Cổ Mộ Của Người Công Giáo Nổi Tiếng Sài Gòn
Có thể bạn quan tâm
Sài Gòn có nhiều dấu tích văn hóa gắn với những danh nhân hoặc người nổi tiếng. Có không ít trong số đó là những người Công giáo. Chúng tôi đã “ngược thời gian” tìm về thân thế và sự nghiệp của họ, qua việc khảo cứu kiến trúc mộ phần những người xưa cũ.
*Mộ của vợ chồng “Đệ nhất hào phú Nam Kỳ” : Huyện Sĩ
Nhà mồ nằm phía sau Cung thánh của nhà thờ Huyện Sĩ. Vợ nằm bên phải, chồng bên trái. Trước mộ của mỗi người là bức tượng bán thân bằng thạch cao ghi rõ họ tên, năm sinh năm mất. Dưới tượng ông có tấm biển ghi: “Philippe Lê Phát Đạt (1841-1900)”, dưới tượng bà ghi: “Madame Philippe Lê Phát Đạt - Née Agnes Huỳnh Thị Tài (1845-1920)”. Tiếp theo là hai ngôi mộ nằm song song cách nhau một lối đi rộng khoảng 2m. Mỗi mộ là một hộp vuông bằng đá cẩm thạch trắng nguyên khối cao khoảng 1m, dài gần 3m, có trang trí hoa văn. Trên nắp mộ là tượng toàn thân của ông bà với kích thước bằng người thật trong tư thế nằm, đầu hướng về Cung thánh, bằng đá cẩm thạch nguyên khối : Ông Lê Phát Đạt (tức Huyện Sĩ) đầu đội khăn đóng, kê trên hai chiếc gối, mình mặc áo dài gấm, hai tay nắm trước ngực, chân đi giày. Tượng bà Huỳnh Thị Tài để đầu trần, cũng gối trên hai chiếc gối, mắt nhắm kín, mặc áo dài gấm, hai bàn tay đan vào nhau trước ngực, chân đi vớ và mang hài thêu…
Tượng ông Lê Phát Đạt tại nhà thờ Huyện Sĩ |
Chắc chắn, ai đã đứng trước hai pho tượng này đều phải bật thốt, xuýt xoa vì vẻ đẹp hầu như không chút tì vết của từng pho tượng, bởi dù nguyên liệu là đá nhưng nét chạm trổ lại hết sức tinh tế, mềm mại và rất sống động. Từ nét mặt đôn hậu như đang “an giấc ngàn thu” cho đến những đường nhăn của chiếc gối, của đôi vớ bà mang, đường lượn của đế giày, nếp gấp của áo, những sợi gân trên mu bàn tay… Thậm chí đến cả những vòng hoa văn hình tròn chữ Thọ in chìm trên áo dài gấm cũng được thể hiện một cách hết sức tỉ mỉ... Ông bà Huyện Sĩ đã hiến 1/7 tài sản của mình lúc đó để xây dựng ngôi nhà thờ sau này mang tên của chính mình. Đây là một công trình nghệ thuật rất đáng khâm phục bởi trình độ tay nghề chạm khắc đá của các nghệ nhân cách đây một thế kỷ đã đạt được đẳng cấp thượng thặng.
Tượng bà Huỳnh Thị Tài |
Ông Lê Phát Đạt (1841-1900) thuở nhỏ có tên là Sĩ, sinh tại Cầu Kho (Sài Gòn), trong một gia đình Công giáo. Ông được các giáo sĩ người Pháp đưa sang Pénang (Malaysia) du học. Do trùng tên với một người thầy là Sĩ nên đổi tên thành Lê Phát Đạt. Về nước, Lê Phát Đạt được Chính phủ Nam kỳ bổ dụng làm thông ngôn, rồi được đề bạt làm Ủy viên Hội đồng quản hạt Nam kỳ (năm 1880)... Ông trở nên giàu có vào hạng bậc nhất Nam Kỳ, được dân gian truyền tụng câu “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”.
