Chuyến Thăm Quảng Nam Của Vua Khải Định

Dưới triều Nguyễn, xứ Quảng là một vùng đất rộng lớn, giữ vị trí chiến lược quan trọng. Nối tiếp các đời chúa và những vị vua đầu triều như Minh Mạng, Thiệu Trị…, năm 1916, sau khi lên ngôi được 4 tháng, vua Khải Định đã thực hiện chuyến thăm Quảng Nam. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới còn khắc ghi khá rõ về chuyến thăm đặc biệt này của vua Khải Định.
Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 3, mặt khắc 2 ghi về thành phần tham dự chuyến thăm Quảng Nam cùng vua Khải Định.
Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 3, mặt khắc 2 ghi về thành phần tham dự chuyến thăm Quảng Nam cùng vua Khải Định.

Ấn tượng Đà Nẵng – Hội An – Bồng Miêu

Chuyến thăm Quảng Nam của vua Khải Định được thực hiện trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ ngày 10 đến ngày 13.8.1916. Hộ giá vua trong chuyến đi này có 5 đại thần của triều đình. Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 3, mặt khắc 2 ghi: “Quản lãnh Bộ Lại, Hiền Lương hầu Trương Như Cương; Trung quân Đô thống Chưởng phủ sự Hồng Đả sung làm Lưu kinh Đại thần; Lãnh Bộ Hình, Phù Quang bá Tôn Thất Tố và Bộ Công, Phúc Môn tử Nguyễn Hữu Bài sung làm Hộ giá đại thần; Tiền thị vệ Lãnh Thống chế Lê Văn Bách sung làm Hành dinh”.

Sáng ngày 10.8, vua cùng đoàn tùy tùng xuất phát từ kinh sư đi tới Hội An. Khi tới nơi, Quý trú sứ kinh tâu lên rằng: “Được ngự giá đến thăm, thực vô cùng mừng rỡ. Nhưng chúng tôi chỉ đốc thúc các nhà ở mặt phố chỉnh trang ra đón mừng, chứ không thể mở rộng ra cho những nhà ở khu vực khác được. Nay thấy dân chúng trong hạt bày biện đón rước long trọng như thế, mới thấy lòng dân trong nước đều chân tình quy phục nhà vua, thực rất lấy làm vui sướng”.

Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, điều 42, ghi về chuyến đi như sau: “Ngày 10 tháng ấy, vua ngự giá tới Quảng Nam xem phong tục. Lúc ấy ở cửa biển Đà Nẵng có một chiếc tàu máy lớn đỗ lại. Khâm sứ đại thần tâu xin ngự giá đến xem, nhân đó tuần du các xứ Hội An, Bồng Miêu. Vua cho như lời xin, nhưng trước mặt ban dụ cho các bề tôi nói những việc hỗ tùng đón rước trong chuyến đi này phải đơn giản để tránh rườm rà, tốn kém”.

Cũng trong sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, điều 75 cũng thuật lại chi tiết về chuyến thăm của vua: “Từ kinh tới cảng Đà Nẵng cảnh trí dọc đường đủ để thưởng lãm. Vả lại như Hải Vân quan vẫn có tiếng là nơi hiểm trở của trời, nhưng trẫm ngồi xe hơi đi xem không hề thấy mệt mỏi. Tới xem máy móc đào luyện ở mỏ vàng Bồng Miêu bất giác ghê người, người chủ việc khai khoáng nói mỗi ngày được 20 cân vàng, trừ chì sắt ra mỗi ngày được 1kg vàng, tính ra tiền là 1.200 đồng, nhưng trước nay phần thu vào chưa bù được phần chi ra. Trú sứ lại dẫn tới xem đất ấy có suối nước nóng, có thể làm heo, luộc trứng ở đó, quả thật do thiên nhiên tạo ra. Kế đi xem tàu máy lớn, khoang tàu rộng rãi, trong đặt các phòng yến tiệc ca múa nghỉ ngơi, thảy đều sáng sủa sạch sẽ, lại trang trí hoa lệ tinh xảo, không thể gọi tên”.

