Cỏ Lào: Loài Cây Thân Thuộc Dùng để Chữa Tiêu Chảy, Kiết Lỵ

Nội dung bài viết

  • 1. Tổng quan về cây Cỏ lào
  • 2. Tác dụng dược lý của cây Cỏ lào
  • 3. Công dụng của cây Cỏ lào
  • 4. Bài thuốc có chứa Cỏ lào
  • 5. Lưu ý

Cây Cỏ lào có tên khoa học là Eupatorium odoratum L. Thuộc Họ Cúc (Asteraceae). Cây còn có tên gọi khác là Cây bớp bớp, Bù xích, Yên bạch, Cây Cộng sản. Cây được dùng trong dân gian để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, đau nhức xương, ghẻ lở, phòng và trị đĩa cắn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về loài cây này. 

1. Tổng quan về cây Cỏ lào

1.1. Mô tả dược liệu

Cỏ lào là cây nhỏ, có chiều cao trung bình từ 1 – 2m. Cây mọc thành bụi, phân nhiều cành nằm ngang. Thân tròn, màu rất nhạt, có rãnh và lông nhỏ mịn.

Lá mọc đối, hình gần tam giác, dài 6 – 9cm, rộng 2 – 4cm, gốc thuôn vát, đầu nhọn, mép có răng cưa to. Hai mặt lá cùng màu có lông mịn, dày hơn ở mặt dưới, gân chính 3; cuống lá dài 1 – 2cm.

Cụm hoa mọc ở đầu cành thành ngũ kép, gồm nhiều hoa có mùi thơm, tụ hợp thành hình đầu dài khoảng 1cm, màu vàng lục. Lá bấc xếp thành 3 – 4 hàng, hơi có lông, mào lông có sợi đều; tràng hoa loe dần từ gốc, bao phấn không có tai.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Qủa bế, hình thoi, có 5 cạnh, có lông.

Mùa hoa quả: tháng 1 – 3.

Chú ý: Cỏ lào khi là cây con rất giống với cây hy thiêm.

Cây cỏ lào
Cỏ lào là cây nhỏ thường mọc thành bụi

>> Để phân biệt Cỏ lào và Hy thiêm, thao khảo thêm thông tin về Hy thiêm: Người bệnh phong thấp cần biết

1.2. Phân bố, sinh thái Cỏ lào

Chi Eupatorium L. là chi lớn trong họ Asteraceae, có khoảng 400 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Ở Việt Nam, chi này có khoảng 10 loài, trong đó có lẽ Cỏ lào là loài quen thuộc nhất.

Cây thường được gặp ở vùng đồng bằng, trung du và vùng núi thấp. Cây ưa sáng, chịu được hạn và có thể sống được trên mọi loại đất.

1.3. Bộ phận dùng

Cây thường dùng lá và rễ, thu hái quanh năm, dùng tươi.

1.4. Hoạt chất từ Cỏ lào

Trong Cỏ lào có chứa nhiều chất như tinh dầu, tanin, flavonoid, coumarin, alkaloid.

2. Tác dụng dược lý của cây Cỏ lào

Cao chiết với cồn của cả cây cỏ lào trừ rễ có tác dụng chống co thắt cơ trơn gây bởi histamin và acetylcholin trên hồi tràng cô lập chuột lang. Đã có nghiên cứu xác minh tác dụng cầm máu và làm liền sẹo của loại dược liệu này.

Cây cỏ lào
Cây có tác dụng cầm máu và làm liền sẹo

Nghiên cứu cho thấy Cỏ lào còn có những tác dụng sau:

