Chuyện Nuôi Tôm ở Tân Dân

Lần này là chuyện liên quan đến con tôm, mô hình nuôi tôm - thế mạnh được xác định là chủ lực của xứ Ðầm và rộng ra là của tỉnh Cà Mau.

Ðất giàu từ tôm

Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Dân Nguyễn Công Danh thông tin: “Tân Dân đang dồn sức để đạt mục tiêu NTM nâng cao. Cái vướng lớn nhất là vốn đầu tư cho hạ tầng nông thôn, mà cụ thể là lộ giao thông”. Là xã NTM đầu tiên của tỉnh, Tân Dân có quá trình nỗ lực bền bỉ, sự chuẩn bị chu đáo cho mục tiêu cao hơn. Các tiêu chí cần sự đồng thuận và nguồn lực trong dân đều được hoàn thành một cách thuận lợi. Tất cả đều phải kể đến "công lao" của con tôm.

Tân Dân là địa danh có thể nói “địa linh, nhân kiệt” ở xứ Ðầm. Ngược lại quá khứ, đây là nơi hoang hoá, chỉ thật sự lập xóm, lập làng khi có dòng người di dân từ miền Trung về giai đoạn 1954-1957. Nằm ven theo con sông Ðầm, Tân Dân sau nhiều lần tách ghép đã trở thành vùng đất trù phú, sung túc. Tân Dân còn được biết đến là vùng đất hiếu học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng không chỉ cho Ðầm Dơi mà của cả tỉnh Cà Mau. Riêng chuyện nuôi tôm, ở xứ Ðầm, nói theo lời Chủ tịch UBND xã Tân Dân Nguyễn Như Vàng: “Vùng này mà nuôi tôm không trúng thì các nơi khác trầy trật lắm”.

Tân Dân nuôi tôm trúng là chuyện rõ như ban ngày. Có người nơi khác chống chế: “Tân Dân nhà nào nhà nấy đất cò bay gãy cánh, không trúng sao được”. Ðất lớn là một chuyện. Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây điều kiện nuôi tôm lý tưởng là một chuyện. Nhưng quan trọng là cách làm. Theo ông Vàng, người Tân Dân nuôi tôm không hề “trúng rùa”, mà có bài bản, chủ động, nhất là chuyện áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất hiện đại. Ông Vàng còn thông tin: “Ở thời điểm hiện tại, vuông nơi khác không biết, chớ ở đây, một con nước xổ 5-7 triệu đồng là bà con rầu. Rầu vì không trúng bằng người khác”.

Khi được hỏi, chắc bà con Tân Dân có bí quyết gì, ông Vàng cười tươi: “Chẳng có bí quyết gì cả. Quan trọng nhất là bà con dám tin, dám làm theo hình thức nuôi phù hợp hơn”. Chuyện nuôi tôm ở Tân Dân gợi lên sự tò mò lớn. Bởi không ít người nuôi tôm Cà Mau tỏ ra chán nản với sự đỏng đảnh, thất thường của con tôm. Từ cách nuôi quảng canh truyền thống, cho tới nuôi công nghiệp, rồi siêu thâm canh, hầu như mọi cách vẫn quy về một kết quả là trật nhiều hơn trúng. Cũng vì điều này, dòng người bỏ đất đi lao động xa ngày càng đông. Cũng rất lạ, ngay với chính nghề phóng viên, khi về đất tôm Ðầm Dơi, chúng tôi chỉ chăm chăm viết về mô hình cây trồng, vật nuôi khác, còn để truyền thông về nuôi tôm hiệu quả, có tính ứng dụng lan toả thì hầu như chưa nhiều.

"Tào Tháo" cũng tin

Dân gian và văn học truyền tụng câu “đa nghi như Tào Tháo”, nhưng chuyến đi này về Tân Dân, chúng tôi mạnh dạn khẳng định, đến Tào Tháo cũng phải tin vào cách nuôi tôm hiệu quả của người Tân Dân. Bấy lâu nay, nhiều nông dân nói rằng, đất đai nuôi tôm lâu năm, bạc màu, thế nên cách nuôi thả tôm giống đợi ngày xổ hoàn toàn bế tắc. Sau đó là những rủi ro và vốn liếng quá lớn của hình thức nuôi công nghiệp, rồi siêu thâm canh. Chẳng lẽ nghề nuôi tôm, ngành hàng tôm của Cà Mau rơi vào bế tắc.

Không, cách nuôi tôm của người Tân Dân không hề mới, không xa lạ, dễ dàng áp dụng với bà con nông dân. Quan trọng hơn, đó là hướng đi vô cùng bền vững. Ðó là mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn nước tĩnh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân Trịnh Hoàng Cung cho biết: “Cách nuôi này chỉ mới triển khai ở địa phương khoảng 2 năm nay. Nhưng kết quả và sự lan toả thì phải nói là gây chấn động”. Ghé thăm nông dân Ngô Minh Chiến, ấp Tân Hiệp, ông uống trà quạu rồi tự sự: “Nói thiệt, ban đầu nghe cách nuôi này, tui hổng tin nổi. Mấy chú coi, vuông người ta mỗi lần thả hàng chục, thậm chí hàng ngàn con tôm giống mà xổ mỗi nước vài triệu đồng là trúng. Ðằng này, hơn 13.000 m2 chỉ thả có hơn 2.000 con giống”.