*Hai pho tượng cảm động về nghĩa vợ chồng
Bên trong nhà thờ Hạnh Thông Tây có hai ngôi mộ của một đôi vợ chồng, trước mỗi mộ bia đều có tạc một pho tượng với tư thế hết sức độc đáo, tuyệt đẹp và có lẽ là độc nhất vô nhị ở Việt Nam… Nhà thờ được xây từ năm 1921-1924, do vợ chồng ông Lê Phát An bỏ tiền ra thuê hai nhà thầu Baader và Lamorte. Vì thế sau khi hai ông bà qua đời, thi hài của họ được an táng trong nhà thờ như một cách ghi ơn. Hai ngôi mộ được thiết hai bên hông nhà thờ, gần Cung thánh. Mộ của ông nằm bên trái, mộ bà bên phải. Bia mộ ông Denis Lê Phát An chỉ ghi ngày và nơi mất (17.9.1946 tại Saigon, thọ 78 tuổi) mà không ghi năm sinh. Mộ của bà (Anna Trần Thị Thơ) cũng thế, chỉ ghi mất tại Thủ Đức ngày 18.1.1932, thọ 60 tuổi. Có thể đoán ông sinh năm 1868, bà sinh năm 1872 nhưng bà lại mất trước ông 14 năm.
Tượng bà Trần Thị Thơ ôm bia mộ ông Lê Phát An |
Cái đẹp và cảm động là trước mộ của người vợ thì có tượng của người chồng đang quỳ cầu nguyện, ngược lại trước mộ của chồng là tượng người vợ ôm choàng lấy bia mộ. Hai pho tượng được tạc bằng đá cẩm thạch trắng, còn mộ phần bằng đá hoa cương. Tượng ông đầu đội khăn đóng, mặc áo dài quỳ trên gối, trước gối quỳ có đặt bó hoa ông đem tặng vợ mình. Ông có đôi mày rậm, đeo mục kỉnh, để ria mép. Hai bàn tay ông đan vào nhau đưa lên phía trước ngực, nét mặt thành kính nửa như đang cầu nguyện, nửa như đang thầm thì nói chuyện với bà…
Tượng của bà cũng quỳ trên gối, hai tay cầm 2 bó hoa huệ ôm choàng lấy bia mộ của chồng. Bà để đầu trần, tóc búi, đầu hơi cúi nhìn nghiêng vào mộ ông. Bà mặc áo dài cài nút thắt, cổ đeo dây chuyền có mặt ngọc, chân mang dép mũi hài. Ngón tay áp út của bàn tay trái và ngón giữa bàn tay phải có đeo nhẫn mặt đá hột to, cổ tay phải đeo vòng đá… Mộ và tượng do hai nhà kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng người Pháp là A.Contenay là Paul Ducuing thực hiện. Nét độc đáo của P.Ducuing là đã lột tả được thần thái của bà qua khuôn mặt phụ nữ Nam bộ thuần phác, đẹp và phúc hậu, đang nhìn vào mộ bia chồng với ánh mắt đầy yêu thương. Sự tinh tế của nhà điêu khắc không chỉ ở nét mặt biểu cảm, các nếp gấp quần áo mềm mại, uốn lượn mà thậm chí đến đường viền, những hoa văn chạm chìm trên mũi hài, trên chiếc gối thêu bà quỳ cũng được thể hiện một cách tuyệt mỹ… Nếu hai pho tượng của cha mẹ ông Lê Phát An (ông Lê Phát Đạt và bà Huỳnh Thị Tài) ở nhà thờ Huyện Sĩ được tạc trong tư thế “tĩnh” (nằm, nhắm mắt) thì hai pho tượng ở nhà thờ Hạnh Thông Tây trông sống động đến lạ lùng.
