Có Cần Thiết Phải Xét Nghiệm Kháng Thể SARS-CoV-2 Không?

Những quảng cáo này cho rằng, xét nghiệm định lượng kháng thể để đánh giá khả năng sinh kháng thể sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 là cần thiết, điều này đã khiến không ít người dân đi làm các xét nghiệm và tạo tâm lý hoang mang nếu kết quả xét nghiệm cho chỉ số thấp. Đáng chú ý là mỗi nơi xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19 lại đưa ra 1 mức giá khác nhau, có cả dịch vụ lấy mẫu tại nhà. Câu hỏi đặt ra là: "Có cần thiết phải xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 không?".

Có cần thiết phải xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 không?

Kháng thể là các protein đặc biệt mà cơ thể sản sinh ra để chống lại các bệnh nhiễm trùng, hiểu đơn giản đây là hàng rào bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus. Có thể chia thành 2 loại: Kháng thể liên kết (gồm IgM, IgG, IgA…) và kháng thể trung hòa. Ngoài ra, một phòng tuyến cực kỳ quan trọng trong cơ thể, đó chính là các tế bào nhớ: khi virus hay một phần virus xâm nhập vào cơ thể, những tế bào nhớ sẽ được sinh ra và tồn tại rất lâu, chúng sẽ ghi nhớ bộ mặt virus hoặc kháng nguyên.

Khi có virus xâm nhập lần tiếp theo, các tế bào này có nhiệm vụ nhanh chóng khởi động hệ thống, sản xuất ồ ạt các kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh. Sự tồn tại của các tế bào này không thể hiện trên các xét nghiệm thông thường chúng ta đang làm. Nếu cơ thể đã nhiễm virus Sars-CoV-2 hoặc được tiêm vaccine COVID-19, sau một khoảng thời gian sẽ sản xuất ra các kháng thể.

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các kháng thể IgM đối với SARS-CoV-2 thường có thể phát hiện được vài ngày sau khi nhiễm trùng ban đầu, mặc dù các mức độ trong suốt quá trình nhiễm trùng và sau đó không được đặc trưng rõ ràng. Kháng thể SARS-CoV-2 IgG thường có thể phát hiện được từ 10–14 ngày sau khi nhiễm bệnh, đôi khi sớm hơn và thường đạt đỉnh vào khoảng 28 ngày sau khi bắt đầu nhiễm trùng.

Còn theo nhiều nghiên cứu của các bệnh viện lớn, kháng thể sau khi tiêm vaccine có thể giúp một người có được hệ miễn dịch với virus tốt hơn nhiều lần so với một người bình thường không tiêm. Tuy nhiên, khả năng này phụ thuộc vào nồng độ kháng thể có được sau khi tiêm ở từng người.

Theo đó, nồng độ kháng thể sau tiêm vaccine COVID-19 từ 15AU/mL là đáp ứng miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Nồng độ kháng thể dưới 12AU/mL là chưa đáp ứng miễn dịch. Thế nhưng, hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus SARS-CoV-2. Nghĩa là, những nghiên cứu trên chỉ là cá biệt, chưa được công nhận chính thức.

Trong cơ thể một người khỏe mạnh vẫn có một lượng kháng thể nhất định. Chúng giúp phòng ngừa sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus tấn công vào cơ thể bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, lượng kháng thể này rất thấp (chỉ khoảng 5,86 AU/mL) hoàn toàn chưa đáp ứng miễn dịch. Do vậy, tiêm vaccine là một cách tạo ra kháng thể chủ động với lượng lớn gấp nhiều lần.

Theo nghiên cứu nêu trên, những người đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 có kháng thể với virus SARS-CoV-2 với định lượng trung bình là 67.53 (AU/mL), gấp khoảng 4,5 lần so với ngưỡng đáp ứng miễn dịch. Còn với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có định lượng kháng thể này là 278.81 (AU/mL) trong vòng sau 1 tuần, cao gấp khoảng hơn 18 lần so với ngưỡng đáp ứng miễn dịch. Định lượng này tiếp tục tăng lên hơn 21 lần trong 2 tuần tiếp theo.

Xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 là phương pháp xét nghiệm máu để có thể tìm thấy các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 hoặc để định lượng nồng độ kháng thể trong máu. Hiện nay, xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 bao gồm 2 kỹ thuật.

Thứ nhất là kỹ thuật ELISA: Định lượng nồng độ 2 loại protein đặc biệt là IgM và IgG trong máu; Sau 1 - 5 giờ sẽ có kết quả. Kỹ thuật xét nghiệm này sẽ lấy mẫu rồi thực hiện phân tích trong phòng xét nghiệm.

Thứ hai là kỹ thuật sắc ký miễn dịch: Còn gọi là test nhanh kháng thể với kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện, cho kết quả nhanh, sau 15 - 20 phút. Với 2 phương pháp trên chỉ có thể thể hiện được lượng IgG, IgM mà không phản ánh được tổng lượng kháng thể cơ thể tạo ra (các kháng thể hòa tan và kháng thể liên kết khác).

Vì vậy, nếu chỉ dựa vào chỉ số IgG, IgM đơn độc để đánh giá tình trạng miễn dịch là không có nhiều ý nghĩa. Theo y văn thế giới, có khoảng 50% người nhiễm SARS-CoV-2 không định lượng được kháng thể hoặc ở mức vô cùng thấp nhưng hầu hết không nhiễm bệnh tiếp trong những lần phơi nhiễm tiếp theo, bởi họ đã có miễn dịch qua trung gian tế bào hoặc đã có tế bào nhớ miễn dịch của lần tấn công trước.

Chúng ta cần hiểu rằng: Trong cơ thể, lượng kháng thể SARS-CoV-2 tồn tại trong máu, nhưng sẽ giảm dần theo thời gian. Kháng thể giúp những người từng mắc COVID-19 nếu nhiễm bệnh thêm một lần nữa hoặc nếu bị nhiễm lại cũng sẽ ít triệu chứng hơn. Kháng thể giúp bảo vệ một người trước sự lây nhiễm của COVID-19, tuy nhiên không hoàn toàn giúp chúng ta miễn dịch hẳn với virus này. Chính vì thế, dù ít hay nhiều kháng thể, nếu đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh, chúng ta đã có một hệ thống hoàn hảo trong cơ thể để chống lại virus ở lần tấn công sau. Xác suất bệnh nặng sẽ thấp hơn rất rất nhiều so với những người khác.

Theo Bộ Y tế, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh COVID-19, mà chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.

Do đó, để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19, ngày 04/10, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị xét nghiệm về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, bộ này đang xây dựng hướng dẫn về xét nghiệm kháng thể virus SARS-CoV-2 và sớm công bố các đơn vị đủ điều kiện, tránh việc để dịch vụ này thực hiện tràn lan.

MÃ SIM

Từ khóa » Chỉ Số Igg Covid Bao Nhiêu Là Bình Thường