Nghề Nuôi Tôm - UBND Tỉnh Cà Mau

Do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, tỉnh Cà Mau có khoảng 255 km bờ biển và được chạy từ đông sang tây. Chính điều kiện tự nhiên này đã tạo cho Cà Mau có một ngư trường rộng lớn và một vùng đất ngập mặn ven biển màu mỡ, rất thích hợp cho nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm sú. Cũng từ đây, vùng Đất Mũi Cà Mau được mệnh danh là “mỏ tôm” của cả nước.

Mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Sự trù phú của vùng đất ven biển này đã đưa biết bao nhiêu mảnh đời cơ cực của nông dân trở thành triệu phú rồi tỷ phú từ nghề nuôi tôm. Lúc đầu (những năm sau giải phóng), nông dân Cà Mau chỉ biết nuôi tôm theo phương pháp quảng canh truyền thống. Bằng cách bao ví ấu trùng tôm từ các sông rạch vào vuông nuôi rồi chờ cho đến ngày tôm lớn để thu hoạch. Thời ấy, tôm giống trong thiên nhiên còn nhiều nên tôm nuôi đạt năng suất, sản lượng rất cao. Nhiều hộ nông dân, mỗi nước xổ tôm thu hoạch đến vài tấn. Sản phẩm thu được chủ yếu là tôm đất, tôm bạc và tôm xà búi (tôm thẻ đuôi đỏ). Tôm thu hoạch được ít người mua, phần lớn chỉ để ăn hoặc luộc để làm tôm khô nhưng giá thành lại không cao.

Những năm đầu giải phóng, sau mỗi nước xổ, phần lớn nông dân phải đựng tôm trong cần xé và chỉ luộc để làm tôm khô. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Lâu dần, nguồn tôm giống trong thiên nhiên bị cạn kiệt và nghề nuôi tôm của bà con nông dân trong tỉnh Cà Mau cũng dần chuyển sang theo phương pháp quảng canh cải tiến, bán công nghiệp và công nghiệp. Trước giá trị ngày càng cao của các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là con tôm sú, nghề nuôi tôm ở Cà Mau phát triển ngày càng mạnh. Năm 1994, trước “sức ép” của con tôm, tỉnh Cà Mau phải chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa ở các xã phía đông huyện Đầm Dơi vào nuôi tôm. Đến năm 1999, Chính phủ cho phép chuyển gần 50.000 ha đất trồng lúa ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước và một số vùng lân cận sang nuôi tôm. Đến cuối năm 2014, diện tích đất nuôi tôm trong tỉnh Cà Mau đạt gần 270.000 ha và tổng sản lượng tôm nuôi đạt gần 164.000 tấn.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Diễm Phương.

Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm bước đầu gặp nhiều khó khăn, trở ngại như thời tiết diễn biến bất lợi, môi trường nước luôn bị biến động; tình trạng tôm chết kéo dài; hệ thống kênh mương chưa đảm bảo; trình độ, kinh nghiệm sản xuất của nông dân còn thấp… Tuy nhiên, những kết quả thu được từ nghề nuôi tôm của nông dân đều đạt cao hơn so với trồng lúa. Nhiều hộ nông dân trong vùng chuyển dịch có mức thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Cá biệt, có nhiều hộ nuôi tôm có mức thu nhập đến 3 – 4 tỉ đồng/năm.

Thu hoạch tôm công nghiệp. Ảnh: Ngọc Thu.

Những vùng đất “cầm trâu” chỉ có đồng năn và cỏ dại ở Tân Phú, Biển Bạch; vùng đất bị nhiễm phèn mặn nằm dọc theo sông Trẹm (huyện Thới Bình), kinh xáng Minh Hà (huyện Trần Văn Thời) và một số vùng sâu trũng, rất bấp bênh cho nghề trồng lúa ở khu vực huyện U Minh, Phú Tân, Cái Nước cũng được nông dân cải tạo rồi dẫn nước mặn về đồng để nuôi tôm và đạt năng suất, sản lượng cao.

Trên phần lớn diện tích rừng ngập mặn Cà Mau cũng được chủ rừng (các Lâm – ngư trường, Ban quản lý rừng, Công ty lâm nghiệp) giao khoán cho nông dân để sản xuất theo mô hình rừng - tôm kết hợp, nuôi tôm sinh thái. Chính mô hình này đã tạo bước đột phá trong việc cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân nhận đất, nhận rừng và là yếu tố quan trọng để người dân bám đất giữ rừng.

Phần lớn diện tích đất nuôi tôm công nghiệp đạt năng suất, sản lượng cao. Ảnh: Ngọc Thu.

Những năm gần đây, tại nhiều vùng nuôi tôm quảng canh trong tỉnh, Cà Mau triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm – lúa tỉnh Cà Mau” giai đoạn 2009 – 2012, định hướng đến năm 2015 (gọi tắt là Đề án tôm – lúa). Bước đầu thực hiện đề án, năng suất, chất lượng tôm – lúa, trình độ chuyên môn của cán bộ kỹ thuật cấp cơ sở và kỹ năng tổ chức sản xuất của nông dân đã được nâng lên. Nhiều vùng nuôi tôm kết hợp trồng lúa tình trạng ô nhiễm môi trường nước đã được cải thiện, khắc phục được tình trạng tôm nuôi bị chết kéo dài.

Trúng mùa tôm. Ảnh: CTV.

Ở những nơi có điều kiện, tỉnh Cà Mau vận động, khuyến khích bà con nông dân và các thành phần kinh tế khác đầu tư vốn để mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Trong đó, tập trung phát triển các mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp có năng suất, sản lượng cao. Nếu như những năm đầu nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ có một vài điểm trình diễn để bán thức ăn tôm của Tập đoàn CP Thái Lan, Nông trường Gành Hào thì đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 8.000 ha đất nuôi tôm công nghiệp. Tập trung nhiều ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước và Phú Tân.

Tôm thẻ chân trắng là một trong những đối tượng nuôi công nghiệp của nông dân Cà Mau. Ảnh: Diễm Phương.

Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp là người nuôi tôm có thể nâng cao, năng suất sản lượng trên cùng một diện tích đất sản xuất. Đồng thời, quản lý, cải tạo được nguồn nước và có thể cách ly được dịch bệnh. Nuôi tôm công nghiệp không chỉ đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi mà nó còn góp phần tạo ra một sản lượng lớn nguyên liệu có chất lượng cao, phục vụ cho việc chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh.

Nghề nuôi tôm đã trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Tỉnh Cà Mau hiện đang đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân để thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa, tôm - rừng kết hợp. Tập trung thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, nhân rộng các mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm kết kết hợp các loài thủy sản khác như cá, cua, sò huyết…Ưu tiên phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp theo quy hoạch gắn với đầu tư xây dựng lưới điện, giao thông, thủy lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Tiếp tục đưa nghề nuôi tôm ở Cà Mau dẫn đầu trong cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng.

Từ khóa » Xổ Vuông Là Gì