CHUYỆN VUA BẢO ĐẠI DU HỌC QUA NGUỒN THƯ TỊCH CỔ (KỲ ...

Ngày đăng: 08/11/2021 15:44

CHUYỆN VUA BẢO ĐẠI DU HỌC

QUA NGUỒN THƯ TỊCH CỔ (KỲ 2)

Kỳ 2: Du học bên trời Tây

Vua Khải Định gửi gắm việc nuôi dạy Hoàng thái tử

Đến ngày mồng 7, tháng 5, năm 1922, vua Khải Định sai Phụ đạo Lê Nhữ Lâm kính đưa Hoàng Thái tử tới trường. Điều 845, quyển 7, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ còn ghi chép cụ thể như sau: “Ngày 7, sai Phụ đạo Lê Nhữ Lâm kính đưa Hoàng thái tử tới trường học (ở số 95 đường Bourdonnais[1], tiền thuê nhà đồng niên là 20.000 quan tiền Tây. Hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn theo làm bạn học, sau giờ học tiếng Pháp do Phụ đạo tiến giảng sách chữ Hán, có nguyên Khâm sứ đại thần Charles cùng Quý phu nhân cùng ở để chiếu cố, lại có hai thị vệ theo hầu”.

Trước ngày hồi loan về nước (ngày 19 tháng 6 năm 1922), vua Khải Định đã viết thư cảm tạ, trong đó có lời gửi gắm tới Toàn quyền Pháp về việc học tập của Đông cung Hoàng Thái tử tại Pháp như sau: “Lần này Quả nhân có đem theo Đông cung Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy sang đây để phó thác nhờ Quý quốc giúp đỡ, đào tạo, giáo dục nên người, khiến cho muôn vạn năm sau dòng dõi triều Nguyễn ngày càng được củng cố vững vàng mà tình hòa hiếu giữa 2 nước Pháp – Nam cũng ngày thêm đặc biệt thắm thiết. Cái tình cảm tôn kính nhất, thành thực tin cậy nhất của Quả nhân đối với Quý quốc chỉ bằng vào một việc gửi gắm đứa con là đủ thể hiện ra hình ảnh chân thực của nó… Quả nhân mong muốn đứa trẻ này được học lấy những tôn chỉ văn minh của Quý quốc, lấy đó làm sự tiến bộ có trật tự và đó cũng là hồng ân tạo phúc lớn lao cho tệ quốc quốc vậy. Niềm kỳ vọng của quả nhân là ở đấy, niềm thành kính cũng là ở đấy”.

Đáp lại lời gửi gắm của vua Khải Định, Quý Giám quốc cũng gửi bức điện thư đại lược nói rằng: “Kính thưa Hoàng đế Bệ hạ… Hoàng Thái tử là con trai yêu quý của Bệ hạ, thế mà trách nhiệm dạy dỗ lại được trao cho nước chúng tôi, qua đó đã đủ chứng tỏ lòng tin của Bệ hạ, mà đối với nước chúng tôi đây cũng là một sự kiện quý hóa nhất, vẻ vang nhất trong lịch sử… Hoàng Thái tử lưu học ở đây, bọn chúng tôi sẽ hết lòng chăm nom giữ gìn. Bệ hạ không phải lo nghĩ gì cả. Nay nhân ngày Bệ hạ ngự giá về nước xin kính chúc vạn sự bình an”.

Bên cạnh đó, Quý Khâm sứ Bác Kê cũng có thông tin qua lại cho vua Khải Định về việc học của Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy, Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 10, mặt khắc 9 cho biết rằng: “Quý Khâm sứ Bác Kê có soạn thảo một bản về cách thức giáo dục cho Hoàng Thái tử để trình lên Quý triều đình Pháp quốc, ý tứ rất mạch lạc mà lý luận cũng rất mạnh mẽ. Như nói rằng triều đình Pháp đã công nhận con của Hoàng đế An Nam là Đông cung Hoàng Thái tử, nay lại đang du học tại bản quốc, thế thì việc giáo dục phải hết sức thận trọng. An Nam đường đường là một đế quốc, đưa Hoàng Thái tử sang du học chính là muốn cho học hành trưởng thành để về bảo vệ giữ gìn đế quốc ấy. Vì vậy, trong khi hướng dẫn mở mang kiến thức phải cẩn thận tuyệt không được để cho một chút tư tưởng dân chủ nào in hằn vào trong đầu óc Thái tử. Trẫm xem lời ý ấy thực đáng cảm kích. Lại nói rằng học vấn của Đại Pháp đã từng có những phát minh lớn đối với những vấn đề chủ đạo thuộc về luân lý. Kế sau đó, tuy cũng có những kẻ nặng về lòng tư lợi mà luân lý có phần bị lu mờ, nhưng vẫn còn những người mang tư tưởng ngày trước. Như những nhà đại gia thuộc Hoàng tộc hoặc quan lại truyền thống ở nước Pháp, trong gia đình của họ vẫn giữ lại những luân lý vốn có. Hoàng Thái tử nay đang học tập ở tại nước Pháp vào những ngày nghỉ rỗi nên giao du với những gia đình đại gia đó cho hợp với luân thường nước Nam, chứ đừng để cho Thái tử tập quen với đầu óc tư tưởng tự do thì thật khó cho sau này”.

Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 9, mặt khắc 24 ghi chép về lời hứa của Quý Giám quốc trong việc dạy dỗ Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy trong quá trình du học ở Pháp

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Kết quả học tập của Hoàng thái tử ở Pháp

Việc học tập bên Pháp của Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy diễn ra như thế nào tiếc rằng trong tài liệu lưu trữ không thấy được ghi chép nhiều. Chỉ biết rằng, kết quả sau 2 năm sang Tây du học của Vĩnh Thụy được chính vua Khải Định khen ngợi. Việc này được ghi trong điều 1066, quyển 9, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, trong chuyến Vĩnh Thụy từ nước Pháp trở về để dự lễ tứ tuần đại khánh của vua cha: “Mùa đông, tháng 10. Ban thưởng cho Đông cung Hoàng Thái tử một tấm Long bội tinh hạng hai Chương hiền, vì Hoàng Thái tử du học có nhiều tiến ích, vua rất khen ngợi nên dịp khánh tiết đặc biệt khen thưởng, kế chuẩn cho lại qua Tây du học (đây là lần thứ 2 Hoàng Thái tử xuất dương du học”).

Về học phí du học của Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy, điều 904, quyển 7, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ có ghi: “Bộ Hộ tâu: Học phí du học của Đông cung Hoàng Thái Tử là 20.000 đồng, đã do ngân sách Bảo hộ hàng năm dự trù trích ra, còn nguyên Khâm sứ đại thần Tế Nam công Charles chiếu cố giúp đỡ. Về ngân bổng chính phủ cũng trù tính hàng năm 36.000 quan tiền Tây. Nhưng bộ của thần phụng chiểu việc Hoàng Thái tử du học là quan trọng, việc chiếu cố giúp đỡ kinh phí nghĩ do Nam triều gánh vác một nữa, sẽ bàn trích ngân khoản chi tiêu bất thường để thi hành. Vua theo lời tâu”.

Còn việc học tập bên Pháp của Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy diễn ra như thế nào tiếc rằng trong chính sử không thấy được ghi chép cụ thể. Chỉ biết rằng, kết quả sau 2 năm sang Tây du học của Vĩnh Thụy được chính vua Khải Định khen ngợi. Việc này được ghi trong điều 1066, quyển 9, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, trong chuyến Vĩnh Thụy từ nước Pháp trở về để dự lễ tứ tuần đại khánh của vua cha: “Mùa đông, tháng 10. Ban thưởng cho Đông cung Hoàng Thái tử một tấm Long bội tinh hạng hai Chương hiền, vì Hoàng Thái tử du học có nhiều tiến ích, vua rất khen ngợi nên dịp khánh tiết đặc biệt khen thưởng, kế chuẩn cho lại qua Tây du học (đây là lần thứ 2 Hoàng Thái tử xuất dương du học”).

Có thể nói, xuyên suốt lịch sử phong kiến Việt Nam, Bảo Đại được xem là vị vua đầu tiên và duy nhất từng đi du học. Và sau mười năm theo học bên Pháp, Bảo Đại về nước vào ngày 16/8/1932, trị vì nước ta cho đến năm 1945 thì quyết định thoái vị./. Cao Quang

Tài liệu tham khảo.

1. Hồ sơ H35, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H47, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Bản dịch sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ – Tác giả Cao Tự Thanh, NXB Văn hóa – Văn Nghệ, năm 2012.

[1]Nguyên bản viết là “Bô Đô Nê Nhai”, tức Avenue de la Bourdonnais

Từ khóa » Khải định Chính Yếu