Cỏ Lào – Loài Cỏ Hoang Dại đa Tác Dụng - Nông Nghiệp Thuận Thiên

Cỏ lào hay còn gọi là bớp bớp, cây Cộng sản, cỏ Việt Minh, cỏ hôi,… có tên khoa học là Chromolaena odorata (L.). Là một loài thực vật nhiệt đới bản địa, thuộc họ Cúc, phổ biến ở Châu Á, Bắc Mỹ, và Tây Phi.

Tại Việt Nam, cây thường được tìm thấy ở các vùng núi, trung du và ở đồng bằng. Cây thích ứng tốt và phát triển mạnh vào mùa mưa.

Nội dung bài viết

  • 1. Đặc điểm sinh thái của cỏ Lào
  • 2. Ứng dụng của cỏ Lào

1. Đặc điểm sinh thái của cỏ Lào

Cỏ Lào là loài thân thảo, mọc thành bụi, thân có thể cao đến 2 mét hoặc hơn. Cành cây thường mọc ngang, được phủ một lớp lông mịn. Lá mọc đối, hình trái xoan, đầu lá nhọn, thân tù, có 3 gân chính, mép lá có răng cưa, cuống lá dài khoảng 1 – 2 cm.

Cụm hoa xếp thành gù kép, cụm hoa thường mọc ở ngọn cây. Hoa được bao chung bằng 4 – 5 lá bắc xếp thành 3 – 4 hàng. Hoa có màu anh đào hoặc màu tím nhạt, mỗi cụm có nhiều hoa đơn, cánh hoa dạng sợi. Quả bế hình thoi, có 5 cạnh, được bao phủ bởi một lớp lông mịn. Cây ra hoa vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân.

Cây cỏ lào hay còn gọi là cây cộng sản, bớp bớp, cỏ Việt Minh
Cây cỏ lào

Cỏ lào là loài thực vật ưa sáng, chịu đựng tốt trong điều kiện khí hậu hanh khô. Tuổi thọ của cây khoảng từ 1 – 2,5 năm. Đây là loài cỏ dại nằm trong diện quan trọng của thảm thực vật.

Cây mọc nhiều ở nơi đất hoang, hai bên đường hoặc ở những chân ruộng bỏ hoang cho tới các vùng đồi núi khắp nơi. Cỏ Lào mọc rất khỏe, phát triển nhanh trong mùa mưa. Cỏ có khả năng tái sinh rất mạnh, cho năng suất cao từ 20 – 30 tấn/ha. Có thể thu hái lá và toàn cây quanh năm.

2. Ứng dụng của cỏ Lào

2.1 Nguồn phân xanh cho nông nghiệp

Cỏ Lào là một loại cây mọc hoang dại nhưng lại rất hữu ích. Là thảm thực vật che phủ, cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với những vùng đất cằn, đồi núi. Toàn thân cây cỏ mềm và dễ phân hủy nên đây được xem là loại cây phân xanh lý tưởng.

Đặc biệt, thân cỏ Lào có chứa tới 2,65% đạm; 0,5% Phốt pho và 2,48% Kali. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, alcaloid, tannin.

Sử dụng cây cỏ lào để che phủ đất trồng không chỉ bổ sung lượng sinh khối hữu cơ cao, mà còn rất giàu dinh dưỡng cho đất trồng. Ngoài việc che phủ trực tiếp, có thể cắt cỏ để ủ thành phân hữu cơ. Theo kinh nghiệm của nông dân miền Trung, khi trồng khoai lang, đậu phộng, người ta thường vùi cây cỏ lào vào luống để làm phân bón và ngăn ngừa các loại sâu, hà (sùng) hại củ.

Cỏ lào, cỏ hôi là cây phân xanh lý tưởng
Cỏ lào là cây phân xanh lý tưởng

2.2 Thuốc bảo vệ thực vật

Trong nông nghiệp, loại cỏ này còn là một loại thuốc BVTV thảo mộc quan trọng. Đây là loại thuốc phòng trừ được nhiều loại nấm hại cây trồng và xua đuổi sâu hại rất hữu hiệu.

Có thể xay nhuyễn lá khô trộn vào các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng để bón vào đất. Giã nát một nắm lá tươi để lấy nước hoặc ngâm lá khô vào thùng nước đem phơi nắng một hai ngày hoặc là nấu một nắm lá đã phơi khô rồi lọc lấy nước cho vào bình để phun xịt cho cây trồng.

Dùng nước nấu từ lá tưới vào đất với một lượng vừa đủ sẽ diệt trừ được ấu trùng bọ nhẩy và tuyến trùng hại rễ cây trồng.

Cỏ Lào còn có khả năng dự báo thời tiết rất tốt, khi cây không ra hoa là dấu hiệu của thời tiết khô hạn kéo dài.

Ngoài là cây phân xanh giàu dinh dưỡng, Cỏ lào còn là một loại thuốc BVTV thảo mộc hữu hiệu
Cỏ lào còn là một loại thuốc BVTV thảo mộc hữu hiệu

2.3 Thuốc chữa bệnh trong Đông Y

Theo Đông Y, cỏ lào có vị hơi cay, tính ấm, có tác dụng sát trùng, cầm máu, chống viêm. Thông thường ta hay dùng lá tươi cầm máu vết thương, các vết cắn chảy máu không cầm. Cũng được dùng chữa bệnh lỵ cấp tính và bệnh ỉa chảy của trẻ em; chữa viêm đại tràng đau nhức xương, viêm răng lợi, chữa ghẻ, lở, nhọt độc.

Bên cạnh đó, chất dịch được lấy từ lá của cây cỏ Lào, có tác dụng ức chế vi khuẩn mạnh, thúc đẩy quá trình kích thích giảm sưng, liền mô vết thương, do đó có hiệu quả đối với việc trị bỏng.

Thân, lá cỏ lào được dùng làm thuốc
Thân, lá cỏ lào được dùng làm thuốc

Năm 1976 Viện y học Quân sự Việt Nam sau nhiều năm nghiên cứu đã công nhận hiệu quả kháng viêm, kháng khuẩn, chống nhiễm khuẩn vết thương của cây cỏ lào.

Lưu ý: Toàn cây cỏ lào có độc chất coumarin, nhất là ở lá và dạng tươi. Xát lá trên da có thể gây sưng tấy và phồng nước, nên xử lý rửa sạch, bôi thuốc mỡ acid boric. Ăn nhiều lá non bị đau đầu và nôn mửa thì xử lý rửa ruột, cho uống lòng trắng trứng và nước đường (theo sách Cây độc ở Việt Nam).

Thông tin thêm về tên gọi

Thông tin thêm về tên gọi “Cỏ Việt Minh, cây Cộng sản”: Cây có tên gọi này bởi loài cây này mọc và phân bố rất nhiều ở các tỉnh trung du miền núi nước ta, nơi mà bộ đội ta ngụy trang để thực hiện hình thức chiến tranh du kích. Cỏ lào còn là những tấm ngụy trang kín đáo cho bộ đội ta tấn công bí mật vào lòng địch. Và trong thời chiến được bộ đội ta dùng để băng bó, cầm máu vết thương.

Đọc tiếp:

Trồng xương rồng tai thỏ – Cách cải tạo đất khô cằn hiệu quả

Những loại cây phân xanh giàu dinh dưỡng thay thế cho phân vô cơ tổng hợp

Bạn muốn hiểu rõ hơn về cây trồng của mình để chăm sóc cây đúng. Bấm vào đây để xem chi tiết 👇

Từ khóa » Cây Hoa Cộng Sản