Chuyện ở Lớp Học Tiếng Mông | Đài Phát Thanh - Truyền Hình Lào Cai

Đều đặn buổi tối các ngày trong tuần, anh Vũ Đình Thuý, Trưởng trạm Y tế xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát lại vượt hàng chục cây số xuống Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai để tham gia lớp học tiếng Mông. Công tác tại địa bàn vùng cao với 99% dân số là đồng bào người Mông, rào cản về ngôn ngữ khi thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân chính là động lực để anh Thuý gắn bó với lớp học này. Anh Thúy chia sẻ: "Tôi mong muốn qua lớp học tiếng Mông này có vốn kiến thức về tiếng dân tộc để khi về trạm công tác giao tiếp với bà con được dễ hơn. Trong khám chữa bệnh có thể hướng dẫn bà con cách dùng thuốc, tuyên truyền bà con hằng ngày ăn uống như nào cho đảm bảo sức khỏe".

Anh Thúy vượt hàng chục cây số đến với lớp học tiếng Mông.

Còn đối với một người vừa tốt nghiệp đại học như anh Hầu Chí Hướng ở thị xã Sa Pa, mong muốn lớn nhất khi tham gia lớp học tiếng Mông là có thể đọc thông viết thạo ngôn ngữ của dân tộc mình. Anh Hướng chia sẻ: "Qua lớp học tôi cũng mong nói thông thạo được tiếng Mông, biết được chữ Mông phục vụ cho công việc và gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc mình".

Mỗi người có một lý do đến với lớp học đặc biệt này, song gần 30 học viên đều có chung mục đích là được tiếp thu thêm những kiến thức về ngữ âm, từ vựng, các nội dung phản ánh về cuộc sống, văn hóa của đồng bào Mông. Qua đó, nâng cao được kỹ năng nghe, nói và sử dụng tiếng Mông trong giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn công tác. Anh Giàng A Pao, giáo viên dạy tiếng Mông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai cho biết: "Để học viên giao tiếp tốt thì chúng tôi tăng cường tương tác, giao tiếp với học viên, như hỏi anh chị khoẻ không, anh chị tên là gì, cứ luyện tập như thế đến khi kết thúc khoá học thì học viên sẽ tiếp thu được kiến thức".

Học viên được tiếp cận nhiều kiến thức thú vị tại lớp học tiếng Mông.

Nói về những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các lớp học tiếng Mông, Ông Nguyễn Duy Long, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai cho rằng: "Để nâng cao chất lượng lớp tiếng Mông thì phải quản lý chặt chẽ, phối hợp với giảng viên có kinh nghiệm, kiến thức, cách thức truyền đạt tốt tạo hứng thú cho người học để tiếp thu dễ dàng hơn".

Đọc thông viết thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số là điều kiện quan trọng giúp cán bộ công tác tại vùng cao Lào Cai thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, giúp người dân tự tin phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Vân Anh - Nông Quý

Từ khóa » Học Tiếng Dân Tộc Mông