Claude Monet (Phần 1) - Tóm Lược, Các Thành Tựu Chính, đoạn đầu ...
Có thể bạn quan tâm
Từ trong những cuộc chiến về lý luận và phê bình cùng với những nghệ sĩ Ấn tượng đang lên ở Paris, cho tới tình yêu sau này với việc dành thời gian ở ngoài trời và nghiên cứu ánh sáng, Monet đã được thúc đẩy bởi những đam mê trong suốt cuộc đời mình. Như ông nói “Tôi chỉ giỏi hai việc thôi, đó là làm vườn và vẽ tranh.” Trong loạt bài hai phần, ta tìm hiểu về Claude Monet – cha đẻ của chủ nghĩa Ấn tượng, thường được coi như trào lưu đầu tiên của chủ nghĩa Hiện đại trong nghệ thuật, một nghệ sĩ xuất sắc với số lượng tranh đồ sộ khó ai sánh kịp, một nguồn cảm hứng vĩ đại cho những người cùng thời cũng như những nghệ sĩ kế tiếp.
Tóm lược về Claude Monet
Claude Monet là nhà lãnh đạo và theo đúng nghĩa đen là tạo nên cái tên cho phong trào Ấn tượng Pháp. Là một tài năng và nhân cách giàu cảm hứng, ông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các tín đồ của phong trào lại gần nhau. Hứng thú với việc vẽ tranh ngoài trời và nắm bắt ánh sáng tự nhiên, Monet sau đó đưa kỹ thuật này lên một trong những đỉnh cao nổi tiếng nhất của nó với những tác phẩm tranh theo chuỗi của mình, trong đó ông thể hiện sự quan sát về cùng một chủ thể vào nhiều thời điểm trong ngày và ở nhiều trình tự khác nhau. Là bậc thầy về màu sắc cũng như là người hoạ sĩ của ánh sáng và bầu không khí, các tác phẩm sau này của ông thường đạt được mức độ trừu tượng đáng kể, và do đó, ông được giới thiệu cho các thế hệ họa sĩ trừu tượng tiếp theo.
Thành tựu
- Lấy cảm hứng một phần từ Édouard Manet, Mone chuyển từ việc mô tả rõ ràng các hình dạng và phối cảnh tuyến tính, vốn được quy định bởi nghệ thuật lâu đời đến việc thử nghiệm với cách vẽ lỏng lẻo, màu sắc nổi trội và cách bố trí ấn tượng độc đáo. Điểm tập trung trong tranh của ông chuyển từ thể hiện các nhân vật đến mô tả những đặc điểm ánh sáng và bầu không khí khác nhau trong từng cảnh.
- Những năm sau, Monet cũng trở nên ngày càng nhạy cảm với các đặc trưng trang trí của màu sắc và hình dáng. Ông bắt đầu vẽ theo những nét nhỏ hơn, tạo độ dày dùng nhiều bảng màu rộng, và khám phá những khả năng tạo ra bề mặt sơn trang trí từ sự hài hòa và tương phản của màu sắc. Hiệu quả mà ông đạt được, cụ thể trong chuỗi tranh được sáng tác những năm 1890, thể hiện một bước tiến vượt bậc về hướng trừu tượng và hướng tới một nền hội hoạ hiện đại hoàn toàn tập trung vào hiệu ứng bề mặt.
- Là một người truyền cảm hứng và một nhà lãnh đạo các họa sĩ trường phái Ấn tượng, ông là nhân vật quan trọng trong việc thu hút Pierre-Auguste Renoir, Alfred Sisley, Édouard Manet và Camille Pissarro làm việc với nhau trong và ngoài Paris. Ông cũng quan trọng trong việc thành lập một nhóm triển lãm để trưng bày các tác phẩm của trường phái từ năm 1874 đến 1886.
