Cơ Cấu Hàng Hoá Xuất Khẩu Của Việt Nam Còn Lạc Hậu

(VOV)_Trong giai đoạn kinh tế hiện nay, các chính sách hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu là một trong những nhóm chính sách góp phần giảm lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Ông Thái Doãn Tửu – Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và Dịch vụ (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cho rằng, từ lâu vấn đề cần lưu ý của xuất khẩu Việt Nam là hiệu quả kinh tế và cơ cấu của mặt hàng xuất khẩu. Trên 60% giá trị kim ngạch là mặt hàng xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp. Hàng công nghiệp thì tỷ lệ gia công cao, nhất là may mặc và giày dép.

Trong cán cân thương mại từ năm 2006, tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu luôn cao hơn so với xuất khẩu. Năm 2007 tỷ lệ này là 39,6/21,9, với mức nhập siêu là 14,2 tỷ USD so với 5,07 tỷ USD của năm 2006. Quí I/2008, đạt mức nhập siêu 7,4 tỷ USD, bằng 56,5% so với kim ngạch xuất khẩu.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhận xét: “Đây là con số rất nguy hiểm, phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu của Việt Nam thấp là vì chúng ta chỉ làm gia công và lắp ráp”.

 

Thay đổi cơ cấu của hàng hoá xuất khẩu

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng: Muốn tăng đà xuất khẩu cần có các yếu tố quan trọng là cơ cấu hàng xuất khẩu, cơ chế chính sách, công tác xúc tiến thương mại và tỷ giá. Vấn đề lớn nhất với chúng ta hiện nay là cơ cấu hàng hoá chứ không phải cơ chế xuất khẩu.

Cơ chế của chúng ta đã giải phóng hết, tất cả mọi thành phần kinh tế đều được tham gia xuất khẩu. Thậm chí tư nhân không đăng ký xuất khẩu vẫn được xuất khẩu qua biên giới với Trung Quốc, với Lào, Campuchia.

Hoạt động xuất khẩu “nhộn nhịp” như vậy, nhưng ông Trương Đình Tuyển cho rằng: “Cơ cấu xuất khẩu của chúng ta hiện nay rất lạc hậu, qua nhiều năm hầu như không thay đổi”.

Nếu so sánh với Thái Lan, Việt Nam có tốc độ tăng xuất khẩu tương đối ổn định và tương đối cao.  

Kết quả xuất khẩu của Thái Lan Năm 1994 tăng so với năm 1993: là 62%

1995-1994: 31% (tăng cao nhất)

1996-1995: (âm) –6%

1997-1996: 3,7%

1998-1997 –15%

1999 – 1998: 2,4%

2001-2000 –2%

2002-2001: 1,6%

2003-2002: 18%.

Ông Trương Đình Tuyển so sánh: Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan, có thời gian tăng 35%. Tốc độ tăng xuất khẩu của Thái Lan rất không ổn định, bình quân thấp hơn Việt Nam. Các nước ASEAN 6 (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei) kê ra 20 mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất, mặt hàng linh kiện điện tử bán dẫn chiếm đến 17,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm khoảng gần 5 tỷ USD; Mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động đạt 39 tỷ, chiếm 7,5% kim ngạch xuất khẩu. Các chi tiết cho máy văn phòng đạt 28 tỷ USD, chiếm 5,4%.

Việt Nam năm 2007, mặt hàng linh kiện điện, điện tử chỉ đạt 2,1 tỷ USD.

Ông Tuyển nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không có cải cách cơ cấu dài hạn thì sẽ rất khó khăn trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu, bởi năng lực được giải phóng của cơ chế đến nay đã hết, năng lực giải phóng sức sản xuất do cơ chế không còn nhiều. Đặc biệt, với các cam kết trong WTO thì chúng ta không thể thay đổi cơ chế được”.

Cải cách thủ tục hành chính trong xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các thủ tục về thuế và hải quan cũng là việc cần phải quan tâm. Thời gian qua, hai loại thủ tục này đã có rất nhiều tiến bộ nhưng qua khảo sát thì thấy rằng, vướng mắc, tốn phí nhất lại là ở khâu này.

“Việc cần làm là phải cải cách mạnh hơn nữa để giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất khẩu”- ông Trương Đình Tuyển nói.

 

Tập trung vào những thế mạnh sẵn có

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng: “Bộ Công Thương với tư cách vừa quản lý sản xuất vừa quản lý thương mại phải có chiến lược để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây là việc đã nói từ lâu rồi, nhưng hầu như chưa có chuyển biến gì. Chúng ta phải rà soát lại tất cả các ngành công nghiệp phụ trợ để xem ngành nào có khả năng cạnh tranh cao nhất thì tập trung vào để đầu tư”.

Chúng ta cần lựa chọn những mặt hàng có kim ngạch tương đối lớn, tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm gần đây để tập trung các biện pháp mở rộng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Trương Đình Tuyển phân tích: Trong nhóm các ngành hàng xuất khẩu, nhóm hàng khác chiếm 9 tỷ USD (gần 20% tổng kim ngạch). Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành này rất cao, có năm đạt 38%, thậm chí 40%, không năm nào dưới 30%. Chúng ta cần nắm rõ, ngành hàng nào có thế mạnh trong nhóm này để có hướng đầu tư phát triển”.

“Dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu mà chúng ta không nắm được cụ thể nhóm hàng nào thì không thể dịch chuyển được” – ông Tuyển nói.

Con đường ngắn hơn cả là phát triển công nghiệp sáng tạo. Ngành công nghiệp này tích hợp nhiều ngành bao gồm truyền thông, tạo mốt, thương mại, quảng cáo…

Trên thế giới, hiện nay ngành công nghiệp này có tổng giá trị giao dịch khoảng 3.000 tỷ USD.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng: “Các tố chất của người Việt Nam rất phù hợp với ngành công nghiệp này. Hiện nay công nghiệp thời trang của Việt Nam phát triển rất nhanh. Đầu tư vào lĩnh vực này không quá lớn, chủ yếu là tiềm năng con người”.

Năm 2007, xuất khẩu dệt may đạt 7,8 tỷ USD, vượt 450 triệu USD so với kế hoạch và tăng tới 31% so với năm 2006. Năm 2008, ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm 2007. 

Theo các chuyên gia kinh tế, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải chịu giám sát về giá chứ không phải là số lượng. Việc các doanh nghiệp dệt may cần làm hiện nay là nâng cao chất lượng và giá trị trên một đơn vị sản phẩm dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Làm như vậy chúng ta có thể tiếp tục xuất khẩu vào Hoa Kỳ với tốc độ cao và không sợ bị áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đồng thời nâng cao được kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, chúng ta cần có biện pháp kiểm soát xuất khẩu hàng dệt may giá rẻ.

Sử dụng chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là thay đổi cơ cấu trong xuất khẩu theo hướng chuyển dần sang xuất khẩu các nhóm hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao và tăng hiệu quả kinh tế, chất lượng của xuất khẩu./.

Từ khóa » Cơ Cấu Sản Phẩm Xuất Khẩu Là Gì