Chuyện Về Người Vực Dậy đôi Dép Lốp Huyền Thoại - Báo Công Lý

Ở thời điểm anh đến với đôi dép cao su huyền thoại dường như nó là một nghề thủ công không còn tồn tại, vậy mà anh đã làm trỗi dậy nghề với những dấu ấn đặc biệt chỉ sau vài năm.

Nghề thủ công chứa đựng giá trị lịch sử dân tộc

Nhắc đến đôi dép cao su là nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc sống thường nhật đôi dép cao su cùng Bác đi khắp mọi miền của Tổ quốc, thậm chí trong những lần tiếp khách nước ngoài hay những lần sang thăm các nước trên thế giới người ta vẫn thấy Bác đi đôi dép ấy. Không chỉ vậy đôi dép cao su còn gắn bó với bộ đội Cụ Hồ trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ dân tộc. Đôi dép cao su cũng được sử dụng rộng rãi trong quần chúng nhân dân.

Chuyện về người vực dậy đôi dép lốp huyền thoại

Đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, một trong những kỷ vật vô giá mà Người để lại trước lúc đi xa.

Suốt nhiều năm qua, khoa học công nghệ phát triển khiến những người sống được bằng nghề làm dép cao su hầu như đã không còn. Ở Hà Nội nghệ nhân Phạm Quang Xuân (phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình Hà Nội) là người duy nhất đã có hơn 50 năm gắn bó với việc tái tạo đôi dép Bác Hồ sử dụng trong những năm kháng chiến, được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Người dân yêu mến còn gọi ông là “Vua dép lốp”, nhưng ông cũng bỏ nghề từ khi xí nghiệp dép cao su của Nhà nước giải thể năm 1975. Suốt quãng thời gian đó đến nay, mỗi năm ông chỉ làm vài đôi tặng bạn bè, người thân cho đỡ nhớ nghề.

Nhận ra giá trị lịch sử thông qua đôi dép mà không nơi nào có, anh Nguyễn Tiến Cường (sinh năm 1979) con rể của nghệ nhân Phạm Quang Xuân đã từ bỏ công việc làm kỹ sư phầm mềm ở một công ty để gắn bó với dép cao su. Anh mong muốn mình có thể giữ nghề truyền thống của gia đình và bảo tồn di sản cho đất nước. Là nghề còn ít ai có thể sống được nên khi ngỏ ý muốn được truyền nghề, bố vợ anh đã nhiều lần gạt đi, nhưng sau nhiều lần thuyết phục nghệ nhân Phạm Quang Xuân cũng phải đồng ý.

Chuyện về người vực dậy đôi dép lốp huyền thoại

Ngoài kiểu dáng truyền thống thì "Vua dép lốp" đã sản xuất được hơn 20 mẫu dép khác nhau.

Được truyền nghề, năm 2014 anh Cường nhanh chóng thiết lập một trang web giới thiệu sản phẩm dép cao su và đăng ký thương hiệu “Vua dép lốp” với chính tên gọi mà người dân mến mộ đặt cho bố anh. Nhưng những ngày đầu bắt tay vào hồi sinh đôi dép cao su đối với anh Cường là một quá trình vô cùng gian nan, có những lúc anh gần như đứng bên bờ vực phá sản, mà nguyên nhân là do bảo thủ với suy nghĩ phải làm đôi dép cao su giống đôi dép cao su ngày trước.

Để sống được với nghề thủ công làm dép cao su có lẽ cái khó khăn lớn nhất đối với anh là làm sao để thay đổi được suy nghĩ của khách hàng. Anh Cường bộc bạch, kể từ khi các xí nghiệp làm dép cao su giải thể, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì trên thị trường bắt đầu xuất hiện những đôi dép nhựa nhiều màu sắc, mẫu mã đa dạng, hút mắt hơn rất nhiều. Còn dép cao su thì nhiều nơi chỉ sản xuất cho thành hình đôi dép để đi, chính vì không được chú trọng về kỹ thuật nên suốt một thời gian dài nó đã tồn tại trong suy nghĩ của người dân là đôi dép cổ điển, đen chân, rẻ tiền, nặng và chỉ dành cho những người lao động lam lũ.

Nhưng ít ai biết rằng trước khi bị mai một, đôi dép cao su của những xí nghiệp dép cao su tạo ra đã làm chân cứng đá mềm những con người đã dựng nên lịch sử của dân tộc, đó là nhân dân, là vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh, là vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, là rất nhiều những anh hùng đã phụng sự đất nước trên mọi lĩnh vực.

Sáng tạo để phát triển

Để thay đổi được suy nghĩ của khách hàng, việc đầu tiên anh Cường “Phò Mã” làm là tạo sản phẩm đôi dép cao su độc đáo, đẹp và đắt tiền, có những đôi có giá 1,5 triệu đồng. Những sản phẩm đó ngay lập tức gây sốc bởi nó được làm từ chất liệu lốp máy bay Boeing, làm bằng thủ công nhưng đẹp như máy. Cách anh khôi phục nó cũng thật đặc biệt. Anh chia sẻ, muốn thay đổi được suy nghĩ của khách hàng thì mục tiêu đầu tiên anh hướng đến là những người có tiền, thậm chí là giới trung lưu và giàu có, vì đó là những “thị trường khó tính”.

