò, sinh viên, các bà, các chị nội trợ, hoặc buôn lớn, bán lẻ... Ai nấy đều hoan hỉ, xăng xái còn hơn khi làm việc ở nhà mình.

Ai không để ý dòm ngó cũng thấy, ở bên ngoài cổng những bệnh viện, mỗi sáng sáng, trưa trưa có từng nhóm mặc đồng phục tới phát cơm, hoặc cháo, chè, sữa... Một buổi chở tới hàng trăm hộp cơm, hoặc năm, sáu nồi to bự còn bốc khói nóng hổi. Mỗi phần ăn có kèm cái muỗng nhựa, thêm cái bao nhỏ nhỏ đặng bà con xách cho gọn. Nếu là cháo, còn có người phụ trách riêng công đoạn rắc tiêu cho thơm. Một người có thể lấy giùm cho hai, ba người khác (đang bệnh nặng nằm liệt giường, hoặc đơn chiếc không người nuôi, hoặc mắc canh chừng người thân không rời một bước). Có xếp hàng trật tự là có phát. Chỗ xếp ba hàng, nơi xếp năm hàng. Cứ theo cảm tính mà nói thì hàng nào cũng là người nghèo, ở xa, bịnh hiểm, mỗi đợt ra vô bệnh viện, chạy chữa tốn tiền đến hàng trăm triệu.

Chuyện tặng gửi giúp đỡ cứu trợ những người xa lạ như vậy, dân mình quen gọi là làm phước. Nếu “nói chữ” thì bảo là làm từ thiện, làm thiện nguyện. Lý giải tại sao làm thế, người bảo để an tâm, thấy lòng thanh thản, người muốn chia sẻ với tha nhân, thương người như thể thương thân, người muốn làm việc tốt để bản thân được hưởng phước, hoặc để lại con cháu sau này.

Nhưng tất cả đều nhất trí ở chỗ, đó là chuyện phải làm, nên làm.

Riết rồi thành quen, chẳng đợi tới ngày rằm, mùng một nữa.

Từ khóa » Cái Nọ Xọ Cái Kia