Cô Đũi: Sáng Tạo Mới Trong Trò đời - 24H
Có thể bạn quan tâm
Nếu trong Trò đời, nhân vật Xuân Tóc đỏ, bà Phó Đoan, ông TYPN, ông Văn Minh, cụ Cố Hồng… đều là những nhân vật gần như là “nguyên tác”, bước ra từ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thì nhân vật Đũi lại là một sáng tạo mới của các nhà viết kịch bản. Đũi là sự tổng hợp từ nhiều nhân vật trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.
Từ những tác phẩm nổi tiếng: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây... của "ông vua phóng sự đất Bắc" Vũ Trọng Phụng, Trò đời là một bức tranh đầy đủ về xã hội Âu hóa tại Việt Nam những năm 1930-1940. Lối kể chuyện chân thực, câu chuyện gần gũi với những tính cách, số phận nhân vật đầy điển hình trong xã hội của phim thực sự cuốn hút khán giả. Những Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, cụ Cố Hồng, ông TYPN... đã hiện lên qua mỗi thước phim một cách đầy đủ. Loạt bài Trò đời: Tấn bi kịch thời Âu hóa sẽ là những góc nhìn toàn cảnh về cả bộ phim, cái nhìn cận cảnh từng nhân vật trong đó. Qua đó, giúp khán giả sẽ thấy được một bức tranh đa sắc, đa diện. |
Cô Đũi (Bảo Thanh thủ vai) là nhân vật cải biên, hư cấu so với các nguyên tác của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Đũi là một cô thôn nữ con nhà gia giáo, được cha chỉ dạy chữ nghĩa, lễ nghĩa đàng hoàng. Nhưng rồi, do hoàn cảnh xô đẩy, Đũi lên thành phố, bị làm hại, rồi đi nhập vào đám “cơm thầy cơm cô”, làm con sen, làm ca nương, rồi thành bà chủ ca lầu. Sau những dập vùi của chốn phồn hoa, nhờ tình yêu cô đã bỏ lại tất cả sau lưng, trở về với con người thật của mình.
Đũi trong mối quan hệ với Xuân Tóc Đỏ và bà Phó Đoan - những người đã thay đổi cuộc đời cô rất nhiều
Nhân vật Đũi là một trong những điểm nhấn quan trọng, có diễn biến tâm lý, số phận phức tạp của bộ phim. Vai diễn Đũi là một vai diễn đầy màu sắc, và diễn viên Bảo Thanh đã không chỉ làm tròn vai diễn mà còn thổi một luồng gió mới trong diễn xuất vào nhân vật.
Có thể nói, tính cách, cuộc đời nhân vật Đũi chia làm hai thời kỳ. Khi còn ở quê với cha và sau khi lưu lạc lên thành phố, sống cuộc sống nhiều thăng trầm.
Chỉ vài lát cắt đầu phim đã phần nào phác họa cuộc sống và tính cách Đũi khi còn là một cô gái quê. Cô có cuộc sống êm đềm, yên ả bên cha và một người học trò của cha cô (người mà cha cô coi như con đẻ). Đũi chất phác, lương thiện, đảm đang và rất thông minh, cá tính, thương yêu, kính trọng cha, hiểu biết, thích nói thích, mà không thì phản ứng ngay.
Điều này thể hiện trong việc ban đầu cô từ chối không chịu đi lên thành phố với me Kiểm nhưng sau khi nghe cha cô kể “đầu đuôi câu chuyện” thì mặc dù buồn và ấm ức nhưng cũng nghe theo. Gương mặt sáng, tròn trịa, mang nét đẹp của những cô thôn nữ xưa, sự biểu cảm tốt, lối diễn chân thật, không lên gân, giàu cảm xúc của diễn viên Bảo Thanh đã lột tả được hình ảnh này của cô Đũi và gây ấn tượng cho người xem ngay từ tập đầu. Có thể nói, với một diễn viên khá mới như Bảo Thanh việc đảm nhận vai Đũi vừa là sự mạo hiểm, vừa là cơ hội để cô khẳng định khả năng diễn xuất của mình.
Xuân Tóc Đỏ - người đưa cô đến với chốn ca hát, nhà trò
Mọi sóng gió trong cuộc đời và tính cách của Đũi dần thay đổi từ khi cha cô, vì “cố sống cố chết” mua cho được cái danh, mua cho được chức Phó lý làng Tam Điền nên đã gán hết ruộng vườn, đất đai, đẩy bản thân mình vào kiếp “người ngựa, ngựa người”, đau ốm, bệnh tật. Việc làm của ông cũng đã vô tình đẩy con gái vào chốn thị thành nhiễu nhương với những trò nhố nhăng.