Tượng ông Lê Phát An cầu nguyện bên mộ vợ |
Lê Phát An là con trưởng của ông Lê Phát Đạt, từng du học bên Pháp. Về nước, ông và một số anh em ruột (trong đó có người em ruột là Lê Thị Bính cùng chồng là Nguyễn Hữu Hào - cha mẹ của Nam Phương Hoàng hậu) lên Đà Lạt mở đồn điền trồng trà và cà phê. Chính tại đây, ông là người đã “bắc nhịp cầu” để cô cháu xinh đẹp Nguyễn Hữu Thị Lan ra mắt Hoàng đế Bảo Đại. Năm 1934, cô Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Nam Phương Hoàng hậu. Quà mừng của ông Lê Phát Đạt tặng cháu ngoại (và vua Bảo Đại) là một triệu đồng Đông Dương (tương đương 20.000 lượng vàng vào thời điểm đó). Lê Phát An được Hoàng đế Bảo Đại phong tước An Định Vương, tước hiệu cao quý nhất của triều đình và chỉ phong cho một người duy nhất ở Nam Kỳ thuộc hàng dân dã…
*Mộ Huyện hàm Trịnh Khánh Tấn
Trong con hẻm 472 đường Trần Hưng Đạo (Q.5 - TP.HCM) có một ngôi nhà mồ cổ kính với lối kiến trúc khá độc đáo. Nhà mồ này chỉ nằm cách ngôi nhà mồ của Bác ngữ học Trương Vĩnh Ký (520 Trần Hưng Đạo) khoảng 100m, nhưng trông có vẻ bề thế, cổ kính hơn dù cũng được kiến trúc theo kiểu mái vòm Tây phương cổ điển. Trên nóc nhà mồ (cao khoảng 15m) có cây thánh giá, chung quanh có những cột hình tháp bút đâm thẳng lên trời tạo nên một cảm giác uy nghi. Những phù điêu đắp nổi hình hoa lá trên mái vòm, trên cửa chính hai bên nóc hông và cả trên đầu các cột xi măng mang đậm phong cách Tây phương. Theo ký hiệu lưu lại thì ngôi nhà mồ được xây dựng năm 1914 trên một khoảnh đất rộng chừng 40m2. Cổng chính có đắp dòng chữ Latinh trích từ Kinh thánh “Beati Mortui Qui in Domino Moriuntur” (Phúc thay những ai được chết trong vòng tay Chúa)... Trong nhà mồ có ba ngôi mộ đá nằm song song, đối diện với bàn thờ phía trong cùng. Tất cả đều không có bia, phần “tiểu sử” rất giản lược và những câu mang ý nghĩa tôn giáo được chạm khắc trực tiếp lên mặt mộ. Mộ bên phải là chủ nhân ngôi nhà mồ ghi : “Dominique-Thomas Trịnh Khánh Tấn, Tri huyện. Nằm huyệt này, chờ ngày sống lại hiển vinh. Sinh năm 1856. Qua đời ngày 23 Janvier 1913. Nguyện cho người này lên chốn nghỉ ngơi”. Mộ bên trái ghi: “Bà huyện Anna Lê Thị Gương. Sinh năm 1862. Qua đời ngày 10 Octobre 1922”. Kiến trúc tổng thể của cả hai mộ bằng đá trắng, nấm mộ hình hộp vuông, cao hơn 1m. Ở giữa là mộ người con gái của họ, tên Matta Trịnh Thị Tiết (sinh năm 1880, mất năm 1948, thọ 68 tuổi), màu đá đen và thấp hơn mộ song thân. Trên đầu mộ của bà (nghĩa là chính giữa nhà mồ) có tượng một thiên thần. Phía trong cùng là bàn thờ, ngoài các tượng thánh Công giáo còn có 2 bức vẽ truyền thần di ảnh ông bà.
Bên trong nhà mồ Huyện hàm Trịnh Khánh Tấn |
Trịnh Khánh Tấn là một viên chức được tín nhiệm và được chính quyền Pháp ở Nam kỳ phong hàm “Tri huyện danh dự” khu vực Chợ Quán. Ông là người đạo đức, gương mẫu nên đã soạn ra những cuốn sách dạy thiếu nhi, nam nữ thanh niên sống lành mạnh, ăn ở cho phải đạo. Đó là cuốn Học tập qui chánh, được viết bằng thể thơ lục bát (chữ quấc ngữ) với 1.850 câu đơn giản, dễ nhớ. Trong phần Dẫn nhập tác giả ghi: “Sách nầy in ra để cho con trẻ, Nam, Nữ, các trường quấc ngữ trong các họ; hay là những trường sơ học, tập đọc, viết cho trúng tiếng An-Nam ta, và dạy nó phép tắc nết na, hiếu thảo với cha mẹ, ra sức học lễ nghi, gắng công tập chữ nghĩa, biết làm ăn chín chắn ở đời với người ta, đến khi sau khôn lớn học thêm, đặng mà giữ gìn giềng mối trong ngoài, cho khỏi sự nghèo nàn khốn cực, đã được nên tiếng tốt, lại thơm danh cha mẹ, thì cuốn nầy có ích biết là chừng nào! …Chợ Quán, ngày 15 tháng ba An-Nam 1909. DOMINIQUE-THOMAS TRỊNH KHÁNH TẤN, Tri huyện Honoraire”. Sách được soạn vào năm 1909 nhưng mãi đến ngày 1.7.1921 mới được xuất bản tại Nhà in Nhà Chung (de la Mision Sài Gòn - Tân Định - đây là nhà in Công giáo xưa nhất, hoạt động từ năm 1865 đến năm 1943). Trước đó, năm 1914, sau khi ông mất 1 năm, Nhà in Nhà Chung cũng đã in cuốn Cang thường lược luận của ông. Đây là quyển sách giáo huấn thanh niên nam nữ được nhiều người đương thời khen tặng.