Tiểu sử của Claude Monet
Tuổi thơ
Sinh ra ở Paris, Oscar Claude Monet chuyển đến ở Le Havre, một thị trấn ven biển ở miền Bắc nước Pháp, khi mới 5 tuổi. Cha của ông là một người bán tạp hóa thành công và sau đó chuyển sang lĩnh vực vận chuyển. Mẹ ông mất khi ông 15. Kể từ khi còn nhỏ, ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi dại dương và đường bờ biển gồ ghề ở miền Bắc nước Pháp, ông thường trốn học để đi tản bộ dọc các vách đá và bãi biển. Ngày ấy, ông học tập với sự hướng dẫn tại trường Cao đẳng Le Havre bởi một học trò cũ của Jacques-Louis David – một họa sĩ Tân Cổ điển nổi tiếng. Vừa sáng tạo vừa dám nghĩ dám làm từ nhỏ, ông vẽ tranh biếm họa vào thời gian rảnh và bán chúng với giá 20 francs một bức. Bằng cách kiếm lời từ năng khiếu nghệ thuật bộc lộ sớm này, ông đã tiết kiệm được một khoản kha khá từ việc bán tranh của mình.
Đào tạo ban đầu
Monet đã có một trải nghiệm rất quan trọng vào năm 1856 là khi trở thành bạn với Eugéne Boudin, một họa sĩ phong cảnh nổi tiếng với những bức họa cảnh những thị trấn ven biển của miền Bắc nước Pháp. Boudin khuyến khích ông vẽ tranh ngoài trời, và kĩ thuật vẽ tranh ngoài trời này (en plein air) đã thay đổi khái niệm của Monet về cách nghệ thuật có thể được tạo ra: “Như thể có một tấm màn được xé bỏ khỏi tầm mắt tôi và tôi đã hiểu. Tôi đã hiểu vẽ có thể là gì.”
Mặc dù bị từ chối được cấp học bổng, năm 1859, Monet chuyển đến Paris để học nhờ sự giúp đỡ của gia đình. Tuy nhiên, thay vì chọn một con đường sự nghiệp thông thường của một họa sĩ Salon bằng cách đăng ký vào trường Cao đẳng Mỹ thuật (École des Beaux-Arts), ông theo học tại Học viện Suisse (Académie Suisse) tiên phong hơn. Tại đó, ông gặp đồng nghiệp họa sĩ Camille Pissarro.
Thời kỳ trưởng thành
Năm 1861, Monet được đưa đến Algiers, thủ đô của Algeria, để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Giống như Eugène Delacroix trước ông, môi trường Bắc Phi đã kích thích Monet và ảnh hưởng đến góc nhìn nghệ thuật và cá nhân của ông. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông trở về Le Havre, tiếp nhận “sự giáo dục cuối cùng dành cho đôi mắt” bởi Johan Jongkind, họa sĩ hải dương và phong cảnh người Hà Lan. Sau đó, ông lại một lần nữa lên đường đến Paris, gia nhập vào xưởng vẽ của họa sĩ Charles Gleyre người Thụy Sĩ, nơi có cả những học viên là những họa sĩ trường phái Ấn tượng trong tương lai như Pierre-Auguste Renoir, Frédéric Bazille và Alfred Sisley.
Năm 1865, Salon Paris chấp nhận trưng bày hai bức tranh phong cảnh biển của Monet. Tuy nhiên, ông cảm thấy mình bị gò bó khi làm việc trong xưởng vẽ và ông thích trải nghiệm trước đó khi được vẽ tranh trong thiên nhiên, nên ông chuyển ra ngay ngoài Paris đến ở bìa rừng Fontainebleau. Chỉ dùng vợ tương lai của mình, Camille Doncieux, để làm người mẫu chính, bức tranh cỡ lớn đầy tham vọng Những người phụ nữ trong vườn (Women in the Garden) (1866-67) là đỉnh cao của những ý tưởng và chủ đề trong tác phẩm trước đó của ông. Monet hy vọng rằng tác phẩm sẽ được trưng bày trong Salon Paris, thế nhưng phong cách của ông mâu thuẫn với ban giám khảo và thế là bức tranh bị từ chối, khiến ông cực kì suy sụp. Triển lãm chính thức của Salon lúc bấy giờ vẫn còn coi trọng chủ nghĩa Lãng mạn. (Năm 1921, để xoa dịu sự xúc phạm đã từ 50 năm trước, Monet đã yêu cầu chính phủ Pháp mua lại bức tranh với số tiền khổng lồ lên tới 200.000 francs).
