Cơ Hội “xuất Ngoại” Qua Hệ Thống Bán Lẻ

Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, Thái Lan luôn giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 18,726 tỷ USD. Hiện tại, Thái Lan xếp ở vị trí thứ 9 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lũy kế tính đến hết tháng 2/2022 đạt gần 13,029 tỷ USD. Đã có nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu thành công sang thị trường Thái Lan như Bibica, Đại Việt, Hải Bình, Trung Nguyên, Vinamit, Chinsufoods… Điều này cho thấy thị trường Thái Lan không quá “khó tính” mà điều quan trọng là doanh nghiệp cần nắm bắt được đúng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Thái để có thể xuất khẩu qua Thái Lan thông qua hệ thống siêu thị như GO!, Big C…

co hoi xuat ngoai qua he thong ban le
Ảnh minh họa

Quan tâm đến việc kết nối doanh nghiệp vào các chuỗi siêu thị ngoại, nhất là chuỗi siêu thị của Thái Lan để xuất hàng vào nước này, ông Tô Huỳnh, thành viên lãnh đạo Công ty TNHH Rau hữu cơ Surifarm (chuyên sản xuất các loại thực phẩm khô từ rau, củ, quả hữu cơ), cho biết các dòng sản phẩm thực phẩm khô như mì, rau củ mà công ty đang chế biến có thể phù hợp với nhu cầu thường xuyên của người tiêu dùng trong khu vực. Công ty đang rất quan tâm đến việc kết nối với các chuỗi siêu thị ngoại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới nhất là với chuỗi siêu thị GO! thông qua Tập đoàn Central Retail nhằm xuất qua thị trường Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Tuy nhiên, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, công ty của ông Huỳnh vấp phải những khó khăn và thách thức khi đưa sản phẩm vào siêu thị ngoại. Đơn cử như chi phí logistics hiện nay quá cao cũng khiến cho các doanh nghiệp nhỏ lo ngại… Thời gian qua, để tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam vào Thái Lan, đặc biệt là nông sản, Bộ Công thương đã đề nghị phía Thái Lan đẩy nhanh thủ tục cấp phép nhập khẩu cho 5 loại quả tươi của Việt Nam, gồm mãng cầu (na), bưởi, chôm chôm, chanh dây, vú sữa.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại khu vực miền Trung và miền Nam của Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, Thái Lan là một thị trường tiềm năng về xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về chất lượng, giá cả, mẫu mã, phương thức kết nối… để có thể cạnh tranh với các nước khác cùng khu vực.

“Xu hướng tiêu dùng tại Thái Lan cũng có một số thay đổi sau những gì xảy ra trong 2 năm qua vì đại dịch Covid-19 như mua sắm qua hình thức trực tuyến ngày càng phát triển; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý; áp dụng công nghệ là yếu tố bắt buộc để nâng cao và tối ưu hóa chi phí, đồng thời quản lý chuỗi cung ứng; các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thể hiện sự quan tâm đến môi trường và sản phẩm địa phương đang là xu thế và phát triển trên tất cả các phân khúc khách hàng…”, bà Hiền lưu ý các doanh nghiệp.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu vào các chuỗi siêu thị ngoại, các cơ quan xúc tiến thương mại phải thường xuyên tổ chức kết nối với những nhà bán lẻ trong khu vực và trên thế giới.

Là đơn vị kết nối doanh nghiệp, ông Trần Phú Lữ cho rằng doanh nghiệp Việt cần quan tâm đến lợi thế của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài bởi vì họ có hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại liên tục được đầu tư mở rộng khắp nơi. Đây là một kênh "xuất ngoại" hiệu quả, bền vững. Chính nhờ vào việc kết nối với bộ phận thu mua của các nhà bán lẻ ngoại sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu được nhu cầu thị trường, nắm bắt tốt hơn thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế, cũng như cách quản lý chất lượng tiên tiến nhằm bảo đảm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhất là có thông tin để định vị lại sức hút của sản phẩm nhằm có kế hoạch phát triển tốt hơn trong tương lai.

“Để đẩy mạnh xuất khẩu qua nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chuyên nghiệp, tận dụng mọi cơ hội để đưa hàng vào hệ thống siêu thị ngoại”, ông Lữ khuyến cáo.

Từ khóa » Hệ Thống Bán Lẻ