Cơ Hội Nào để Thị Trường Bất động Sản Hải Phòng Phát Triển đột Phá?

  1. Bất động sản

Giá bất động sản Hải Phòng tăng nóng nhưng vẫn thua Quảng Ninh, Hà Nội

Tại Hội thảo “Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản" diễn ra sáng 23/4, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 nổi lên một số khu vực như Đông Nam Bộ; Tây Nguyên có tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắk; Duyên Hải Bắc Bộ có TP. Hải Phòng…

Trong đó, bất động sản Hải Phòng với vai trò là bệ đỡ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư nên vẫn luôn là thị trường vô cùng tiềm năng. TP. Hải Phòng có đủ các điều kiện để trở thành một thị trường bất động sản sôi động, phát triển lành mạnh, tuy nhiên, sự phát triển hiện tại của thị trường bất động sản Hải Phòng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của thành phố.

Theo ông Đính, thị trường bất động sản Hải Phòng đang được hưởng lợi nhờ có vị trí kết nối giao thương đặc biệt, là một trong ba vị trí tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là tam giác kinh tế sôi động nhất cả nước. Hải Phòng cũng là đầu mối giao thông trọng điểm với đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không…

Cụ thể, năm 2021 là năm bùng nổ về chung cư tại thị trường Hải Phòng với sự xuất hiện của một loạt chung cư cao tầng được mở bán. Đơn cử như siêu dự án chung cư cao cấp Hoàng Huy Commer, Hoàng Huy Grand Tower, Hoàng Huy Đổng Quốc Bình, Hoàng Huy New Pruksa Town, The Minato Residence, BRG Legend.

Tuy nhiên, bước sang quý đầu năm nay, nguồn cung dòng sản phẩm này không còn nhiều, tổng lượng nhà ở quý I/2022 được chào bán trên thị trường (bao gồm cả chung cư và thấp tầng) chỉ đạt xấp xỉ 2.800 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt hơn 30% mỗi đợt chào bán.

Bên cạnh đó, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đang phát triển tại Cát Bà, Đồ Sơn nhưng chưa có nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư.

“Năm 2021, bất động sản Hải Phòng tăng nóng nhưng mức giá vẫn thua Quảng Ninh, Hà Nội. Thị trường sôi động nhưng chưa tương xứng với tiềm năng”, ông Đính nhận định.

Ông Nguyễn Văn Đính cũng chỉ ra một số điểm hạn chế của thị trường bất động sản Hải Phòng như: Hệ thống hạ tầng chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Một số phân khúc bất động sản chưa được quan tâm, thiếu các phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đặc biệt nhà ở cho thuê…

“Do đó, rất cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, giảm thiểu các thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn nhằm ổn định giá bán, đồng thời doanh nghiệp bất động sản cũng yên tâm hơn khi đầu tư vào đây.

Bên cạnh đó, thành phố cần công khai toàn bộ các thông tin quy hoạch và công bố rộng rãi cho người dân. Mọi thay đổi về thông tin quy hoạch cần được cập nhật nhanh chóng nhất có thể, giúp thị trường minh bạch, giảm thiểu tình trạng sốt đất ảo vì có thể gây ra nhiều hệ lụy; ưu tiên quỹ đất cho nhà ở xã hội và cần có chính sách thu hút mạnh hơn với sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng”, ông Đính nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Tập đoàn Cen Group cho biết, Hải Phòng trong 5 năm vừa qua thực sự bùng nổ tại thị trường Duyên hải, là một trong số ít những thị trường tạo được đột phá. Mặc dù hơi muộn nhưng Hải Phòng đã thức dậy và bùng nổ rất lớn mạnh, nhiều dự án bất động sản được triển khai theo hướng cân đối về công nghiệp, dịch vụ nghỉ dưỡng và nhà ở.

Tuy nhiên, việc quy hoạch của Hải Phòng mặc dù đã được công bố và có sự điều chỉnh nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là sự chồng chéo giữa các luật. Trong đó có Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư khiến cho tiến độ triển khai các dự án tại Hải Phòng gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, do sự phát triển của Hải Phòng trong thời gian vừa qua thiên về phát triển công nghiệp và dịch vụ nên dân số có sự thay đổi, phần lớn người dân đến Hải Phòng làm việc là lực lượng lao động nên nhu cầu về bất động sản nhà ở sẽ đi theo hướng nhà ở xã hội.

Cũng theo ông Hưng, tại Hải Phòng các loại hình bất động sản cao cấp như bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở hạng sang còn khá ít và chưa đạt tới tầm như Quảng Ninh, trong khi, phân khúc này tạo ra giá trị rất lớn cho ngành bất động sản.

Ông Đỗ Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO) cũng chia sẻ: “Bản thân doanh nghiệp chúng tôi rất quan tâm tới thời gian phát triển dự án và làm sao để các thủ tục pháp lý triển khai dự án, quy hoạch được hoàn thiện nhanh chóng. Trước đây, các doanh nghiệp phải mất tới 3 - 5 năm mới hoàn thiện các thủ tục cho dự án của mình.

Trên cương vị là một đơn vị phát triển bất động sản, SUDICO đánh giá cao những tiềm năng mà Hải Phòng đã và đang sở hữu. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, Hải Phòng sẽ sớm khắc phục được những khó khăn, tồn đọng, đồng thời phát huy được thế và lực sẵn có của mình để giúp thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều nhà đầu tư”.