Gia cảnh ông Chiến từng khó khăn, bản thân ông từng phải làm công cho hầm công nghiệp ở Tắc Vân. Sau đó, bị tai nạn lao động, cụt một tay. Trở về quê nhà, vuông tôm thất bát, ông Chiến rầu tới mức tính đi làm mướn nữa. Rồi qua một trận nhậu, có người khoe ông cách nuôi tôm 2 giai đoạn nước tĩnh, đất nhỏ xíu, thu một con nước 15 triệu đồng đều đều, ông trả lời thẳng thừng: “Mấy cha nói dóc, ai mà tin”. Tức mình, ông rủ anh em lên tận nơi người khoe xem thử. Thì ra là thiệt. Tận mắt thấy, ông Chiến coi lại cũng hết đường binh, đành liều làm thử.

Lượng tôm thu hoạch bằng cách đặt lú ngầm 1 đêm của ông Ngô Minh Chiến là mơ ước của bao nông dân nuôi tôm ở Cà Mau.

Nhìn 2 rổ tôm mới đặt lú xong, ông Chiến cười xoà: “Nó hiệu quả thiệt. Giờ thì tôi cũng đều đều mỗi tháng vài chục triệu đồng”. Ông nói về cách nuôi tôm này với sự giản đơn, rổn rảng của một nông dân chính gốc: “Dễ làm, ai cũng làm được, chỉ là phải tin, phải quyết tâm”. Ðầu tiên là phải gia cố lại bờ bao, cống bọng. Nước vuông thì xử lý cá tạp, quăng vi sinh. Tôm giống phải có nguồn gốc, sau đó làm vài ao dèo nhỏ. Quan trọng nhất là khi tạo được môi trường nước rồi thì đóng lại, không xổ nước ra vô nữa.

Bí quyết của người dân Tân Dân thì ra là ở đây, như lời ông Chiến nói: “Như xứ mình, tới nước là xổ. Hàng ngày cũng xổ, nghĩ là thay đổi nguồn nước thì con tôm có thức ăn, có môi trường tốt hơn. Trật lất”. Nguồn nước sông bây giờ ô nhiễm ngày càng nặng, lấy vô thì con tôm giãy chết là chuyện đương nhiên. Còn nước vuông đang tốt thì đổ sông, đổ biển. Chưa kể, xổ ra vô thì tôm giống hao hụt nhiều. Cách nuôi cũ, bà con mua đại tôm giống trôi nổi, thả vô tội vạ hàng chục, hàng trăm ngàn, bỏ liều đó. Chết lại thả tiếp. Thả xong lại chết, con đường làm vuông lụn bại dần.

Còn cách nuôi 2 giai đoạn, tôm giống chất lượng, được dèo cứng cáp, môi trường nước được xử lý tốt, tôm thả lớn vèo vèo, không hao hụt. Nếu mưa quá, thì chỉ cần xổ lớp nước mặt. Phải đảm bảo sự ổn định của môi trường nước, đó là điều quan trọng nhất của cách nuôi này. Cách bắt tôm xổ đụt cũng thay bằng cách đặt lú ngầm. Vậy là người nuôi tôm ở Tân Dân trúng đậm. Chủ tịch UBND xã Tân Dân Nguyễn Như Vàng rà qua một lượt địa bàn, cho chúng tôi biết: “Mới hôm qua, có nhà đặt lú trên 60 kg tôm loại hơn 20 con/kg”. Còn phổ biến, vuông nhà nào cũng dăm bảy triệu đồng/đêm.

Chúng tôi nghe mà mừng cho bà con Tân Dân. Tự mình cũng thấy rằng đây là chuyện lạ, chuyện vui, một cánh cửa mới mở ra cho người nuôi tôm ở xứ Ðầm nói riêng và cả tỉnh Cà Mau nói chung. Vậy ra cách nuôi tôm này đâu khó, đâu tốn kém, mà hiệu quả thì đã được kiểm chứng quá thuyết phục. Nhưng vẫn băn khoăn một lẽ: “Bà con mình liệu có tin, có dám làm theo hay không?”. Còn với chúng tôi, xin khẳng định lại bằng trải nghiệm của bản thân, đến Tào Tháo cũng phải tin chuyện này. Và nói theo lời nông dân Ngô Minh Chiến, đại diện thay cho những người nuôi tôm 2 giai đoạn thành công ở Tân Dân: “Mai mốt rồi ai cũng phải nuôi theo cách này nếu muốn khá, giàu từ con tôm”.

Từ khóa » Xổ Vuông Là Gì