*Ba ngôi mộ không có nấm mồ
Nằm ở góc ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng, ít ai biết có ngôi nhà mồ cổ, nơi an nghỉ của một người rất nổi tiếng : danh nhân Trương Vĩnh Ký, được ghi nhận là một trong 18 nhà bác học của thế giới ở thế kỷ 19, là người Việt Nam duy nhất và cũng là người hiếm hoi của nhân loại thời đó thông thạo đến 26 thứ tiếng…
Mộ cụ Trương Vĩnh Ký ở giữa, bên phải là mộ của vợ ông và bên trái là mộ của con trai trưởng |
Nhà mồ hình bát giác (rộng khoảng 50m2) được trổ 3 cửa theo 3 hướng, là một kiến trúc kết hợp Đông Tây rất hài hòa và mỹ thuật (nhà xây kiểu Pháp kết hợp các họa tiết Đông phương) trông thật trang nhã, nhẹ nhàng… Mái lợp ngói theo hình nan hoa rẽ quạt (8 cánh) mà chóp mái (tâm điểm) là cây thánh giá. Trên những đường riềm nối mái đều đắp nổi những con rồng, đuôi phía nóc mái uốn lượn xuống, đầu ngước lên, ở phần mái đao cũng có cây thánh giá… Phần “đông tây- kim cổ” hòa điệu không chỉ ở nghệ thuật kiến trúc mà còn ở “văn chương, chữ nghĩa”, ở hai bên cửa nhà mồ phía chính diện nhìn ra đường Trần Bình Trọng có khắc câu đối bằng chữ Hán “Văn chương hồi địa trục/Khí phách quán thiên đường”, nhưng trên nóc cửa lại ghi dòng chữ Latinh “Fone Vitae Eruditio possidentis” (Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó). Tương tự ở cửa phụ nhà mồ (hướng đường Trần Hưng Đạo) hai bên cửa cũng có khắc đôi câu đối bằng chữ Hán và trên cửa có dòng chữ Latinh “Miseremini Mei Saltem Vcs Amici Mei” (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi). Cả hai câu Latinh, câu đầu là để khẳng định tư duy của một nhà trí thức, câu sau lại cám cảnh về một phận người rơi vào hoàn cảnh, thời điểm quá éo le và cảm thấy rất cô độc…
Một con người có sở học uyên bác đến độ được đội ngũ trí thức trên thế giới vào thế kỷ 19 tôn phong vào vị trí “Thập bát văn hào” nhưng khi mất lại không muốn có một bia mộ, thậm chí một nấm mồ cho riêng mình và cả những người thân (chính Trương Vĩnh Ký đích thân thiết kế và coi sóc việc xây dựng nhà mồ, dòng chữ lưu dấu tháng năm hoàn thành công trình còn được chạm nổi trên nóc nhà mồ “Decembre 1898” - cũng là năm ông mất). Ngay chính giữa nhà mồ là ba phần mộ được lát bằng phẳng với nền nhà (nếu không tinh ý rất dễ nhầm lẫn là nền nhà). Phải nhìn kỹ mới thấy ba tấm đá khác màu có chiều rộng khoảng 1m, dài 2m, nằm hàng ngang đối diện với đài thờ sát tường trong cùng. Mộ cụ Trương Vĩnh Ký ở chính giữa, là tấm đá trắng đã ngả sang màu vàng nhạt, được trang trí quanh viền bằng một dây lá không hoa đơn sơ, trong được khắc vài dòng chữ cực kỳ giản lược : “J.B Petrus Trương Vĩnh Ký” (2 chữ viết tắt là tên thánh Jean Baptiste). Tấm “bia” nằm này không ghi ngày tháng năm sinh của ông (6.12.1837) nhưng lại ghi rõ ngày ông mất 1.9.1898. Nằm bên phải là mộ phần của vợ ông (bà Vương Thị Thọ), bên trái là con trai trưởng (Trương Vĩnh Thế), hai phần mộ này có màu đá sậm hơn (bà Vương Thị Thọ mất sau chồng 7 năm) nhưng mộ của bà và con trai đã có nhiều chỗ bị tróc hỏng… Trần nhà mồ được vẽ lân mã đang vờn nhau trong vòng tròn mây gió…