Gỡ khó quy hoạch

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho hay, trước những tiềm năng và cơ hội đang rộng mở, Hải Phòng cần cải thiện các vấn đề về quy hoạch, thủ tục pháp lý… để thu hút nhà đầu tư lớn. Đại diện địa phương, ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng cho biết, trong quy hoạch xây dựng đô thị hiện nay, do nhiều lý do khách quan nên quy hoạch Hải Phòng chưa được phê duyệt.

“Chúng tôi đang cố gắng tham mưu cho thành phố để hoàn thiện hồ sơ tốt nhất theo yêu cầu của Chính phủ”, ông Hưng nói.

Đối với quy hoạch đô thị và các dự án bất động sản, tất cả các dự án không vướng mắc về quy hoạch, Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai, ưu tiên các dự án cải tạo môi trường cảnh quan. Đối với các dự án cải tạo chung cư cũ, Hải Phòng sẽ cố gắng để hơn 5.600 hộ dân sống trong các khu chung cư cũ, nguy hiểm sớm có nhà ở mới với môi trường sống tốt hơn.

Ngoài ra, các dự án phát triển du lịch trọng điểm như Cát Bà, Đồ Sơn có chất lượng cao, giá trị tốt và thay đổi bộ mặt Đồ Sơn sẽ được Hải Phòng chú trọng.

“Hải Phòng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ kết quả thẩm định đồ án quy hoạch chung thành phố để Hải Phòng sớm có một đồ án chỉ đạo cho sự phát triển”, ông Hưng kiến nghị.

Ở góc nhìn chuyên gia, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng, lợi thế phát triển của Hải Phòng còn rất lớn và sẽ tạo yếu tố để thu hút đầu tư.

Theo ông Cường, Hải Phòng có thuận lợi rất lớn khi Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho bốn tỉnh, thành, trong đó có TP. Hải Phòng. Nghị quyết trao nhiều cơ chế đặc thù cho thành phố, trong đó cho phép được quyền tự quyết định trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất với những dự án dưới 500ha; được tự quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

“Như vậy, khi đầu tư phát triển công trình, thành phố không phải xin ai cả mà tự mình quyết định. Đây là điều kiện vô cùng tốt để Hải Phòng biến tiềm năng, lợi thế thành hiện thực”, ông Cường cho hay.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng lưu ý, trao quyền tự quyết đi kèm trách nhiệm cũng rất cao. Một số địa phương được trao cơ chế đặc thù nhưng vẫn còn e ngại vì lo sợ trách nhiệm.

“Vấn đề là chúng ta có dám chịu trách nhiệm không, có dám tự mình tháo gỡ nút thắt cho mình không?”, ông Cường đặt vấn đề. Nhấn mạnh là hiếm có tỉnh nào ở khu vực phía Bắc lại có đầy đủ lợi thế như Hải Phòng, theo ông Hoàng Văn Cường, bài toán đặt ra với thành phố là: Hải Phòng lựa chọn phát triển cho lợi ích trước mắt hay cho sự phát triển lâu dài trong 30 năm, 50 năm tới?

Với lợi thế đặc biệt lớn về cảng biển, theo ông Cường, Hải Phòng nên tập trung phát triển các trung tâm logistic, hệ thống hạ tầng và điều này không chỉ dành riêng cho thành phố mà còn cho cả khu vực phía Bắc.

“Khi ưu tiên phát triển lâu dài thì giá trị bất động sản sau này sẽ tăng lên. Nếu đầu tư mà không nghĩ đến các hạ tầng cho 30 năm sau sẽ không có sự phát triển lâu dài. Do vậy, thành phố nên cân nhắc giữa cái trước mắt và tương lai lâu dài, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực tạo ra tiềm năng phát triển”, ông Cường lưu ý.

Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, Hải Phòng cần có cơ chế đủ mạnh để thu hút nguồn lực. Nếu chờ vào ngân sách sẽ vô cùng khó, vì thế phải huy động được nguồn lực từ tư nhân.

Ông Cường cũng đồng tình với việc công khai quy hoạch, bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo ra sự phát triển lành mạnh, bền vững trong tương lai của thị trường bất động sản Hải Phòng.

Nhu cầu bất động sản phục vụ thương mại điện tử, logistics tăng cao
Triển khai dự án thí điểm nhà ở thương mại trên toàn quốc với 4 trường hợp
Cần dành quỹ đất để phát triển logistics và kho bãi
Ưu tiên giải quyết đối với dự án thí điểm để thực hiện dự án nhà ở thương mại
Dự kiến khởi công cầu Tứ Liên vào quý III/2025
VPBank độc quyền tài trợ Hanoi Melody Residences, khách hàng an tâm mua nhà
Nhu cầu bất động sản phục vụ thương mại điện tử, logistics tăng cao
Tăng cường đôn đốc thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu liên quan đến đất đai
Quy trình áp dụng  ISO 15189 để nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm
Kim Long Motor với tầm nhìn trở thành nhà sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô hàng đầu Việt Nam
Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Hoàn thiện quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế
Thúc đẩy chuyển đổi số để đồng hành cùng người nộp thuế
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm
Hoàn thiện chính sách dự trữ quốc gia trong tình hình mới
Tạo chuyển biến về nhận thức cho cán bộ, đảng viên qua mô hình "dân vận khéo"
Gian nan bài toán xử lý chợ tự phát ở Hà Nội
Chiến lược tiếp thị thông minh của các ứng dụng Trung Quốc
Giấc mơ 100.000 USD xa dần với Bitcoin

Từ khóa » Thị Trường Nhà đất Hải Phòng 2021