Từ một cô gái quê hồn nhiên, chất phác, cái chạm tay với người khác giới còn chưa có, Đũi bị me Kiểm giữ cho nhân tình của bà làm nhục. Uất ức, đau khổ, Đũi định tự tử, nhưng rồi nghĩ đến cha, nghĩ đến bản thân nên tiếp tục sống. Sống tiếp, nhưng Đũi luôn mang trong mình nỗi thù hận. Với một cô gái quê, mang nỗi thù hận thấu tim gan đó, trong xã giao thời, nửa Tây, nửa ta Âu hóa đó thì con đường đi, chỉ toàn lắm chông gai và nước mắt. Và cô tự đặt ra mục tiêu cho mình là làm mọi cách để hành hạ cánh đàn ông cho hả hê. Cô bắt họ làm “nô lệ”, phải nghe lời mình giống như những gì cô phải chịu đựng.
Bị quăng vào chốn thị thành phồn hoa, Đũi phải thay đổi và ứng biến để tồn tại, nhưng cũng chính vì thế, cô dần bị tha hóa. Sự thông minh, khôn khéo của Đũi được cô dùng để kiếm tiền khi lợi dụng những tình huống, những xấu xa của các thành viên trong gia đình bà chủ Hoàng Hôn. Khán giả nhiều người sẽ giật mình vì Đũi chấp nhận để hai bố con ông chủ đụng chạm người mình và nhất mực nghe lời, trả tiền cho cô. Sự khôn ngoan, cương nghị có chút bướng bỉnh của cô đào Đũi – sau là cô đào nức tiếng Mộng Đài dùng để đối phó với đào Cúc và những người đàn ông đến với nhà trò…
Hình tượng Đũi trong phim khiến câu chuyện được gắn kết mạch lạc và kịch tính hơn
Nhưng trên hết, trong sâu thẳm bản chất và con người của Đũi bản chất lương thiện, chân thật của cô thôn nữ Đũi ngày xưa vẫn còn. Gần như, cô chỉ dùng sự đanh đá, ghê gớm của mình để đối đãi với những người đối đãi tồi với cô. Còn với những người yêu thương cô, trân trọng cô, cô vẫn dành tình cảm thương quý. Đó là lý do vì sao khi gặp Xuân tóc đỏ Đũi vẫn giữ nguyên cách ăn nói, cá tính như ngày xưa. Hoặc khi được quan án hết mực yêu thương, quý trọng cô cũng đối đáp bằng tình cảm của một người con dành cho cha mình.
Diễn viên Bảo Thanh diễn tả khá đạt tính cách tâm lý, những thăng trầm cuộc đời trong giai đoạn này của Đũi, một điều không dễ gì làm được với một diễn viên trẻ về cả tuổi đời và tuổi nghề.
Mặc dù vậy, có thể do yêu cầu của kịch bản, quá trình tha hóa, thay đổi của cô Đũi diễn ra hơi nhanh. Những tài năng của cô Đũi cũng được thể hiện chóng vánh (ví dụ như biết hát, biết nhịp phách ả đào chỉ sau 2, 3 ngày học)… khiến khán giả có cảm giác không thật, “kịch quá”. Bỏ qua một vài hạt sạn như thế, thì thấy đây là một vai diễn thành công, một nhân vật để lại ấn tượng trong lòng khán giả xem truyền hình. Có thể mai sau, khi nghĩ về nghề giúp việc, nghề osin, hay thậm chí nghĩ về ả đào trong phim người ta sẽ nhớ tới tên Đũi, tên Mộng Đài.
Một con sen như Đũi nhưng luôn biết giá trị của mình nằm ở đâu là một hình ảnh khá mới lạ của phim Việt
Nếu như Xuân Tóc Đỏ trở nên lưu manh hóa một cách toàn diện trong tham vọng sinh tồn thì cô Đũi đã kịp thức tỉnh để thoát ra khỏi cuộc sống nhớp nhúa thiếu tình người, Đũi đã trở lại là bản thân mình, dù đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, số phận. Đũi trở lại và được bao bọc trong tình yêu thương. Và khán giả thầm mong cô được sống bình yên mãi như thế.
XEM THÊM CÁC KỲKỳ đầu tiên1 6 78 9 1011Kỳ mới nhấtTừ khóa » Trò đời Wiki
-
Trò đời – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tấn Trò đời – Wikipedia Tiếng Việt
-
'Trò đời' - Sự 'dấn Thân' Mới Của Phim Truyền Hình
-
Trò đời: Vũ Trọng Phụng Vừa được Làm Mới - Báo Tuổi Trẻ
-
Trò đời - Wiktionary Tiếng Việt
-
Trò đời: Phim Truyền Hình Việt Nam Năm 2013 - Du Học Trung Quốc
-
"Số đỏ" Thành "Trò đời" Trên Phim Truyền Hình | VOV.VN
-
Tấn Trò đời - Wiki Là Gì
-
Cận Cảnh Dàn Diễn Viên Trong Phim Trò đời - VnMedia
-
“Trò đời” – Chuyển Thể Từ Tiểu Thuyết "Số đỏ" Sắp Phát Sóng
-
Tranh Cãi Quanh Vai Trò đời Thực Của Chúa Jesus - WIKI
-
Thầy Trò đời Nay Với Thầy Trò đời Xưa - Wikisource