Có được Tố Cáo Nặc Danh Không? Tố Cáo Nặc Danh Có được Xử Lý ...

Có được tố cáo nặc danh không? Tố cáo nặc danh có được tiếp nhận và xử lý không? Luật tố cáo 2018 quy định thế nào về hành vi tố cáo nặc danh?

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi được biết người dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước. Vậy khi tố cáo tôi có cần cung cấp thông tin cá nhân của mình không? Tôi có được quyền tố cáo nặc danh không? Liệu cơ quan có thẩm quyền có tiếp nhận và xử lý đơn tố cáo nặc danh của tôi không?

Luật sư tư vấn:

Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:

Một số vấn đề pháp lý liên quan

Dưới đây là một số quy định pháp luật liên quan đến việc tố cáo và tố cáo nặc danh Lawkey đưa đến cho bạn đọc.

Tố cáo là gì?

Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo định nghĩa Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Xem thêm: Tố cáo là gì? Khái niệm và nguyên tắc giải quyết tố cáo theo quy định hiện nay

Hình thức tố cáo

Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tố cáo nặc danh là gì?

Pháp luật hiện nay không quy định khái niệm tố cáo nặc danh, tuy nhiên, có thể hiểu tố cáo nặc danh là việc tố cáo không xác định được người tố cáo. Việc tố cáo nặc danh có thể bao gồm: Đơn không có tên người tố cáo, Đơn có tên nhưng tên giả, không có thật; Đơn mang tên người khác (mạo danh),…

Hay có thể hiểu tố cáo nặc danh là việc không xác định được thông tin cá nhân của người tố cáo.

Luật tố cáo quy định những thông tin phải cung cấp khi tố cáo gồm gì?

Có 2 hình thức tố cáo gồm tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, cụ thể:

Đối với hình thức tố cáo bằng đơn

Khoản 1 Điều 23 Luật tố cáo quy định Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.

Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

Lưu ý, Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

Đối với hình thức tố cáo trực tiếp

Khoản 2 Điều 23 Luật tố cáo quy định Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như quy định với hình thức tố cáo bằng đơn.

Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

Như vậy, việc tố cáo nặc danh chỉ có thể được thực hiện bằng hình thức tố cáo quy đơn. Nguyên nhân của việc tố cáo nặc danh qua đơn có thể do người tố cáo lo sợ việc mình có thể bị trả thù nên buộc phải giấu tên.

Vậy pháp luật hiện nay có cho phép người dân được tố cáo nặc danh không?

Theo quy định tại Điều 25 Luật tố cáo thì pháp luật hiện nay có cho phép người dân được tố cáo nặc danh, tuy nhiên phải có nội dung về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo nặc danh.

Cụ thể, Điều 25 Luật tố cáo 2018 quy định như sau:

– Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

– Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo nêu trên có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Tại sao pháp luật lại quy định việc tố cáo nặc danh phải cung cấp tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật?

Điều 23 Luật tố cáo quy định Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì không quy định phải gửi kèm tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo mà chỉ quy định phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.

Tuy nhiên, Điều 25 Luật tố cáo quy định cụ thể đối với trường hợp tố cáo nặc danh là hoàn toàn hợp lý. Bởi, hiện nay, nhiều người dân lợi dụng việc tố cáo để trả thù cũng như vì lý do cá nhân mà làm ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức không vi phạm pháp luật. Đối với việc tố cáo bằng đơn, khi người tố cáo cung cấp thông tin cá nhân mà không cung cấp tài liệu, chứng cứ thì người giải quyết tố cáo vẫn có thể đối chất và kiểm tra trực tiếp với người tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật.

Thế nhưng, đối với việc tố cáo nặc danh, người tố cáo không cung cấp thông tin cá nhân cũng như tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc tố cáo sai, tố cáo tràn lan không chỉ ảnh hưởng đến người bị tố cáo mà còn ảnh hưởng đến người giải quyết tố cáo, gây mất thời gian và công sức của người giải quyết tố cáo.

Điểm c Khoản 2 Điều 9 Luật tố cáo đã quy định rõ nghĩa vụ của người tố cáo là chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo. Còn đối với trường hợp tố cáo nặc danh, người giải quyết tố cáo khi đã xác định người bị tố cáo không vi phạm pháp luật cũng không thể xác định được người tố cáo cũng như có biện pháp xử lý đối với hành vi tố cáo sai sự thật này. Do đó, cần thiết phải cung cấp tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật kèm với đơn tố cáo nặc danh để người giải quyết tố cáo có cơ sở xác minh, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật đó.

Đối chiếu với tình huống của anh/chị

Pháp luật tố cáo hiện nay đã mở rộng và cho phép người dân tố cáo nặc danh, tuy nhiên cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo chỉ thanh tra, kiểm tra và xử lý đơn tố cáo nặc danh khi thông tin tố cáo có  nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh. 

Như vậy, anh/chị cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu, chứng cứ và nắm rõ hành vi vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo. Từ đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo sẽ căn cứ vào nội dung anh/chị cung cấp và thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý.

Trên đây là nội dung Có được tố cáo nặc danh không? Tố cáo nặc danh có được xử lý không? Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo theo Luật tố cáo 2018

Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo theo Luật tố cáo 2018

Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo theo Luật tố cáo

Từ khóa » Các đơn Tố Cáo Nặc Danh