Để trốn khỏi Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870, Monet đã trú ngụ ở London, cho ra đời nhiều bức phong cảnh như Cầu Westminster (Westminster Bridge) (1871). Đi cùng ông là vợ và đứa con trai mới sinh Jean. Ông đến thăm các bảo tàng ở London và thấy các tác phẩm của John Constable và J.M.W. Turner. Chủ nghĩa tự nhiên lãng mạn của hai người này đã ảnh hưởng đến cách sử dụng ánh sáng của ông một cách rõ rệt. Quan trọng hơn hết, ông gặp Paul Durand-Ruel, người sở hữu một phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại mới trên đường Bond. Durand-Ruel sau này trở thành một người ủng hộ to lớn của Monet và Pissarro, và sau đó là Renoir, Degas và những họa sĩ trường phái Ấn tượng Pháp khác.
Trở về Pháp sau khi chiến tranh kết thúc, ông cùng gia đình định cư ở Argenteuil, một vùng ngoại ô Paris dọc sông Seine. Trong vòng sáu năm, ông đã phát triển phong cách và ghi lại sự thay đổi ở một thị trấn đang phát triển trong hơn 150 bức tranh. Sự xuất hiện của ông cũng thu hút bạn bè Paris bao gồm Renoir và Manet. Mặc dù Manet lớn hơn Monet 10 tuổi và trở thành một họa sĩ thành danh sớm hơn Monet, vào những năm 1870, cả hai ảnh hưởng lẫn nhau theo những cách đáng kể, và Monet đã vượt mặt Manet về mặt vẽ tranh ngoài trời năm 1874.
Trong một nỗ lực không ngừng để chống lại hệ thống Salon, Monet và bạn bè của mình đã tổ chức buổi triển lãm của riêng họ năm 1874, tại một xưởng vẽ bị bỏ hoang của nhiếp ảnh gia và họa sĩ vẽ biếm họa Nadar. Đây được xem là triển lãm trường phái Ấn tượng đầu tiên. Những họa sĩ này, gồm có Renoir, Degas và Pissarro, là một trong những họa sĩ đầu tiên cùng phản ứng với những thay đổi trong thành phố của họ.
Sự hiện đại hóa của Paris được thấy rõ ở những đại lộ rộng hơn, cần thiết để tạo chỗ cho đời sống công cộng ngày càng mở rộng và lưu lượng ngày càng tăng của chủ nghĩa tiêu thụ. Chủ đề của họ không những mới mà cách họ mô tả hiện thực này cũng độc đáo. Cảm giác trực quan và bản chất của sự tự phát trong khoảnh khắc, được nhấn mạnh trên tấm toan. Qua tác phẩm Ấn tượng, Mặt trời mọc (Impression, Sunrise) năm 1873, Monet đã vô tình đặt tên cho phong trào này, mặc dù cái tên đó thật ra được những nhà văn chỉ trích những loại tác phẩm này dùng trước.
Mặc dù Monet lớn lên trong tầng lớp trung lưu, sở thích xa hoa của ông khiến ông sống hầu như cả đời trong sự nghèo khó và nợ nần ở nhiều mức độ khác nhau. Tranh của ông không phải là một nguồn thu nhập khá khẩm và ông thường phải mượn tiền từ bạn bè. Sau khi nhận được vài đơn đặt hàng trong suốt những năm 1870, Monet tận hưởng được một số thành công về tài chính. Thế nhưng, vẫn rơi vào cảnh túng tiền vào cuối thập kỷ.
Năm 1877, nhà Monet đang sống trong thị trấn Vetheuil với Alice Hoschede cùng sáu đứa con của bà. Nhà Hoschede là bạn bè tốt và là người bảo hộ cho các tác phẩm của Monet, nhưng sau khi sự nghiệp của người chồng phá sản, ông ta đã bỏ rơi gia đình mình. Vì thế, Monet phải tìm một căn nhà rẻ tiền cho một hộ gia đình lớn. Camille sinh đứa con trai thứ hai, Michel vào năm 1878. Nhưng khi Camille mất một năm rưỡi sau đó, tác phẩm của Monet có sự thay đổi, tập trung hơn vào dòng thời gian trải nghiệm và tác động trung gian của bầu không khí và tính cách về chủ đề. Alice tiếp tục sống cùng Monet, và trở thành vợ hai của ông năm 1892 (sau khi Ernest Hoschede mất).
