Có Hai Thẻ BHYT được Thanh Toán Chi Phí KCB Thế Nào? - LuatVietnam

Mỗi người dân được cấp mấy thẻ BHYT?

Khoản 2 Điều 16 Luật BHYT 2008 nêu rõ:

2. Mỗi người chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế.

Theo đó, mỗi người dân chỉ được cấp 01 thẻ BHYT. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra trường hợp một người có đến hai thẻ BHYT.

Nguyên nhân của tình trạng này là bởi một thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nên dễ dẫn đến trường hợp đã tham gia theo đối tượng này lại đóng thêm theo nhóm đối tượng khác.

Ví dụ, người dân đã tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình, hoặc các đối tượng chế độ khác nhưng sau đó đi làm, họ lại đóng BHYT tại doanh nghiệp nên sẽ có 02 thẻ BHYT cùng lúc.

Có hai thẻ BHYT cùng lúc, được thanh toán chi phí thế nào?

Khoản 2 Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi 2014 đã quy định về mức hưởng BHYT của người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT như sau:

2. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Theo đó, nếu có hai thẻ BHYT, người bệnh sẽ được thanh toán theo đối tượng có mức hưởng BHYT cao nhất.

Hiện nay, mức hưởng BHYT với các đối tượng được ghi nhận tại Điều này như sau:

Khám chữa bệnh đúng tuyến:

- 100% chi phí khám chữa bệnh: Bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở…

- 95% chi phí khám chữa bệnh: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…

- 80% chi phí khám chữa bệnh: Đối tượng khác.

Khám chữa bệnh trái tuyến:

Được thanh toán theo mức hưởng đúng tuyến với tỷ lệ:

- Bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;

- Bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước;- Bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám chữa bệnh. truong hop co hai the bao hiem y te

Trường hợp có hai thẻ Bảo hiểm y tế được thanh toán thế nào? (Ảnh minh họa)

Có được sử dụng cùng lúc hai thẻ BHYT?

Như đã phân tích, mỗi người chỉ được cấp 01 thẻ BHYT. Với đối tượng thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT, khoản 2 Điều 13 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi 2014 đã hướng dẫn cụ thể về việc đóng BHYT như sau:

Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.

Theo quy định này, người dân tham gia BHYT theo thứ tự nhóm:

1 - Do người lao động và người sử dụng lao động đóng;

2 - Do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng;

3 - Do ngân sách nhà nước đóng;

4 - Được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng;

5 - Tham gia theo hộ gia đình.

Mặt khác, tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật này, trường hợp cấp trùng thẻ BHYT sẽ bị thu hồi.

Do đó, người tham gia BHYT sẽ không được sử dụng hai thẻ cùng lúc. Nếu có hai thẻ BHYT, người dân cần đem trả lại thẻ BHYT do đóng trùng, đồng thời làm thủ tục chuyển đổi mức hưởng BHYT để được ghi nhận mức hưởng cao nhất trên thẻ. Khi trả lại thẻ do đóng trùng, người tham gia BHYT còn có thể được hoàn lại tiền BHYT đã đóng.

Cụ thể theo Điều 20 Quyết định 595/BHXH, người tham gia BHYT nếu thuộc các đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoặc tham gia theo BHYT hộ gia đình sẽ được hoàn trả tiền đóng BHYT nếu:

- Người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó;

- Được ngân sách Nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT;

- Bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng.

Như vậy, nếu người tham gia BHYT theo nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoặc hộ gia đình khi tham gia theo nhóm mới sẽ được hoàn trả tiền đóng BHYT tương ứng với số mức đóng và thời gian đã đóng nhưng chưa sử dụng.

Xem thêm: Đóng trùng BHYT có được nhận lại tiền không?

Trên đây là giải đáp thắc mắc về trường hợp có hai thẻ Bảo hiểm y tế được thanh toán thế nào? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.>> Mất thẻ BHYT, làm sao để được thanh toán tiền KCB? 

>> Thẻ bảo hiểm y tế: 12 thông tin cần biết khi sử dụng

Từ khóa » Hai Thẻ Bảo Hiểm Y Tế