*Mộ cha Wibaux
Trong khuôn viên Đại chủng viện Thánh Giuse, ở sau ngôi nhà nguyện nhỏ có một ngôi mộ nằm trong nhà mồ có kiến trúc rất đẹp. Đó là mộ của linh mục Wibaux, người sáng lập Chủng viện này, được xây dựng trên một khu đất rộng, có dòng suối nhân tạo uốn quanh... Nhà mồ trông như một thánh đường có kiến trúc Gothic nhưng diện tích chỉ khoảng hơn 20m2. Nhà hình tứ giác, mái vòm, trổ 3 cửa. Trên mỗi cửa đều có tháp hình tam giác gắn thánh giá trên đỉnh, hai bên tháp chính còn có những tháp phụ, nhỏ và nhọn đâm thẳng lên trời trông rất thanh thoát. Ở cửa chính vào nhà mồ có cổng song sắt cao không quá đầu người, hai cửa hông thì rào song sắt (không có cổng) để tạo độ thông thoáng…
Chính giữa nhà mồ là mộ cha Wibaux. Mộ có hai cấp, cấp bên dưới bằng đá trắng dài khoảng 2m, cao hơn 1m, có trang trí ba ô hình cửa vòm. Cấp trên bằng đá xám dài khoảng 1,2m cao chừng 0,6m, nắp mộ đắp nổi hình thánh giá. Chung quanh bốn vách thành đá xám đều có khắc những dòng chữ Latinh. Mặt trước ghi: “Théodore Wibaux. Sacerdos Gallicus. Soliet.Miss. Ad Exter.Provic.Apost.Cocinc.Occid. Hujus Seminarii Pater. Primusque Rector. Obdorn. In dno. Anno 1877. Die 7. Octob” (Théodore Wibaux. Linh mục người Pháp thuộc Hội Thừa sai hải ngoại. Giám quản Tông tòa Tây Đàng Trong. Cha khai sinh và là Giám đốc đầu tiên của Chủng viện này. Từ trần ngày 7.10.1877). Ba mặt vách mộ còn lại khắc những câu Kinh thánh... Ở chính giữa bức tường hậu có tượng bán thân cha Wibaux với khuôn mặt đẹp quắc thước, râu hai chòm, mặc áo dòng có hàng nút áo chạy dài đặc trưng của tu sĩ Công giáo xưa. Dưới tượng có gắn bảng đá đen ghi: “Corona senum filii filiorum gloria filiorum patres. Anno satulis 1913, seminarii erecti quinquagesimo, Concincinae sacerdotes patri dedecaverun” (Triều thiên của bậc lão niên là đàn con cháu. Vinh quang của con cháu là những bậc cha ông. Năm 1913 các linh mục Đông Dương hiến lập mộ cha, kỷ niệm 50 năm thành lập Chủng viện).
Cha Wibaux sinh năm 1820 tại Roubaix, miền bắc nước Pháp. Chịu chức linh mục năm 1846 và được Hội Thừa sai Paris phái đến Đàng Trong Việt Nam tháng 1.1860. Ngài được giao nhiệm vụ thành lập Chủng viện từ năm 1863 và bắt đầu xây dựng cơ ngơi, mãi đến năm 1871 mới hoàn thành. Sáu năm sau (1877) cha Wibaux qua đời…
Hà Đình Nguyên
Từ khóa » Mộ ông Bà Huyện Sĩ
-
Độc đáo Mộ Cổ Sài Gòn: Nơi An Nghỉ Của đệ Nhất Hào Phú Nam Kỳ
-
Chùm ành: Lăng Mộ Của Huyện Sỹ - Người Giàu Nhất Sài Gòn Xưa
-
Lăng Mộ Cổ Tráng Lệ Của đại Gia Sài Gòn Xưa - Báo Kiến Thức
-
Độc đáo Mộ Cổ Sài Gòn: Nơi An Nghỉ Của đệ Nhất Hào Phú Nam Kỳ
-
Lăng Mộ Cổ Tráng Lệ Của đại Gia Sài Gòn Xưa - Vietnamnet
-
Nhà Mồ Của đại Gia Giàu Nhất Sài Gòn Xưa Trong Nhà Thờ Huyện Sĩ
-
Nơi Yên Nghỉ Của Vợ Chồng Phú Hộ Giàu Nhất Xứ Nam Kỳ - PLO
-
'Đại Gia' đất Nam Kỳ - Bài 2: Ông Huyện Sỹ - Người Giàu Nhất Đông ...
-
Lê Phát An – Wikipedia Tiếng Việt
-
Ông Huyện Sỹ: Đại Hào Phú Sài Gòn Và Mối Quan Hệ Với Nam ...
-
Huyện Sỹ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lăng Mộ đặc Biệt Của đại Gia Số Một Sài Gòn Xưa - Kiến Thức