  • Làm giảm tiết dịch, giảm mùi hôi nhanh hơn hẳn nhóm đối chứng; tuy nhiên khi dùng tại chỗ trong 3 – 5 phút đầu, thuốc gây cảm giác nóng xót tại vết thương ở mức độ chịu đựng được.
  • Làm rút ngắn thời gian điều trị vết thương do đẩy nhanh quá trình loại bỏ hoại tử, tân tạo mô hạt và liền sẹo. Sẹo hình thành mềm, mịn, không thấy có sẹo co kéo, sẹo lồi. Màu sắc sẹo hồng hoặc nâu nhạt, không thấy sẹo bạc màu.
  • Ức chế sự sinh trưởng in vitro và in vivo của các chủng vi khuẩn gây nhiễm khuẩn vết thương như tụ cầu khuẩn vàng, coli, Proteus, trực khuẩn mủ xanh. Những chủng này được phân lập từ các bệnh phẩm lâm sàng đều kháng với các loại kháng sinh thông dụng.
  • Những nghiên cứu về nồng độ hydroxyprolin và về hình ảnh siêu cấu trúc cho thấy tại các vết thương điều trị với Cỏ lào, quá trình tổng hợp collagen tiến triển tốt, tốc độ tổng hợp collagen tăng nhanh, đặc biệt tăng cao nhất trong 7 ngày đầu.

3. Công dụng của cây Cỏ lào

Cỏ lào có vị hơi đắng, tính ấm, mùi thơm, có tác dụng sát trùng, cầm máu.

Cây được dùng để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, đau nhức xương, ghẻ lở, phòng và trị đĩa cắn. Một chế phẩm từ cao lá được dùng chữa một số bệnh về răng miệng. Cỏ lào còn được dùng chữa bỏng và vết thương phần mềm.

4. Bài thuốc có chứa Cỏ lào

4.1. Phòng đỉa cắn

Giã lá cỏ lào xoa khắp chân đùi trước khi lội xuống nước.

4.2. Chữa đỉa cắn

Vỏ lá cỏ lào xát vào chỗ đỉa cắn, máu sẽ cầm ngay.

4.3. Chữa xương đau nhức

Dùng 8g tươi, 12 g Dây đau xương. Sao vàng, sắc lấy nước uống trong ngày.

4.4. Điều trị bệnh tiêu chảy và lỵ trực trùng

Dùng 12g Cỏ lào sắc lấy nước, pha thêm đường, chia thành 3 lần uống trong ngày.

Cây Cỏ lào
Cỏ lào được dùng để chữa tiêu chảy, kiết lỵ

4.5. Điều trị viêm loét dạ dày

Dùng 20g cỏ Lào, 30g Lá khôi, 20g Dạ cẩm, 5g Tam thất nam. Sắc lấy nước uống hàng ngày.

4.6. Trị tiêu chảy, viêm nhiễm đường ruột

Dùng 150g lá Cỏ lào tươi (lá khô 50 g), hãm nước sôi dùng uống hàng ngày.

4.7. Điều trị viêm đại tràng

Dùng 20g dược liệu, Bạch truật 25 g, Khổ sâm 10 g. Tất cả sắc lấy nước uống hàng ngày.

4.8. Hỗ trợ điều trị bong gân

Dùng 1 nắm dược liệu, giã nát, bó vào chỗ bị bong gân.

4.9. Hỗ trợ cải thiện các vết thương ở phần mềm, bầm tím tụ máu do tai nạn

Dùng 1 nắm lá dược liệu giã nát, đắp vào vết thương. Mỗi ngày nên áp dụng phương pháp một lần, duy trì khoảng 3 – 4 ngày. Bài thuốc có tác dụng giảm đau, cầm máu, chống sưng, hạn chế viêm, mủ và giúp vết thương lành lại nhanh chóng.

4.10. Điều trị táo bón

Dùng 3 – 5 ngọn cây, rửa sạch, nhai kỹ với một ít muối, nuốt cả nước lẫn bã có thể điều trị hiệu quả chứng táo bón.

5. Lưu ý

  • Cỏ Lào là loại cây có độc, dùng quá liều có thể bị trúng độc với những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin về cây Cỏ lào. Vị thuốc này vốn được sử dụng phổ biến để cầm máu và điều trị các bệnh lý về dạ dày. Tuy nhiên, dược liệu này có độc tính nhẹ. Quý độc giả trước khi dùng nên tham khảo ý kiến chuyên gia về thời gian và liều lượng để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Từ khóa » Cây Hoa Cộng Sản