Đơn Tố Cáo Nặc Danh Có được Tiếp Nhận? - VnExpress

- Theo quy định của Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 về tiếp nhận tố cáo: Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

- Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018 về tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo quy định như sau:

"1. Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật này thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật này.

2. Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo quy định tại khoản 1 Điều này có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý."

Như vậy, theo các quy định trên thì đơn tố cáo được tiếp nhận trong trường trong đơn tố cáo có đầy đủ nội dung quy định tại Điều 23 Luật tố cáo năm 2018 - trong đó có nội dung họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo.

Nếu trong trường hợp không muốn để thông tin của người tố cáo thì trong đơn tố cáo phải có nội dung về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì đơn tố cáo mới được tiếp nhận và xử lý.

- Vì bạn không nêu rõ là bạn tố cáo hành vi vi phạm của những đối tượng nào nên việc xác định thẩm quyền của cơ quan tiếp nhận tố cáo sẽ căn cứ khoản 3 Điều 23 về tiếp nhận tố cáo và Điều 12 về nguyên tắc xác định thẩm quyền để xác định cơ quan tiếp nhận tố cáo. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.

- Theo quy định tại Điều 25, trường hợp trong đơn tố cáo không ghi rõ thông tin của người tố cáo thì khi gửi đơn bạn phải gửi kèm theo các tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo.

Luật sư Phạm Thanh BìnhCông ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.

  • Đã tố cáo hàng xóm, có được rút đơn không?
  • Khi nào tố cáo sai sự thật bị quy tội Vu khống?
  • Cách đối phó khi bị 'khủng bố' qua điện thoại?
  • Khiếu nại khác tố cáo thế nào?

Từ khóa » Các đơn Tố Cáo Nặc Danh