Chuyện Xưa, Chuyện Nay: Sài Gòn Và Thú Chơi đĩa Nhựa

Từ trái qua: nghệ sĩ Bạch Tuyết, ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Mỹ Linh và ca sĩ Phạm Thu Hà trên bìa đĩa than xưa và nay -   Ảnh: diathan.com, YouTube
Từ trái qua: nghệ sĩ Bạch Tuyết, ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Mỹ Linh và ca sĩ Phạm Thu Hà trên bìa đĩa than xưa và nay - Ảnh: diathan.com, YouTube

Rõ ràng, đĩa nhựa (còn gọi là đĩa than, vinyl, LP) không cáo chung vì sự xuất hiện của CD như người ta tưởng, khi bây giờ nhiều tay chơi đĩa chuyên nghiệp vẫn trung thành với đĩa than vì họ cho rằng âm thanh trung thực, hay hơn CD.

Từ đĩa đá đến đĩa nhựa microsillon

Đọc lại sách của cụ Vương Hồng Sển thì biết “người xứ ta mấy chục năm về trước đã có làm, sơ khởi là dĩa hát của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, hát tuồng hát bội, tuồng diễu thuật chuyện trớ trêu tức cười (tích thằng Lãnh bán heo, chuyện hai thằng hề lên cao lầu ăn mì thổ thần)...”.

Thời mà cụ Sển viết trong Sài Gòn Tạp Pín Lù, đĩa đá được thực hiện từ Pháp rồi gửi trở về Sài Gòn. Sau này mới xuất hiện hàng loạt các hãng làm đĩa như Việt Hải, Việt Nam, Asia (của thầy Năm Mạnh, năm 1936, đã thu đĩa vở Tô Ánh Nguyệt của Trần Hữu Trang), Lam Sơn, Oria, Việt Thanh, Hoành Sơn, Kim Thanh, Hồng Hoa, Nhạc Thanh, Sài Gòn, Vạn Đức.

Các hãng đều sản xuất những đĩa cổ nhạc, tuồng tích như Con Tấm, con Cám; Tìm hạnh phúc, Công dã tràng...

Nhưng cũng không thiếu những đĩa tân nhạc như Lời người ra đi (nhạc sĩ Trần Hoàn - Hãng đĩa Nhạc Thanh). Một số nhạc phẩm của Phạm Duy như Nương chiều, Tuổi xanh, Ngày về, Ca khúc Huyền Trân xuất hiện trên đĩa Oria.

Nhờ đĩa và máy hát, các giọng ca vọng cổ rồi sau này là tân nhạc đến với người nghe mộ điệu khắp bốn phương trời.

Thoạt đầu, máy quay đĩa đá 78 tua với giọng ca của Năm Nghĩa, Út Trà Ôn, Thanh Tao... của các hãng đĩa là món quà sang trọng dành cho người có tiền hằng đêm ngồi nghe dưới ngọn đèn măng-sông.

Tất nhiên là một thời gian sau, người nghèo dành dụm tiền mua những cái máy quay đĩa cũ và những đĩa hát đã hết thời thượng.

Rồi đến thế hệ của máy hát đĩa chạy bằng điện và sự tiến hóa của đĩa đá 78 tua sang đĩa nhựa microsillon 45 hay 33 tua thì nghe mãn lỗ tai.

Hãng đĩa tìm đến nghệ sĩ

Thời nay, các ca sĩ muốn phổ biến giọng ca của mình phải tự bỏ tiền thực hiện album, MV; nhưng ngày xưa các hãng đĩa phải tìm đến các nghệ sĩ.

Hãng đĩa nào cũng muốn có giọng ca cổ nhạc ngọt như mía lùi xuất hiện trên đĩa nhựa của mình. Họ tìm soạn giả viết lời ca cổ nhạc cho phù hợp với giọng ca của nghệ sĩ cổ nhạc hoặc những nhạc phẩm mới nhất dành cho những giọng ca vàng.

Thậm chí từng hãng đĩa tìm đến những giọng ca chưa ai biết và họ sẽ “lăngxê” để giọng ca đó trở thành giọng ca độc quyền của hãng.

Nghệ sĩ Năm Nghĩa (ba của nghệ sĩ Bảo Quốc) cũng xuất hiện trong thời kỳ này với bài vọng cổ nhịp 8 Vẳng tiếng chuông chùa. Hãng đĩa Asia lúc này chưa có tiết mục vọng cổ nên đã đích thân mời ông ca cho hãng đĩa thu thanh.

