Trò đời: Vũ Trọng Phụng Vừa được Làm Mới - Báo Tuổi Trẻ

GP7NcWGm.jpgPhóng to
Xuân tóc đỏ và cô Tuyết

Đây là bộ phim được VTV kỳ vọng nhất trong năm của dòng phim Việt giờ vàng, không chỉ vì tên tuổi của nhà văn Vũ Trọng Phụng mà còn là một thông điệp về quyết tâm làm phim kỹ, tinh và hấp dẫn của ban giám đốc VFC - Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN.

Một không gian Vũ Trọng Phụng

Những tập đầu của phim chưa thể nói được gì nhiều, màn giao đãi giới thiệu nhân vật - vì có sự pha trộn giữa ba tác phẩm khác nhau nên việc dựng đường dây liên hệ chiếm không ít thời lượng. Nhưng cái mà người đọc dễ dàng nhận ra Trò đời khác với rất nhiều phim khác của truyền hình VN nói chung là không khí của bộ phim. Không khí xã hội VN thuộc địa nửa phong kiến, dở Tây dở ta những năm 1930-1940 của thế kỷ trước từng rất ám ảnh người đọc trong các tác phẩm Vũ Trọng Phụng nay được họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, họa sĩ phục trang Nguyễn Thu Hà, giám đốc hình ảnh NSND Nguyễn Hữu Tuấn phục dựng cẩn trọng.

Vũ Trọng Phụng khác biệt với tất cả nhà văn khác cùng thời vì ông không bảng lảng sương khói ngọt ngào như Thạch Lam, không lãng mạn hóa cả nông thôn lẫn thành thị như Nhất Linh, Khái Hưng, cũng không chua xót đớn đau kể khổ như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, giằng xé dằn vặt như Nam Cao. Vũ Trọng Phụng chọn cho mình một góc quan sát khác và một giọng kể khác. Ông quan sát lạnh lùng, mổ xẻ và ông kể hài hước, cái hài hước của lý trí thật hiếm hoi trong văn học VN từ xưa đến nay. Chính vì thế ông vĩ đại và đi trước thời đại, và cũng chính vì thế tác phẩm của ông thuộc loại cực kỳ khó chuyển thể. Những gì đã dựng thành phim, thành kịch đều bị đối chiếu với nguyên bản và... lắc đầu.

Với Trò đời, chỉ từ việc VFC mời đạo diễn Nhuệ Giang và nữ đạo diễn nổi tiếng cẩn thận và kỹ tính này mời nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn và họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức làm xương sống cho êkip của mình đã thấy sự gửi gắm trong ý đồ và sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật

Các không gian chính của bộ phim, theo sự xuất hiện từng nhân vật, đều phả ra không khí thuộc địa xưa, phảng phất chút Hà thành thời còn thưa vắng và vẫn đậm nét cá tính của chủ nhân: nhà bà Phó Đoan cái giường thật to lù lù tiền cảnh, nhà vợ chồng Văn Minh gương treo khắp nơi, nhà cụ cố Hồng sập gụ tủ chè la liệt... Tất cả đều là đồ “thửa” của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, còn có biệt danh nức tiếng giới họa sĩ VN: Đức “nhà sàn”.

Những chiếc xe tay của gần 80 năm trước, những chiếu cô đầu với tiếng phách dìu dặt và ánh đèn nến lay lắt, tà áo dài khép nép rủ chấm gót, cổ cao kín đáo buổi đầu “Âu hóa”, may đúng chất liệu tơ tằm... cũng được họa sĩ Nguyễn Thu Hà chăm chút chi tiết tạo một cảm giác “thật nhất có thể” cho khán giả khi vào để chuẩn bị tâm thế theo dõi diễn biến chuyện phim.

rELcRLo2.jpgPhóng to
Vợ chồng Văn Minh và bà cố Hồng

Còn nguyên giá trị thời sự

Nữ đạo diễn Nhuệ Giang thẳng thắn thừa nhận chị đã bị áp lực khá lớn khi làm phim Trò đời, vì đọc đi đọc lại tác phẩm Vũ Trọng Phụng càng thấy ông có tầm vóc quá lớn, tính dự báo trong tác phẩm của ông rất cao và dù ông mất đã hơn 70 năm thì những Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây và Cơm thầy cơm cô... vẫn còn nguyên giá trị. Nạn nghiện hút, cô đầu, mại dâm vẫn đang là những tệ nạn xã hội nhức nhối và những kẻ lưu manh gặp thời như Xuân tóc đỏ vẫn đang tiếp tục đắc thế.

Biên kịch và đạo diễn đã khá táo bạo khi chọn đường dây chính, bên cạnh Xuân tóc đỏ còn có Đũi - Mộng Đài, cô thôn nữ con nhà gia giáo sa cơ, bị me Kiểm lừa bán cho Tây đen, trở thành một con sen láu cá, một đào rượu gợi tình tinh quái và hoàn lương nhờ tấm chân tình chất phác thủy chung của một anh trai làng. Chọn hai diễn viên rất trẻ vào hai vai chính: Việt Bắc (Xuân tóc đỏ) và Bảo Thanh (Đũi - Mộng Đài), đạo diễn quyết từ chối các khuôn mặt đã bị “mài nhẵn” hằng đêm trên truyền hình để đặt hi vọng vào hai gương mặt hoàn toàn mới mẻ.

Qua sự xuất hiện của họ trong những tập đầu, có thể thấy Xuân tóc đỏ của Việt Bắc còn khá non nớt bên cạnh bà Phó Đoan rất đáo để, ngọt ngào quyền biến của NSƯT Minh Hằng, trong khi Đũi của Bảo Thanh lại tỏ ra “một mười một chín” với ông họa sĩ trai lơ của Quang Thắng; Tuyết của Mai Chi, Hoàng Hôn của Hoàng Yến cũng tỏ ra khá “ăn hình”. Tuy nhiên, nhà báo Phan Vũ - hiện thân của Vũ Trọng Phụng - xuất hiện trong phim với tư cách một trí thức đóng vai trò cảnh tỉnh, một đối trọng của cái đẹp và cái thiện bên cạnh cái nhố nhăng, ô trọc lại tỏ ra... đuối. Phải chăng đó cũng là dụng ý của các tác giả khi mà cái nhố nhăng ô trọc có vẻ vẫn đang lấn át lòng tốt hơi sách vở và yếm thế của những người như nhà báo Phan Vũ thuở nào.

55 tập phim sẽ phát sóng vào 20g30 tối thứ năm và thứ sáu hằng tuần trên VTV1. Một phiên bản nữa của Vũ Trọng Phụng vừa được nữ đạo diện Nhuệ Giang “làm mới” trên màn ảnh.

aqYNLB3X.jpgPhóng to
Một chiếu cô đầu

Từ khóa » Trò đời Wiki