Năm 1883, Monet tìm một ngôi nhà mới cho Alice và tám đứa con của cả hai. Ông vô tình tìm được một căn nhà ở một thị trấn thanh bình gọi là Giverny, có tổng cộng 300 cư dân. Ông rất thích căn nhà và khu vườn mà ông có thể thuê được này, và sau đó mua lại (và mở rộng đáng kể) năm 1890. Căn hộ ở Giverny là cảm hứng chính của Monet trong suốt ba thập kỉ cuối đời. Ông tạo ra một khu vườn Nhật Bản để chiêm ngưỡng và thư giãn, có một cái hồ chứa đầy hoa súng với một cây cầu hình vòm. Ông nổi tiếng với câu nói, “Khu vườn của tôi là kiệt tác đẹp nhất của tôi. Tôi thích vẽ tranh trong vườn suốt ngày. Thứ tôi cần nhất là hoa. Luôn luôn là vậy. Trái tim tôi luôn ở Giverny, có lẽ tôi nợ những bông hoa đã giúp tôi trở thành họa sĩ.”
Chính ở Giverny Money mới đạt được thành công tối hậu của mình. Tranh vẽ của ông bắt đầu được bán ở Mỹ, Anh và ở địa phương. Ông trở thành một quý ông, thuê một lượng lớn người giúp việc trong nhà, gồm sáu người làm vườn để duy trì khu vườn và ao hoa súng yêu quý của ông.
Monet ít quan tâm đến tính hiện đại trong tranh của ông và để ý hơn đến bầu không khí và môi trường. Chuỗi tranh về đống cỏ khô của ông được vẽ vào những thời điểm khác nhau trong ngày, nhận được sự hoan nghênh từ giới phê bình, người mua và công chúng khi được triển lãm tại phòng trưng bày của Durand-Ruel. Sau đó ông hướng tầm nhìn về Nhà thờ Rouen, cũng nghiên cứu về hiệu quả của tâm trạng, ánh sáng và bầu không khí lên mặt dựng khi thay đổi vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Kết quả là có hàng chục bức tranh với màu sắc rực rỡ, được phóng đại nhẹ nhàng tạo thành một bản ghi nhân trực quan về những cảm nhận tích lũy được.
Những năm cuối đời và Cái chết
Cuối cùng, Monet thích ở một mình với thiên nhiên, vẽ tranh hơn là tham gia những cuộc chiến lý thuyết hay phê bình trong bối cảnh nghệ thuật và văn hóa của Paris. Trong suốt những năm 1880 đến 1890, ông đã đi thăm thú các nơi như London, Venice, Na Uy và quanh nước Pháp, đến năm 1908 thì ông quyết định sống những năm còn lại của đời mình ở Giverny. Alice, người vợ thứ hai của ông, mất vào năm 1911, theo sau là con trai ông Jean. Đau lòng vì người thân mất, vì sự tàn phá của Thế chiến I và một mắt bị đục thủy tinh thể, Monet về cơ bản đã không còn vẽ nữa.
Vào lúc đó, Georges Clemenceau, một chính khách người Pháp, tình cờ cũng là bạn của Monet, đã nhờ ông tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đưa đất nước vượt qua sự u ám sau cuộc Đại chiến. Thoạt đầu, Monet nói rằng ông đã quá già và không đủ sức để vẽ nữa, nhưng sau cùng, Clemenceau đã vực ông dậy khỏi nỗi đau khổ của mình bằng cách khuyến khích ông hãy tạo ra một tác phẩm nghệ thuật huy hoàng, cái mà Monet đã gọi là “sự trang hoàng vĩ đại”. Monet hình thành ý tưởng về một chuỗi tranh liên tục về cảnh sông nước trong một triển lãm hình bầu dục như thế giới lồng thế giới. Một xưởng vẽ mới với bức tường kính đối diện với mảnh vườn được xây dựng nhằm mục đích này, và mặc dù mắt bị đục thủy tinh thể (ông đã làm phẫu thuật mổ một bên mắt), Monet vẫn có thể di chuyển khung vẽ di động đi những chỗ khác nhau trong xưởng để nắm bắt ánh sáng và góc nhìn hoa súng không ngừng thay đổi của mình. Ông tiếp tục vẽ cảnh sông nước cho đến cuối đời.