Để chinh phục được khách hàng, Cường “Phò Mã” phải sáng tạo không ngừng để theo kịp xu thế, luôn tạo ra sự độc đáo khác lạ ở đôi dép cao su. Thay vì chỉ làm vài kiểu truyền thống, anh sáng tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng, vừa hạn chế được nhược điểm của dép truyền thống nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng.

Ngoài lốp máy bay Boeing thì "Vua dép lốp" còn kết hợp các chất liệu để giảm trọng lượng. Có những mẫu dép dành cho phụ nữ mà muốn cao lên thì phần giữa của đế dép được kết hợp bằng xốp. Hoặc thay vì đôi dép cao su chỉ có màu đen thì anh đã kết hợp với những miếng cao su mang nhiều sắc xanh, đỏ, vàng...

Chuyện về người vực dậy đôi dép lốp huyền thoại

Thay vì chỉ một màu đen nhàm chán, quai dép được nhuộm màu, xanh đỏ, màu cam nổi bật.

Độc đáo như vậy chưa đủ, anh Cường còn cá nhân hóa đôi dép khi khắc tên người dùng lên quai dép, hay những biểu tượng theo ý cá nhân người dùng trên đôi dép cao su, hoặc Logo biểu tượng cho doanh nghiệp theo yêu cầu đặt hàng. Đây là một trong những điểm khiến đôi dép cao su của anh được khách hàng yêu thích.

Không chỉ độc đáo, đa dạng sản phẩm, "Vua dép lốp" còn khác lạ ở cả việc trưng bày. Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh số 19, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, phòng trưng bày của anh còn có những đôi dép khổng lồ do chính anh tạo ra, hoặc những chiếc lốp còn nguyên nhưng gắn nửa đôi dép.

Rồi sáng tạo bằng cách tiếp thị thương hiệu bằng chính trải nghiệm của khách hàng. Khi khách có mong muốn được chứng kiến tận mắt ông Xuân và thợ phụ làm dép, anh đã tạo một không gian thoáng đãng để làm show thực tế ngay phòng trưng bày hoặc ngay tại ngôi nhà chất đầy lốp, đồ nghề của bố vợ…

Sau vài năm sáng tạo, hiện nay "Vua dép lốp" đã có hơn 20 mẫu dép cao su, mỗi mẫu có 20 kích cỡ khác nhau cho khách hàng; kích cỡ của dép cao su cũng được đo theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều đặc biệt là 400 kích cỡ cho 20 mẫu dép Vua dép lốp được làm hoàn toàn thủ công với nhiều giá khác nhau. Để bảo đảm vạn đôi được như một, Cường “Phò Mã” còn cẩn thận lưu giữ hồ sơ từng mẫu dép, để khi cần cho những người thợ làm đúng kỹ thuật của anh đề ra.

Anh Cường cho biết, hiện nay anh đã quy tụ được 25 người thợ gắn bó với nghề làm dép cao su ở các tỉnh, thành phố; sản xuất được hơn 300.000 đôi dép cao su hoàn toàn bằng thủ công, theo chân du khách đến gần 100 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt Vua dép lốp còn đại lý phân phối thường xuyên ở 4 nước là Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Đức. Trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường chính. Tuy nhiên so với trong nước đó vẫn là số ít bởi Vua dép lốp xuất khẩu nhưng đa phần vẫn là xuất nội địa tại chỗ, có nghĩa là bán cho khách nước ngoài tại Việt Nam.

Chuyện về người vực dậy đôi dép lốp huyền thoại

 Hiện nay "Vua dép lốp" đã quy tụ được 25 người thợ gắn bó với nghề làm dép cao su ở các tỉnh, thành phố.

Là một nghề thủ công tưởng như đã bị bỏ quên, nhưng với cách làm sáng tạo của "Vua dép lốp" với những thành công ban có được như vậy chính là nguồn cảm hứng cho những nghề thủ công Việt Nam không ngừng sáng tạo để phát triển, tồn tại.

Đến nay "Vua dép lốp" đã đào tạo, tuyển sinh thêm nhiều lớp trẻ, kế cận để làm dép. Nếu như trước đây không có ai còn sống được với nghề làm dép cao su thì giờ "Vua dép lốp" đã có những công nhân gắn bó lâu dài, và có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên những thành công đó mới chỉ đi được một nửa quãng đường mà anh Cường “Phò Mã’ đặt ra, bởi anh còn có nguyện vọng thành lập một bảo tàng riêng về dép cao su để bảo tồn di sản cho đất nước.

Từ khóa » Dép Lốp Máy Bay Boeing