Có Ai Về Phố Cát - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Lang thang Phố Cát3

Phố Cát cách thành phố Thanh Hóa hơn 60 cây số. Đây là nơi nổi tiếng với đền thờ mẫu Phố Cát nằm trên đồi núi thoai thoải nhấp nhô. Gần đền còn có thác Voi cuồn cuộn dòng nước trong veo. Rừng xanh suối chảy cùng mây bay lang thang đó đây. Cảnh sắc mộng mị tựa chốn bồng lai.

Những cánh ô tình yêu

Đi dọc đường số 45 từ Nho Quan (Ninh Bình) tới ngã từ phố Cát chừng hơn 40 cây số. Nhiều con suối từ trên dãy núi cao Cúc Phương đổ dần xuống tới thị trấn Vân Du tạo nên một con thác nom thật kỳ thú. Nước chảy qua nhiều vỉa đá từ trên cao tạo nên những vòm nước cong như mái che. Dưới mỗi vòm đá, nước đọng lại thành những hồ nhỏ rồi chảy tiếp xuống dưới chân núi.

Chuyện xưa kể những đoàn voi chiến của vua Quang Trung đã dừng chân uống nước nơi đây. Vùng đệm này chính là nơi quân Quang Trung củng cố vũ khí và lương thực cho chiến dịch tiến về Thăng Long đánh quân Thanh. Sau những ngày đêm hành quân mệt mỏi được uống nước mát lạnh nơi đây mà đoàn voi chiến của đại quân Quang Trung đã hồi sức nhanh chóng và sẵn sàng xông pha trận mạc. Dân gian mới gọi tên thác Voi từ đó.

Cổng vào đền phố Cát.

Thác Voi có những vỉa đá vôi đã bị nước bào mòn tạo nên những cánh ô cong rất tự nhiên. Những vách đá bên những tầng tháp cao 10 mét dày đặc và có thể thông vách sang nhau. Trẻ con trong làng thường ra đây chơi trò trốn tìm. Tìm nhau ở đây không dễ. Bọn trẻ luồn như chạch qua các vách nước. Tiếng cười và tiếng hát của bọn trẻ dội từ những khe đá bị khúc xạ hòa tan trong tiếng đàn nước ngọt ngào du dương.

Vào ngày cuối tuần, không ít nam thanh nữ tú mỗi khi lên đền cầu duyên đều ré qua trú dưới những cánh ô đá chụp ảnh. Những bụi nước trắng xóa bay như hoa bong bóng nước chập chờn trước mắt. Các búp đá tạo thành những chiếc ô màu bạch ngọc thiên nhiên có một không hai ở vùng núi Vân Du này. Đó là những cánh ô tình yêu.

Từ thác lên đền Phố Cát không bao xa, chừng vài trăm mét. Từ trên đền có thể nhìn thấy con suối nước trong do thác Voi đổ xuống. Đền nằm bên cạnh đường 45 trước khi đổ dốc xuống hướng về ngã tư Phố Cát. Trong dân gian luôn truyền câu: "Vái cô Chín rồi về Phố Cát. Lễ quanh năm réo rắt cung văn". Đền Phố Cát linh thiêng thờ "Mẫu Liễu Hạnh".

Tục truyền công chúa Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng bị đầy xuống trần gian ba năm vì tội nghịch ngợm làm vỡ chén ngọc quý. Cho dù bị hóa kiếp thành cô gái bán nước bên đường nhưng công chúa Liễu Hạnh không an phận và luôn gây sự với người đời. Vốn dĩ trung thực thẳng thắn nên Liễu Hạnh thường ra tay trừng phạt những kẻ có thói gian tham và ức hiếp người nghèo. Liễu Hạnh làm nhiều chuyện bất chấp luật lệ dưới trần gian. Vậy nên Liễu Hạnh bị đầy xuống trần gian đến mấy lần.

Lần cuối Liễu Hạnh bị đầy xuống vùng núi rừng Phố Cát. Thấy nơi đây cảnh núi non nên thơ, Liễu Hạnh cùng hai tỳ nữ luôn luôn bay nhảy dạo chơi khắp nơi. Khi thì cưỡi mây lên đỉnh núi. Khi lại xuống suối tắm mát và hát ca thâu đêm suốt sáng. Tuy vậy công chúa Liễu Hạnh vẫn không quên trừng trị những kẻ có thói hư tật xấu gây tai họa cho dân lành. Liễu Hạnh dạy nghề quay tơ dệt vải và làm mọi điều cho con người quanh vùng phải đoàn kết thương yêu nhau. Liễu Hạnh sống vui và yêu cuộc sống trần gian.

Thú bay nhảy rong chơi hòa vào thiên nhiên của Liễu Hạnh đã được truyền lại qua những khúc ca: "Chim kêu vượn hót véo von. Chớp bể đôi đoạn mưa nguồn từng cơn. Khi nương gió lục thác gièm. Khi bên cành quế khi vin cành hồng. Vui chơi nước nhược non hồng. Phố Cát, Đại Đồng, sông Cả, sông Thao…" . Nhiều điệu hát văn ra đời từ tục thờ Mẫu như: "Cô đôi thượng ngàn", "Bản hương Thánh mẫu', "Văn bài sai 12 cô"… Những lời ca thể hiện tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Chúng ẩn chứa sự phản kháng những tệ nạn và tội lỗi do con người sinh ra từ chế độ phong kiến. Đó chính là tư tưởng của tục thờ đạo Mẫu được gìn giữ bảo tồn hàng trăm năm qua.