Năm 1946, ông Lê Văn Tài thành lập Hãng đĩa Lê Văn Tài, từ hãng đĩa này tác giả Viễn Châu đã viết vở tuồng cải lương đầu tay.

Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết trong hồi ký: “...Năm 1951, ban Thăng Long được các hãng đĩa trả tiền thù lao rất cao để thu thanh giọng hát. Tôi cũng được mời hát vào đĩa microsillon 45 tour những bài Buồn tàn thu, Gánh lúa... và còn giữ được kỷ niệm đó cho tới bây giờ”.

Bảo tồn vốn cổ

Khoảng thập niên 1960, tại Sài Gòn chưa có truyền hình nên nghe đĩa cải lương hay tân nhạc là một thú giải trí tại gia tuyệt đỉnh. Lúc ấy, các hãng đĩa xuất hiện như nấm sau mưa.

Bao nhiêu tuồng cải lương hay sau khi diễn nát trên sân khấu được thu vào đĩa nhựa cho bà con nằm nhà nghe rỉ rả.

Nào là Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca, Khi hoa anh đào nở, Sân khấu về khuya... - những vở tuồng tưởng chỉ còn nghe nhắc lại nhưng nhờ thu vào đĩa nhựa của các hãng Hồng Hoa, Việt Nam nên bây giờ muốn nghe cũng chẳng có khó khăn gì.

Ngoài hãng đĩa Hồng Hoa, Việt Nam gần như là chuyên về đĩa cổ nhạc với các giọng ca bất hủ ngày trước như Phùng Há, Năm Nghĩa, Út Trà Ôn, Tấn Tài, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Việt Hùng, Minh Chí, Thanh Tao...

Còn đĩa tân nhạc thì không thể thiếu vắng những giọng ca còn được nhắc nhở đến hôm nay như Khánh Ly, Thanh Tuyền, Duy Khánh, Thanh Lan, Julie Quang, Phương Dung, Nhật Trường, Chế Linh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền.

Sau năm 1975, dân chơi đĩa nhựa biết đến các hãng đĩa nhà nước như Dihavina, Đĩa hát TP.HCM nhưng chẳng bao lâu thì biến mất, chỉ còn một số đĩa trong tay các nhà sưu tầm.

Do tính chất của đĩa nhựa bền hơn đĩa CD, có thể giữ lâu hơn băng nhạc nên hầu hết tất cả những đĩa nhạc đá 78 vòng, microsillon 33, 45 vòng đều nghe được dù cho trải qua thời gian rất dài - một ưu điểm lớn trong việc lưu giữ giá trị văn hóa của quá khứ.

Nhiều giọng ca đẹp làm album đĩa than

Đĩa than (đĩa nhựa, vinyl) nhạc Việt hiện nay không nhộn nhịp như xưa nhưng vẫn có thị trường riêng với một vài sản phẩm mới ra mắt mỗi năm.

Từ năm 2011, các nhà sản xuất băng đĩa Việt Nam bắt đầu “để mắt” trở lại với thị trường đĩa than và sản phẩm mở đầu cho sự trở lại này chính là đĩa than Tóc ngắn Acoustic của Mỹ Linh và ban nhạc Anh Em.

Từ đó đến nay đã có khoảng 30 album đĩa than do các nhà sản xuất như: Hãng phim Trẻ, Công ty Giao Hưởng Xanh, Audio Space, Gia Định Audio... phát hành tại Việt Nam.

Có thể tìm thấy nhiều giọng ca đẹp của Việt Nam đã làm album đĩa than như: Ý Lan, Bảo Yến, Mỹ Linh, Quang Dũng, Mỹ Tâm, Đức Tuấn, Lệ Quyên, Quỳnh Lan...

Ngoài album ca sĩ, các hãng đĩa cũng phát triển những album chủ đề tác giả (Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9...) hoặc những tuyển tập theo chủ đề: Kiếp nào có yêu nhau, Chuyện hẹn hò, Ngàn thu áo tím, Một thời đã xa, Ngày ấy, Kỷ niệm... qua phần trình bày của nhiều giọng ca hay.

Giá bán một đĩa than được sản xuất cho thị trường Việt Nam dao động từ 900.000 đến 1,5 triệu đồng với số lượng phát hành cho mỗi sản phẩm từ 1.000 - 2.000 đĩa (có đánh số thứ tự như một hình thức sưu tầm).

Sản phẩm đĩa than “made in Vietnam” mới nhất trên thị trường hiện nay là Đường em đi của Phạm Thu Hà với tám tuyệt phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.

Q.N.

Từ khóa » Hãng Dĩa Hồng Hoa