Nhà vua hài lòng

Đến ngày 13, vua cùng đoàn tùy tùng từ Quảng Nam quay trở lại kinh thành. Mặc dù chuyến đi của vua chỉ thực hiện trong 3 ngày nhưng tâm trạng của vua Khải Định rất vui mừng và phấn khởi. Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 3, mặt khắc 3 ghi chép: “Ngày 13 từ Quảng Nam quay trở về. Vua phán bảo quần thần rằng: Vừa rồi trẫm tuân theo lệ cổ đi xem phong cảnh phương Nam, nhận được sự quy phục của dân chúng địa phương, đó âu cũng là nhờ có ân đức sâu rộng của Hoàng khảo Hoàng đế triều ta tưới rải từ nhiều năm trước, đồng thời còn nhờ ở công lao tán trợ của các quan đại thần của Quý bảo hộ và Viện Cơ mật cùng với đông đảo bề tôi giúp đỡ cho nên mới được như thế, chứ bản thân trẫm đã có ân đức gì đâu mà khiến chuyến đi có được kết quả nhanh chóng như vậy”.

Sau khi về kinh đô được 2 ngày, vào ngày 15, lúc dự triều, vua Khải Định đã nói với bề tôi, theo Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ chép: “Vừa rồi ngự giá vào Nam xem phong cảnh, không muốn bày vẽ nghi vệ, nhưng xem việc sắp xếp chúc mừng đón rước dọc đường thật rất tề chỉnh trang nhã đủ thấy thần dân có lòng. Khi tới Tòa sứ Hội An, Trú sứ vào yết kiến nói ngự giá Nam tuần, dân trong hạt chuẩn bị đón hầu ngự giá đầy đủ nghiêm túc, từ đó mà biết chân tâm yêu mến kính phục của người trong nước, trú sứ ấy rất vui mừng. Vả lại vừa qua biến cố khó mà có được tình người như thế, là lúc đăng quang ban một lời châu dụ đã đủ ổn định lòng người. Nay lại tuần du, xe loan vừa tới đủ để làm yên lòng mọi người, sở dĩ được như thế đều là ngẩng nhờ oai đức của bệ hạ. Trẫm đáp nói quan tỉnh và dân trong hạt đều làm theo chức phận thần tử là phải, duy quý sứ có lòng tốt như thế, trẫm thật rất mừng rỡ. Trú sứ ấy tâu đáp chỉ có Giám quốc điện hạ mới có thể cùng bệ hạ chia sân ngang lễ, còn như trú sứ cùng quan tỉnh đều là thần tử thôi, thấy cách nói năng như thế rất trang nhã lão luyện”.

Và cũng trong lần dự triều này, vua quyết định ban thưởng cho các bậc đại thần đã theo hệ giá vua trong chuyến đi. Vua nói: “Các quan đi hộ giá cùng các quan lưu lại kinh thành đã có công lao vất vả đặc biệt, nên đều được xét khen thưởng để mọi người đều vinh dự được hưởng ân huệ. Đối với Hiền Lương hầu, Phù Quang bá, Phúc Môn tử và Thự trung quân Hồng Đả, truyền thưởng cho mỗi người một đồng kim tiền hạng nhất. Hành dinh Lê Văn Bách truyền thưởng cho một đồng kim tiền hạng nhì. Quan Nội các đi theo hộ tòng xa giá Phạm Hoàn truyền thưởng cho một chiếc kim khánh hạng nhì. Tá Quốc khanh, sung Quốc học trường Trợ giáo, Quyền sung Ngự tiền thông sự Hồng Đề, Quan chưởng Thị vệ lưu lại ở kinh Nguyễn Hữu Tiền truyền thưởng cho mỗi người một chiếc Kim khánh hạng ba. Còn đối với các quan Đốc, Bố, Án, Lãnh của tỉnh Quảng Nam cùng với các bô lão ở các phủ, huyện hiện đã có sắc chuẩn thưởng, đợi khi công văn, danh hàm chuyển tới nơi thì lập tức tuân hành”.

Trong chuyến thăm Quảng Nam, vua Khải Định đã ngự chế 10 bài thơ tứ tuyệt về phong cảnh và 2 bài thơ về chuyến xem tàu thủy. Tiếc rằng hiện nay trong khối Mộc bản triều Nguyễn không còn lưu giữ được bản khắc nào ghi chép về những bài ngự chế của vua về chuyến thăm Quảng Nam.

Từ khóa » Khải định Chính Yếu