Ký ức khu căn cứ Ngọc Trạo

Từ ngã tư Phố Cát đi thẳng về phía Bắc khoảng dăm cây số là tới làng Ngọc Trạo nằm trong khu rừng núi Tam Điệp. Hoàng đế Quang Trung cách đây hơn 200 năm đã lấy Tam Điệp làm cánh cung phục binh. Ngọc Trạo là vùng đất men theo chân dãy núi và có nhiều đường vượt qua rừng đi về mọi ngả. Do đó căn cứ cách mạng của Thanh Hóa sớm hình thành ở nơi đây.

Không những thế mà từ năm 1886, nhân dân Ngọc Trạo đã tích cực tham gia phong trào chống Pháp do Tống Duy Tân lãnh đạo. Nơi đây ngọn cờ khởi nghĩa đã tung bay trong nhiều năm hưởng ứng chiếu "Cần Vương" của vua Hàm Nghi. Bản thân cụ Tống Duy Tân cũng đã từng dừng chân ở đây nhiều lần để phát động cuộc tấn công giặc Pháp. Kẻ thù hết sức kinh hoàng về sức chiến đấu dũng mãnh của các chiến binh người Mường, thoắt ẩn thoắt hiện trong địa thế hiểm hóc của rừng núi Ngọc Trạo.

Trong khu di tích cách mạng Ngọc Trạo có tượng đài kỷ niệm những ngày tháng đầy khốc liệt của đội quân cách mạng hoạt động từ những năm 1930-1931. Cơ sở hoạt động của các đảng viên ở Thanh Hóa được hình thành rất sớm ở Ngọc Trạo từ năm 1936 đến 1939. Họ vận động dân chúng địa phương thành lập các Hội và đoàn thể hoạt động để phát triển lực lượng cách mạng ngày một lớn mạnh.

Tượng đài chiến sĩ Ngọc Trạo.

Đáng chú ý, tác phẩm "Vấn đề dân cày" của các đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp được phổ biến và học tập khá rộng rãi tại Ngọc Trạo. Cuối năm 1939 nhiều đảng viên ở các địa phương khác bị giặc Pháp khủng bố đã rút về hoạt động tại Ngọc Trạo. Chiến khu rừng núi vùng Tam Điệp được củng cố mở rộng. Chính vì thế Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định chọn Ngọc Trạo làm căn cứ địa cách mạng để củng cố và xây dựng lực lượng lâu dài.

Đến ngày 19-9-1941, đội du kích Ngọc Trạo - tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập. Đội quân đầu tiên có 21 chiến sĩ đều là người Mường ở làng Ngọc Trạo. Đó là giờ phút thiêng liêng mà ai cũng nhớ đến nay. Một bài ca được các chiến sĩ du kích đồng lòng cùng hát vang đầy khí thế dưới lá cờ đỏ sao vàng: "Đời ta khổ bấy lâu rồi. Mà sao vẫn cam chịu hoài. Đời mình tự mình phải cứu. Chớ trông cậy vào ai. Công nông binh đoàn kết. Trên con đường giai cấp đấu tranh. Búa liềm kia dắt chúng ta lên đường. Đại đồng" (Đội ca).

Cùng với thời điểm này, tờ "Báo Tự do" cũng ra đời, trở thành công cụ tuyên truyền cách mạng sâu rộng. Không ít lần giặc Pháp tấn công vào chiến khu nhưng đều thất bại. Những du kích người Mường ở Ngọc Trạo đã dũng cảm chiến đấu ngoan cường bảo vệ căn cứ cách mạng.

Rừng núi hiểm trở là điểm tựa cho sự thoắt ẩn thoắt hiện của du kích người Mường làm giặc Pháp khiếp sợ, không dám bén mảng đến Ngọc Trạo. Chiến khu cách mạng Thanh Hóa lớn mạnh và phát triển rộng khắp, tạo tiền đề cho sự chuẩn bị tiến tới công cuộc giành chính quyền vào tháng 8-1945 thành công ở địa phương.

Muôn nẻo đường về

Mới đó mà đã gần 80 năm kỷ niệm chiến khu Ngọc Trạo. Bài ca chiến thắng và những người con đã lưu danh. Từ quảng trường tượng đài kỷ niệm mở ra những con đường đi về muôn ngả. Từ đây qua ngã tư Phố Cát là tới đường Hồ Chí Minh nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Ánh lửa trong những đêm hành quân của đội du kích Ngọc Trạo vẫn in dấu bước chân ngày nào.

Những điệu múa của các cô gái Mường chào đón đội quân cách mạng không bao giờ phai nhòa trong những trang lịch sử cách mạng hào hùng. Giờ đây Phố Cát, Ngọc Trạo là trục đường chính giao thông tỉnh lộ hướng về miền Nam xa xôi. Đó là hình ảnh bổ sung cho trường ca "Đẻ đất đẻ nước" ngân vang khắp vùng Mường thanh.

Những đỉnh núi mênh mang điệp trùng vẫn văng vẳng lời hát của Nàng Nga gửi cho chàng Hai Mối những lời tha thiết trong trái tim. Một mối tình bất tử trong truyền thuyết của người Mường. Phố Cát bồng bềnh sương bay. Những em gái Mường vội vã đi trên đường bởi mùa xuân đang về tới cửa nhà. Trên tay các em là những cành hoa đào rừng thắm đỏ. Phía dốc cao tiếng hát "Cô đôi thượng ngàn" vang lên từ đền mẫu ríu rít mừng xuân: "Sinh thay một thú đôi ngàn. Bầu trời cảnh Phật phong quang bốn mùa. Trên bát ngát trăm hoa đua nở. Dưới cảnh bầy cầm thú đua chơi. A… í… a… ".

Từ khóa » đền Mẫu Phố Cát ở đâu