Bảo tàng Orangerie cuối cùng được xây với hai căn phòng hình bầu dục để treo chuỗi những bức hoa súng của Monet. Bố cục tổng thể của các bức tranh và các căn phòng được thiết kế riêng để người xem cảm giác như thể họ đang ở dưới nước bao phủ bởi các tán lá. Cách lắp đặt này được nhiều nhà phê bình yêu thích, và nổi tiếng nhất với lời tuyên bố của nhà văn khiêm nghệ sĩ trường phái Siêu thực Andre Masson là “nhà nguyện Sistine của trường phái Ấn tượng”.
Di sản của Claude Monet
Cuộc đời dài phi thường và số lượng tác phẩm nghệ thuật đồ sộ của Monet phù hợp với tiếng tăm đương đại của ông. Chủ nghĩa Ấn tượng, trong đó ông là một trụ cột, tiếp tục trở thành một trong những phong trào nghệ thuật nổi tiếng nhất, bằng chứng là số lượng tiêu thụ tranh đồ sộ dưới hình thức lịch, bưu thiếp và áp phích. Dĩ nhiên, tranh của Monet chạm mức giá cao ngất ngưỡng tại các buổi đấu giá, một số đó còn được xem là vô giá. Trên thực tế, tác phẩm của Monet có ở mọi bảo tàng lớn trên thế giới. Mặc dù các tác phẩm của ông hiện đã được vinh danh như là kinh điển, trong nhiều năm sau khi Monet qua đời, ông chỉ được biết đến trong giới những người yêu nghệ thuật. Các tác phẩm của ông được phục hưng mạnh mẽ ở New York bởi các họa sĩ trường phái Biểu hiện Trừu tượng. Họa sĩ như Mark Rothko và Jackson Pollock, và nhà phê bình như Clement Greenberg học được rất nhiều từ các bức toan cỡ lớn của Monet cùng cách bố trí nửa trừu tượng, trải dài khắp nơi. Các họa sĩ phong trào Nghệ thuật đại chúng (Pop art) cũng gợi nhớ đến những đống cỏ của Monet trong những bức như chân dung lặp lại của Andy Warhol. Tương tự, nhiều người theo chủ nghĩa Tối giản sử dụng cùng kĩ thuật đó để sắp xếp đồ vật. Trên thực tế, chủ nghĩa Ấn tượng và Monet hiện được xem như nền tảng của tất cả nghệ thuật hiện đại và đương đại, và do đó, là tinh hoa đối với bất kì cuộc khảo sát lịch sử nào.
Dịch: Nhã Văn
Từ khóa » Hoạ Sĩ Mô Nê
-
-Họa Sĩ Mô-nê (1840-1926) Là Hoạ Sĩ Tiêu Biểu Nhất Của Hội Hoạ ấn ...
-
Hãy Kể Về Các Họa Sĩ Ma-nê, Mô-nê, Van-gốc, Xơ-ra Và Các Tác Phẩm ...
-
Claude Monet - Tiểu Sử Cuộc Đời, Sự Nghiệp & Tác Phẩm Nổi Tiếng
-
Tóm Tắt Tiểu Sử Họa Sĩ Mô Nê. Chọn Một Tắc Phẩm Của ông. Trình Bày ...
-
Họa Sĩ Claude Monet Cuộc đời Và Sự Nghiệp Nghệ Thuật
-
Người Khai Sinh Trường Phái Nghệ Thuật Ấn Tượng - Báo Lao động
-
Claude Monet - Cha đẻ Của Hội Họa ấn Tượng
-
DANH HỌA CLAUDE MONET VÀ 7 TÁC PHẨM ĐẶC SẮC
-
Họa Sĩ Edouard Manet - MyThuatMS
-
Danh Họa Claude Monet (1840 – 1926) | Vietnam Arts
-
TopList #Tag: Thuyết Trình Vẽ Họa Sĩ Mô-nê - Mua Trâu
-
Họa Sĩ Ma-Nê - Há» A Sä© Ã‰Douard Manet (1832